Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO-BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07/TT-LB

Hà Nội , ngày 17 tháng 5 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO SỐ 07/TT-LB NGÀY 17/5/1996 HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ CON CỦA HỌ ĐANG HỌC TẠI CÁC TRƯỜNG

Thi hành Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ "Quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến người có công giúp đỡ cách mạng". Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Giáo dục và đào tạo hướng dẫn cụ thể các điều 64, 65, 66 và 67 thuộc chương III, mục 2 về giáo dục và đào tạo như sau:

I- NHỮNG ĐIỂM HƯỚNG DẪN CHUNG:

1- Học sinh, sinh viên là anh hùng các lực lượng vũ trang, là thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh và là con liệt sỹ, con của thương binh, con của bệnh binh, con của người hưởng chính sách như thương binh quy định tại các Điều 64, 65, 66, và 67 - Nghị định 28/CP của Chính phủ được hiểu là học sinh, sinh viên đó đang học tại các trường và có đầy đủ giấy tờ xác nhận do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

a/ Nếu các đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi quy định tại các điều 64, 65, 66 và 67 của Nghị định nói trên có nhiều con đang học thì tất cả các con đều được hưởng chính sách ưu đãi. Nếu có người con nào học cùng một lúc ở nhiều trường thì chỉ được hưởng một suất trợ cấp cao nhất (một lần và thường xuyên nếu có).

b/ Không áp dụng chính sách ưu đãi đối với các khoá đào tạo sau đại học.

2- Phạm vi áp dụng đối với các đối tượng ưu đãi là học sinh, sinh viên đang học ở các trường có khoá học từ một năm trở lên tại các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, bán công hoặc dân lập. Riêng đối với chế độ trợ cấp ưu đãi hàng tháng nói tại Điều 66 Nghị định số 28/CP của Chính phủ, chỉ áp dụng tại các trường đào tạo của Nhà nước (kể cả trường bán công) bao gồm: Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, dự bị đại học và phổ thông dân tộc nội trú không hưởng lương hoặc hưởng sinh hoạt phí đi học.

3- Không áp dụng các điều 64, 65, 66 - Nghị định số 28/CP của Chính phủ đối với lưu học sinh Việt Nam đang học ở nước ngoài.

II- NHỮNG ĐIỂM HƯỚNG DẪN RIÊNG:

1- Đối với các đối tượng quy định tại Điều 64 của Nghị định:

1.1- Được hưởng ưu tiên trong tuyển sinh và xét tốt nghiệp, cụ thể là vẫn thi hành chính sách ưu tiên theo các quy chế hiện hành về tuyển sinh, học tập và thi kiểm tra xét lên lớp và tốt nghiệp tại các trường thuộc cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung học chuyên ban của Bộ Giáo dục và đào tạo.

1.2- Kể từ năm học 1995-1996 trở đi được miễn các khoản đóng góp xây dựng trường sở quy định tại Quyết định số 248/TTg ngày 22/11/1973 của Thủ tướng Chính phủ.

1.3- Kể từ năm học 1995-1996 trở đi các đối tượng ưu đãi được miễn hoàn toàn hoặc giảm 50% mức thu học phí theo nội dung hướng dẫn tại Thông tư Liên Bộ Giáo dục và đào tạo - Tài chính số 14/TT-LB ngày 04/9/1993.

2- Đối với các đối tượng quy định tại Điều 65 của Nghị định:

2.1- Đước xếp vào diện ưu tiên trong tuyển chọn vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp như sau:

- Khi thi vào trường đào tạo - xếp vào nhóm ưu tiên 1 (ƯT1)

- Nếu không đạt điểm vào học chính thức hệ chính quy, nhưng đạt điểm vào hệ dự bị sẽ được xét tuyển vào học dự bị đại học và sau 1 năm học dự bị phải dự kỳ thi tại trường lớp để xét tuyển vào học chính thức hệ chính quy.

- Đối với anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động..... đã tốt nghiệp phổ thông trung học hoặc bổ túc văn hóa được nhận vào học thẳng hệ chính quy (không phải trải qua kỳ thi tuyển quốc gia).

2.2- Được xếp vào "diện chính sách" trong học tập, xét lên lớp, thi kiểm tra ở cuối năm học hoặc chuyển giai đoạn trong các trường đào tạo theo chế độ quy định hiện hành của Nhà nước.

2.3- Chế độ miễn, giảm học phí cho các đối tượng nói tại Điều 65 Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ được quy định cụ thể tại Thông tư Liên Bộ Giáo dục và đào tạo - Tài chính số 20/TT-LB ngày 28/10/1993 về hướng dẫn thực hiện thu và sử dụng học phí trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

3- Đối với các đối tượng quy định tại Điều 66 của Nghị định:

Học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách ưu đãi nói tại Điều 66 của Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ, ngoài tiền trợ cấp xã hội hàng tháng, nếu đủ điều kiện vẫn được nhận các loại học bổng do Nhà nước cấp hoặc do nguồn ngoài Nhà nước đài thọ.

III- CÁC QUY ĐỊNH KHÁC:

A- CÁC THỦ TỤC HỒ SƠ XIN HƯỞNG TRỢ CẤP ƯU ĐÃI

1- Để được xem xét hưởng trợ cấp ưu đãi khi nhập trường, học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách cần có các giấy tờ sau:

1.1- Đơn xin hưởng trợ cấp ưu đãi (2 bản) theo mẫu thống nhất hướng dẫn tại các phụ lục số 01, 02 và 03 kèm theo của Thông tư này.

Đơn được đóng dấu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ở góc phải mỗi tờ đơn và phải có dán ảnh (kiểu ảnh chụp chứng minh thư cỡ 3 cm x 4 cm) của người xin hưởng trợ cấp ưu đãi.

1.2- Hai bản sao giấy chứng nhận (của bản thân hoặc bố hay mẹ) là liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, gia đình liệt sỹ, anh hùng do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện (đang quản lý chế độ - chính sách ưu đãi người có công với cách mạng) nơi người đó cư trú trước khi nhập học xác nhận.

1.3- Hai đơn và hai bản sao giấy chứng nhận kể trên lưu tại hai nơi:

- Nhà trường lưu giữ để thực hiện các chính sách ưu đãi quy định tại Nghị định số 28/CP của Thủ tướng Chính phủ.

- Nhà trường chuyển giao cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận (hoặc huyện) Sở tại nơi trường đóng để Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có cơ sở xem xét, theo dõi và cấp phát tiền trợ cấp ưu đãi theo quy định cho đến hết khoá học.

1.4- Vào đầu năm học, cùng với hồ sơ trúng tuyển vào các trường, nhà trường tiếp nhận các hồ sơ xin trợ cấp ưu đãi của người mới nhập học, tiến hành rà soát, kiểm tra việc tăng, giảm và hoàn thiện các hồ sơ của các đối tượng trợ cấp ưu đãi đang học tại trường. Trên cơ sở đó, nhà trường lập danh sách, thống kê học sinh, sinh viên hàng quý và hàng năm diện hưởng trợ cấp mỗi năm một lần và diện hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (theo mẫu thống nhất quy định tại Phụ lục 04 kèm theo Thông tư này) và nhận tiền trợ cấp ưu đãi ở Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện, sở tại để tổ chức trả trực tiếp cho các đối tượng thuộc diện chính sách ưu đãi.

B- KHUNG THỜI GIAN HỌC MỖI KHOÁ Ở CÁC CẤP - BẬC HỌC

Được hướng dẫn tại sơ đồ cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân (ban hành theo Nghị định số 90/CP ngày 22/11/1993 của Chính phủ) ghi tại Phụ lục số 05 của Thông tư này.

Khung thời gian học trên đây không kể thời gian được lưu ban, học lại, học bổ sung dành cho diện chính sách quy định tại các quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và đào tạo đối với mỗi cấp học, mỗi bậc học.

C - TRƯỜNG HỢP CHUYỂN LỚP HỌC, CHUYỂN NGÀNH HỌC VÀ CHUYỂN TRƯỜNG

c.1- Học sinh, sinh viên thuộc diện trợ cấp ưu đãi được chuyển lớp học hoặc chuyển ngành học theo đơn trong phạm vi nội bộ trường thì nhà trường làm việc với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sở tại đề nghị sửa lại lớp học hoặc ngành học mới của đương sự trong sổ đăng ký trợ cấp ưu đãi do Phòng quản lý.

c.2- Nếu diện hưởng trợ cấp ưu đãi được chuyển trường theo đơn mà cả trường chuyển và trường nhận cùng một địa bàn do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện quản lý chế độ thì trường cho chuyển viết giấy giới thiệu gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện (qua đương sự cầm tay) đề nghị xoá tên đương sự khỏi sổ đăng ký hưởng trợ cấp ưu đãi ở trường cho chuyển, đồng thời (cũng cùng giấy giới thiệu này) Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị trường nhận đương sự vào học được đăng ký vào sổ trợ cấp ưu đãi của trường và được hưởng tiếp trợ cấp ưu đãi kể từ ngày nhập trường mới.

c.3- Nếu người hưởng trợ cấp ưu đãi được chuyển trường theo đơn ra khỏi địa bàn Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện sở tại đề nghị Phòng làm phiếu chuyển chế độ trợ cấp ưu đãi của đương sự, trước tiên đến trường nhận học, sau đó cùng với hồ sơ trợ cấp ưu đãi của đương sự, nhà trường xác nhận và chuyển phiếu nói trên về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đương sự chuyển đến học để Phòng làm các thủ tục đăng ký vào sổ trợ cấp ưu đãi và tiếp tục cấp phát trợ cấp theo quy định.

D- NGƯỜI HƯỞNG TRỢ CẤP ƯU ĐÃI MỘT LẦN, HÀNG NĂM TRONG TOÀN KHOÁ HỌC

Nếu thời gian đào tạo có số tháng lẻ (tròn một năm học là 10 tháng) thì khi học từ 3 tháng đến dưới 6 tháng được quy tròn thành nửa năm để hưởng nửa suất trợ cấp ưu đãi một lần và nếu học từ 6 tháng trở lên tại trường thì quy tròn thành một năm học để hưởng một suất trợ cấp ưu đãi một lần tại trường đang học.

E- CÁC QUY ĐỊNH VỀ NGHỈ HÈ, NGHỈ TẾ, LỄ, VIỆC CHỜ GIẢI QUYẾT ĐỐI VỚI NGƯỜI HƯỞNG TRỢ CẤP ƯU ĐÃI LÀ HỌC SINH, SINH VIÊN KHÔNG TỐT NGHIỆP

Việc xử lý kỷ luật thôi học và buộc thôi học, chế độ nghỉ học để chữa lành bệnh, điều kiện trở về trường tiếp tục học v.v... vẫn thi hành theo các quy chế hiện hành của Bộ Giáo dục và đào tạo đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách xã hội và do Thủ trưởng cơ sở Giáo dục và đào tạo quyết định. Trường hợp có liên quan đến việc cắt giảm trợ cấp ưu đãi đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách xã hội vi phạm kỷ luật thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ, hoàn cảnh cụ thể, nhà trường cần có sự thống nhất trước với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội mới được áp dụng việc cắt giảm trợ cấp ưu đãi.

G- SAU KHI THÔI HỌC, BUỘC THÔI HỌC HOẶC SAU TỐT NGHIỆP

Nói chung học sinh, sinh viên thuộc diện trợ cấp ưu đãi thôi hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước. Riêng các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi nói tại Điều 66, Nghị định 28/CP của Chính phủ sau khi tốt nghiệp rời trường được hưởng một lần 2 tháng trợ cấp (theo giấy giới thiệu của trường) tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội sở tại, đồng thời Phòng làm các thủ tục xoá tên người tốt nghiệp thuộc diện ưu đãi ra khỏi danh sách hưởng trợ cấp ưu đãi tại địa bàn.

H- HỌC SINH, SINH VIÊN LÀ ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG TRỢ CẤP ƯU ĐÃI

Học ở trong nước được đi thực tập, tham quan, du lịch... ngắn hạn ở nước ngoài sau đó làm đề án, luận văn tốt nghiệp trong nước thì: Thời gian thực tập ở nước ngoài vẫn được tính để hưởng trợ cấp một lần (theo Điều 65) tại trường và được cấp gọn trong một lần. Nếu tham quan, thực tập, du lịch... từ 3 tháng trở lên thì ngừng hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng trong thời gian ở nước ngoài.

IV- VIỆC LẬP KẾ HOẠCH, CẤP PHÁT, QUẢN LÝ KINH PHÍ VÀ THANH QUYẾT TOÁN TÀI CHÍNH

Nguồn kinh phí để chi trợ cấp (một lần và hàng tháng) cho các đối tượng ưu đãi tại các Điều 64, 65 và 66 Nghị định số 28/CP của Chính phủ do Ngân sách Trung ương đảm bảo. Cụ thể như sau:

1- Dự toán kinh phí:

Hàng năm, hàng quý các trường hợp lập danh sách học sinh, sinh viên thuộc diện ưu đãi đang học tại cơ sở (theo mẫu ghi tại phụ lục số 4) kèm theo các giấy tờ: Đơn xin hưởng trợ cấp ưu đãi và giấy xác nhận đối tượng ưu đãi của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội nơi cư trú để gửi cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện nơi cơ sở giáo dục và đào tạo đóng trụ sở xem xét, kiểm tra, xét duyệt và cấp phát trợ cấp.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào danh sách đã duyệt, tổng hợp thành một tiết riêng - Chi trợ cấp ưu đãi học tập mục 90 mục lục Ngân sách Nhà nước để lập dự toán kinh phí theo hướng dẫn tại điểm 2, phần II - Thông tư số 83/TT-LB của Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 13/11/1995 và gửi về Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm căn cứ lập dự toán khoản chi này với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

2- Cấp phát và quyết toán kinh phí:

Việc quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định tại điểm 3, 4 phần II - Thông tư số 83/TT-LB ngày 13/11/1995 của Liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội về hướng dẫn cấp phát và quản lý kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng thuộc kinh phí Trung ương.

Hàng tháng, các trường có học sinh, sinh viên diện chính sách được hưởng chế độ ưu đãi trong học tập nhận kinh phí của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để chi cho học sinh, sinh viên và phải thanh toán với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện về số tiền đã chi, số tiền còn chưa chi và các chứng từ liên quan đến việc chi trả trợ cấp để Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quyết toán với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định.

V- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

1- Chế độ ưu đãi đối với các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi một lần và hàng tháng thực hiện kể từ ngày 01/01/1996, thay thế Quyết định số 302/TTg ngày 21/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ, thay thế chế độ học bổng (phần chính sách xã hội) tại Thông tư số 18/TT-BĐH ngày 18/9/1989 của Bộ Đại học trung học chuyên nghiệp và dạy nghề (nay là Bộ Giáo dục và đào tạo) và các văn bản khác có liên quan. Vì trong khi chờ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 28/CP của Chính phủ, các trường vẫn chi trả trợ cấp một lần theo Quyết định số 302/TTg của Thủ tướng Chính phủ nên nhà trường ngoài việc làm dự trù đăng ký trợ cấp ưu đãi hàng tháng và hàng năm (nếu có) còn làm bản thống kê danh sách học sinh, sinh viên đã hưởng chế độ kể trên để truy trả phần chênh lệch cho các đối tượng được hưởng theo nguyên tắc: khi chi trả trợ cấp ưu đãi theo Nghị định số 28/CP của Chính phủ sẽ trừ đi phần trợ cấp của đối tượng đã hưởng kể từ ngày 01/01/1996.

2- Đối với diện hưởng trợ cấp ưu đãi vào trường từ năm học 1996-1997 trở đi thì thời gian để hưởng trợ cấp ưu đãi một lần hoặc hàng tháng thống nhất tính từ ngày 01/9/ 1996của năm học đó.

3- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ sở giáo dục và đào tạo, các Sở, các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị kịp thời phản ánh để Liên Bộ giải quyết.

Hồ Tế

(Đã ký)

Trần Hồng Quân

(Đã ký)

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

 

Phụ lục số 01

MÃ HIỆU CÁC ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI

TT

Đối tượng hưởng chính sách ưu đãi

Mã hiệu

01

Anh hùng các lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động

AII-01

02

Thương binh được xác nhận thương tật

TB-02

03

Bệnh binh được lập hồ sơ xác nhận bệnh tật

BB-03

04

Người hưởng chính sách như thương binh được xác nhận thương tật

NTB-04

 

Con liệt sỹ (CLS)

(CLS)

05

Con liệt sỹ đang hưởng tuất hàng tháng

CLS-05

06

Con liệt sỹ đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng

CLS-06

07

Con liệt sỹ đang hưởng tuất hoặc trợ cấp nuôi dưỡng

CLS-07

 

Con thương binh (CTB)

(CTB)

08

Con thương binh mất sức lao động từ 21% đến 60%

CTB-08

09

Con thương binh mất sức lao động từ 61% đến 80%

CTB-09

10

Con thương binh mất sức lao động từ 81% trở lên

CTB-10

11

Con thương binh mất sức lao động từ 81% trở lên có vết thương đặc biệt nặng quy định tại Điều 34-NĐ 28/CP của Chính phủ.

CTB-11

 

Con bệnh binh (CBB)

(CBB)

12

Con bệnh binh mất sức lao động từ 61% đến 80%

CBB-12

13

Con bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên

CBB-13

14

Cong bệnh binh mất sức lao động từ 81% trở lên có bệnh lý đặc biệt nặng quy định tại Điều 50-NĐ 28/CP của Chính phủ

CBB-14

 

Con người hưởng chính sách như thương binh

(CNTB)

15

Con người hưởng chính sách như thương binh MSLĐ từ 21% đến 60%

CNTB-15

16

Con người hưởng chính sách như thương binh MSLĐ từ 61% đến 80%

CNTB-16

17

Con người hưởng chính sách như thương binh MSLĐ từ 81% trở lên

CNTB-17

18

Con người hưởng chính sách như thương binh, mất sức lao động từ 81% trở lên có vết thương, bệnh lý đặc biệt nặng quy định tại các Điều 34 và Điều 50 Nghị định 28/CP của Chính phủ.

CNTB-18

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 07/TT-LB năm 1996 hướng dẫn thi hành chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và con của họ đang học ở các trường do Bộ Lao động - Thương binh và xã hội ban hành

  • Số hiệu: 07/TT-LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 17/05/1996
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính
  • Người ký: Hồ Tế, Trần Đình Hoan, Trần Hồng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản