Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 95/TT

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 1992

THÔNG TƯ

CỦA BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN SỐ 95/TT. NGÀY 5 THÁNG 12 NĂM 1992 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 133/HĐBT VỀ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH BÁO CHÍ

Căn cứ vào Điều 9 Nghị định số 133/HĐBT quy định chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước về báo chí của Bộ Văn hoá - Thông tin:
Căn cứ vào Điều 26 Nghị định số 133/HĐBT; và được phép của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn và nói rõ thêm một số điểm để thi hành Nghị định 133/HĐBT.

1. Về Điều 1 khoản 2:

Cơ quan báo chí có thể trả lời cho công dân bằng "hộp thư", "nhắn tin" trên báo chí, gặp trao đổi, hoặc trả lời bằng phiếu, thư riêng theo thông lệ của báo chí.

Đối với đơn thư tố cáo, khiếu nại, phê bình của công dân gửi đến mà cơ quan báo chí chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết thì cơ quan báo chí thông báo bằng thư hoặc đăng, phát trên báo chí cho người có đơn tố cáo, khiếu nại, phê bình biết.

2. Về Điều 3:

Để việc cải chính đến được bạn đọc rộng rãi, cơ quan báo chí cần phải đăng, phát lời cải chính hai lần trên hai kỳ báo liên tiếp.

3. Về Điều 4:

- Khoản 2 và khoản 7, cơ quan báo chí có thể khai thác theo nguồn tin của mình những văn kiện, tài liệu nội bộ của tổ chức, tài liệu, thư riêng thuộc đời tư của công dân có liên quan đến các vụ tiêu cực, vi phạm pháp luật nhưng phải chịu trách nhiệm về những nội dung thông tin đó.

- Khoản 6: Báo chí có quyền đăng phát ảnh rõ mặt những can phạm có lệnh truy nã, những tội phạm chính trong các vụ trọng án đã bị tuyên án.

- Khoản 8: Cơ quan báo chí có quyền thông tin kịp thời những thành tựu khoa học công nghệ trong nước và thế giới có lợi cho sản xuất và đời sống, và phù hợp với tôn chỉ mục đích đã được quy định.

4. Về Điều 10:

- Khoản 2: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Văn hoá - Thông tin không có quyền cấp giấy phép xuất bản, kể cả giấy phép xuất bản nhất thời cho các loại hình báo chí.

- Khoản 3: Ngoài việc tiến hành thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm, Sở Văn hoá - Thông tin có nhiệm vụ thực hiện các quy định và hướng dẫn khác của Bộ Văn hoá - Thông tin khi cần thiết.

5. Về Điều 12:

- Khoản 1: Con dấu của cơ quan báo chí được phép có hình tròn, vòng ngoài ghi tên cơ quan chủ quản, ở giữa ghi tên cơ quan báo chí.

6. Về Điều 13:

- Khoản 5: Để đảm bảo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiệp vụ của cơ quan báo chí, việc thay đổi trụ sở, số điện thoại, telex, fax, chỉ cần thông báo cho Bộ Văn hoá - Thông tin trước 2 tiếng đồng hồ.

7. Về Điều 14:

- Khoản 3: Cơ quan báo chí nộp lưu chiểu 1 bản (trong 6 bản) cho Văn phòng Chính phủ.

Báo chí của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ Ninh Thuận, Lâm Đồng trở vào nộp lưu chiểu 1 bản (trong 6 bản) cho cơ quan thường trú Bộ Văn hoá - Thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Báo chí của cơ quan Trung ương của địa phương khác in trên địa bàn tỉnh, thành phố phải nộp lưu chiểu cho Sở văn hoá - Thông tin. Viện kiểm sát nhân dân sở tại mỗi nơi một bản.

8. Về Điều 15:

Để thuận tiện cho bạn đọc, họ và tên Tổng biên tập có thể ghi dưới tên cơ quan chủ quản.

9. Về Điều 20 - khoản 2:

Bộ Văn hoá - Thông tin phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng và ban hành quy chế khen thưởng hàng năm cơ quan báo chí, nhà báo và tác phẩm báo chí.

10. Điều 23 - Khoản 3:

Để phù hợp với thực tiễn xử lý vi phạm, mức phạt tiền có thể đến 2.000.000 đồng.

11. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành.

Trần Hoàn

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 95/TT năm 1992 hướng dẫn thi hành Nghị định 133/HĐBT quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí do Bộ Văn hoá,thông tin ban hành

  • Số hiệu: 95/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/12/1992
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin
  • Người ký: Trần Hoàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/12/1992
  • Ngày hết hiệu lực: 08/08/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản