TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 920-L | Thuận Hóa, ngày 15 tháng 05 năm 1946 |
Tòa Thượng thẩm Thuận hóa gửi các Tòa án tỉnh, đạo và Đà nẵng
Nhân dịp các tòa án đã thành lập gần khắp các địa phương và các thẩm phán đã tựu chức, bản tòa nhờ quý án tòa nhắc lại cho nhân viên tư pháp các cấp luôn luôn nhớ đến nhiệm vụ nặng nề của mình và luôn luôn giữ một thái độ thích hợp với nhiệm vụ ấy trong giai đoạn hiện thời của nước nhà.
Nhiệm vụ của chúng ta như ai nấy đều rõ, là phải cố gắng tổ chức một nền tư pháp hoàn bị, đủ điều kiện để giữ gìn trật tự, để bảo đảm quyền tự do và sự công bằng cho mọi người. Như vậy, đối nội, chúng ta sẽ gây một uy tín mạnh mẽ cho Chính phủ và quốc dân ai nấy đều có thể tin tưởng vào nều công lý sáng suốt dưới chế độ dân chủ cộng hòa; đối ngoại, chúng ta sẽ tỏ cho người ngoại quốc thấy là tòa án nước ta cũng bảo vệ quyền lợi của họ như đối với công dân Việt nam.
Đối với nhiệm vụ chung ấy toàn thể nhân viên tư pháp phải có một thái độ chung là phải tìm đủ mọi cách để làm cho pháp luật được tôn trọng, đồng thời chúng ta phải hết sức tự trọng và luôn luôn thận trọng.
I. PHÁP LUẬT PHẢI ĐƯỢC TÔN TRỌNG
Với tư cách bất khả xâm phạm, pháp luật ở trên hết mọi người và mọi cơ quan, pháp luật không thiên vị để bênh vực quyền lợi riêng của một cá nhân hoặc một đoàn thể nào. Muốn cho pháp luật được tuân theo cơ quan tư pháp cũng như các cơ quan khác của Chính phủ phải nêu cao tinh thần trọng pháp luật. Là người của pháp luật, lại có nhiệm vụ thi hành pháp luật, chúng ta phải thi hành triệt để những luật lệ hiện hành, nhất là những luật lệ căn bản tương quan mật thiết đến quyền tự do cá nhân mà bản tòa án đã nói trong thông tư số 683-L ngày 26 tháng 4 năm 1946 và điện văn số 395-L ngày 30 tháng 4 năm 1946.
II. CÁC THẨM PHÁN PHẢI HẾT SỨC TỰ TRỌNG.
Muốn có đủ uy tín để thi hành pháp luật, muốn cho pháp luật được tôn trọng, chúng ta phải hết sức tự trọng.
Bản tòa tưởng không cần phải nhắc đền những chữ: liêm chính, vì đó chỉ là hai đức tính tối thiểu cần phải có. Điều cốt yếu là chúng ta phải giữ gìn đừng để một sự cám dỗ nào, một thế lực nào lay chuyển được chúng ta.
Trong đời tư của chúng ta, chúng ta cũng đừng để cho ai chỉ trích được chúng ta. Nếu chúng ta chỉ chú trọng đến đời sống và sống một đời tư hoàn toàn theo ý riêng của chúng ta, thì chúng ta có thể làm giảm sự tín nhiệm của quốc dân đối với chúng ta. Giá trị của một thẩm phán trước hết là giá trị của con người, và dầu sao, công chúng vẫn tin rằng đời tư có ảnh hưởng đến đời công.
Về phương diện chuyên môn chúng ta phải cố gắng đi đến chỗ thực hiểu, thực biết những luật lệ hiện hành để nâng cao trình độ chuyên nghiệp của chúng ta. Trong bước đầu của sự cải cách nền tư pháp nước nhà, các luật lệ đều dần dần thay đổi theo chiếu cấp tiến, chúng ta cần phải cố gắng để đi sát với những nguyên tắc mới. Có như vậy, chúng ta mới khỏi sai lầm trong việc xử đoán, mới giữ vững được uy tín của tòa án đối với mọi người.
III. CÁC THẨM PHÁN PHẢI LUÔN LUÔN THẬN TRỌNG
Thực hành những điểm nói trên cũng chưa đủ. Muốn đem lại những kết quả tốt đẹp cho nền tư pháp, chúng ta lại cần phải luôn luôn thận trọng và cả về phương diện pháp luật, cả về phương diện chính trị.
Chúng ta phải tránh những cử chỉ vồn vã, nóng vẩy; muốn cho cân công lý khỏi bị thiên lệch, người thi hành pháp luật phải đứng trên tình cảm, phải giữ một thái độ bình thản, đối với bất cứ người nào, trong bất cứ trường hợp nào, để luôn luôn được sáng suốt, và khỏi bị những dư luận, những thành kiến sai lầm ám ảnh trong khi xử đoán.
Chúng ta cũng phải nhớ rằng một thẩm phán, trong lúc thi hành phận sự phải luôn luôn giữ đức tính vô tư, công bằng đối với tất cả mọi người không phân biệt mầu sắc chính trị.
Một điều nữa mà chúng ta phải lưu ý đến là sự giao thiệp giữa cơ quan tư pháp và các cơ quan khác của Chính phủ. Chúng ta phải biết tự hạn chế trong phạm vi tư pháp và trong phạm vi ấy cương quyết giữ trách nhiệm không để cho ai có thể lung lạc. Như để ngăn ngừa những sự xích mích vô ích, chúng ta không nên bình phẩm hoặc chỉ trích suông một hành vi cá nhân nào. Nếu xét đủ bằng cớ một người nào đã phạm pháp, lẽ tất nhiên bổn phận chúng ta phải chiếu luật truy cứu. Trái lại, nếu không đủ bằng cớ, chúng ta phải xem việc ấy như là không có.
Một thái độ điềm đạm, thản nhiên và hợp lý như vậy sẽ đánh tan mọi sự hiểu lầm, sẽ gây mỹ cảm giữa cơ quan tư pháp cùng các cơ quan khác và sẽ tạo một bầu không khí thuận tiện cho công việc chung.
Nhắc đến nhiệm vụ nặng nề của các thẩm phán, bản tòa vẫn không quên những nỗi chật vật khó khăn mà phần đông chúng ta đang gặp về đủ mọi phương diện. – Nhưng nếu chúng ta nhận rõ ảnh hưởng vô cùng quan hệ, đối nội cũng như đối ngoại, của cơ quan tư pháp, nếu chúng ta tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của nền công lý dưới chế độ dân chủ cộng hòa, nếu chúng ta noi theo gương các bậc lão thành giầu kinh nghiệm, đầy đức độ, không nể tuổi tác hiện đã ra giúp vào việc xây dựng nền tư pháp nước nhà, chúng ta sẽ đủ can đảm vượt qua mọi trở lực và chịu đựng mọi sự hy sinh để mong làm trọn nhiệm vụ của chúng ta trong giai đoạn này.
THAY CHƯỞNG LÝ | CHÁNH NHẤT |
Thông tư 920-L năm 1946 về việc Nhân viên Tư pháp phải có một thái độ chung là phải tìm đủ mọi cách để làm cho pháp luật được tôn trọng, đồng thời chúng ta phải hết sức tự trọng và luôn luôn thận trọng do Toà án nhân tối cao ban hành
- Số hiệu: 920-L
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 15/05/1946
- Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
- Người ký: Nguyễn Xuân Dương
- Ngày công báo: 15/06/1946
- Số công báo: Số 24
- Ngày hiệu lực: 30/05/1946
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định