Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-TT/LB

Hà Nội, ngày 24 tháng 05 năm 1966 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ MỘT SỐ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI ĐI LÀM NGHĨA VỤ DÂN CÔNG THỜI CHIẾN

Căn cứ vào Điều lệ tạm thời về huy động và sử dụng dân công thời chiến ban hành kèm theo nghị định số 77-CP ngày 26-04-1966; Liên bộ quy định chi tiết thi hành các điều 8, 10, 11, 12, 13 và 14 về chế độ, quyền lợi của người đi làm nghĩa vụ dân công như sau:

I. LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM VÀ PHIẾU VẢI

Theo tinh thần điều 8 và 10 của điều lệ về cung cấp lương thực, thực phẩm và phiếu vải cho dân công cụ thể như sau:

1. Về lương thực, người đi làm nghĩa vụ dân công những đợt dưới 5 ngày phải mang theo tiêu chuẩn lương thực đã được Nhà nước bán hoặc hợp tác xã phân phối để ăn trong thời gian phục vụ. Trường hợp đặc biệt ở những vùng bị thiên tai mất mùa nặng, nếu không có đủ lương thực ăn thì Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố xét cụ thể từng nơi, từng lúc và khả năng lương thực Nhà nước ở nơi đó mà quyết định bán lương thực cho dân công ăn.

Đối với dân công đi phục vụ những đợt từ 5 ngày trở lên nếu phần lương thực tiêu chuẩn đã đem theo chưa đủ mức ăn, thì được Nhà nước bán thêm theo giá cung cấp phần lương thực chênh lệch cho đủ mức ăn mỗi người một ngày 0kg700.

2. Về thực phẩm, dân công đi phục vụ những đợt ngắn ngày, phải mang theo thực phẩm để ăn trong thời gian làm việc. Dân công đi phục vụ dài ngày (từ 1 tháng trở lên) được Nhà nước bán theo giá cung cấp các loại thực phẩm như rau, cá, thịt, mắm, muối, đường… theo tiêu chuẩn công nhân loại 3 trên các công trường trong vùng dân công làm việc.

Cơ quan lương thực, thương nghiệp nơi dân công đến phục vụ chịu trách nhiệm tổ chức cung cấp lương thực và thực phẩm tại chỗ (trong phạm vi 4 km) cho dân công. Trường hợp xét cần thiết phải sử dụng dân công vào việc vận chuyển lương thực, thực phẩm thì dân công được tính công nghĩa vụ và trợ cấp nếu có.

3. Về cấp thêm phiếu vải, việc định số mét phiếu vải có thể cấp thêm cho những người đi làm nghĩa vụ dân công tập thể, làm việc từ 6 tháng trở lên đến 1 năm và cho dân công ở đồng bằng, trung du đi phục vụ dài ngày ở miền núi, gặp mùa rét, sẽ do Bộ Nội thương căn cứ vào khả năng của Nhà nước bàn bạc cùng Bộ Lao động quy định và hướng dẫn cụ thể từng năm. Liên bộ chỉ nói rõ cách tính thời gian để được cấp phiếu vải như sau:

- Thời gian ấn định “từ 6 tháng trở lên đến 1 năm”, là tính trong phạm vi 1 năm và tính cho dân công làm việc theo ngày, còn dân công làm khoán thì tính ngày công theo khối lượng công việc đạt được. Ví dụ: đội dân công của hợp tác xã A trong năm 1966 được huy động đi phục vụ 3 đợt, mỗi đợt 2 tháng; nhưng do đội có công cụ cải tiến, tinh thần lao động tích cực, nên đợt nào cũng vượt định mức lao động, vì vậy mỗi đợt chỉ làm 1 tháng rưỡi xong nhiệm vụ; như vậy đội dân công hợp tác xã A làm 3 đợt chỉ hết 4 tháng rưỡi (trong đó có cả ngày nghỉ) nhưng đã được cơ quan sử dụng chứng nhận bình quân mỗi người hoàn thành 180 công nghĩa vụ, thì những đội viên trong đội đã làm được từ 180 công trở lên được cấp thêm phiếu vải.

- Dân công ở đồng bằng, trung du đi phục vụ trên miền núi những đợt từ 2 tháng trở lên, gặp mùa rét thì mới được xét cấp thêm phiếu vải để mua áo ấm.

Bộ Nội thương và Tổng cục Lương thực sẽ có văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể về việc cung cấp lương thực, thực phẩm và phiếu vải cho dân công.

II. TRỢ CẤP

Theo tinh thần điều 11 của điều lệ, Liên bộ quy định cụ thể như sau;

1. Trường hợp được trợ cấp.

Dân công đi phục vụ những đợt dưới 5 ngày ở gần nhà (sáng đi làm tối về gia đình) nói chung không được trợ cấp. Dân công đi phục vụ những đợt từ 5 ngày trở lên hoặc xa nhà (phải ăn ở tại nơi phục vụ) thì được trợ cấp; trường hợp đi phục vụ ngắn ngày (dưới 5 ngày) ở gần nhà nhưng gặp khó khăn về đời sống, như nơi bị mất mùa nặng hoặc do yêu cầu công tác phải đi phục vụ ngắn ngày nhiều đợt liên tục… thì cũng được Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét để trợ cấp. Dân công đã được xác định trợ cấp, thì trong những ngày đi đường, ngày nghỉ vẫn được trợ cấp.

2. Mức trợ cấp.

a) Dân công làm lao động thường được xác định trợ cấp thì mỗi người mỗi ngày hay mỗi đêm làm việc được trợ cấp 0đ60. Dân công làm vượt định mức lao động thì được trợ cấp thêm 100% số khối lượng công việc do tăng năng suất lao động vượt mức. Ví dụ:

- Vượt 50% định mức thì được trợ cấp thêm:

(0đ60 X 50)

100

=

0đ30

- Vượt 100% định mức thì được trợ cấp thêm:

(0đ60 X 100)

100

=

0đ60

b) Dân công làm theo chế độ công nhật, đã làm đủ giờ quy định (ban ngày 9 giờ, ban đêm 8 giờ; không kể giờ phải ngừng việc do báo động phòng không), nhưng do yêu cầu công tác cần động viên làm thêm, thì những giờ làm thêm cũng được trợ cấp. Ví dụ: dân công làm thêm 3 giờ ban ngày thì được trợ cấp thêm 0đ20; làm thêm 3 giờ ban đêm thì được trợ cấp thêm 0đ225.

Dân công thợ (mộc, nề, xẻ, đá…) được sử dụng đúng nghề  nghiệp và cấp bậc thợ (kể cả dân công thợ sáng đi làm, tối về gia đình và những người thợ được động viên theo chế độ “huy động khẩn cấp”), thì ngoài tiền trợ cấp như dân công thường (nếu có) mỗi ngày làm việc còn được cấp thêm như sau:

- Bậc 1 đến bậc 2, mỗi ngày làm việc được cấp thêm 0đ30,

- Bậc 3 trở lên, mỗi ngày làm việc được cấp thêm 0đ50.

c) Trường hợp đột xuất, cấp bách cần huy động dân công hoặc động viên người có sức lao động đi làm theo chế độ “huy động khẩn cấp” nếu làm việc trọn một buổi thì cơ quan sử dụng hoặc Ủy ban hành chính địa phương, tùy theo tình hình cụ thể (công việc làm vất vả, khó nhọc, đi xa, làm đêm, vùng thường hay bị huy động…) cần có biện pháp bồi dưỡng vật chất thích đáng trong phạm vi khả năng của mình. Trường hợp phải huy động làm việc trọn 1 ngày công trở lên của mỗi người… thì Ủy ban hành chính tỉnh, huyện xét có thể trợ cấp cho những người bị huy động một số tiền, nhiều nhất là bằng tiền trợ cấp cho dân công (0đ60 một người trong một ngày hay một đêm).

d) Công nhân, viên chức đi dân công, nói chung không được trợ cấp. Trường hợp vì yêu cầu công việc cần phải huy động đi phục vụ ban đêm, thì có thể được xét bồi dưỡng bằng vật chất như trường hợp đột xuất cấp bách nói trên.

e) Dân công đã được xác định trợ cấp, thì trong những ngày đi đường từ xã đến nơi phục vụ và trở về (kể cả trườnghợp dân công đang phục vụ mà có người trong gia đình như vợ hoặc chồng, con,cha, mẹ bị ốm nặng hoặc chết, có giấy báo của Ủy ban hành chính địa phương, cần về để lo chạy chữa hoặc chôn cất, cũng được trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn đường về đến nhà và khi trở lại đơn vị phục vụ nếu cần thiết); ngày nghỉ thường lệ, nghỉ ngày lễ, nghỉ vì bị thương, bị ốm, nghỉ chờ việc, vẫn được trợ cấp mỗi người mỗi ngày 0đ60. Dân công phục vụ ở gần, sáng đi làm tối về gia đình, chỉ được trợ cấp trong những ngày nghỉ thường lệ, nghỉ ngày lễ, nghỉ vì bị thương.

Dân công không ở trong diện được trợ cấp và người được động viên theo chế độ “huy động khẩn cấp” không được trợ cấp ngày nghỉ; nếu bị ốm nặng hoặc bị thương vì tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh trong khi đang làm nhiệm vụ phải nằm điều trị ở bệnh xá, bệnh viên, quân y viện, thì trong thời gian điều trị được trợ cấp mỗi người mỗi ngày 0đ60.

3. Cách tính để trợ cấp ngày đi đường.

Dân công phải đi bộ  nếu đoạn đường đi, về (từ nơi tập trung đến nơi phục vụ và đổi chổ làm việc) ngắn, không có tàu xe, ca-nô, thuyền… đoạn đường đi tính từ 11 đến 20km được trợ cấp nửa ngày; đi từ 21 đến 35km được trợ cấp 1 ngày; đường dài hơn nữa, thì cứ đi thêm từ 6 đến 20km được trợ cấp thêm nửa ngày.

Nơi nào không thể tính bằng ki-lô-mét được, hoặc bị địch phá hoại giao thông cản trở thì tính theo ngày đi đường thực tế, đoạn đường đi chưa hết nửa ngày thì dân công không được trợ cấp, đi trên nửa ngày thì được trợ cấp 1 ngày, đi trên 1 ngày thì được trợ cấp 1 ngày rưỡi, đi trên 1 ngày rưỡi được trợ cấp 2 ngày.

Trường hợp đoạn đường phải đi dài (trên 30km) và có phương tiện vận tải, thì cơ quan sử dụng bố trí cho dân công đi ôtô, xe lửa, ca-nô… (kể cả người và dụng cụ làm việc) và đài thọ tiền tàu xe… (theo vé cước), tiền trợ cấp ăn đường (theo ngày thực tế).

4. Những ngày lễ dân công được nghỉ và được trợ cấp.

- Ngày tết dương lịch (mồng 1 tháng 1) nghỉ 1 ngày.

- Ngày Quốc tế lao động (mồng 1 tháng 5) nghỉ 1 ngày.

- Ngày Quốc khánh (mồng 2 tháng 9) nghỉ 1 ngày.

- Dân công theo đạo Thiên chúa được nghỉ ngày lễ Thiên chúa giáng sinh (25 tháng 12).

- Dân công theo đạo Phật được nghỉ ngày lễ Phật đản (mồng 8 tháng 4 âm lịch).

Không huy động dân công trong những ngày tết Nguyên đán. Trường hợp đặc biệt vì yêu cầu của kế hoạch phải huy động dân công trong dịp tết, hoặc dân công đang phục vụ mà tết đến thì cơ quan sử dụng phải tổ chức cho dân công ăn tết tại nơi phục vụ và tùy điều kiện mà bố trí cho dân công được nghỉ 2 ngày rưỡi. Trong 2 ngày rưỡi tết, dân công được trợ cấp thêm mỗi người 0đ60.

III. CHẾ ĐỘ BẢO VỆ SỨC KHỎE, ĐỀ PHÒNG TAI NẠN VÀ CHĂM SÓC KHI DÂN CÔNG BỊ ỐM ĐAU, TAI NẠN

(Theo tinh thần điều 12 và 13 của Điều lệ)

A. BẢO VỆ SỨC KHỎE

Bảo vệ sức khỏe và đề phòng tai nạn cho người đi dân công là vấn đề rất quan trọng, không những để bảo đảm ngày công nghĩa vụ có năng suất cao mà còn để đảm bảo cho dân công khỏe mạnh khi trở về sản xuất, công tác được liên tục ở địa phương.

Để bảo vệ sức khỏe tốt cho dân công, ban chỉ huy các công trường, trạm vận chuyển sử dụng dân công phải xây dựng tổ chức y tế ở công trường, trạm vận chuyển mình phụ trách và phải quan tâm giáo dục, tuyên truyền cho mỗi người dân công có ý thức đề phòng bệnh tật và tai nạn lao động, thực hiện đầy đủ nội quy vệ sinh, phòng bệnh tật, nội quy phòng không và an toàn lao động của công trường.

1. Tổ chức y tế của công trường, trạm vận chuyển sử dụng dân công.

Mỗi công trường, trạm vận chuyển sử dụng dân công phải thành lập một ban y tế. Nhiệm vụ của ban y tế là giúp ban chỉ huy công trường, trạm vận chuyển thực hiện tốt mọi công tác vệ sinh phòng bệnh trong sinh hoạt cũng như trong sản xuất, thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu phòng không và cấp cứu tai nạn nhằm bảo vệ chu đáo sức khỏe cho dân công góp phần tích cực vào việc bảo đảm sản xuất, phục vụ chiến đấu.

Ban y tế gồm có 3 người:

1 trưởng ban phụ trách công tác phòng bệnh là y sĩ,

1 phó ban phụ trách bệnh xá là y sĩ,

1 cán bộ chính trị là phó ban.

Giúp việc cho ban y tế có từ 1 đến 5 y tá tùy theo phạm vi địa dư rộng hẹp và số lượng dân công nhiều ít của công trường. Những công trường, trạm vận chuyển sử dụng dưới 1.000 dân công, thời gian hoàn thành kế hoạch dưới 2 tháng thì không nhất thiết phải lập ban y tế, mà y sĩ, y tá công trường, trạm vận chuyển chịu trách nhiệm chung về phòng bệnh và chữa bệnh cho dân công.

Dưới ban y tế công trường có 2 hệ thống phòng bệnh và chữa bệnh:

a) Về phòng bệnh:

Mỗi đơn vị có từ 150 đến 200 dân công phải có 1 y tá hoặc cán bộ y tế xã phụ trách công tác vệ sinh phòng bệnh, chữa bệnh thông thường và sơ cứu tai nạn lao động hay tai nạn chiến tranh cho dân công.

Ở vùng đồng bằng và trung du, cứ 1.500 dân công có 1 y sĩ phụ trách. Ở miền núi và tiền tuyến, cứ 1.000 dân công có 1 y sĩ phụ trách. Y sĩ có nhiệm vụ đôn đốc các đơn vị dân công thực hiện công tác vệ sinh phòng bệnh trong sinh hoạt và trong sản xuất, khám bệnh và chữa bệnh cho dân công bị ốm đau, cứu chữa cho dân công bị tai nạn lao động và tai nạn chiến tranh. Mỗi y sĩ phòng bệnh phải quản lý và điều khiển chặt chẽ sự hoạt động của các y tá phục vụ các đơn vị dân công thuộc phạm vi mình phụ trách.

b) Về chữa bệnh:

Mỗi công trường có dân công tập trung làm việc từ 1.000 người và từ 2 tháng trở lên phải thành lập một bệnh xã để chữa bệnh và chăm sóc cho dân công bị ốm đau, tai nạn do lao động hay do chiến tranh gây nên, trong thời gian làm việc trên công trường, trạm vận chuyển.

Ở vùng đồng bằng và trung du, cứ 100 dân công có 1 giường bệnh. Ở miền núi và tiền tuyến do điều kiện làm việc gian khổ và vất vả hơn, ốm đau và tai nạn cao hơn thì cứ 100 dân công có 1,5 giường bệnh.

Tiêu chuẩn nhân viên phục vụ bệnh xá kể cả cán bộ, nhân viên chuyên môn và không chuyên môn là 1 nhân viên phục vụ từ 3 đến 4 giường bệnh tùy điều kiện khó khăn của công trường, trạm vận chuyển.

Tiêu chuẩn thầy thuốc cho bệnh xá là 1 y sĩ phục vụ 15 giường bệnh, 1 y tá phục vụ 10 giường bệnh.

Những công trường, trạm vận chuyển tập trung trên dưới 1.000 dân công, thời gian làm việc có dài, nhưng số đông dân công là người ở địa phương, sáng đi làm tối về gia đình, thì chỉ cần lập một trạm y tế làm nhiệm vụ cấp cứu và phát thuốc cho dân công. Trường hợp này phải báo cáo cho cơ quan y tế địa phương biết trước để bố trí những bệnh xá, bệnh viện ở gần nhận chữa cho dân công khi ốm đau hoặc bị tai nạn nặng. Những công trường, trạm vận chuyển ở gần bệnh viện huyện, tỉnh, khu có điều kiện kết hợp thì cơ quan sử dụng báo cáo với cơ quan y tế và bàn bạc với cán bộ lãnh đạo bệnh viện nhận chữa cho dân công khi bị ốm đau, tai nạn… không cần lập bệnh xá riêng.

Tính số dân công để lập bệnh xá là tính số trung bình từ khi công trường khởi công đến khi hoàn thành, trừ những trường hợp đặc biệt. Ví dụ: trạm vận chuyển phải thực hiện một kế hoạch trong 4 tháng, tháng thứ nhất có 1.000, tháng thứ hai có 2.000, tháng thứ ba có 1.500, tháng thứ tư có 700 dân công; thì trung bình là 1.300 dân công

 (

                4 

người) được lập 1 bệnh xá với khoảng 15 giường bệnh.

Ở một công trường khác, nhiệm vụ thi công là 3 tháng, tính trung bình cũng có 1.300 dân công, nhưng tháng thứ nhất chỉ có 500, tháng thứ hai có 3.000, tháng thứ ba còn 400 dân công ( 500 3.000 400  =1.300

                    3               

  người) trường hợp này chỉ cần lập một trạm y tế.

Bệnh xá chỉ phụ trách cho dân công những bệnh cấp tính như sốt rét, kiết lị, ỉa chảy, đau bụng, cảm cúm, thương hàn… bị thương do tai nạn gây ra trong thời gian phục vụ. Trường hợp dân công có bệnh cũ tái phát, thì bệnh xá chỉ chữa trong một thời gian (khoảng một, hai tháng), khi sức khỏe được hồi phục một phần thì dân công về địa phương tiếp tục điều trị.

Dân công bị ốm, bị tai nạn nặng, bệnh xá không có khả năng cứu chữa, thì đưa vào bệnh viện huyện, tỉnh, kha, quân y viện (nếu dân công phục vụ quốc phòng) nơi gần nhất để điều trị. Các bệnh viện, quân y viện có trách nhiệm nhận chữa cho dân công trong những trường hợp trên. Dân công phục vụ quốc phòng, khi điều trị ở quân y viện, được chăm sóc thuốc men, bồi dưỡng như binh sĩ trong quân đội.

2. Cung cấp cán bộ y tế.

Y tá, y sĩ phục vụ dân công ở các công trường, trạm vận chuyển do cơ quan y tế địa phương (tỉnh, thành phố) nơi có công trường, trạm vận chuyển cung cấp. Cơ quan sử dụng phải báo cho cơ quan y tế biết trước kế hoạch sử dụng dân công từng 3 tháng, 6 tháng, 1 năm và khả năng cán bộ y tế sẵn có của mình (trừ trường hợp đột xuất) để cơ quan y tế có kế hoạch bố trí đủ số lượng cán bộ phục vụ, bảo đảm phòng chữa bệnh cho dân công.

Cơ quan sử dụng chịu trách nhiệm trả lương và các khoản phụ cấp (nếu có) cho cán bộ y tế (trong biên chế hoặc trưng tập) do ngành y tế cung cấp trong thời gian phục vụ.

3. Tiêu chuẩn thuốc men.

Tiêu chuẩn tiền thuốc cho dân công tính bình quân đầu người (kể cả dân công ở nhà sáng đi làm tối về gia đình). Cụ thể như sau:

- Dân công miền xuôi làm việc ở đồng bằng và trung du mỗi người được 0đ35 trong 1 tháng, nếu làm việc ở miền núi mỗi người được 0đ90 trong 1 tháng.

- Dân công miền núi làm việc ở miền núi mỗi người được 0đ70 trong 1 tháng.

- Tiền thuốc phòng không nhân dân cho dân công, bình quân mỗi người 0đ10 trong 1 tháng (khoản này chỉ được chi trong việc phòng không nhân dân).

Ngoài các tiêu chuẩn thuốc kể trên, ở bệnh xá công trường, trạm vận chuyển còn được cấp thêm mỗi 1 giường bệnh 1 ngày 0đ40 tiền thuốc điều trị và tiền chi về phòng, chống bệnh sốt rét cho dân công làm việc ở những vùng rừng núi.

Bộ Y tế sẽ có quy định riêng về trang bị dụng cụ và phương tiện chuyên môn cho bệnh xá, trạm y tế.

4. Bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho dân công.

Dân công bị ốm, bị thương nằm điều trị ở đơn vị, bệnh xá, bệnh viện, ngoài chế độ trợ cấp 0đ60 một ngày, nếu có đề nghị của y tá, y sĩ còn được bồi dưỡng thêm mỗi ngày từ 0đ20 đến 0đ40 tùy theo bệnh trạng.

Khi đưa dân công bị ốm, bị tai nạn đi bệnh xá, bệnh viện, cơ quan sử dụng phải dùng những phương tiện cần thiết nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cứu chữa, phải có y tá đi theo chăm sóc bệnh nhân lúc đi đường. Trường hợp không có phương tiện phải cáng bệnh nhân đi thì có thể lấy dân công trong đơn vị có người ốm cáng đi. Người đưa bệnh nhân đi và khi trở về được tính công nghĩa vụ như ngày làm việc và được hưởng trợ cấp (nếu có).

Nếu dân công ốm hay bị tại nạn xin về gia đình điều trị có đề nghị của y tá, y sĩ và ban chỉ huy dân công (đội trưởng hoặc đội phó) xác nhận, thì cơ quan sử dụng cấp cho một số thuốc để chữa bệnh trong 7 ngày đầu, và cấp tiền tàu xe, tiền ăn đường (kể cả tiền bồi dưỡng nếu có). Việc xét cho dân công bị ốm, bị tai nạn về gia đình do ban chỉ huy công trường, trạm vận chuyển… quyết định, dựa vào yêu cầu của gia đình và người dân công, được sự đồng ý của Ủy ban hành chính xã có người đi dân công và sự xác nhận về bệnh trạng của y sĩ. Nói chung dân công bị ốm nặng, hoặc bị tai nạn nặng, nhất thiết không cho về gia đình.

5. Chi phí về chôn cất.

Dân công chết vì ốm đau, vì tai nạn lao động hoặc tai nạn do thiên tai địch họa gây ra được chôn cất chu đáo, tùy theo hoàn cảnh cụ thể của từng nơi, từng lúc mà áp dụng cho thích hợp.

Những nơi có điều kiện thì cơ quan sử dụng phải đảm bảo có:

- 1 áo quan loại thường,

- 6 mét vải diềm bâu loại trung bình để liệm,

- hương, nến.

Ngoài ra, cơ quan sử dụng còn phải báo cho gia đình và chính quyền, đoàn thể địa phương có người dân công chết biết và an ủi gia đình họ.

B. VỀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, TAI NẠN CHIẾN TRANH ĐỐI VỚI DÂN CÔNG 

1. Đề phòng tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh

Khi chuẩn bị mở công trường, trạm vận chuyển, cơ quan sử dụng phải nghiên cứu và đề ra nội quy an toàn lao động và biện pháp đề phòng. Trước khi dân công bắt tay vào làm việc, cơ quan sử dụng phải chuẩn bị hầm hố trú ẩn, hào giao thông cho dân công đề phòng địch oanh tạc. Tổ chức cho toàn đơn vị dân công học tập nội quy an toàn lao động và quy phạm riêng cho những người làm công việc dễ xảy ra tai nạn lao động như leo dốc, chặt cây, lội suối, đập đá, bắn mìn, đào hầm lấy đất, đào hầm trong núi, trèo lên cao, khiêng những vật nặng… Thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc thực hiện những quy định ấy.

Khi dân công làm những công việc dễ xảy ra tai nạn lao động nói trên, thì tùy theo công việc và hoàn cảnh từng nơi, cơ quan sử dụng phải trang bị dụng cụ phòng hộ lao động. Dân công làm những công việc có hại nhiều đến sức khỏe, mỗi ngày hoặc mỗi đêm làm việc được bồi dưỡng từ 0đ20 đến 0đ30.

Chế độ trang bị dụng cụ phòng hộ lao động và những công việc được bồi dưỡng, cơ quan sử dụng nghiên cứu và có thể vận dụng theo tinh thần thông tư số 13-LĐ/TT ngày 29 tháng 06 năm 1962 của Bộ Lao động và thông tư số 8-TT/LB ngày 06-09-1963 của Liên bộ Lao động – Y tế cho phù hợp với điều kiện làm việc của dân công. Những công việc được bồi dưỡng, và mức bồi dưỡng phải do Bộ chủ quản duyệt (nếu công trường, trạm vận chuyển thuộc Bộ phụ trách) hay Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương duyệt (nếu công trường, trạm vận chuyển thuộc địa phương phụ trách).

Người đi làm nghĩa vụ dân công phải tuyệt đối chấp hành nội quy an toàn lao động, nội quy phòng không… do cơ quan sử dụng đề ra.

Cơ quan lao động địa phương có trách nhiệm kiểm tra và giúp đỡ cơ quan sử dụng thực hiện đầy đủ các mặt công tác nói trên trong thời gian dân công làm việc.

2. Những trường hợp được kể là tai nạn lao động.

Những tai nạn xảy ra trong lúc đang làm việc hoặc trên đường đi công tác, không phân biệt do dân công vô ý hay cơ quan sử dụng sơ suất trong việc đề phòng hoặc do thiên tai gây ra. Ví dụ: trong khi làm việc dân công đào, cuốc, chặt, phát phải chân tay, cây đè phải người, khiêng, gánh, đội lên, xưống dốc trượt ngã sai khớp xương hay gẫy chân tay; cuốc đất, đập đá, bắn mìn bị đất đá bắn vào người, sụt núi, sét đánh, sụp đất đè phải người, bị thú dữ cắn, cấp dưỡng bị bỏng khi nấu ăn…

Dân công đi từ địa phương (kể từ nơi tập trung) đến nơi phục vụ và khi trở về (đến nơi giải tán); đi từ nơi ở đến nơi làm việc và trở về nơi ở; hoặc được cơ quan sử dụng cử đi vận chuyển lương thực, thực phẩm, nguyên vật liệu, máy móc… bị tàu xe đè, bị đắm thuyền, bị nước cuốn, bị ngã, bị thú dữ cắn, trên đoạn đường và thời gian cần thiết cho công tác, như đường hàng ngày thường đi và thuận tiện nhất, trong thời gian đi đường và lúc làm việc tại chỗ.

Tai nạn xảy ra ngoài giờ làm việc trong những trường hợp vì nhiệt tình lao động, vì ý thức làm chủ đã có những hành động dũng cảm để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của nhân dân như cứu chữa kho tàng, nhà cửa, đê điều, cứu tài sản và người trong lúc bị cháy, bị địch oanh tạc, bị nước cuốn, bị đắm thuyền, bị điện giật cũng được kể là tai nạn lao động.

3. Trường hợp không được kể là tai nạn lao động.

Dân công đi từ nhà đến nơi tập trung và từ chỗ giải tán trở về nhà mà bị tai nạn.

Những ngày nghỉ thường lệ, nghỉ lễ, nghỉ chờ việc hoặc lúc  nghỉ ngơi do dân công đùa nghịch mà xảy ra tai nạn.

Ngoài ra, nếu còn những trường hợp xảy ra tai nạn chưa rõ thì cơ quan sử dụng phải thỉnh thị cấp trên (theo ngành dọc) và cơ quan lao động địa phương trước khi giải quyết.

4. Những trường hợp dân công bị tai nạn chiến tranh được áp dụng theo chế độ tai nạn lao động.

Dân công bị thương tật hoặc chết do địch oanh tạc trong lúc đang làm nhiệm vụ, hoặc lúc đi đường từ lán trại đến nơi làm việc, từ nơi tập trung đến nơi phục vụ và trở về, thì được áp dụng theo chế độ tai nạn lao động.

5. Trợ cấp thương tật và chết vì tai nạn.

a) Dân công bị thương vì tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh được hưởng mọi quyền lợi về điều trị, bồi dưỡng như đối với dân công bị ốm. Sau thời gian điều trị nếu người dân công phải mang thương tật ảnh hưởng nhiều đến sức lao động thì được Ủy ban hành chính tỉnh khu, tỉnh, thành phố có người đi dân công xét và quyết định trợ cấp một lần một số tiền, tùy theo thương tật nặng nhẹ, hoàn cảnh gia đình của mỗi người và khả năng giúp đỡ của hợp tác xã, cụ thể như sau:

- Dân công bị thương tật nhẹ (mất từ 5 đến 40% sức lao động) và tùy theo hoàn cảnh gia đình có gặp khó khăn ít hay nhiều mà được xét trợ cấp từ 30đ đến 50đ;

- Dân công bị thương tật trung bình (mất từ 41 đến 70% sức lao động) và tùy theo hoàn cảnh gia đình có khó khăn ít hay nhiều mà được xét trợ cấp từ 60đ đến 120đ;

- Dân công bị thương tật nặng (mất từ 71 đến 100% sức lao động) và tùy theo hoàn cảnh gia đình có khó khăn ít hay nhiều mà được xét trợ cấp từ 130đ đến 220đ.

Dân công có hành động dũng cảm, vượt mọi khó khăn, nguy hiểm để làm nhiệm vụ mà bị thương tật, được đơn vị phụ trách dân công và cơ quan sử dụng xác nhận, thì được ưu tiên trong việc xét trợ cấp cao hơn một mức so với thương tật do tai nạn lao động trong trường hợp thường, cụ thể như sau:

- bị thương tật nhẹ, được trợ cấp từ 60đ đến 120đ,

- bị thương tật trung bình; được trợ cấp từ 130đ đến 220đ,

- bị thương tật nặng, được trợ cấp từ 230đ đến 270đ.

Riêng đối với dân công là quân nhân dự bị, dân quân tự vệ bị thương tật hoặc chết do thi hành mệnh lệnh quân sự, thì bản thân hoặc gia đình được hưởng mọi quyền lợi theo Điều lệ tạm thời của Chính phủ quy định các chế độ ốm đau, thương tật… đối với quân nhân dự bị, dân quân tự vệ ban hành kèm theo nghị định số 161-CP ngày 30-10-1964.

Hội đồng thương tật khu, tỉnh, thành phố nơi dân công nằm điều trị xét và xếp thương tật nặng, trung bình, nhẹ cho dân công.

b) Trợ cấp cho gia đình có người dân công chết vì tai nạn:

Gia đình có người dân công bị chết vì tai nạn lao động (vợ hoặc chồng, con, cha, mẹ, hoặc người đã nuôi dưỡng người chết, hay người chết lúc còn sống phải nuôi dưỡng) được trợ cấp một lần một số tiền 270đ.

Dân công có hành động dũng cảm, vượt mọi khó khăn, nguy hiểm để làm nhiệm vụ mà bị hy sinh, được đơn vị dân công xác nhận là xứng đáng, được Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố hoặc cấp chỉ huy quân đội từ trung đoàn trở lên đề nghị thì được truy tặng là liệt sĩ, gia đình liệt sĩ được trợ cấp một lần một số tiền 300đ và được hưởng mọi quyền lợi về tinh thần, vật chất theo chính sách hiện hành đối với gia đình liệt sĩ nói chung.

Việc trợ cấp một lần một số tiền cho người phải mang thương tật ảnh hưởng nhiều đến sức lao động và gia đình có người bị chết vì tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh là nhằm giúp đỡ cho những người đó giải quyết một phần khó khăn lúc đầu. Vì vậy, Ủy ban hành chính xã, hợp tác xã có người bị tai nạn có trách nhiệm vận động nhân dân giúp đỡ về vật chất, tinh thần, nhất là bố trí công việc làm thích hợp để cho người phải mang thương tật hoặc gia đình có người bị chết vì tai nạn có thu nhập, bảo đảm đời sống bình thường và lâu dài.

Trường hợp Ủy ban hành chính xã, hợp tác xã đã tận tình giúp đỡ nhưng người phải mang thương tật hay gia đình có người chết vì tai nạn lao động, tại nạn chiến tranh trong lúc đi dân công, vẫn còn gặp khó khăn về đời sống thì Ủy ban hành chính xã đề nghị lên huyện, tỉnh trích quỹ xã hội địa phương giúp đỡ thêm.

6. Nhiệm vụ của cơ quan sử dụng dân công khi xảy ra tai nạn lao động.

Trường hợp xảy ra tai nạn lao động nặng, nghiêm trọng và chết người, cơ quan sử dụng phải thực hiện đúng thủ tục  “Khai báo điều tra tai nạn lao động” đã quy định tại phần II trong thông tư số 02-LĐ/TT ngày 26-03-1965 của Bộ Lao động, cụ thể như sau:

a) Nếu xảy ra tai nạn lao động nặng thì cơ quan sử dụng tự tổ chức tiểu ban điều tra ngay (trong vòng 24 giờ kể từ khi xảy ra tai nạn) về trường hợp, nguyên nhân xảy ra tai nạn, trách nhiệm để xảy ra tai nạn.

Thành phần tiểu ban điều tra gồm: trưởng hoặc phó ban chỉ huy, cán bộ trực tiếp phụ trách dân công, cán bộ y tế công trường, trạm vận chuyển sử dụng dân công và cán bộ của đơn vị dân công có người bị tai nạn.

Sau khi điều tra, tiểu ban lập biên bản nêu rõ hoàn cảnh, trường hợp xảy ra tai nạn lao động; nguyên nhân của vụ tai nạn lao động; kết luận trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động và đề nghị xử lý nếu xét thấy cần thiết, đồng thời đề ra các biện pháp cụ thể, giao cho người phụ trách tiến hành trong thời gian nhất định để ngăn ngừa tai nạn tương tự tái diễn.

Biên bản phải do các thành viên trong tiểu ban ký tên và lập thành 5 bản; 1 gửi cơ quan lao động địa phương nơi xảy ra tai nạn; 1 gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp; 1 gửi cho cơ quan điều trị nạn nhân; 1 do cơ quan sử dụng giữ; 1 do đơn vị dân công giữ đem về báo cáo Ủy ban hành chính xã có người dân công bị nạn.

b) Nếu xảy ra tai nạn lao động nghiêm trọng (bị thương từ 3 người trở lên, trong đó có 1 người bị thương nặng) và tai nạn chết người, thì:

- Cơ quan sử dụng phải báo ngay bằng điện thoại, điện tín hay bằng cách nào nhanh nhất, cho cơ quan lao động, y tế tỉnh, Ủy ban hành chính huyện địa phương và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp; tai nạn chết người phải báo cả cho cơ quan công an, Viện kiểm sát nhân dân địa phương và Bộ Lao động biết, để cử cán bộ đến tham gia việc điều tra tai nạn xảy ra. Sau 48 giờ, nếu các cơ quan được báo không đến được thì cơ quan sử dụng tự tiến hành điều tra như trên, nhưng biên bản phải gửi cả cho các cơ quan được báo đã quy định.

C. Tất cả những phí tổn về tiền thuốc, tiền bồi dưỡng, tiền trợ cấp trong những ngày điều trị; tiền thuê phương tiện đưa bệnh nhân đi bệnh viện, tiền trợ cấp cho người dân công phải mang thương tật hay cho thân nhân người dân công chết vì tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh; tiền phí tổn chôn cất nói chung (kể cả dân công và người được động viên theo chế độ huy động khẩn cấp) do cơ quan sử dụng đài thọ. Riêng dân công và người được huy động theo chế độ huy động khẩn cấp phục vụ quốc phòng, khi đã chuyển sang điều trị ở bệnh viện dân y, thì các phí tổn trên do ngân sách xã hội khu, tỉnh, thành phố nơi có dân công điều trị đài thọ.

D. CHẾ ĐỘ ỐM ĐAU, TAI NẠN ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC.

Công nhân, viên chức Nhà nước đi dân công hoặc đi làm theo chế độ huy động khẩn cấp mà bị ốm đau, tai nạn lao động, tai nạn chiến tranh, thì mọi phí tổn về điều trị, bồi dưỡng, trợ cấp tai nạn, trợ cấp chôn cất (nếu chết)… được áp dụng theo chế độ bảo hiểm xã hội như lúc làm việc ở cơ quan, xí nghiệp… bị ốm đau, bị tai nạn.

E. BẢO VỆ SỨC KHỎE ĐỐI VỚI NỮ DÂN CÔNG.

Hiện nay trong dân công số đông là phụ nữ, các cấp, các ngành và cơ quan sử dụng phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe cho chị em. Trong ban chỉ huy các công trường, trạm vận chuyển cần có cán bộ phụ nữ tham gia. Y sĩ, y tá phục vụ dân công phải có tỷ lệ nữ thích đáng. Ở những công trường, trạm vận chuyển có điều kiện (nơi ở và làm việc tương đối tập trung, thời gian phục vụ từ 1 tháng trở lên…) được làm nhà tắm riêng cho nữ dân công và mua một số chậu giặt để chị em dùng.

Cơ quan sử dụng cần bố trí cho nữ dân công làm những công việc nhẹ trong những ngày hành kinh, như: sàng cát, sỏi tại chỗ, thu dọn công trường, kho tàng, sửa chữa dụng cụ… Trường hợp không có việc nhẹ thì bố trí để chị em làm mỗi ngày 8 giờ (nghỉ trước mỗi buổi 30 phút để làm vệ sinh riêng); dân công làm khoán thì được trừ bớt định mức lao động cho nữ dân công trong những ngày hành kinh, mỗi ngày bằng 12% để đơn vị tự bố trí việc làm, và thì giờ nghỉ trước cho chị em.

IV. CHẾ ĐỘ CÔNG GIÁN TIẾP CHO CÁN BỘ CHỈ HUY, CẤP DƯỠNG VÀ CÁC KHOẢN TẬP THỂ PHÍ

Trong điều kiện hiện nay, dân công đi phục vụ chủ yếu là đội dân công của hợp tác xã. Đội to hay nhỏ là do số người có nghĩa vụ trong hợp tác xã nhiều hay ít. Thời gian đi phục vụ từng đợt dài ngày. Hơn nữa, chế độ làm việc của dân công trên công trường, trạm vận chuyển chủ yếu là làm khoán, nên mỗi đơn vị dân công phải có người chăm lo tổ chức lao động, sinh hoạt, ăn, ở của dân công cho đúng mức. Vì thế Liên bộ quy định cụ thể như sau:

1. Cán bộ chỉ huy và cấp dưỡng.

- Dân công ăn, ở tập trung tại công trường, trạm vận chuyển thì cứ 100 người được cử 3 người làm cán bộ chỉ huy và 4 người làm cấp dưỡng. Ví dụ:

Nếu đơn vị dân công có 100 người nhận khoán, thì đơn vị sử dụng giao mỗi ngày 93 định mức lao động (trừ 3 cán bộ chỉ huy và 4 cấp dưỡng).

Nếu đơn vị dân công làm theo công nhật thì cứ 100 người được trừ 3 cán bộ chỉ huy và 4 người làm cấp dưỡng, còn lại 93 người trực tiếp sản xuất.

- Dân công ở nhà sáng đi làm, tối về gia đình, thì cứ 100 người được cử 3 người làm cán bộ chỉ huy và 1 người nấu nước uống (không có cấp dưỡng). Ví dụ:

Đơn vị dân công có 100 người nhận khoán thì đơn vị sử dụng giao mỗi ngày 96 định mức lao động (trừ 3 cán bộ chỉ huy và 1 người nấu nước).

Nếu dân công làm công nhật thì cứ 100 người được trừ 3 người chỉ huy và 1 người nấu nước uống, còn lại 96 người trực tiếp sản xuất.

- Cán bộ chỉ huy, cấp dưỡng đều được trợ cấp (nếu có) và được tính công nghĩa vụ.

2. Các khoản tập thể phí.

Nhà ở:

- Dân công là người ở địa phương, ở gần nhà có thể sáng đi làm tối về gia đình.

- Công trường, trạm vận chuyển ở gần thôn xóm thì cơ quan sử dụng cần quan hệ với địa phương mượn nhà nhân dân bố trí cho dân công ở.

- Công trường, trạm vận chuyển ở những nơi tương đối ổn định có điều kiện, thì tùy theo thời gian làm việc dài hay ngắn ngày, cơ quan sử dụng có thể làm nhà, làm lán hoặc che bạt cho dân công ở.

Trường hợp dựa vào nhà dân, hoặc làm nhà, làm lán, che bạt, cơ quan sử dụng đều phải bảo đảm cho dân công có đủ chỗ nằm (không để dân công nằm đất); bảo đảm che được mưa sáng; đến mùa rét phải chống rét; có chỗ nghỉ riêng cho nữ dân công và chỗ ở không cách qua xa nơi làm việc (các lần đi và về trong một ngày không quá 3 giờ). Trường hợp làm việc cả ngày ở luôn công trường, cần phải bố trí cho dân công có chỗ nghỉ trưa thuận tiện.

Dầu thắp đèn: Dân công tập trung ở lán trại, cứ 30 người được cấp 1 lít dầu trong một tháng; dân công phân tán ở nhà dân, cứ 20 người được cấp 1 lít dầu trong một tháng. Ban chỉ huy đơn vị dân công có từ 100 người trở lên trong một tháng được cấp nửa (1/2) lít đầu để thắp đèn.

Báo chí: cứ 100 dân công, mỗi ngày được cấp 1 tờ báo Nhân dân, 1 tờ báo địa phương và mỗi tháng 2 tờ báo phụ nữ. Cán bộ công trường, trạm vận chuyển và cán bộ chỉ huy dân công cần tổ chức đọc báo và phổ biến tin tức cho dân công. Ở những công trường, trạm vận chuyển có loa truyền thanh hoặc tổ chức người phát thanh bảo đảm cho dân công nghe được tin tức hàng ngày thì không phải cấp báo.

Giấy viết: Mỗi đội dân công mỗi tháng được cấp 5 tờ giấy để ban chỉ huy ghi chép công việc chung.

Nước uống: Dân công làm việc trên công trường, mỗi người mỗi ngày được cấp 1 xu để nấu nước uống.

Dụng cụ nấu ăn: cơ quan sử dụng phải mua thùng to cho dân công mượn để nấu nước và đựng nước uống. Dụng cụ nấu ăn như: nồi, soong, chảo, sanh… do dân công và hợp tác xã giúp đỡ đem theo để dùng. Riêng ở miền núi thì cơ quan sử dụng có thể mua nồi to, chảo to cho dân công mượn nấu ăn.

Dân công phải giữ gìn cẩn thận những dụng cụ do cơ quan sử dụng cho mượn và đem trả trước khi rời công trường, nếu để mất hoặc hư hỏng nặng không có lý do chính đáng thì phải bồi thường.

Cơ quan sử dụng phải thanh toán mọi khoản chi phí cho dân công trước khi về hoặc trước khi công trường, trạm vận chuyển giải tán. Trừ những khoản bất đắc dĩ không thể thanh toán ngay được như tiền thuốc men, viện phí… cho dân công đang nằm điều trị… thì cơ quan sử dụng phải bàn giao lại cho cơ quan cấp trên trực tiếp phụ trách chịu trách nhiệm thanh toán.

Ví dụ: công trường thuộc ty hoặc Bộ Thủy lợi phụ trách, thì bàn giao lại cho ty hoặc Bộ Thủy lợi chiụ trách nhiệm thanh toán mọi khoản do công trường này chưa có điều kiện thanh toán.

Riêng dân công phục vụ quốc phòng, trong lúc còn làm việc mà đơn vị phải chuyển đi nơi khác, có những khoản chưa thể thanh toán được, thì bàn giao lại cho Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố nơi dân công đang làm việc chịu trách nhiệm trích kinh phí địa phương để thanh toán.

Trong quá trình thực hiện, có những mắc mứu hoặc có những vấn đề chưa rõ, các ngành, các địa phương cần phản ánh về Liên bộ nghiên cứu, góp ý kiến giải quyết.

Thông tư này áp dụng kể từ ngày 24 tháng 05 năm 1966.

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG
 
 


Bùi Quỳ

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
 


 

Dược sĩ Vũ Công Thuyết

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG


 

 
Trịnh Văn Bính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 07-TT/LB năm 1966 quy định một số quyền lợi của người đi làm nghĩa vụ dân công thời chiến do Bộ Lao động - Bộ Y tế - Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 07-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 24/05/1966
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Tài chính, Bộ Y tế
  • Người ký: Trịnh Văn Bính, Vũ Công Thuyết, Bùi Quỳ
  • Ngày công báo: 31/07/1966
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 24/05/1966
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản