Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/TTLB

Hà Nội , ngày 28 tháng 3 năm 1994

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

SỐ ỦY BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC - BỘ TÀI CHÍNH 02/TTLB NGÀY 28 THÁNG 3 NĂM 1994 HƯỚNG DẪN VỀ VIỆC KẾ HOẠCH HOÁ VÀ QUẢN LÝ VỐN SỰ NGHIỆP KINH TẾ VÀ CÁC SỰ NGHIỆP KHÁC ĐẦU TƯ CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG MỚI HOẶCCẢI TẠO, SỬA CHỮA LỚN

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 92/TTg này 7-3-1994 về tăng cường quản lý, chống lãng phí, thất thoát và tiêu cực trong đầu tư và xây dựng kể cả các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lớn dùng vốn sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

Để kế hoạch hoá và quản lý chặt chẽ vốn sự nghiệp theo tinh thần của quyết định trên, liên Bộ Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện trong năm 1994 như sau:

1- Phân loại: Các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lớn vốn sự nghiệp kinh tế phải đăng ký trong kế hoạch đầu tư và thực hiện theo Điều lệ Quản lý xây dựng cơ bản, là những công trình làm tăng thêm tài sản cố định, thay thế tài sản bị thải loại và có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.

- Các công trình thuộc vốn sự nghiệp kinh tế bao gồm:

+ Xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa lớn hồ chứa nước, trạm bơm điện, chuồng trại chăn nuôi, cầu cống, đường giao thông, công viên, các công trình công cộng trong nội thành, nội thị ...

+ Kết cấu hạ tầng của chương trình 327.

- Các công trình thuộc vốn sự nghiệp giáo dục đào tạo bao gồm xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa lớn phòng học thuộc các chương trình xoá ba ca, thay thế phòng học tạm, tách cấp I, cấp II, giáo dục miền núi, nâng cấp các trường đại học, hỗ trợ các trung tâm dạy nghề thuộc chương trình giải quyết việc làm ...

- Các công trình thuộc vốn sự nghiệp y tế bao gồm xây dựng mới, sửa chữa lớn, cải tạo các phòng khám bệnh, các trung tâm y tế, kế hoạch hoá gia đình, các trạm xã xã thuộc chương trình xoá xã trắng về y tế.

- Các công trình thuộc vốn sự nghiệp văn hoá - xã hội bao gồm xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa lớn nhà hát, bể bơi, sân vận động, trùng tu di tích lịch sử, các nhà bảo tàng, khu căn cứ cách mạng, nhà làm việc, giếng nước ...

2- Kế hoạch hoá:

- Căn cứ vào những nguyên tắc phân loại nêu trên, Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan kế hoạch, tài chính tiến hành phân loại công trình, dự án và cân đối sơ bộ với nguồn kinh phí được Thủ tướng Chính phủ giao chính thức, sau khi đã sắp xếp danh mục công trình, dự án theo thứ tự ưu tiên. Đồng thời thông báo cho các chủ đầu tư lập Luận chứng kinh tế kỹ thuật (nếu công trình dự án trên 500 triệu đồng) hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật (nếu công trình, dự án dưới 500 triệu đồng) và thiết kế, dự toán; sau đó khẩn trương tổ chức việc xét duyệt.

- Hội đồng xét duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) cấp ngành, gồm các thành viên chính (Vụ Xây dựng cơ bản, Vụ Kế hoạch, Vụ Quản lý chuyên ngành, Vụ Kế toán tài chính, Vụ Quản lý khoa học, Viện kinh tế) và các thành viên khác (cơ quan cấp trên trực tiếp của chủ đầu tư và đại diện các ngành: kế hoạch, tài chính, khoa học, xây dựng) Chủ tịch Hội đồng là thủ trưởng ngành chịu trách nhiệm xét duyệt các công trình, dự án thuộc phạm vi ngành quản lý.

- Hội đồng xét duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) địa phương, gồm các thành viên chính (Uỷ ban Khoa học tỉnh, thành phố. Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Chuyên ngành, Ban Khoa học tỉnh) và các thành viên khác (cơ quan cấp trên trực tiếp của chủ đầu tư, đại diện ngành chủ quản và các ngành có liên quan ở Trung ương) dưới sự điều khiển của Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch tỉnh, thành phố xét duyệt các công trình, dự án thuộc phạm vi địa phương quản lý.

- Việc lập thiết kế, dự toán và thẩm tra xét duyệt phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.

- Sau khi Luận chứng kinh tế kỹ thuật và các hồ sơ về thiết kế, dự toán của các công trình, dự án được duyệt, cơ quan kế hoạch, tài chính thuộc ngành và địa phương soát xét, cân đối, tổng hợp lại, bảo đảm giá trị của các công trình, dự án được duyệt khớp với kinh phí Thủ tướng Chính phủ giao chính thức. Toàn bộ danh mục công trình dự án xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa lớn sử dụng vốn sự nghiệp phải đăng ký trong kế hoạch đầu tư của Bộ hoặc địa phương. Bộ trưởng Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố gửi bản đăng ký kế hoạch đầu tư này và các hồ sơ có liên quan về Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính chậm nhất vào tháng 5 năm 1994 cùng với tình hình triển khai thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm để tổng hợp báo cáo Chính phủ biết.

3- Về thi công xây lắp: Sau khi chủ đầu tư, tổ chức thiết kế, tổ chức xây lắp... làm xong các công việc chuẩn bị (thiết kế, dự toán...) là giai đoạn thi công xây lắp công trình. Nội dung của giai đoạn này, như giao nhận thầu, quản lý kỹ thuật chất lượng xây dựng, nghiệm thu bàn giao, chế độ bảo hành phải thực hiện đúng như quy định trong Điều lệ Quản lý xây dựng cơ bản hiện hành và các văn bản sửa đổi bổ sung.

4- Về cấp phát và quyết toán vốn: đối với các công trình xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa lớn dùng vốn sự nghiệp, Ngân sách Nhà nước không chuyển vốn sang Ngân hàng đầu tư và phát triển để cấp phát. Căn cứ vào hồ sơ, Luận chứng kinh tế kỹ thuật (báo cáo kinh tế kỹ thuật) và thiết kế, dự toán, cơ quan Tài chính cấp trực tiếp cho công trình thông qua hệ thống kho bạc Nhà nước; đồng thời thông báo cho chủ quản đầu tư để phối hợp quản lý kiểm tra, thanh tra. Ngân sách Nhà nước tạm ứng cho chủ đầu tư tối đa là 90% tổng giá trị dự toán công trình, số còn lại 10% sẽ cấp tiếp khi có báo cáo quyết toán được duyệt.

Về quyết toán, tuân thủ các quy định hiện hành về chế độ quyết toán của Bộ Tài chính. Đối với các công trình xây dựng cơ bản sử dụng vốn sự nghiệp cũng phải quyết toán riêng từng công trình, không quyết toán chung vào hạn mức chi thường xuyên. Công trình hoặc hạng mục công trình kết thúc nghiệm thu và bàn giao đến đâu thì quyết toán đến đó. Hội đồng duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật) đồng thời là hội đồng duyệt quyết toán. Trước khi duyệt quyết toán, Hội đồng xét duyệt phải kiểm tra chặt chẽ mọi khoản chi tiêu và chịu trách nhiệm về bản quyết toán đó.

5- Điều khoản thi hành:

Việc kế hoạch hoá và quản lý vốn sự nghiệp đầu tư cho các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lớn nêu trong Thông tư này được thực hiện từ ngày 01-4-1994. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, các địa phương phản ảnh về Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính biết để kịp thời nghiên cứu giải quyết.

Nguyễn Sinh Hùng

(Đã ký)

Trần Xuân Giá

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 02/TTLB năm 1994 về việc kế hoạch hoá và quản lý vốn sự nghiệp kinh tế và các sự nghiệp khác đầu tư cho các công trình xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa lớn do Bộ Tài chính - Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 02/TTLB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 28/03/1994
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng, Trần Xuân Giá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản