Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 02-TT/LB | Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 1966 |
Tại thông tư số 120-TTg/NC ngày 28-9-1965, Thủ tướng Chính phủ đã quy định việc vận dụng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức bị tai nạn chiến tranh. Sau khi trao đổi với các Bộ có liên quan, Liên bộ Nội vụ - Tổng công đoàn Việt Nam hướng dẫn cụ thể, việc thi hành thông tư nói trên của Thủ tướng Chính phủ như sau:
A. Các trường hợp công nhân, viên chức bị tai nạn do địch bắn phá.
Công nhân, viên chức bị tai nạn (bị thương hoặc chết) do địch bắn phá trong khi đương làm nhiệm vụ sản xuất hoặc công tác thì được đãi ngộ như trường hợp bị tai nạn lao động đã quy định ở tiết 3, chương II của Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước.
Liên bộ Nội vụ - Tổng công đoàn Việt Nam quy định các trường hợp tai nạn sau đây được đãi ngộ như trường hợp bị tai nạn lao động:
- Tai nạn xẩy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả trường hợp tai nạn xẩy ra khi nghỉ giải lao, khi cho con bú, khi làm những công việc cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày (đi đại, tiểu tiện…) khi tập thể dục giữa giờ làm việc, khi ở dưới hầm trú ẩn…, và những trường hợp công nhân phải đến trước giờ làm việc, chờ đợi nhận “ca” do nội quy của xí nghiệp, công trường quy định, mà xẩy ra tai nạn;
- Tai nạn xẩy ra trên đường đi và về hàng ngày từ nơi ở đến nơi làm việc (trên đường đi hợp lý và trong thì giờ cần thiết);
- Tai nạn xẩy ra trên đường đi công tác, kể cả trong khi ăn, nghỉ, ngũ ở dọc đường (nếu bị thương vong trong khi ăn, nghỉ, ngủ ở nơi đến công tác thì không được đãi ngộ theo chế độ tai nạn lao động);
Đối với các công tác có tính chất di động, hoặc có tính chất vừa sản xuất, vừa chiến đấu, làm việc khẩn trương, có khi không có giờ giấc nhất định, phải bố trí ăn, ngủ ngay tại địa điểm làm việc như: các đội giao thông vận tải, công nhân các đội cầu, đội làm đường…, nếu bi thương vong dù là trong lúc ăn, nghỉ, ngủ tại địa điểm làm việc (cả trên tàu, trên xe, trên ca-nô…) cũng được đãi ngộ theo chế độ tai nạn lao động.
Công nhân, viên chức được cơ quan, xí nghiệp bố trí làm nhiệm vụ thường trực, phải ăn, nghỉ, ngủ tại nơi làm nhiệm vụ, nếu bị thương vong tại nơi ấy thì trong bất cứ lúc nào, hoàn cảnh nào, đều được coi là tai nạn lao động.
B. Công nhân, viên chức có những hành động hy sinh dũng cảm trong khi địch đến bắn phá.
Công nhân, viên chức trong khi địch đến bắn phá, đã có những hành động hy sinh, dũng cảm mà bị tai nạn thì được ưu đãi theo quy định của điều 28 trong Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức Nhà nước, cụ thể là: “Nếu do thương tật mà khả năng lao động giảm sút và lương mới cộng với trợ cấp thương tật hàng tháng không bằng lương cũ thì được hưởng thêm một khoảnphụ cấp chênh lệch cho bằng lương cũ. Nếu trở thành tàn phế phải thôi việc, thì được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng bằng 100% lương chính khi bị nạn”.
Những trường hợp sau đây được coi là có hành động dũng cảm:
- Trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc dũng cảm phục vụ chiến đấu: chiến đấu chống lại địch để bảo vệ nhà máy, bảo vệ kho tàng, bảo vệ cầu đường, bảo vệ các phương tiện vận tải…; dũng cảm làm công tác tải thương, công tác giao thông liên lạc, công tác vận tải, bốc dỡ hàng hóa, dụng cụ cần thiết… trong khi địch đang bắn phá; dũng cảm vượt khó khăn nguy hiểm, kiên quyết làm nhiệm vụ khi phục vụ tiền tuyến.
- Không rời vị trí sản xuất, vị trí công tác của mình (đã được tổ chức phân công) để đảm bảo đến cùng công việc được giao phó trong khi địch bắn phá.
- Dũng cảm thay thế đồng đội làm nhiệm vụ khi đồng đội đã bị hy sinh.
- Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân khi địch đương bắn phá hoặc đương cơn nguy hiểm.
Các trường hợp được hưởng chế độ ưu đãi nói trên phải do cấp có thẩm quyền sau đây xét và quyết định: nếu là công nhân, viên chức thuộc các địa phương quản lý thì Ủy ban hành chính cùng Liên hiệp công đoàn cấp tỉnh, thành phố xét và quyết định; nếu là công nhân, viên chức thuộc các cơ quan trung ương quản lý thì do Bộ chủ quản cùng công đoàn ngành dọc hoặc Liên hiệp công đoàn các cơ quan trung ương (ở nơi không có công đoàn ngành dọc) xét vàquyết định.
C. Công nhân, viên chức chết được xác định là liệt sĩ.
Công nhân, viên chức, trong khi địch đến bắn phá, nếu chế do đã có những hành động hy sinh, dũng cảm như quy định ở phần B của thông tư này, thì được xét để xác định là liệt sĩ; việc xác định liệt sĩ phải căn cứ vào trường hợp hy sinh: nếu vì nhiệm vụ công tác của cách mạng mà hy sinh một cách vẻ vang, xứng đáng để mọi người học tập thì được xác định là liệt sĩ.
Nếu công nhân, viên chức chết được xác định là liệt sĩ thì gia đình được hưởng chế độ như gia đình quân nhân chết được xác định là liệt sĩ quy định tại tiết 5 của Điều lệ tạm thời về các chế độ đãi ngộ quân nhân (ban hành ngày 30-10-1964) và tại thông tư Liên bộ Quốc phòng-Công an-Nội vụ số 104-LB/QP ngày 12-4-1965; cụ thể là:
1. Những thân nhân của liệt sĩ không có sức lao động mà liệt sĩ khi còn sống phải nuôi dưỡng được hưởng chế độ trợ cấp quy định dưới đây:
a) Liệt sĩ có lương chính từ 40đ trở xuống, thân nhân được hưởng tiền tuất hàng tháng như sau:
Gia đình có 1 người phải nuôi dưỡng, được trợ cấp 10 đồng
- 2 - - 18 –
- 3 - - 24 –
- 4 người trở lên - 30 –
Nếu tiền lương cao hơn 40 đồng, còn được trợ cấp thêm 5% của phần tiền lương cao hơn 40 đồng; nếu đã công tác liên tục từ 10 năm trở lên, còn được trợ cấp thêm 10% của tổng số tiền trợ cấp, và do được xác định là liệt sĩ, còn được trợ cấp thêm 10% của tổng số các khoản trợ cấp nói trên.
b) Ngoài tiền tuất hàng tháng, thân nhân còng được hưởng khoản trợ cấp một lần: cứ mỗi năm công tác liên tục của liệt sĩ, thân nhân được trợ cấp bằng một tháng lương kể cả phụ cấp và trợ cấp con (nếu có), mức trợ cấp thấp nhất bằng ba tháng lương và cao nhất không quá năm tháng.
Việc xét trợ cấp tiền tuất hàng tháng cho gia đình công nhân, viên chức chết nói chung thì căn cứ vào tình hình của gia đình lúc công nhân, viên chức chết; nhưng riêng đối với gia đình liệt sĩ, thì dù khi liệt sĩ chết, vợ, con hoặc cha mẹ chưa đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng, nhưng sau này các thân nhân do già yếu hoặc ốm đau, bị tai nạn mà mất sức lao động, thì cũng được xét để hưởng tiền tuất hàng tháng. Khi xét để trợ cấp tiền tuất hàng tháng, thì chỉ cần xét một điềukiện là thân nhân của liệt sĩ không có sức lao động mà liệt sĩ khi còn sống phải nuôi dưỡng, không cần phải có điều kiện về thời gian công tác liên tục của liệt sĩ cũng như không cần điều kiện gia đình sút thu nhập 60% trở lên.
2. Trường hợp thân nhân của liệt sĩ không đủ điều kiện hưởng tiền tuất hàng tháng thì được hưởng trợ cấp một lần: mức trợ cấp là sáu tháng lương, nhưng nếu sáu tháng lương đó không bằng 300 đồng thì được trợ cấp 300đ.
Thân nhân được hưởng trợ cấp này là vợ hoặc chồng, con, cha mẹ; nếu không có vợ hoặc chồng, con hoặc cha mẹ thì phải là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ đó lúc nhỏ dưới 17 tuổi từ 5 năm trở lên được Ủy ban hành chính xã hoặc khu phố xác nhận.
Các khoản trợ cấp đối với trường hợp công nhân, viên chức chết nói trên đều do quỹ bảo hiểm xã hội 1% chi.
D. Đối tượng, phạm vi và thời gian thi hành.
Những điểm quy định của thông tư này chỉ áp dụng cho các trường hợp công nhân, viên chức bị thương vong do địch bắn phá gây nên trong khi làm nhiệm vụ sản xuất, công tác hoặc chiến đấu; những trường hợp bị tai nạn trong lao động sản xuất bình thường thì vẫn áp dụng theo quy định tại thông tư số 01-TT/LB ngày 23-1-1962 của Liên bộ Lao động - Nội vụ; các đối tượng khác (thanh niên xung phong, công nhân các tập đoàn khuân vác, vận tải…) không thuộc phạm vi thi hành của thông tư này.
Trường hợp công nhân, viên chức bị thương hoặc chết do địch bắn phá gây nên nhưng ở ngoài giờ làm việc, trong khi không làm nhiệm vụ sản xuất, công tác hoặc chiến đấu thì được đãi ngộ như trường hợp bị tai nạn rủi ro, không coi là tai nạn lao động.
Công nhân, viên chức là tự vệ bị thương hoặc chết trong khi không làm nhiệm vụ của tự vệ thì cũng thuộc đối tượng thi hành của thông tư này.
Công nhân, viên chức là tự vệ mà bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ của tự vệ thì thuộc đối tượng thi hành của thông tư số 104-LB/QP ngày 12-4-1965 của Liên Bộ Quốc phòng – Công an - Nội vụ; nếu bị thương hoặc chết từ ngày 5-8-1964 đến ngày 3-10-1964 thì cũng thuộc đối tượng thi hành của thông tư này.
Thông tư này được áp dụng từ ngày 5-8-1964 (ngày mà địch bắt đầu tăng cường và mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc); các trường hợp bị thương hoặc chết xẩy ra từ ngày đó đến nay được xét lại và giải quyết truy lĩnh nếu có.
T.M. BAN THƯ KÝ | K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
- 1Thông tư 01-NV-1968 hướng dẫn thi hành Nghị địn 111B-CP-1967 bổ sung chế độ đãi ngộ đối với quân nhân, cán bộ, công nhân, viên chức và nhân dân bị thương, bị hy sinh hoặc mất sức lao động trong khi làm nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước do Bộ Nội vụ ban hành
- 2Thông tư 120-TTg/NC-1965 về việc vận dụng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân, viên chức bị tai nạn chiến tranh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Thông tư liên bộ 01-TT/LB năm 1962 giải thích và hướng dẫn thi hành điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội áp dụng cho công nhân, viên chức Nhà nước do Bộ Lao động - Bộ Nội vụ ban hành
- 4Thông tư liên bộ 104-LB/QP năm 1965 giải thích và hướng dẫn thi hành Điều lệ tạm thời về chế độ đãi ngộ quân nhân trong khi ốm đau, bị thương, mất sức lao động, về hưu hoặc chết; nữ quân nhân khi có thai và khi đẻ; quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ ốm đau, bị thương hoặc chết trong khi làm nhiệm vụ quân sự do Liên bộ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Bộ Nội vụ ban hành
Thông tư liên bộ 02-TT/LB-1966 hướng dẫn chế độ đối với công nhân, viên chức Nhà nước kể cả công nhân viên quốc phòng bị tai nạn chiến tranh do Bộ Nội vụ - Tổng công đòan Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 02-TT/LB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 12/01/1966
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Tổng Công đoàn Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Văn Ngọc, Hồ Sĩ Ngợi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 1
- Ngày hiệu lực: 05/08/1964
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra