Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 941-LĐ/TL

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC XẾP BẬC VÀ THỜI GIAN THI HÀNH LƯƠNG MỚI Ở CÔNG TRƯỜNG KIẾN THIẾT CƠ BẢN

BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:
Đồng kính gửi

-Các Ủy ban hành chính liên khu, khu, thành phố, các tỉnh và khu vực Vĩnh linh
-Ban cán sự Lao-Hà-Yên
-Các Khu, Sở, Ty, Phòng lao động
-Các Bộ, các cơ quan Trung ương
-Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Bộ Lao động đã ban hành Thông tư số 12-LĐ/TL ngày 12-5-1958 hướng dẫn thi hành chế độ tiền lương và bổ sung các chế độ lao động của công nhân, cán bộ, nhân viên các công trường kiến thiết cơ bản. Bộ giải thích thêm một số điểm cần thiết về việc xếp bậc và thời gian thi hành chế độ lương mới:

1) Sắp xếp cấp bậc:

Tất cả công nhân, nhân viên cố định làm việc trên các công trường kiến thiết cơ bản đều sắp xếp chính thức vào các thang lương mới đã quy định tại Nghị định số 32-LĐ/TL ngày 29-4-1958 và Thông tư số 12-LĐ/TL ngày 12-5-1958 của Bộ Lao động.

Đối với những công nhân, nhân viên tạm thời, thì đối chiếu với tiêu chuẩn và yêu cầu sử dụng hiện nay của công trường, để định mức lương tương đương với các bậc lương quy định trong các thang lương nói trên.

Thí dụ:

a) Một thợ mộc là công nhân tạm thời đối chiếu với tiêu chuẩn kỹ thuật thì đảm bảo đầy đủ tiêu chuẩn bậc 5, yêu cầu thực tế của công trường cũng cần sử dụng khả năng kỹ thuật bậc 5. Mức lương của người thợ mộc đó sẽ định bằng mức lương của công nhân cố định bậc 5 tức là 61.700đ một tháng hoặc 2.360đ một ngày.

b) Anh A là nhân viên cố định được xếp vào bậc 4: (37.000đ) thang lương hành chính, quản lý công trường 16 bậc. Anh B là nhân viên tạm thời, nếu cùng một trình độ và cùng làm một công tác như anh A thì được trả một mức lương bằng anh A là 37.000đ (tương đương bậc 4).

2) Thời gian thi hành lương mới:

Thông tư số 12-LĐ/TL ngày 12-5-1958 quy định thời gian thi hành lương mới ở các công trường kiến thiết cơ bản kể từ 1-3-1958. Nay Bộ Lao động quy định cụ thể như sau:

a) Tất cả công nhân, nhân viên cố định và công nhân, nhân viên tạm thời tuyển từ các địa phương xa đến được hưởng lương mới kể từ 1-3-1958. Nhưng những công nhân, nhân viên cố định và công nhân, nhân viên tạm thời đã thôi việc trước ngày 12-5-1958 là ngày ban hành thông tư số 12-LĐ/TL về chế độ công trường thì không đặt vấn đề truy lĩnh lương mới trong khoảng thời gian từ 1-3-1958 đến 12-5-1958 nữa.

b) Đối với những công nhân tạm thời thuê mướn ở địa phương có công trường (chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp) không kể thời gian phục vụ ở công trường dài hay ngắn, có việc thì làm không có việc thì nghỉ, sẽ thi hành các mức lương mới do Hội đồng tiền công địa phương quy định (được Bộ Lao động duyệt y) kể từ ngày Ủy ban hành chính địa phương công bố các mức lương đó, không đặt vấn đề truy lĩnh từ 1-3-1958.

Trong khi Hội đồng tiền công chưa quy định những mức lương mới của các loại công nhân, lâu nay công nhân tạm thời thuê mướn tại chỗ hưởng mức lương như thế nào vẫn tiếp tục hưởng lương như cũ (Thông tư số 4 và số 19).

Yêu cầu các Ủy ban hành chính các cấp xúc tiến việc triệu tập các Hội đồng tiền công, nghiên cứu đề nghị những mức tiền công cho công nhân tạm thời thuê mướn tại chỗ gửi gấp lên Bộ Lao động thông qua để kịp cho thi hanh tại địa phương.

Các Hội đồng tiền công cần theo đúng nguyên tắc và thủ tục quy định tiền công cho công nhân thuê mướn tại chỗ đã quy định tại Nghị định số 32-LĐ/TC ngày 29-4-1958 (điều 7) và Thông tư số 12-LĐ/TL ngày 12-5-1958 (phần II, mục 1, điều e) của Bộ Lao động.

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 941-LĐ/TL năm 1958 về việc xếp bậc và thời gian thi hành lương mới ở công trường kiến thiết cơ bản do Bộ Lao Động ban hành

  • Số hiệu: 941-LĐ/TL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/05/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 22
  • Ngày hiệu lực: 14/06/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản