Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG - BỘ Y TẾ
*******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số : 13-TT/LB

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 1968

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ TỰ KIỂM TRA VỀ KỸ THUẬT AN TOÀN VÀ VỆ SINH LAO ĐỘNG TẠI XÍ NGHIỆP

Kính gửi :

- Các Bộ, Tổng cục, các cơ quan ngang Bộ,
- Các Sở, Ty lao động,
- Các Sở, Ty y tế.

 

Điều lệ tạm thời về bảo hộ lao động do Hội đồng Chính phủ ban hành kèm theo nghị định số 181-CP ngày 18 tháng 12 năm 1964, quy định tại điều 18 trách nhiệm của giám đốc xí nghiệp phải tổ chức việc kiểm tra về kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động trong xí nghiệp mình.

Để thi hành tốt chế độ này, làm cho công tác bảo hộ lao động của xí nghiệp chuyển biến mạnh mẽ, Liên bộ Lao động – Y tế hướng dẫn cụ thể việc tự kiểm tra về kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động của xí nghiệp như sau :

I. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH

Việc giám đốc xí nghiệp tổ chức kiểm tra về kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động trong xí nghiệp mình thể hiện rõ nguyên tắc quản lý xí nghiệp xã hội chủ nghĩa, người phụ trách sản xuất phải phụ trách về bảo hộ lao động. Thực hiện việc tự kiểm tra này, xí nghiệp sẽ thường xuyên nắm và chấn chỉnh công tác bảo hộ lao động trong đơn vị, xí nghiệp, sẽ tự phát hiện những thiếu sót về an toàn và vệ sinh, và phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, tự giải quyết lấy khó khăn, thực hiện kịp thời các biện pháp khắc phục các thiếu sót đó, để ngăn ngừa tai nạn lao động và bảo vệ sức khoẻ cho công nhân, cán bộ, đẩy mạnh sản xuất.

Đây là biện pháp công tác có tính chất quần chúng, có tác dụng vận động giáo dục đông đảo cán bộ, công nhân, làm cho cán bộ, công nhân, qua tự kiểm tra mà nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành các quy định về an toàn và vệ sinh, chống lối làm việc theo tập quán cũ, thiếu trật tự, thiếu vệ sinh, làm cho công tác bảo hộ lao động của xí nghiệp trở thành công tác của quần chúng, do quần chúng thực hiện và giám sát việc thi hành.

II. ĐỐI TƯỢNG TỰ KIỂM TRA

Chế độ tự kiểm tra về an toàn và vệ sinh áp dụng cho tất cả các xí nghiệp, các công trường, nông trường, lâm trường, các đơn vị vận tải, kinh doanh, các kho tàng, các đội máy kéo, các cơ quan nghiên cứu khoa học, các hợp tác xã tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp... (dưới đây gọi chung là xí nghiệp) thuộc trung ương cũng như thuộc địa phương quản lý và ở mỗi xí nghiệp sẽ thực hiện ở tổ sản xuất (hay tổ công tác), ở phân xưởng (hay đơn vị tương đương) và ở xí nghiệp.

III. NỘI DUNG TỰ KIỂM TRA

Tự kiểm tra của xí nghiệp là tự kiểm tra việc thực hiện chế độ trách nhiệm đối với công tác bảo hộ lao động của cán bộ chỉ đạo sản xuất, từ giám đốc xí nghiệp đến phân xưởng trưởng, tổ trưởng sản xuất và trưởng các bộ môn như đã quy định trong Thông tư số 04-LĐ/TT ngày 09 tháng 05 năm 1966 của Bộ Lao động và nói chung trách nhiệm của công nhân và cán bộ đối với công tác bảo hộ lao động như đã quy định trong Điều lệ bảo hộ lao động. Cụ thể nội dung tự kiểm tra là :

1. Đối với xí nghiệp.

- Kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bảo hộ lao động, gồm các biện pháp về kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động và tuyên truyền huấn luyện đã để ra trong kế hoạch, xem đã thực hiện được đến đâu, còn gì chưa thực hiện cần đôn đốc các phân xưởng, các bộ môn hoặc yêu cầu cơ quan quản lý cấp trên giải quyết ;

- Kiểm tra việc thực hiện đúng thời hạn những kiến nghị ghi trong các bản thanh tra về kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động ; những biện pháp kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động ghi trong các hợp đồng tập thể ký kết giữa giám đốc xí nghiệp và đại biểu công nhân và nhân viên ;

- Kiểm tra việc thực hiện các quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn đã ban hành ;

- Kiểm tra việc huấn luyện về kỹ thuật an toàn cho công nhân, cán bộ ;

- Kiểm tra điều kiện làm việc của công nhân các phân xưởng, địa điểm làm việc, việc bố trí mặt bằng nơi làm việc, việc che chắn máy móc, việc sử dụng điện, thuốc nổ, hoá chất, nồi hơi, việc chiếu sáng, thoát nước, thông gió, chống nóng, chống bụi, chống khí độc... xem có gì cần bổ sung thêm để đưa vào chương trình, kế hoạch tới, nhằm cải thiện điều kiện làm việc, giảm nhẹ lao động cho công nhân và cán bộ. Đặc biệt các xí nghiệp ở phân tán trong thành phố, sơ tán về nông thôn, làm việc trong hang núi, các xí nghiệp phục hồi sản xuất sau khi bị địch bắn phá cần chú trọng kiểm tra các mặt này ;

- Kiểm tra việc thực hiện các chế độ, thể lệ bảo hộ lao động như chế độ thì giờ làm việc, nghỉ ngơi, chế độ hội họp, học tập, trang bị bảo hộ lao động, bồi dưỡng bằng hiện vật cho công nhân làm những nghề đặc biệt độc hại đến sức khoẻ, việc tổ chức cho công nhân ăn ca 2, ca 3, việc thực hiện các chế độ bảo vệ nữ công nhân, việc tổ chức khám sức khoẻ, phòng bệnh và chữa bệnh cho công nhân... ;

- Kiểm tra việc thi hành thể lệ về khai báo, điều tra và thống kê báo cáo đúng đắn các biện pháp để ngăn ngừa tai nạn tái diễn ;

- Kiểm tra về trật tự vệ sinh nơi ăn ở của công nhân, việc sử dụng và bảo quản các công trình vệ sinh ;

- Kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong phòng không (hầm trú ẩn, hào giao thông, lối thoát, tín hiệu báo động, tổ chức cứu sập hầm, sơ cứu và cấp cứu nạn nhân, v.v...);

- Tuỳ từng thời kỳ, xí nghiệp có thể tổ chức những cuộc kiểm tra chuyên đề đi sâu vào các vấn đề kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động của xí nghiệp (kiểm tra riêng về điện, về thuốc nổ, hoá chất độc, khí độc, kiểm tra trước khi khởi công, trước mùa nắng, mùa mưa, mùa rét...)

2. Đối với phân xưởng (hay đơn vị tương đương).

Ngoài nội dung kiểm tra tương tự như đã nói trên đối với xí nghiệp, phải chú trọng  kiểm tra việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn và vệ sinh lao động do xí nghiệp đã giao, tình hình chấp hành quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn, tình hình sử dụng, bảo quản các thiết bị an toàn vệ sinh, các trang bị, dụng cụ phòng hộ của công nhân trong phân xưởng.

3. Đối với tổ sản xuất.

- Kiểm tra việc chấp hành các quy trình thao tác, nội quy vệ sinh an toàn lao động, việc sử dụng các trang bị, dụng cụ phòng hộ của công nhân ;

- Kiểm tra vệ sinh và trật tự nơi làm việc ;

- Kiểm tra tình hình sử dụng đúng đắn các thiết bị an toàn và vệ sinh trong tổ, và xem có gì hư hỏng để sửa chữa hoặc báo cáo lên phân xưởng hay xí nghiệp để thay thế, sửa chữa;

- Kiểm tra tình hình thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn lao động trong phòng không (hầm trú ẩn, hào giao thông, túi cứu thương...).

IV. TỔ CHỨC, PHƯƠNG PHÁP, THỜI HẠN TỰ KIỂM TRA

1. Ở xí nghiệp.

Cần tổ chức đoàn kiểm tra của xí nghiệp, thành phần gồm có :

- Giám đốc hoặc phó giám đốc xí nghiệp phụ trách về bảo hộ lao động,

- Công đoàn xí nghiệp,

- Cán bộ bảo hộ lao động,

- Cán bộ y tế,

- Cán bộ kỹ thuật.

Ngoài ra, có thể có đại diện của Đảng uỷ, đoàn thanh niên.

Trước khi đi kiểm tra, đoàn phải có kế hoạch cụ thể dự kiến những vấn đề cần kiểm tra kỹ, phân công phụ trách từng vấn đề rồi thông báo cho toàn thể cán bộ, công nhân trong xí nghiệp biết trước 1, 2 ngày để mỗi người tự xem xét phần việc của mình và cố gắng tự sửa chữa những hiện tượng vi phạm quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn, đồng thời chuẩn bị để phát hiện với đoàn những thiếu sót trong công tác kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động của xí nghiệp.

Khi đi kiểm tra, để tranh thủ thời gian, đoàn kiểm tra của xí nghiệp sẽ chia thành nhóm đi các phân xưởng (không nhất thiết phải đi cả đoàn), nhưng mỗi nhóm phải có ít nhất 2 người. Trong cách làm, cần chú ý nhiều đến kết quả công việc, tránh cồng kềnh thiên về thủ tục hành chính, làm cho việc phát hiện không được sâu, giải quyết vấn đề không đến nơi đến chốn. Đối với phân xưởng lớn trước khi kiểm tra đoàn có thể nghe phân xưởng trưởng báo cáo về tình hình an toàn và vệ sinh, nhưng cần báo cáo gọn về những vấn đề cần thiết như việc thực hiện các biện pháp trong kế hoạch bảo hộ lao động đã được giao hoặc các biện pháp ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề, v.v... Trong khi đoàn đi kiểm tra, phân xưởng trưởng phải có mặt để hướng dẫn đoàn đến xem các công việc mình đã thực hiện và tiếp thu những ý kiến mới của đoàn. Để việc kiểm tra đạt nhiều kết quả, đoàn sẽ dựa vào sự phát hiện của quần chúng rộng rãi trong phân xưởng ; nếu thấy cần thiết đoàn có thể tranh thủ ngoài giờ sản xuất lấy thêm ý kiến của một bộ phận hay một tổ sản xuất về biện pháp giải quyết các thiếu sót đã phát hiện.

Sau khi kiểm tra, đoàn ghi vào Sổ biên bản kiểm tra về an toàn và vệ sinh của phân xương những thiếu sót đã phát hiện, nhắc lại các biện pháp đã đề ra thuộc trách nhiệm của phân xưởng nhưng chưa làm, hoặc đề ra các biện pháp mới và giao trách nhiệm cho phân xưởng thực hiện (có hạn định thời gian phải hoàn thành). Về các biện pháp thuộc phần trách nhiệm của xí nghiệp phải làm, cán bộ bảo hộ lao động và cán bộ y tế cơ sở phải ghi lại để tập hợp vào báo cáo tự kiểm tra của xí nghiệp và để nhắc nhở giám đốc xí nghiệp và trưởng các bộ môn thi hành.

Việc tự kiểm tra về an toàn và vệ sinh của xí nghiệp được thực hiện một quý ít nhất một lần, khoảng 5, 7 ngày trước cuộc họp kiểm điểm công tác quý hoặc trước hội nghị công nhân, viên chức toàn xí nghiệp hàng 6 tháng. Trong các cuộc họp này, cùng với việc kiểm điểm về sản xuất, cán bộ xí nghiệp hoặc công nhân, viên chức toàn xí nghiệp phải nhận xét, kiểm điểm về cả công tác kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động, dựa vào kết quả tự kiểm điểm do giám đốc xí nghiệp báo cáo để giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm cho mọi người và bàn bạc thêm về việc thực hiện các biện pháp khắc phục các thiếu sót trong công tác. Mặt khác, như điều 18 Điều lệ bảo hộ lao động đã quy định, giám đốc xí nghiệp khi báo cáo lên cấp trên về tình hình sản xuất hàng quý phải báo cáo cả tình hình bảo hộ lao động và công tác tự kiểm tra về an toàn và vệ sinh trong xí nghiệp.

2. Ở phân xưởng.

Ở phân xưởng cũng thành lập đoàn kiểm tra thành phần gồm có :

- Phân xưởng trưởng,

- Công đoàn phân xưởng,

- Cán bộ bảo hộ lao động (nếu có),

- Cán bộ y tế (nếu có),

- Cán bộ kỹ thuật.

Trước khi đi kiểm tra, trong đoàn cần hội ý để thống nhất về những vấn đề cần kiểm tra, và thông báo trước cho toàn thể công nhân, cán bộ trong phân xưởng biết để mọi người chuẩn bị giúp vào việc phát hiện các thiếu sót về kỹ thuật an toàn và về vệ sinh lao động. Khi đi kiểm tra, đoàn sẽ đề ra ngay cho các tổ những biện pháp phải làm để khắc phục thiếu sót đã phát hiện thuộc phạm vi khả năng giải quyết của tổ. Về các biện pháp thuộc phần trách nhiệm của phân xưởng phải làm, cán bộ bảo hộ lao động của phân xưởng phải ghi lại để tập hợp vào báo cáo tháng của phân xưởng và để đôn đốc phân xưởng thực hiện.

Việc tự kiểm tra của phân xưởng được thực hiện mỗi tháng một lần vào khoảng vài ba ngày trước cuộc họp kiểm điểm công tác tháng hoặc hội nghị công nhân viên chức hàng quý của phân xưởng. Trong các cuộc họp ấy phân xưởng trưởng phải báo cáo kết quả của việc tự kiểm tra để hội nghị phân tích, phê phán và giáo dục ý thức trách nhiệm cho cán bộ, công nhân. Khi làm báo cáo tháng lên xí nghiệp, phân xưởng trưởng phải báo cáo cả tình hình công tác bảo hộ lao động và tự kiểm tra về an toàn và vệ sinh của phân xưởng.

3. Ở tổ sản xuất.

Tổ trưởng sản xuất đi kiểm tra cùng với an toàn viên và vệ sinh viên của tổ. Việc tự kiểm tra của tổ được thực hiện mỗi tuần một lần vào hôm trước ngày kiểm điểm công tác của tổ (thí dụ ngày kiểm điểm công tác hàng tuần của tổ là thứ bảy thì nên tiến hành tự kiểm tra vào thứ sáu ...).

Việc tự kiểm tra về an toàn và vệ sinh của tổ cần làm gọn, nhẹ, nhưng phải được đặt ra thành một mặt quản lý của tổ,cũng như các mặt quản lý khác (nhân công, vật tư,...). Tổ trưởng sản xuất hàng ngày đã theo dõi tình hình an toàn lao động của tổ nên chỉ cần đến cuối giờ sản xuất cùng an toàn viên và vệ sinh viên đi kiểm tra lại một lượt. Hôm sau, khi họp kiểm điểm công tác hàng tuần, tổ trưởng đem kết quả của việc theo dõi và tự kiểm tra ra tổ cùng phân tích nhận xét bàn bạc biện pháp khắc phục các thiếu sót, phân công thực hiện trong tổ và sắp xếp thời giờ để ngày hôm đó hay hôm sau làm một số việc có thể làm ngay như cùng quét dọn, làm vệ sinh nơi làm việc, quét trần nhà, lau cửa kính, bắt lại các thiết bị cho chắc chắn v.v...

V. SỔ KIẾN NGHỊ VỀ AN TOÀN VÀ VỆ SINH

Để phát huy hơn nữa tính chất quần chúng của công tác tự kiểm tra, ở mỗi phân xưởng phải có một quyển sổ kiến nghị về an toàn vệ sinh để công nhân góp ý kiến về công tác bảo hộ lao động của xí nghiệp. Sổ này phải treo ở một nơi thuận tiện để công nhân có thể ghi ý kiến của mình lúc cần như trên đã nói (xem bản mẫu sổ kiến nghị và cách ghi trong sổ)[1]. Sổ này sẽ do cán bộ bảo hộ lao động của phân xưởng chịu trách nhiệm giữ và đôn đốc thực hiện những kiến nghị trong sổ. Nếu phân xưởng không có cán bộ bảo hộ lao động thì sổ kiến nghị sẽ do phân xưởng trưởng giao trách nhiệm cho một cán bộ giữ và theo dõi. Đối với phân xưởng lớn ở phân tán làm nhiều nơi, mỗi nơi phân tán phải có một sổ kiến nghị riêng do người phụ trách nơi phân tán chịu trách nhiệm giữ. Hàng tuần phân xưởng trưởng phải nghiên cứu những kiến nghị ghi trong sổ và có biện pháp thực hiện các kiến nghị đó được kịp thời.

VI. MẤY VẤN ĐỀ CẦN CHÚ Ý TRONG CÔNG TÁC TỰ KIỂM TRA VỀ AN TOÀN VÀ VỆ SINH

1. Việc xí nghiệp tổ chức kiểm tra về an toàn và vệ sinh là một việc làm bắt buộc nhưng đồng thời là một biện pháp vận động tự kiểm tra có tính chất quần chúng, do đó phải bảo đảm cho việc tự kiểm tra đạt yêu cầu vừa đôn đốc thực hiện, vừa giáo dục cho quần chúng tham gia rộng rãi vào công tác này, làm biến đổi tập quán làm ăn cũ, xây dựng tập quán làm ăn trật tự, an toàn và vệ sinh. Cho nên phải sử dụng tốt kết quả của việc tự kiểm tra để giáo dục công nhân, cán bộ trong các hội nghị sản xuất, hội nghị công nhân, viên chức, trong các tổ chức quần chúng, trong toàn xí nghiệp, trong phân xưởng, trong tổ sản xuất.

2. Xí nghiệp, phân xưởng hay tổ sản xuất phải phát huy tinh thần  tự lực cánh sinh trong việc giải quyết những thiếu sót sau mỗi đợt tự kiểm tra, cố gắng tự giải quyết lấy là chính, vấn đề nào xét không đủ khả năng giải quyết thì mới báo cáo lên cấp trên để giúp đỡ (tổ báo cáo lên phân xưởng, phân xưởng báo cáo lên xí nghiệp, xí nghiệp báo cáo lên ngành chủ quản). Việc xí nghiệp đề đạt lên cấp trên để giúp đỡ phải làm cho đến có kết quả, vì trách nhiệm chính trong việc khắc phục những thiếu sót về an toàn và vệ sinh lao động là của giám đốc xí nghiệp.

3. Phải coi việc lập Sổ kiến nghị về an toàn và vệ sinh để quần chúng ghi ý kiến và Sổ biên bản kiểm tra về an toàn và vệ sinh là một chế độ lao động, do đó cán bộ phụ trách xí nghiệp và phân xưởng phải có trách nhiệm thường xuyên nhắc nhở quần chúng thực hiện việc ghi kiến nghị được đều đặn cũng như phải tổ chức, gìn giữ sổ, và nghiên cứu giải quyết các kiến nghị trong các sổ một cách nghiêm chỉnh. Các đoàn thanh tra, kiểm tra của trung ương, hay của tỉnh về cũng kiểm tra cả việc nghiên cứu giải quyết các kiến nghị trong các sổ đó.

Liên bộ yêu cầu các giám đốc xí nghiệp, thủ trưởng các đơn vị có sử dụng công nhân, cơ quan nghiên cứu khoa học, phòng thí nghiệm nghiên cứu kỹ mục đích, ý nghĩa, nội dung của chế độ tự kiểm tra về an toàn và vệ sinh, và tổ chức phổ biến cho toàn thể công nhân, cán bộ trong đơn vị nắm vững để chấp hành đầy đủ các quy định trong thông tư này.

Các ngành, các cấp quản lý sản xuất phải kiểm tra đôn đốc các xí nghiệp thuộc quyền thực hiện nghiêm chỉnh việc tự kiểm tra về an toàn và vệ sinh, giao trách nhiệm cho cán bộ các bộ môn thuộc quyền khi đi kiểm tra việc thực hiện kế hoạch sản xuất phải kết hợp kiểm tra việc thực hiện công tác kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động và việc thực hiện chế độ tự kiểm tra này.

Các cơ quan lao động và y tế có trách nhiệm phối hợp với tổ chức công đoàn theo dõi và đôn đốc các xí nghiệp trong địa phương (kể cả các xí nghiệp của trung ương hoạt động tại địa phương) thực hiện tốt thông tư này, phổ biến kịp thời những kinh nghiệm hay của các nơi có làm tự kiểm tra cho các nơi khác cùng áp dụng.

Trong khi thi hành thông tư này, nếu gặp khó khăn vướng mắc đề nghị các ngành, các cấp phản ảnh cho Liên bộ để hướng dẫn giải thích thêm.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG




Bác sĩ Nguyễn Văn Tín

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Bùi Quỳ

 



[1] Không đăng mẫu sổ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 13-TT/LB năm 1968 hướng dẫn chế độ tự kiểm tra về kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động tại xí nghiệp do Bộ Lao động - Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 13-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 17/10/1968
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Y tế
  • Người ký: Nguyễn Văn Tín, Bùi Quỳ
  • Ngày công báo: 15/11/1968
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 01/11/1968
  • Ngày hết hiệu lực: 15/11/1998
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản