Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ, THÔNG TIN, THỂ THAO VÀ DU LỊCH-UỶ BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1191-TT/LB

Hà Nội , ngày 29 tháng 6 năm 1991

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ 

CỦA ỦY BAN KHOA HỌC NHÀ NƯỚC VÀ BỘ VĂN HÓA - THÔNG TIN - THỂ THAO VÀ DU LỊCH  SỐ  1191-TT/LB NGÀY 29-6-1991 VỀ VIỆC QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÃN VÀ QUẢNG CÁO SẢN PHẨM HÀNG HOÁ 

Trong thời gian qua, công tác thông tin quảng cáo sản phẩm, hàng hoá đã có những đóng góp nhất định vào việc thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần của nước ta. Song công tác quảng cáo sản phẩm, hàng hoá và quản lý nhãn (trong đó có vấn đề quản lý in và sử dụng nhãn sản phẩm và nhãn hiệu hàng hoá) đã bộc lộ nhiều thiếu sót: nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hoá thiếu cơ sở pháp lý và tính khoa học, thậm chí sai lệch về trình độ và mức chất lượng sản phẩm, hàng hoá, gây rối loạn thông tin, làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối với chất lượng sản phẩm, hàng hoá; đồng thời tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh trong sản xuất, buôn bán. Việc in và buôn bán nhãn và bao bì đã in sẵn nhãn sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá còn tuỳ tiện, đã tạo sơ hở cho hàng giả phát triển.

Hiện nay Nhà nước đã ban hành Luật báo chí, Pháp lệnh chất lượng hàng hoá; Nghị định về kiểm tra và xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả; Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch đã ra Chỉ thị về công tác quảng cáo số 738/VP ngày 10-8-1990. Để việc quản lý nhãn và quảng cáo sản phẩm, hàng hoá theo đúng pháp luật và thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh; Uỷ ban Khoa học Nhà nước và Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch thống nhất quy định như sau:

1. Quảng cáo sản phẩm hàng hoá là hoạt động nhằm cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin về sản xuất, buôn bán, về chất lượng, cách thức sử dụng và bảo quản, điều kiện bảo hành sản phẩm, hàng hoá... thông qua các ấn phẩm, panô, áp phích, các phương tiện nghe nhìn...

2. Sản phẩm, hàng hoá phải đủ các điều kiện sau đây mới được in nhãn hoặc quảng cáo:

- Có giấy phép sản xuất, kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp;

- Sản phẩm, hàng hoá thuộc danh mục bắt buộc đăng ký chất lượng phải được cơ quan Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cấp giấy đăng ký.

- Sản phẩm, hàng hoá thuộc danh mục bắt buộc chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) phải được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng cấp giấy chứng nhận phù hợp TCVN.

- Sản phẩm, hàng hoá là hoá dược hay thuốc chữa bệnh phải được cơ quan quản lý Y tế cấp giấy phép sản xuất.

- Bản thảo nhãn đưa vào in phải có giấy phép hợp lệ của cấp có thẩm quyền.

3. Cơ sở in (nhà in) muốn được in nhãn; tổ chức làm dịch vụ quảng cáo sản phẩm hàng hoá phải có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:

- Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch cấp cho tổ chức làm dịch vụ quảng cáo và các cơ sở in được in nhãn ở cấp Trung ương.

- Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cấp cho tổ chức làm dịch vụ quảng cáo và các cơ sở in được in nhãn ở cấp địa phương.

Các cơ sở in, các tổ chức làm dịch vụ quảng cáo phải tuân thủ các quy chế về công tác quảng các tại Chỉ thị số 738/VP ngày 10-8-1990 của Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch và quy định của Thông tư này.

4. Nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hoá phải tuân thủ các quy định của luật pháp, đảm bảo tính trung thực và chính xác theo đúng các nội dung đã đăng ký hoặc trong giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Cơ sở in nhãn phải bảo đảm in đúng bản thảo, đúng số lượng ghi trong giấy phép (bản gốc) và trong kế hoạch được duyệt.

5. Các cơ quan sau đây theo chức năng, thẩm quyền của mình có trách nhiệm kiểm tra và xử lý các vi phạm trong việc in và sử dụng nhãn sản phẩm nhãn hiệu hàng hoá và trong việc quảng cáo sản phẩm, hàng hoá:

- Uỷ ban Nhân dân các cấp;

- Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch;

- Cơ quan quản lý thị trường;

- Cơ quan Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng;

- Cơ quan quản lý sở hữu công nghiệp;

- Cơ quan công an và các cơ quan hành pháp khác.

6. Cấm mọi tổ chức, cá nhân buôn bán, trao đổi các loại nhãn sản phẩm, nhãn hiệu hàng hoá và bao bì đã in sẵn nhãn sản phẩm hay nhãn hiệu hàng hoá mà không được chủ sở hữu nhãn sản phẩm hay nhãn hiệu hàng hoá cho phép bằng văn bản hợp lệ.

7. Tổ chức, cá nhân nào không thực hiện đúng các quy định trong Thông tư này và Chỉ thị 738/VP ngày 10-8-1990 của Bộ Văn hoá - Thông tin - Thể thao và Du lịch thì tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hiện hành.

8. Mọi tổ chức cá nhân có quyền phát hiện và tố cáo các vi phạm trong việc in và sử dụng nhãn, trong việc quảng cáo sản phẩm, hàng hoá với các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra và xử lý theo điểm 5 của Thông tư này và sẽ được khen thưởng theo chế độ hiện hành.

9. Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký.

Đoàn Phương

(Đã ký)

Lê Thành Công

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 1191-TT/LB năm 1991 quy định quản lý nhãn và quảng cáo sản phẩm hàng hoá do Bộ Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch - Uỷ ban Khoa học Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 1191-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 29/06/1991
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Khoa học Nhà nước
  • Người ký: Đoàn Phương, Lê Thành Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản