Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ NÔNG TRƯỜNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02-TTLB

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 1962 

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ VỀ CÔNG TÁC Y TẾ PHỤC VỤ NHÂN DÂN ĐI KHAI HOANG XA

Kính gửi:

- Các UBHC khu, tỉnh, thành
- Các Sở, Ty y tế
- Các Sở, Ty tài chính

 

Thi hành thông tư số 491-TTg ngày 21-12-1961 của Thủ tướng Chính phủ về việc Nhà nước giúp đỡ nhân dân đi khai hoang xa.

Căn cứ tinh thần nghị quyết của cuộc hội nghị giữa các Bộ Y tế, Tài chính, Nông trường do Phủ Thủ tướng triệu tập nhiều ngày 27-12-1961.

- Để khuyến khích phong trào khai hoang đẩy mạnh sản xuất, góp phần vào việc thực hiện nghị quyết 5 của Trung ương Đảng đạt nhiều kết quả, đồng thời cũng xét hoàn cảnh thực tế của nhân dân đi khai hoang xa trong thời gian đầu còn gặp nhiều khó khăn nhất là cơ sở sản xuất chưa ổn định, chưa quen với khí hậu địa phương, dễ sinh ra ốm đau bệnh tật, nhưng mặt khác cũng căn cứ vào phương châm chính sách chung của ngành Y tế và khả năng tài chính của trung ương cũng như địa phương hiện nay...

- Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Nông trường ra thông tư liên bộ quy định một số điểm cụ thể về công tác Y tế phục vụ nhân dân đi khai hoang xa như sau:

I. VỀ TỔ CHỨC VÀ CÁN BỘ

1. Khi nhân dân tổ chức đi khai hoang xa, các địa phương có dân đi phải cử cán bộ y tế xã, nữ hộ sinh và vệ sinh viên cùng đi để đảm nhiệm công tác vệ sinh phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân trong khi đi đường và trong lao động sản xuất.

- Cán bộ cử đi phục vụ khai hoang cần phải bảo đảm chất lượng và phải bố trí thật đầy đủ, những địa phương thiếu cán bộ thì phải đặt kế hoạch bổ túc đào tạo trước để kịp thời bảo vệ sức khỏe cho những đơn vị đi khai hoang ngay từ lúc lên đường, cụ thể:

Mỗi cơ sở khai hoang từ 500 lao động chính trở lên:

1 y tá, 1 nữ hộ sinh sơ cấp và 1 cán bộ y tế xã.

Dưới 500 lao động chính:

1 cán bộ y tế trình độ 6 tháng và

1 nữ hộ sinh trình độ 6 tháng.

- Các đội sản xuất, các tổ lao động phải có cán bộ y tế có túi thuốc cấp cứu và vệ sinh viên hoạt động.

2. Những cơ sở khai hoang xa tổ chức thành các hợp tác xã quy mô lớn hoặc tổ chức thành xã mới thì cần phải thành lập Ban Y tế và xây dựng trạm y tế hộ sinh dân lập (thành phần, quyền hạn nhiệm vụ, lề lối làm việc của Ban Y tế và của trạm y tế hộ sinh nói trên vẫn thực hiện theo thông tư của Bộ Y tế số 768-BYT/PB ngày 01-02-1958 đã quy định).

- Cơ sở, bàn ghế, giường tủ, màn chậu v.v... do hợp tác xã hoặc xã tự túc. Nhà nước chỉ cấp một bộ dụng cụ trạm y tế hộ sinh trị giá 250 đồng và một định suất 25 đồng một tháng trong thời gian 6 tháng đầu để trợ cấp cho cán bộ y tế và nữ hộ sinh thường trực tại trạm, các cán bộ khác hoạt động chấm điểm. Số tiền 25 đồng này sẽ phân chia ra để trợ cấp cho các cán bộ thường trực ở trạm y tế hộ sinh và sau sáu tháng thì trạm sẽ tự túc. Khoản chi này sẽ do ngân sách tỉnh có dân đến đài thọ.

3. Các bệnh xá huyện, châu, có các cơ sở khai hoang mà đường giao thông thuận tiện có thể gửi bệnh nhân đến nắm điều trị thì căn cứ vào số người đến khai hoang mà tăng thêm giường bệnh theo tiêu chuẩn 15 giường bệnh cho một vạn dân (thí dụ trong châu tăng 2.000 nhân khẩu đến khai hoang thì tăng thêm 3 giường bệnh), tiêu chuẩn kinh phí của mỗi giường bệnh thì vẫn theo chế độ hiện hành. Khi cần tăng giường bệnh địa phương sẽ báo cáo về Bộ Y tế để trình Ủy ban Kế hoạch Nhà nước duyệt y.

- Những cơ sở khai hoang quá đông hoặc nhiều cơ sở khai hoang ở gần nhau mà đường giao thông liên lạc đến các bệnh viện, bệnh xá khó khăn và cách xa bệnh viện, bệnh xá từ 20 cây số trở lên thì cũng căn cứ theo tiêu chuẩn nói trên để thành lập bệnh xá riêng cho 1 cơ sở lớn hoặc bệnh xá chung cho một số cơ sở khai hoang ở gần nhau (do Y tế địa phương nghiên cứu đề nghị).

II. TIÊU CHUẨN THUỐC MEN, CHẾ ĐỘ KHÁM SỨC KHỎE NẰM BỆNH VIỆN, BỆNH XÁ VÀ CHÍNH SÁCH BỒI DƯỠNG CÁN BỘ

1. Trước khi lên đường khai hoang, những lao động chính phải được tổ chức khám sức khỏe và kiểm tra việc tiêm chủng phòng dịch như thương hàn, tả, đậu, phát hiện lao, v.v... cho lao động chính và cả gia đình đi theo (những người mắc bệnh mãn tính hoặc bệnh lây thì không nên cho đi).

2. Khi ra đi mỗi lao động chính được Nhà nước trợ cấp 0đ10 tiền thuốc đi đường (khoản này do ngân sách địa phương nơi có dân đi đài thọ và cấp bằng thuốc, nếu đúng trong khi đi đường không hết thì bỏ vào túi thuốc của đơn vị tuyệt đối không cấp cho từng cá nhân hoặc dùng tiền thuốc để chi các khoản khác).

3. Thuốc chữa bệnh thông thường và cấp cứu ở những cơ sở khai hoang xa tổ chức thành hợp tác xã quy mô lớn hoặc xã mới độc lập sẽ do Nhà nước trợ cấp theo tổ chức mối lao động chính 0đ40 một tháng trong thời gian một năm nhưng để tiết kiệm công quỹ đối với những cơ sở ít ốm đau hoặc đã thu nhập được hoa lợi hợp tác xã có thể tự túc được một phần thì sau 6 tháng đầu địa phương sẽ nghiên cứu để rút bớt tiền thuốc xuống cho hợp lý, khoản tiền thuốc này do ngân sách địa phương nơi có cơ sở khai hoang đài thọ và cấp bằng thuốc. Số thuốc này sẽ tập trung tại tủ thuốc của đơn vị để điều trị và phân phối cho các túi thuốc cấp cứu của các đội sản xuất.

4. Đối với bộ phận đi khai hoang xa ở xen kẽ sát nhập vào các hợp tác xã của địa phương thì sẽ do các Ban Y tế và các trạm y tế hộ sinh ở nơi đó chăm sóc sức khỏe coi như nhân dân của địa phương. Tuy nhiên, để giúp đỡ đơn vị mới đến có điều kiện xây dựng túi thuốc, Nhà nước trợ cấp cho mỗi lao động chính 0đ10 thuốc đi đường và sáu tháng thuốc chữa bệnh thông thường cấp cứu, mỗi tháng 0đ40. Khoản này nơi có dân đi đài thọ 0đ50 (0đ10 thuốc đi đường và 0đ40 thuốc chữa bệnh tháng đầu) nơi có cơ sở khai hoang đài thọ tiếp 5 tháng mỗi tháng 6đ40 cho một lao động chính.

5. Những người đi khai hoang (kể cả lao động chính và gia đình đến địa phương nào cũng đều được hưởng mọi quyền lợi về tiêm chủng phòng bệnh chống dịch, được uống thuốc phòng sốt rét, phun DDT trong diện thực hiện kế hoạch tiêu diệt bệnh sốt rét như nhân dân địa phương. Trường hợp bị ốm đau phải nằm bệnh viện, bệnh xá thì được miễn trả tiền thuốc men (tiền ăn do hợp tác xã trả) trường hợp hợp tác xã chưa có thu hoạch hoặc bước đầu (năm đầu) gặp nhiều khó khăn thì Chính phủ đài thọ cả tiền ăn và tiền thuốc. Tiền miễn viện phí sẽ do quỹ cứu tế xã hội tỉnh có dân đến đài thọ.

- Đối với cán bộ trong biên chế Nhà nước và cán bộ lãnh đạo các cơ sở khai hoang từ cấp xã trở lên khi ốm đau thì vẫn thực hiện theo các chế độ hiện hành.

6. Để khuyến khích và bồi dưỡng cán bộ y tế nữ hộ sinh phục vụ công tác khai hoang, năm đầu Nhà nước sẽ trợ cấp cho mỗi cơ sở khai hoang tổ chức thành hợp tác xã quy mô lớn hoặc xã mới, một khoản kinh phí bổ túc nghiệp vụ cho tối đa là 3 cán bộ, trong 3 tháng mỗi tháng 20 đồng một người (kể cả tiền ăn, tiền tài liệu học tập và phụ cấp giảng dạy) khoản này do địa phương có cơ sở khai hoang đài thọ và phụ trách việc bổ túc cán bộ. Số cán bộ y tế, nữ hộ sinh phục vụ những đơn vị khai hoang ở xen kẽ và sát nhập với xã nơi đến thì sẽ được địa phương ưu tiên sắp xếp thì bổ túc và do hợp tác xã đài thọ.

III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

- Thông tư này chỉ áp dụng cho những người đi khai hoang xa do Ủy ban hành chính xã hoặc hợp tác xã tổ chức từ năm 1961 trở đi (khi bắt đầu thực hiện chủ trương khai hoang của Đảng và Chính phủ). Các tổ chức khai hoang lẻ tẻ, gần (sáng đi tối về) thì không ở trong diện thông tư này.

- Tiếp được thông tư này các tỉnh cần căn cứ vào kế hoạch nhân lực của địa phương mình đã được Bộ Nông trường duyệt mà dự trù kinh phí về thuốc men dụng cụ y tế v.v... cho kế hoạch khai hoang năm 1962.

- Để tránh tình trạng nhân dân đi khai hoang đến địa phương mới phải chờ một thời gian lâu chưa có thuốc dùng địa phương nơi có dân đi ngoài việc cấp 0đ10 tiền thuốc đi đường (như đã nói trên) cần dự trù thêm 1 tháng thuốc chữ bệnh thông thường và cấp cứu 0đ40 nữa (tổng cộng mỗi lao động chính 0đ50) từ tháng thứ 2 trở đi sẽ do địa phương nơi đến tiếp tục cấp.

Trên đây chỉ là một số điểm hướng dẫn cụ thể thông tư số 491-TTg của Phủ Thủ tướng, nhằm giải quyết kịp thời một số vấn đề cần thiết trước mắt. Trong quá trình thực hiện các cấp lãnh đạo địa phương và các ngành sở quan cần nghiên cứu từng trường hợp cụ thể để giải quyết sao cho phù hợp với phương châm khai hoang của Trung ương là "dựa vào lực lượng hợp tác xã là chính đồng thời có sự tích cực giúp đỡ của Nhà nước". Mặt khác cần nêu cao tinh thần cần kiệm xây dựng hợp tác xã xây dựng nước nhà, tiết kiệm công quỹ và hết sức tránh tình trạng làm ứ động tài chính thuốc men hoặc tham ô lãng phí.

Đặc biệt các cấp lãnh đạo công tác khai hoang và các ngành Y tế, Tài chính các tỉnh cần đặt thành chế độ kiểm tra việc thực hiện thông tư này và tiếp tục góp ý kiến với các Bộ sở quan về những điểm cần bổ khuyết.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành, các quy định trước trái với các điều khoản của thông tư này không còn giá trị, riêng về vấn đề cấp thuốc phòng sốt rét Bộ y tế vẫn tiếp tục phát đến hết tháng 02-1962 (khi bắt đầu thực hiện kế hoạch tiêu diệt sốt rét toàn miền Bắc), nơi có dân đến khai hoang làm dự trù về Bộ Y tế lĩnh thuốc.

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
 


 
Đinh Thị Cần

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ NÔNG TRƯỜNG
THỨ TRƯỞNG
 


 
Nguyễn Văn Trí

K.T. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
 


 

Trịnh Văn Bính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư liên bộ 02-TTLB năm 1962 quy định về công tác y tế phục vụ nhân dân đi khai hoang xa do của Bộ Tài chính - Bộ Nông trường - Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 02-TTLB
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 16/01/1962
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ Nông trường
  • Người ký: Trịnh Văn Bính, Đinh Thị Cần, Nguyễn Văn Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 5
  • Ngày hiệu lực: 16/01/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản