Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THƯƠNG NGHIỆP-BỘ TƯ PHÁP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 07-BTN/LB

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 1958 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

HƯỚNG DẪN VIỆC THI HÀNH SẮC LUẬT SỐ 001-SLT, NGÀY 19-4-1957, CẤM ĐẦU CƠ VỀ KINH TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG NGHIỆP-BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH-BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

Kính gửi:

Ủy ban Hành chính liên khu, thành phố, tỉnh.
Các ông Công tố ủy viên liên khu, thành phố, tỉnh.
Giám đốc Khu, Sở Công an, Công thương.
Ông Chủ nhiệm Phân sở thuế vụ, khu, thành phố
Trưởng ty Công an, Công thương
Chi sở trưởng Thuế vụ

 

Nhằm mục đích góp phần vào việc đảm bảo bình ổn vật giá, phát triển sản xuất, thực hiện kế hoạch Nhà nước, khôi phục và phát triển kinh tế quốc dân, bảo hộ và khuyến khích những người kinh doanh đúng đắn, nâng cao đời sống nhân dân, Chính phủ đã ban hành Sắc luật số 001-SLt ngày 19-04-1957, cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế. Sắc luật này được Quốc hội thông qua trong khóa họp thứ 7, sau khi bổ sung điều 3 (Nghị quyết ban bố do sắc lệnh số 104-SL/L6 ngày 14-10-1957). Thủ tướng Chính phủ ra nghị định số 163-TTg ngày 19-04-1957 ấn định các chi tiết thi hành luật nói trên.

Liên bộ ra thông tư này để hướng dẫn các ngành, các cấp trong việc thi hành các văn bản trên. Thông tư này thay thế thông tư số 313-BTN/LB ngày 17-05-1957.

1. - ĐỊNH NGHĨA:

Điều 2 Của luật định nghĩa thế nào là đầu cơ về kinh tế. Đầu cơ về kinh tế thể hiện dưới nhiều hình thức, nhưng trong tình hình hiện nay, Chính phủ quy định 5 trường hợp phổ biến và chủ yếu dưới đây, coi là đầu cơ:

Trường hợp 1:

Lợi dụng cơ hội hoặc tạo cơ hội khó khăn về sản xuất, phân phối, tiêu thụ để trục lợi bằng cách:

- Vơ vét cất giấu, tích trữ hàng hoặc từ chối, hạn chế bán hàng hóa ra làm cho thị trường trở nên khan hiếm, nâng giá hàng hóa gây hỗn loạn thị trường;

Một vài ví dụ về hành động đầu cơ:

- Lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc chênh lệch giá cả giữa các địa phương, một tư thương tự mình hoặc cho tay chân đi các nơi sục sạo để vơ vét hàng hóa của tư nhân (tư thương khác, của nhà sản xuất) hay của Mậu dịch quốc doanh đem về tích trữ lại làm cho giá cao lên hoặc nâng giá một cách không hợp lý.

- Một tư thương có hàng trong kho, trong cửa hiệu, thấy nhiều người cần mua thì từ chối, hạn chế bán ra hoặc đặt một giá cao làm cho thị trường khan hiếm hoặc thêm khan hiếm.

- Một nhà sản xuất hoặc chế biến thấy thị trường khan hiếm tự ý nâng giá hàng sản xuất trong lúc những điều kiện sản xuất chưa làm thay đổi giá thành.

- Một nhà sản xuất ở nông thôn lợi dụng lúc sản xuất kém hoặc mất mùa, đi vơ vét thêm nông phẩm đem về tích trữ lại hoặc mua vơ vét nguyên vật liệu đem về chế biến thành hàng hóa, tích trữ để đẩy giá lên cao.

Trường hợp 2:

Bán quá giá Nhà nước quy định và công bố cũng coi là hành động đầu cơ.

Giá Nhà nước đây là giá do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thương nghiệp hoặc Ủy ban Hành chính địa phương quy định và công bố. Ai buôn bán những loại hàng đã quy định giá đều phải bán theo giá quy định không kể nguồn gốc và giá vốn như thế nào.

Trường hợp 3:

Lợi dụng hoặc giả mạo giấy tờ giới thiệu của cơ quan, đoàn thể, để mua hàng hóa của Mậu dịch hay các cơ quan Nhà nước như phụ tùng xe đạp, đồ điện, tân dược v.v… đem về bán lại để trục lợi đều coi là hành động đầu cơ.

Trường hợp 4:

Nhà sản xuất khai gian để xin phân phối nguyên vật liệu hoặc làm gia công thì ăn cắp, rút bớt nguyên vật liệu do cơ quan Nhà nước cho, hoặc đổi thứ xấu lấy thứ tốt… để bán lại ra ngoài lấy giá cao, hoặc làm hàng riêng cho mình.

Trường hợp 5:

“Dùng thủ đoạn tuyên truyền lừa bịp phao đồn tin nhảm, gây tâm lý hoang mang trong nhân dân nhằm mục đích đầu cơ tích trữ hàng hóa để trục lợi” thì coi là hành động đầu cơ. Một vài câu nói vô ý thức, vô trách nhiệm nhưng không phải là nhằm mục đích trục lợi thì không phải là hành động đầu cơ.

Ngoài ra, trong bất cứ trường hợp nào, những người nào, dù là tư nhân, hay cán bộ, công nhân viên các cơ quan, bộ đội lợi dụng hoàn cảnh, chức vụ, quyền hạn để thông đồng với những người nói trên nhằm mục đích trục lợi, đều coi là tòng phạm trong việc đầu cơ về kinh tế.

Nói chung, những hành động nào có các yếu tố: lợi dụng hoặc tạo cơ hội khó khăn gây hỗn loạn thị trường nhằm trục lợi một cách không chính đáng làm thiệt hại cho người tiêu thụ, làm thiệt hại đến nền kinh tế quốc dân đều coi là hành động đầu cơ.

Một vài ví dụ về hành động không phải đầu cơ:

- Trong một điều kiện phân phối nhất định, một tư thương có thể dự trữ một số hàng hóa cần thiết cho việc kinh doanh của mình được thường xuyên. Mức dự trữ ấy là mức nằm trong vốn luân chuyển kinh doanh, tùy theo mức buôn bán bình thường đối với từng loại hàng. Trong lúc thị trường khan hiếm, khi người tiêu thụ đến hỏi mua cũng không từ chối, không hạn chế bán, không nâng giá.

- Hoặc một nhà sản xuất có thể dự trữ một số nguyên vật liệu theo đúng kế hoạch để sản xuất được liên tục trong một thời gian nhất định và được cơ quan công thương thừa nhận.

- Một nông dân có phương tiện tự chế biến nông sản của mình hay nhờ chế biến thuê mà có thành phẩm còn giữ lại trong nhà chưa bán ra.

- Một gia đình có thể dự trữ một số hàng hóa để tiêu dùng trong một thời gian nhất định.

2. - VẤN ĐỀ CÔNG BỐ GIÁ VÀ NIÊM YẾT GIÁ:

Để ngăn ngừa tư thương tự do nâng giá những hàng hóa chủ yếu cho đời sống của nhân dân, gây hỗn loạn thị trường, Nhà nước sẽ lần lượt quy định và công bố giá một số hàng hóa và bắt buộc người kinh doanh phải niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các loại hàng ấy không kể giá vốn như thế nào.

Danh sách các loại hàng trên và giá bán sẽ được đăng vào Công báo và phổ biến bằng lối truyền tin thông thường.

3. - VẤN ĐỀ KHÁM XÉT VÀ LẬP BIÊN BẢN:

Mỗi khi cần khám xét người, đồ vật, nhà ở và lập biên bản về tội đầu cơ về kinh tế, những viên chức được chỉ định trong điều 4 nghị định phải tự mình đảm nhiệm việc khám xét để tránh những sai lầm có thể gây ảnh hưởng không tốt.

Việc ủy nhiệm khám xét và lập biên bản phải hết sức hạn chế và chỉ ủy nhiệm từng vụ một cho các cán bộ phụ trách dưới đây:

- Đối với cơ quan tòa án: Thẩm phán tòa án huyện.

- Đối với cơ quan công an: Trưởng, Phó phòng Khu, sở; Trưởng, Phó quận; Trưởng, Phó ban trong các Ty; Trưởng công an huyện, châu, đồn.

- Đối với cơ quan thuế vụ: Trưởng, Phó phòng, Phân sở, Chi sở; Trưởng, Phó phòng quận và huyện, và cán bộ quản lý chuyên trách.

- Đối với cơ quan công thương: Trưởng, Phó phòng, Khu, Sở, Ty.

Khi khám nhà tư nhân hoặc nhà riêng của người kinh doanh, cần phải theo đúng thủ tục hiện hành, nghĩa là phải có mặt một ủy viên hành chính xã hoặc đại biểu chính quyền khu phố, người chủ nhà, hoặc người thay mặt và một người láng giềng, khi khám xong phải lập biên bản do viên chức thi hành lệnh khám và các người có mặt ký tên. Trường hợp người chủ nhà hay người thay mặt không chịu ký tên thì phải ghi rõ lý do trong biên bản.

Cần nhắc rõ ràng tất cả các thủ tục nói trên chỉ áp dụng trong việc khám xét những vụ đầu cơ, còn khi cán bộ thuế làm nhiệm vụ khám xét về phương diện thuế thì chỉ cần theo thủ tục riêng sẵn có của ngành mình. Mặt khác, trong khi cán bộ thuế khám xét các nhà kinh doanh buôn chuyến, các cửa hiệu, kho hàng các xưởng sản xuất, tóm lại tất cả các cơ sở hoạt động công thương nghiệp thuộc quyền quản lý thường xuyên của các cơ quan thuế vụ và trong khi cán bộ thuế làm công việc thường xuyên quản lý, kiểm soát, chống lậu của mình, nếu thấy phát hiện vụ phạm pháp đầu cơ, thì tất nhiên cán bộ thuế đó không cần phải đi lấy thêm giấy ủy nhiệm đặc biệt mà có thể lập biên bản luôn không cần thiết phải có mặt một ủy viên hành chính xã hoặc đại diện khu phố và một người láng giềng như nói trên. Trong biên bản cần ghi rõ:

- Việc phạm pháp về thuế sẽ do cơ quan thuế vụ giải quyết theo thể lệ thuế.

- Việc phạm pháp về đầu cơ tích trữ sẽ chuyển sang Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố để xét định theo luật lệ cấm đầu cơ.

Trong trường hợp này, việc xét xử hành động phạm pháp đầu cơ về kinh tế không ảnh hưởng gì đến việc xét xử hành động vi phạm về thể lệ thuế.

Cần chú ý là trong tình hình hiện tại ở nông thôn cũng như ở thành thị, việc khám xét về đầu cơ cần phải làm thận trọng, có điều tra nghiên cứu kỹ, kiên quyết không khám xét cầu may.

Những người thi hành mệnh lệnh khám xét phải làm đúng thủ tục khám xét, nếu vi phạm thủ tục khám xét sẽ bị xử trí theo luật lệ hiện hành.

Biên bản lập thành 4 bản:

- 1 lưu tại cơ quan khám xét.

- 1 gửi Ủy ban hành chính địa phương(tỉnh hay thành phố).

- 1 giao cho đương sự.

- 1 gửi tòa án (mỗi khi cần thiết).

Đối với những vụ phạm pháp quan trọng, cần phải bắt giữ người thì trong 24 giờ phải giải ngay người phạm pháp đến cơ quan công an hoặc Tòa án nhân dân từ cấp huyện trở lên nơi gần nhất.

Sau khi lập biên bản xong, hàng phạm pháp đều phải giao cho Ủy ban Hành chính địa phương tạm giữ và bảo quản (Điều 6 nghị định). Ủy ban Hành chính có thể chỉ định cơ quan Mậu dịch chịu trách nhiệm giữ và bảo quản vì cơ quan này tương đối có đủ điều kiện.

Nếu xét thấy rằng hàng phạm pháp thuộc những loại dễ hư hỏng như lương thực, thực phẩm, thì trong 24 giờ cơ quan khám xét phải đề nghị với Ủy ban Hành chính hoặc Tòa án nhân dân tỉnh hay thành phố ra lệnh giải quyết ngay bằng cách bán hoặc giao cho cơ quan Nhà nước sử dụng, số tiền bán hàng này sẽ gửi tại Ngân hàng để chờ quyết định của Ủy ban hành chính hay Tòa án xét xử vụ phạm pháp.

4. - VẤN ĐỀ HÌNH PHẠT:

Điều 3 của luật quy định những người vi phạm luật này và những người đồng phạm, tùy theo tội nhẹ hay nặng sẽ bị cảnh cáo; thu hồi có thời hạn hoặc vĩnh viễn giấy phép đăng ký kinh doanh, phạt tiền, truy tố trước tòa án. Ngoài ra, số hàng hóa phạm pháp sẽ bị tịch thu một phần hay toàn bộ, hoặc bị trưng mua.

a) Thẩm quyền của Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố.

- Xử lý một vụ phạm pháp, Ủy ban Hành chính tỉnh hay thành phố có thể áp dụng một trong ba hoặc cả ba hình phạt sau đây:

- Cảnh cáo .

- Thu hồi có thời hạn hay vĩnh viễn giấy phép đăng ký kinh doanh công thương nghiệp.

- Phạt tiền đến một triệu đồng.

Ngoài 3 hình phạt nói trên, Ủy ban Hành chính sẽ trưng mua hoặc có thể tịch thu một phần hay toàn bộ hàng hóa phạm pháp.

Đối với những vụ vi phạm thể lệ niêm yết giá quy định ở điều 3 nghị định, Ủy ban hành chính có thể chỉ áp dụng hình phạt theo thể lệ hành chính như cảnh cáo, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh công thương nghiệp, phạt tiền.

Ngoài ra, mỗi khi xét cần, UBHC còn có thể đề nghị truy tố can phạm trước Tòa án nhân dân tỉnh hay thành phố.

Quyết định của UBHC áp dụng các hình phạt cảnh cáo, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh công thương nghiệp và trưng mua nói trên là quyết định chung thẩm, người phạm pháp phải thi hành ngay và không thể khiếu nại được.

Đối với những vụ phạm pháp mà xét thấy rằng: có thể chỉ cần phạt tiền và tịch thu hàng hóa mà không cần thiết phải đưa ra tòa án thì trước khi UBHC tỉnh hay thành phố ra quyết định phạt nên giải thích cho can phạm rõ, nếu họ chịu nhận sự xử phạt của Ủy ban thì sẽ không phải xét xử lại nữa. Sau khi đã được nghe giải thích rồi, mà can phạm không chịu nhận sự xử phạt của Ủy ban, thì Ủy ban sẽ chuyển hồ sơ sang Tòa án nhân dân tỉnh hay thành phố. Biện pháp này chỉ áp dụng để giải quyết các vụ phạm pháp đầu cơ về kinh tế.

b) Thẩm quyền của Tòa án nhân dân tỉnh hay thành phố.

Công tố viện sẽ truy tố khi có đề nghị của UBHC tỉnh hay thành phố, tòa án thụ lý một vụ phạm pháp đầu cơ về kinh tế có thể áp dụng những hình phạt sau đây đã ghi trong Sắc luật 001-SLt.

- Phạt tiền từ 10 vạn đến 100 triệu đồng.

- Phạt tù từ 1 tháng đến 5 năm.

- Tịch thu một phần hay toàn bộ hoặc trưng mua số hàng phạm pháp.

Tòa án có thể áp dụng một trong ba hình phạt hoặc cả ba hình phạt đó.

Trong mọi trường hợp dù áp dụng hình phạt hành chính hoặc tư pháp, hàng hóa phạm pháp đều bị tịch thu hoặc trưng mua. Nếu chỉ tịch thu một phần thì số còn lại cũng bị trưng mua.

Tòa án nhân dân tỉnh hay thành phố xử sơ thẩm, nếu có chống án thì Tòa án nhân dân phúc thẩm liên khu hoặc thành phố sẽ xử chung thẩm.

c) Điều 4 của quy định rằng: “Những người tự giác khai báo sẽ được khoan hồng một cách thích đáng”.

Khoan hồng một cách thích đáng có nghĩa là tùy theo từng trường hợp mà định xử lý như miễn cảnh cáo, miễn thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, miễn truy tố trước tòa án. Hoặc người phạm pháp có thể được giảm nhẹ tội: đáng phạt tù nặng chỉ phạt tù nhẹ, đáng phạt tù nhẹ thì phạt tiền, đáng phạt tù nhẹ và phạt tiền thì chỉ phạt tịch thu hay trưng mua hàng phạm pháp, được hưởng án treo.

5. – VẤN ĐỀ BÁN HÀNG HÓA PHẠM PHÁP:

Tất cả các hàng hóa phạm pháp đều phải giao cho Công ty Mậu dịch tỉnh hay thành phố để phân phối ra thị trường, trừ những loại dễ hư hỏng phải giải quyết ngay như đã nói ở trên.

Giá trưng mua hàng hóa phạm pháp, hoặc giá mà Công ty Mậu dịch phải căn cứ để thanh toán đối với hàng hóa tịch thu là:

- Đối với các hàng hóa thuộc loại Nhà nước quản lý, giá quy định trừ các khoản kinh doanh phí của Mậu dịch quốc doanh.

- Đối với những hàng hóa thuộc loại Mậu dịch có thu mua giá thu mua của Mậu dịch.

- Đối với những loại sản phẩm sản xuất và tiêu thụ chủ yếu tại mỗi địa phương giá do Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố quyết định.

- Đối với những loại hàng nào chưa có giá chỉ đạo, cần phải xin ý kiến của Bộ Thương nghiệp.

Sau khi nhận được quyết định của Ủy ban hay bản án của Tòa án tuyên bố trưng mua hay tịch thu, các Công ty Mậu dịch đã nhận các hàng hóa phạm pháp phải trả tiền mua hàng ngay cho cơ quan được Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố ủy nhiệm thanh toán các vụ phạm pháp.

6. - VẤN ĐỀ KHEN THƯỞNG:

Về việc khen thưởng nêu ở điều 9 nghị định, cần chú ý các điểm sau đây:

a) Người được thưởng là những người có công giúp đỡ cơ quan có thẩm quyền khám phá ra hoặc bắt được vụ phạm pháp.

Những viên chức thi hành lệnh khám bắt, lập biên bản hoặc làm nhiệm vụ mình như Công an, Thuế vụ, Công thương, Tư pháp không được hưởng khoản tiền thưởng. Tuy nhiên nếu những cán bộ, nhân viên các ngành Công an, Thuế vụ, Công thương, Tư pháp có nhiều công theo dõi khám phá ra các vụ phạm pháp thì cũng có thể được các thủ trưởng các ngành ấy đề nghị khen thưởng (kể cả thưởng tiền).

b) Việc ấn , định tỷ lệ thưởng cao hay thấp căn cứ vào công lao lớn hay nhỏ, có phân biệt khám phá gặp nhiều hay ít khó khăn, hoặc cần phải có điều tra theo dõi mất nhiều công phu với một việc ngẫu nhiên.

c) Số tiền thưởng cho mỗi vụ phạm pháp chỉ hạn chế đến 25% tổng số tiền phạt về giá trị hàng hóa tịch thu sau khi trừ thuế và các khoản chi phí. Trường hợp trong một vụ có một hay nhiều người được hưởng chung một khoản tiền thưởng thì tính theo đầu người, mỗi người không được quá ba triệu đồng.

d) Người có công sẽ được lĩnh thưởng tại cơ quan công thương được Ủy ban hành chính tỉnh hay thành phố ủy nhiệm.

Việc thanh toán tiền thưởng cần phải làm hết sức nhanh chóng.

Mong các cấp nghiên cứu kỹ thông tư này đặt kế hoạch thực hiện cho chu đáo. Trong khi phát hiện, nếu gặp những khó khăn trở ngại và có kinh nghiệm gì, cần kịp thời báo cáo ngay về Bộ cơ quan biết.

BỘ TRƯỞNG
BỘ THƯƠNG NGHIỆP

 
 


Phan Anh

BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG AN
 


 
Trần Quốc Hoàn

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ TƯ PHÁP





Vũ Đình Hòe

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 07-BTN/LB năm 1958 hướng dẫn thi hành Sắc luật 001-SLt năm 1957, cấm đầu cơ về kinh tế do liên bộ Bộ Công An- Bộ Tài Chính- Bộ Tư Pháp- Bộ Thương Nghiệp ban hành

  • Số hiệu: 07-BTN/LB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 14/01/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Công An, Bộ Tài chính, Bộ Thương nghiệp, Bộ Tư pháp
  • Người ký: Phan Anh, Trần Quốc Hoàn, Trịnh Văn Bính, Vũ Đình Hoè
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 29/01/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản