Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NGOẠI THƯƠNG-BỘ Y TẾ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 11-LB | Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 1961 |
VỀ VIỆC PHÂN CÔNG THU MUA DƯỢC LIỆU TRONG NƯỚC
Kính gửi: | - Ủy ban hành chính các tỉnh, |
Để đẩy mạnh công tác khai thác thu mua dược liệu trong nước, phục vụ phòng bệnh, chữa bệnh bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, đồng thời phục vụ kế hoạch Nhà nước.
Liên Bộ Y tế, Ngoại thương quy định dưới đây một số nguyên tắc và biện pháp về phân công quản lý , thu mua như sau:
I. NGUYÊN TẮC PHÂN CÔNG QUẢN LÝ VÀ THU MUA.
1. Nói chung, tất cả các nguyên liệu dùng để chế thuốc đều do Bộ Y tế quản lý và thu mua, để bảo đảm nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
2. Đối với một số dược liệu sản xuất nhiều và trong nước Bộ Y tế dùng ít, cần cho xuất khẩu thì do Bộ Ngoại thương trực tiếp quản lý, thu mua. Bộ Ngoại thương sẽ ưu tiên cấp cho Bộ Y tế số lượng mà Bộ Y tế yêu cầu, hoặc phân khu vực riêng cho Bộ Y tế trực tiếp thu mua.
Hàng qúy, hàng năm, Bộ Ngoại thương cung cấp các số liệu thu mua và xuất khẩu dược liệu cho Bộ Y tế biết để Bộ Y tế nắm được toàn bộ khả năng dược liệu sản xuất trong nước.
3. Đối với những dược liệu sản xuất được ít, chỉ đủ dùng trong nước thì do Bộ Y tế trực tiếp quản lý và thu mua. Nếu cần để xuất khẩu thì Bộ Ngoại thương đề xuất nhu cầu và thương lượng với Bộ Y tế.
4. Đối với những mặt hàng Bộ Ngoại thương tự đầu tư trồng trọt, chăn nuôi (kể cả mặt hàng mới và mặt hàng đã có trong diện thu mua (thì do Bộ Ngoại thương thu hoạch để xuất khẩu. Nếu Bộ Y tế cần để dùng trong nước thì đề xuất nhu cầu và thương lượng với Bộ Ngoại thương.
5. Các dược liệu thuốc loại có chất độc mà Bộ Ngoại thương được phân công quản lý thu mua đều phải theo đúng quy chế thuốc độc của Bộ Y tế.
II. PHÂN CÔNG CỤ THỂ VỀ MẶT HÀNG THU MUA.
1. Những dược liệu do Bộ Ngoại thương quản lý và thu mua gồm chín (9) mặt hàng: sa nhân, thảo quả, hoa hồi, mã tiền tử, ô mai, ba kích, sơn bình lang, (hạt cau rừng), hạt sen, quế.
2. Trừ 9 mặt hàng trên, toàn bộ các dược liệu khác đều do Bộ Y tế trực tiếp quản lý và thu mua.
3. Đối với những mặt hàng mới phát hiện thì hai Bộ sẽ bàn bạc và tổ chức sản xuất, thu mua theo những nguyên tắc phân công trên.
4. Căn cứ vào điểm 1 và 2 trong nguyên tắc phân công quản lý và thu mua nói trên hai Bộ có nhiệm vụ giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa. Ở những nơi có mặt hàng thuộc quyền quản lý thu mua của mình mà Bộ Ngoại thương không có cơ sở và Bộ Y tế có cơ sở, thì Bộ Y tế có trách nhiệm thu mua. Ngược lại ở những nơi có mặt hàng thuộc quyền quản lý và thu mua của mình mà Bộ Y tế không có cơ sở và Bộ Ngoại thương có cơ sở thì Bộ Ngoại thương có trách nhiệm thu mua. Mỗi bên báo cáo cho bên kia biết kết quả thu mua để sử dụng theo đúng nguyên tắc phân công nói trên.
Về giá cả thu mua, trước đây do Bộ Nội thương chỉ đạo, nay chuyển quyền đó sang Bộ Y tế sau khi có sự thỏa thuận của Bộ Nội thương. Hai bên đều phải chấp hành nghiêm chỉnh các giá chỉ đạo cũ của Bộ Nội thương và các giá điều chỉnh hoặc giá mới của Bộ Y tế.
Đối với những mặt hàng thuộc Bộ Ngoại thương thu mua, khi cần điều chỉnh giá thì Bộ Ngoại thương thảo luận với Bộ Y tế để được cân đối với các mặt hàng khác.
1. Đối với chín mặt hàng do Bộ Ngoại thương thu mua và dành lại một số lượng cho Bộ Y tế để dùng trong nước, thì hai Bộ sẽ tiến hành ký hợp đồng kinh tế về nguyên tắc. Quốc doanh dược phẩm trung ương và Tổng công ty xuất nhập khẩu lâm thổ sản sẽ ký hợp đồng cụ thể.
2. Đối với các mặt hàng do Bộ Y tế thu mua mà Bộ Ngoại thương cần xuất khẩu, thì hai Bộ thương lượng về mặt hàng và số lượng. Hai Bộ sẽ ký hợp đồng kinh tế về nguyên tắc, Tổng Công ty xuất nhập khẩu lâm thổ sản, Công ty xuất nhập khẩu Hải phòng và Quốc doanh dược phẩm trung ương sẽ ký hợp đồng cụ thể. Nếu xét mặt hàng nào có thể giao thẳng cho cơ quan xuất khẩu địa phương, không cần tập trung về trung ương, thì Bộ Y tế phân bổ kế hoạch cho các Quốc doanh dược phẩm, Công ty thuốc nam thuốc bắc địa phương và ủy nhiệm cho các cơ sở trực tiếp ký hợp đồng cụ thể với các Công ty xuất nhập khẩu địa phương. Ở những địa phương mà Bộ Y tế không có cơ sở thu mua thì Bộ Ngoại thương sẽ trực tiếp thu mua qua các tổ chức khác theo kế hoạch của Bộ Y tế. Các hợp đồng ký ở địa phương giữa cơ quan Ngoại thương và các tổ chức khác đều phải thông qua Sở hay Ty Y tế.
3. Các Công ty xuất nhập khẩu biên giới muốn xuất khẩu dược liệu thì phải đưa kế hoạch cho Bộ Y tế duyệt.
Các Tổng công ty, Công ty xuất nhập khẩu, Quốc doanh dược phẩm trung ương, các Quốc doanh dược phẩm, Công ty thuốc nam thuốc bắc tỉnh, các tổ chức Ngoại thương ở địa phương có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ, chấp hành nghiêm chỉnh và khẩn trương thông tư Liên Bộ này, để đẩy mạnh sản xuất và thu mua được tốt, bảo đảm kế hoạch trong nước và kế hoạch xuất khẩu.
Đối với các hợp đồng của các địa phương đã ký trước, các địa phương báo cáo gấp về Liên Bộ duyệt, nhưng trong khi chờ duyệt kế hoạch, các địa phương có nhiệm vụ tiếp tục thu mua theo kế hoạch cũ. Những hợp đồng đã ký trước không phù hợp với tinh thần thông tư này phải được điều chỉnh lại.
Sau ngày ký thông tư này, hai Bộ sẽ tiến hành ký hợp đồng kinh tế về nguyên tắc, các Tổng công ty xuất nhập khẩu và Quốc doanh dược phẩm trung ương sẽ ký hợp đồng cụ thể. Sau khi hai Bộ đã phân bổ kế hoạch cho địa phương thì các tổ chức Ngoại thương và tổ chức Y tế ở địa phương sẽ tiến hành ký hợp đồng cụ thể.
Thông tư này không có tính chất cố định, nếu có biến chuyển mới hai Bộ sẽ nghiên cứu và bổ sung thêm.
Theo tinh thần của kế hoạch 1961 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, công tác đẩy mạnh khai thác trồng trọt, thu mua dược liệu trong nước, để đảm bảo nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, tăng cường sức khỏe cho nhân dân và phục vụ kế hoạch xuất khẩu là một công tác rất quan trọng. Các cơ quan Y tế cũng như Ngoại thương đều có nhiệm vụ thực hiện và thực hiện vượt mức. Trong khi thực hiện nếu có gặp khó khăn, các cơ sở các địa phương phản ảnh kịp thời về hai Bộ để kịp thời giải quyết.
K.T. BỘ TRƯỞNG | K.T. BỘ TRƯỞNG |
Thông tư liên bộ 11-LB năm 1961 về việc phân công thu mua dược liệu trong nước do Bộ Y Tế- Bộ Ngoại Thương ban hành
- Số hiệu: 11-LB
- Loại văn bản: Thông tư liên tịch
- Ngày ban hành: 06/06/1961
- Nơi ban hành: Bộ Ngoại thương, Bộ Y tế
- Người ký: Hoàng Văn Diệm, Nguyễn Đức Thắng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 26
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra