BỘ NỘI VỤ-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 256-TT-LB | Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 1962 |
QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CƠ QUAN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐỊA PHƯƠNG
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Kính gửi: Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh
Để kiện toàn tổ chức các cơ quan Giao thông vận tải địa phương, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phát triển, giao thông vận tải đúng với tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III liên Bộ Giao thông vận tải - Nội vụ quy định nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan Giao thông vận tải địa phương như sau:
1. Sở, Ty Giao thông vận tải là cơ quan quản lý toàn bộ công tác giao thông vận tải trong khu, tỉnh chịu trách nhiệm trước Uỷ ban hành chính khu hoặc tỉnh và trước Bộ Giao thông vận tải trong việc tổ chức, chỉ đạo và thực hiện công tác giao thông vận tải đúng với đường lối, chủ trương, kế hoạch của Nhà nước và phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá, trị an của nhân dân trong địa phương.
2. Sở, Ty Giao thông vận tải có nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Bảo đảm thực hiện đúng đắn các chủ trương, chính sách, luật lệ của Nhà nước; các chỉ thị, thông tư, quyết định của Bộ Giao thông vận tải và các Uỷ ban hành chính địa phương về công tác giao thông vận tải;
b) Căn cứ kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải và yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá trong địa phương, lập kế hoạch xây dựng phát triển giao thông vận tải trình uỷ ban hành chính địa phương duyệt (nếu là kế hoạch của địa phương giao) và thông qua Uỷ ban hành chính trình Bộ duyệt, (nếu là kế hoạch của Bộ giao); tổ chức và chỉ đạo thực hiện kế hoạch ấy;
c) Tổ chức và chỉ đạo công tác xây dựng các công trình giao thông về đường bộ, đường thuỷ của địa phương và của trung ương giao;
d) Tổ chức và chỉ đạo công tác bảo dưỡng đường bộ, đường thuỷ, bến tầu, bến xe, bến đò và những công trình giao thông khác trong địa phương theo sự phân cấp quản lý của trung ương; bảo đảm giao thông vận tải thường xuyên, liên tục và năng lực sử dụng công trình ngày một nâng cao;
đ) Tổ chức và chỉ đạo công tác vận tải bằng đường bộ và đường thuỷ, bảo đảm nhu cầu giao thông vận tải của địa phương cũng như của trung ương giao;
e) Tổ chức và chỉ đạo công tác sửa chữa và chế tạo các phương tiện vận tải thô sơ cải tiến và bán cơ giới, kịp đáp ứng với nhu cầu phát triển vận tải trong địa phương;
g) Tổ chức việc điều hoà các phương tiện vận tải của các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, cơ quan Nhà nước và hợp tác xã vận tải trong địa phương nhằm hợp lý hoá việc sử dụng các phương tiện vận tải;
h) Tổ chức việc đăng ký, kiểm tra an toàn kỹ thuật các phương tiện vận tải; phối hợp với ngành Công an sát hạch lái xe và cấp giấy phép kinh doanh cho các chủ phương tiện vận tải trong địa phương theo các quy định của Nhà nước và của Bộ Giao thông vận tải;
i) Tổ chức và chỉ đạo công tác xây dựng giao thông vận tải nông thôn, miền núi, bảo đảm phục vụ sự đi lại và yêu cầu đẩy mạnh sản xuất phát triển văn hoá của nhân dân; hướng dẫn nhân dân phát triển và cải tiến các công cụ vận tải thực hiện giải phóng đôi vai;
k) Tổ chức và chỉ đạo việc cải tạo vận tải tư nhân; xây dựng các công tư hợp doanh và hợp tác xã vận tải, các hợp tác xã sửa chữa hoặc sản xuất các phương tiện vận tải, đúng với chính sách của Nhà nước.
3. Căn cứ vào các nhiệm vụ quy định trên đây, tuỳ theo khối lượng công tác và sự cần thiết, mỗi Sở, Ty có thể có các bộ phận chuyên trách như sau: vận tải; kiến thiết cơ bản; quản lý đường sá; phát triển đường nông thôn, miền núi, cung cấp vật tư; kế hoạch; hành chính quản trị v.v…(Những bộ phận này có thể tổ chức riêng hoặc ghép chung với nhau).
4. Để trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ quy định ở trên Sở, Ty Giao thông vận tải tùy theo tình hình thực tế và yêu cầu phát triển của địa phương có thể xây dựng các cơ sở sản xuất trực thuộc như sau:
- Đoạn bảo dưỡng đường ô-tô;
- Đoạn hoặc Trạm bảo dưỡng đường sông;
- Các đội công trình làm cầu, đường;
- Đội khảo sát thiết kế;
- Công ty vận tải quốc doanh ô-tô;
- Công ty vận tải quốc doanh đường sông;
- Xưởng sửa chữa hoặc sản xuất phương tiện vận tải cải tiến, bán cơ giới;
- Công tư hợp doanh vận tải, sản xuất và sửa chữa phương tiện vận tải;
- Bến sông.
Nhiệm vụ về giao thông vận tải ở cấp huyện như sau:
a) Bảo đảm chấp hành đúng đắn các luật lệ của Nhà nước, các chỉ thị, thông tư của Uỷ ban hành chính về các mặt công tác giao thông vận tải;
b) Tổ chức thực hiện kế hoạch giao thông vận tải trong huyện theo chỉ thị của Uỷ ban hành chính và chỉ đạo của cơ quan giao thông vận tải cấp trên;
c) Hướng dẫn nhân dân phát triển và cải tiến các loại phương tiện vận tải phục vụ đẩy mạnh sản xuất và cải thiện đời sống nông thôn;
d) Quản lý các hợp tác xã và các tổ chức kinh doanh vận tải trong huyện theo sự phân cấp của tỉnh;
đ) Tổ chức việc đăng ký và kiểm tra an toàn kỹ thuật các phương tiện vận tải trong huyện theo các quy định của Nhà nước và của Bộ Giao thông vận tải; quản lý các phương tiện vận tải đó và điều động phương tiện phục vụ nhu cầu vận tải;
e) Tuyên truyền giáo dục nhân dân tuân theo các luật lệ giao thông vận tải; vận động nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ các công trình giao thông vận tải;
Công tác giao thông vận tải ở cấp huyện do Uỷ ban hành chính huyện chịu trách nhiệm. Tuỳ theo khối lượng công tác nhiều ít Uỷ ban có thể sắp xếp một số cán bộ chuyên trách nằm trong Phòng Nông nghiệp huyện. Riêng các huyện, châu miền núi có thể có Phòng Giao thông vận tải chuyên trách riêng.
Nhiệm vụ về giao thông vận tải ở xã như sau:
a) Lập kế hoạch xây dựng phát triển giao thông vận tải trong xã phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, văn hoá của xã;
b) Tổ chức và hướng dẫn nhân dân xây dựng các đường giao thông trong xã;
c) Hướng dẫn nhân dân phát triển và cải tiến các phương tiện vận tải; đẩy mạnh phong trào giải phóng đôi vai;
d) Quản lý các lực lượng vận tải chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp trong xã, quản lý các bến đò của xã;
đ) Tuyên truyền, giáo dục nhân dân tuân theo các luật lệ giao thông vận tải; vận động và tổ chức nhân dân tham gia công tác xây dựng, bảo vệ những công trình giao thông vận tải công cộng.
Công tác giao thông vận tải ở xã do Uỷ ban hành chính xã phụ trách. Một uỷ viên được sự phân công của Uỷ ban hành chính xã chịu trách nhiệm cả về công tác giao thông và thuỷ lợi trong xã.
Thông tư này quy định nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan, bộ phận giao thông vận tải từ khu, tỉnh cho đến xã; riêng đối với thành phố trực thuộc trung ương sẽ có quy định riêng.
Căn cứ thông tư này, các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh tuỳ theo nhiệm vụ, khối lượng công tác và hoàn cảnh thực tế của địa phương, theo phương châm gọn, nhẹ, có hiệu suất cao, hết sức tránh phân tán, tránh trung gian mà quyết định việc tổ chức cơ quan Giao thông vận tải của địa phương cho phù hợp.
K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ | BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông tư 220-TT năm 1961 về việc chấn chỉnh và tăng cường xây dựng các cơ sở giao thông vận tải địa phương do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Công văn 6335/VPCP-KGVX năm 2013 nhiệm vụ giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện theo các kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Thông tư 220-TT năm 1961 về việc chấn chỉnh và tăng cường xây dựng các cơ sở giao thông vận tải địa phương do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Công văn 6335/VPCP-KGVX năm 2013 nhiệm vụ giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện theo các kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông tư liên bộ 256-TT-LB năm 1962 quy định nhiệm vụ, quyền hạn cơ quan Giao thông vận tải địa phương do Bộ Nội vụ - Bộ Giao thông vận tải ban hành
- Số hiệu: 256-TT-LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 05/10/1962
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ
- Người ký: Lê Tất Đắc, Phan Trọng Tuệ
- Ngày công báo: 07/11/1962
- Số công báo: Số 42
- Ngày hiệu lực: 20/10/1962
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định