Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-TT/LB

Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 1984

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH - GIAO THÔNG VẬN TẢI SỐ 18/TTLT  NGÀY 3-4-1984 HƯỚNG DẪN VIỆC TRÍCH NỘP 10% LỢI NHUẬN CỦA NGÀNH VẬN TẢI ĐƯỜNG SẮT CHO NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 138-HĐBT NGÀY 19-11-1983 CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Điều 7, mục II Nghị quyết số 138-HĐBT ngày 19-11-1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc cải tiến chế độ phân cấp ngân sách cho địa phương, liên Bộ Tài chính - Giao thông vận tải hướng dẫn việc điều tiết 10% lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước của ngành vận tải đường sắt cho ngân sách các tỉnh, thành phố như sau:

1- Tất cả các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua đều được hưởng khoản thu về trích nộp lợi nhuận của ngành vận tải đường sắt vào ngân sách.

2- Mức trích từ lợi nhuận nộp ngân sách Nhà nước của ngành vận tải đường sắt để phân phối cho các địa phương được ấn định bằng 10% số lợi nhuận phải nộp ngân sách Nhà nước cả năm của khối vận tải đường sắt.

Hàng năm, Tổng cục đường sắt cùng Bộ Tài chính căn cứ vào số lao động và quỹ lương kế hoạch của các đơn vị vận tải đường sắt ở tại địa bàn các tỉnh, thành phố (bao gồm các ga, các trạm của đoạn đầu máy, đoạn toa xe, cầu đường, thông tin tín hiệu và công tác trên tầu) để xác định và phân phối số trích 10% lợi nhuận trích nộp nói trên cho các địa phương.

Mức trích từ lợi nhuận trích nộp vào ngân sách Nhà nước của khối vận tải đường sắt vào ngân sách địa phương từng tỉnh, thành phố bằng số trích 10% lợi nhuận trích nộp ngân sách của khối vận tải đường sắt nhân với quỹ lương kế hoạch của cán bộ công nhân viên vận tải đường sắt ở tại địa bàn tỉnh, thành phố và chia cho quỹ lương kế hoạch được duyệt của toàn khối vận tải đường sắt.

3- Trên cơ sở kế hoạch năm đã được xác định và thông báo cho từng địa phương và căn cứ vào tình hình thực hiện chỉ tiêu tài chính của khối vận tải, hàng quý, Tổng cục đường sắt trích chuyển vào ngân sách địa phương khoản trích nộp lợi nhuận theo quy định nói trên và báo cáo liên Bộ trong quyết toán của mình.

Ngành vận tải đường sắt được hạch toán khoản trích lợi nhuận phải nộp vào ngân sách địa phương này chung vào chỉ tiêu nộp lợi nhuận.

Kế toán khoản trích nộp lợi nhuận vào ngân sách địa phương tiến hành như kế toán trích nộp lợi nhuận vào ngân sách Trung ương, nhưng trong các bảng tổng kết tài sản và báo biểu số 10-VTBX/TC (lãi, lỗ và các khoản thanh toán với ngân sách) phải có thêm dòng chi tiết về trích nộp lợi nhuận vào ngân sách địa phương.

Sau khi quyết toán được duyệt, số trích vào ngân sách địa phương thừa hay thiếu được điều chỉnh vào kế hoạch năm sau.

Các hoạt động khác của ngành đường sắt như các xí nghiệp công nghiệp, các đơn vị xây lắp, các Công ty phục vụ là những đơn vị hạch toán kinh tế độc lập vẫn áp dụng chế độ trích nộp lợi nhuận vào ngân sách Nhà nước và điều tiết cho ngân sách địa phương như đối với các xí nghiệp Trung ương khác đóng tại địa phương.

Việc trích nộp quỹ phúc lợi của các xí nghiệp đường sắt cho ngân sách địa phương áp dụng theo chế độ chung do Bộ Tài chính hướng dẫn.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-1984.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì khó khăn, vướng mắc, đề nghị các Sở Tài chính báo cáo liên Bộ biết để kịp thời giải quyết.

Lê Khả

(Đã ký)

Lý Tài Luận

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên Bộ 18-TT/LB năm 1984 hướng dẫn trích nộp 10% lợi nhuận của ngành vận tải đường sắt cho ngân sách địa phương theo Nghị quyết số 138-HĐBT do Bộ Giao thông vận tải; Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 18-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 03/04/1984
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Khả, Lý Tài Luận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 11
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1984
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản