BỘ CÔNG AN-BỘ NỘI VỤ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1801/TTLB | Hà Nội , ngày 24 tháng 12 năm 1957 |
CỦA BỘ NỘI VỤ - CÔNG AN SỐ 1801/TTLB NGÀY 24 THÁNG 12 NĂM 1957 VỀ VIỆC CẤP PHÁT GIẤY CHỨNG MINH
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
Kính gửi:
| Các Uỷ ban hành chính liên khu, khu, thành phố và tỉnh; Các ông Giám đốc khu, sở Công an; Các ông Trưởng ty công an |
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 577/TTg ngày 27-11-1957 về việc cấp phát giấy chững minh cho nhân dân. Thông tư này nói rõ thêm một số điểm cần thiết và quy định một số vấn đề cụ thể trong việc cấp phát giấy chứng minh ở các thành phố, thị xã, thị trấn.
I- MỤC ĐÍCH CẤP PHÁT GIẤY CHỨNG MINH
Hiện nay nhân dân chưa có một giấy tờ gì chính thức và thống nhất để chứng thực căn cước của mình khi cần đến nên trong khi giao dịch hàng ngày, nhiều người vẫn phải tạm dùng giấy thông hành, sổ hộ tịch, hay các loại giấy tờ cũ của địa phương trước đây như thẻ căn cước, thẻ kiểm tra, v.v., vì vậy cần phải cấp phát cho nhân dân một loại giấy chứng minh thống nhất và bảo đảm căn cước chính xác để dùng trong nhiều trường hợp cần thiết hàng ngày như giao dịch mua bán, tìm công ăn việc làm, mua hàng ở mậu dịch, nhận tiền ở ngân hàng, nhận bưu kiện, thư bảo đảm ở bưu điện, v.v...
II- NGUYÊN TẮC CẤP PHÁT GIẤY CHỨNG MINH
Do mục đích trên trước hết là do sự cần thiết của nhân dân trong việc giao dịch làm ăn hàng ngày nên điều 2 của nghị định quy định: Giấy chứng minh sẽ cấp cho tất cả mọi người dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, trừ những người bị bệnh điên thì không được cấp.
Cán bộ, công nhân viên của Chính phủ cũng được cấp giấy chứng minh như nhân dân mặc dù đã có chứng minh thư của cơ quan và dần dần cán bộ và nhân dân sẽ thống nhất chỉ dùng một loại giấy chứng minh này.
Quân nhân tại ngũ có giấy chứng minh riêng của quân đội, khi giải ngũ về địa phương thì sẽ được cấp giấy chứng minh này.
Vì trong điều kiện nay chưa có thể tiến hành cấp phát giấy chứng minh cho toàn thể nhân dân trong nước được nên bước đầu chỉ tổ chức cấp phát ở các thành phố, thị xã, thị trấn trước; khi nào có đủ điều kiện sẽ tổ chức cấp phát ở nông thôn sau.
Việc cấp phát giấy chững minh là một việc rất quan trọng, rất mới mẻ, hơn nữa lại phải làm xong trong một thời gian nhất định nên không khỏi sẽ có nhiều khó khăn phức tạp, vì vậy cần phải chuẩn bị thật chu đáo.
Muốn cho việc đó tiến hành được tốt, ở mỗi thành phố, thị xã, thị trấn cần tổ chức một ban lãnh đạo gồm có đại biểu Uỷ ban hành chính, Văn hoá, Công an; đại biểu Uỷ ban hành chính làm trưởng ban. Có thể mời đại biểu Mặt trận tham gia ban lãnh đạo hoặc góp ý kiến vào việc tiến hành cấp giấy chứng minh.
Ban lãnh đạo có nhiệm vụ tổ chức, lãnh đạo toàn bộ công tác cấp phát giấy chứng minh bao gồm việc đặt kế hoạch cấp phát, việc tổ chức bộ máy thi hành, việc giáo dục huấn luyện cho cán bộ, nhân viên công tác, việc tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nhân dân, việc kiểm tra đôn đốc sự thực hiện, và việc tổng kết toàn bộ công tác cấp phát sau khi đã làm xong.
Để cho việc cấp phát được thuận tiện cho nhân dân cần chia ra nhiều đơn vị cấp phát (ở các thành phố lớn, thị xã lấy đồn công an làm đơn vị ở các thị xã, thị trấn theo đơn vị phụ trách của hai hoặc ba hộ tịch viên). Ở mỗi đơn vị tuỳ theo số lượng nhân dân nhiều ít mà bố trí sắp xếp cán bộ, nhân viên để đủ khả năng phục vụ trong thời gian quy định. Đối với cán bộ, nhân viên, công nhân của Chính phủ thì tổ chức cấp phát riêng. Sau khi cấp phát xong cho đại bộ phận nhân dân trong thời hạn đã quy định các đồn công an cần có kế hoạch tiếp tục cấp phát thường xuyên cho những người còn sót lại và những người đến tuổi được cấp giấy chứng minh.
IV - NHỮNG ĐIỀU CẦN PHỔ BIẾN CHO NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG MINH
Điều 6 của Nghị định đã quy định một số trường hợp cụ thể để bảo đảm giá trị của giấy chứng minh nhưng cũng cần phổ biến cho những người được cấp giấy chứng minh biết rõ những điểm sau đây:
Phải mang luôn giấy chứng minh trong mình để dùng trong những trường hợp cần thiết.
Phải giữ gìn cẩn thận giấy chứng minh, không để hỏng, để mất.
Khi thay đổi chỗ ở, cần trình giấy chứng minh cho công an nơi đi và nơi đến để chứng nhận;
Khi mất giấy chứng minh, trong hạn 24 giờ phải báo cáo với Uỷ ban hành chính hoặc công an địa phương.
Khi giấy chứng minh hết hạn hoặc bị hư hỏng, không dùng được nữa phải xin cấp giấy khác.
Việc cấp phát giấy chứng minh là một việc rất quan trọng, nó trực tiếp phục vụ lợi ích thiết thân của nhân dân và góp phần tích cực vào việc bảo vệ trật tự trị an chung. Vì vậy mong Uỷ ban hành chính và Công an các cấp khu, thành, tỉnh, thị xã, thih trấn nghiên cứu kỹ kế hoạch cụ thể thi hành thông tư này để đạt kết quả tốt.
Thời gian thực hiện ở mỗi địa phương sẽ quy định sau.
Tô Quang Đẩu (Đã ký) | Trần Quốc Hoàn (Đã ký) |
- 1Thông tư 184-P3-1965 hướng dẫn thi hành Nghị định 150-CP-1964 về việc cấp giấy chứng minh do Bộ Công an ban hành
- 2Nghị định 577-TTg năm 1957 về đặt giấy chứng minh và quy định thể lệ cấp phát giấy chứng minh do Thủ Tướng ban hành.
- 3Thông tư 205-TTg năm 1958 về việc cấp giấy chứng minh cho cán bộ trong năm 1958-1959 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Thông tư liên bộ 1801/TTLB năm 1957 về việc cấp phát giấy chứng minh do Bộ Công An; Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 1801/TTLB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 24/12/1957
- Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Nội vụ
- Người ký: Tô Quang Đẩu, Trần Quốc Hoàn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 56
- Ngày hiệu lực: 08/01/1958
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định