Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 87/2007/TT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 07 năm 2007

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH TRUNG HẠN VÀ KẾ HOẠCH CHI TIÊU TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2008 - 2010

Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 21/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo khả thi Dự án "Cải cách quản lý tài chính công";
Căn cứ Chỉ thị số 733/CT-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008;
Căn cứ Thông tư số 64/2007/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2008;
Bộ Tài chính hướng dẫn công tác xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 gắn với công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 như sau:

A- QUY ĐỊNH CHUNG:

1- Đối tượng, phạm vi áp dụng: Thông tư này hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 gắn với công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 áp dụng đối với 6 Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và 4 địa phương: Hà Nội, Hà Tây, Bình Dương và Vĩnh Long.

2- Một số khái niệm, thuật ngữ:

- Kế hoạch tài chính trung hạn là kế hoạch ngân sách cấp quốc gia hoặc cấp địa phương trong thời gian trung hạn (từ 3 đến 5 năm), kể từ năm dự toán ngân sách tiếp theo, được lập hàng năm theo phương thức "cuốn chiếu". Trong đó trình bày dự báo về khả năng cân đối thu - chi ngân sách; các nguyên tắc cân đối đảm bảo tính bền vững của ngân sách trong trung hạn dựa trên cơ sở các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, những chính sách tài chính - ngân sách của Nhà nước hiện hành sẽ tiếp tục thực hiện và dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn trung hạn. Mặt khác kế hoạch tài chính trung hạn thể hiện thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn lực ngân sách trong trung hạn đối với từng ngành, lĩnh vực chi trong phạm vi cả nước hoặc từng địa phương. Đồng thời trình bày một số giải pháp chủ yếu để cân đối giữa nhu cầu chi và khả năng nguồn lực tài chính công, đưa ra các cảnh báo về nợ dự phòng.

- Kế hoạch chi tiêu trung hạn là kế hoạch chi ngân sách của từng ngành, từng cơ quan đơn vị trong thời gian trung hạn (từ 3 đến 5 năm), kể từ năm dự toán ngân sách tiếp theo, được lập hàng năm theo phương thức "cuốn chiếu". Trong đó trình bày mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cơ bản, chủ yếu của từng ngành, từng cơ quan đơn vị sẽ thực hiện trong trung hạn và dự báo các nguồn lực tài chính, trong đó dự báo cụ thể nguồn lực tài chính công để thực hiện. Mặt khác kế hoạch chi tiêu trung hạn thể hiện cách thức xác định, sắp xếp thứ tự ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách và dự kiến kinh phí cho từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách trong tổng mức trần chi tiêu được xác định trước. Đồng thời trình bày một số giải pháp chủ yếu để cân đối giữa nhu cầu chi và khả năng nguồn lực tài chính công, đưa ra các cảnh báo về nợ dự phòng.

- Chi tiêu cơ sở: Thể hiện các khoản chi tiêu để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách hiện hành do ngân sách nhà nước đảm bảo, đã được cam kết về tài chính đang triển khai thực hiện sẽ phải tiếp tục thực hiện trong trung hạn; được lập trên cơ sở mức trần do cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thông báo.

- Chi tiêu cho sáng kiến mới: Thể hiện các khoản chi tiêu để thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách mới hoặc để nhân rộng các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đã được triển khai từ trước và các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách chưa được cam kết về tài chính hoặc bị đình hoãn do thiếu nguồn nhưng cần tiếp tục thực hiện hoặc hoàn thành trong trung hạn; được lập trên cơ sở mức trần do cơ quan Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính thông báo.

3- Mục tiêu của công tác xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 là:

- Xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010 nhằm dự báo nguồn lực tài chính công; đề xuất sắp xếp thứ tự ưu tiên phân bổ nguồn lực cho từng lĩnh vực và từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách trong từng lĩnh vực; phân tích và đưa ra giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện tốt nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong giai đoạn 2006 - 2010; đồng thời góp phần cải thiện công tác xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách trong trung hạn và hàng năm trong tương lai.

- Gắn công tác xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 với công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 tại một số bộ, địa phương tham gia thí điểm nhằm mục đích đánh giá, phân tích và cải thiện những vấn đề tồn tại hiện nay trong việc xác định mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách; xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách gắn với khả năng cân đối ngân sách năm 2008 và giai đoạn 2008 - 2010 nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

- Kết quả thí điểm lập kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010, cùng với kết quả thí điểm đã được thực hiện thời gian vừa qua theo Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 21 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ tại các bộ, địa phương sẽ là căn cứ quan trọng để thực hiện sơ kết theo Nghị quyết số 03/2007/NQ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007, từ đó có căn cứ sát thực để tiếp tục hoàn thiện mô hình xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn gắn với việc xây dựng dự toán ngân sách hàng năm và đề xuất phương án nhân rộng kết quả mô hình này cùng với việc sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về tài chính - ngân sách nhà nước trong thời gian tới.

4- Giá trị pháp lý của kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010:

- Kế hoạch tài chính trung hạn cấp quốc gia và kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành cấp quốc gia giai đoạn 2008 - 2010 là một trong những tài liệu quan trọng để Chính phủ làm căn cứ xem xét dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ chi ngân sách Trung ương năm 2008 trước khi trình Quốc hội.

- Kế hoạch tài chính trung hạn cấp địa phương và kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành cấp địa phương giai đoạn 2008 - 2010 là một trong những tài liệu quan trọng để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp làm căn cứ xem xét, thông qua dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ chi ngân sách cấp tỉnh năm 2008.

B - NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

I. Nội dung kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010

1- Nội dung kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2008-2010:

1.1- Kế hoạch tài chính trung hạn cấp quốc gia giai đoạn 2008-2010, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Dự báo các xu hướng và triển vọng kinh tế, tài chính vĩ mô trong giai đoạn trung hạn 2008-2010; dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng cho giai đoạn 2008-2010 như tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP, chỉ số giá tiêu dùng, tỷ giá, tỷ lệ và cơ cấu đầu tư toàn xã hội, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu.v.v.

- Mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của Chính phủ cho giai đoạn 2008-2010, như mục tiêu tăng trưởng, giảm nghèo, tạo việc làm, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước.v.v.

- Nguyên tắc trong xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Cam kết, thoả thuận của Chính phủ với các nước, các tổ chức và các định chế tài chính quốc tế.

- Dự báo khung cân đối thu-chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2008-2010, trong đó thể hiện sự chuyển biến trong cơ cấu thu, chi ngân sách, tính bền vững và chủ động của ngân sách, những khó khăn và rủi ro của ngân sách:

+ Dự báo chi tiết thu ngân sách nhà nước theo lĩnh vực giai đoạn 2008-2010 trên cơ sở pháp luật về thuế, phí và lệ phí; dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế và dự kiến thay đổi trong chính sách thu của Nhà nước và hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước.

+ Dự kiến mức thâm hụt ngân sách, phương án huy động bù đắp thâm hụt.

+ Dự báo tổng nguồn lực chi ngân sách nhà nước theo cơ cấu chi giai đoạn 2008-2010, đưa ra các nguyên tắc phân bổ chi ngân sách nhà nước cho từng ngành, lĩnh vực trên cơ sở các định hướng sắp xếp thứ tự ưu tiên về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ trong giai đoạn 2008-2010, dự kiến khả năng nguồn lực ngân sách có thể dành cho từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn trung hạn (trần chi ngân sách).

- Dự kiến mức dư nợ Chính phủ, dư nợ quốc gia, phân tích, dự báo các tác động tới các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.

- Dự báo về rủi ro của kế hoạch tài chính trung hạn, bao gồm cả các rủi ro của dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, rủi ro do thay đổi cơ chế, chính sách, rủi ro phát sinh công nợ dự phòng.v.v.

1.2- Kế hoạch tài chính trung hạn cấp địa phương (không chi tiết cho từng cấp tỉnh, huyện, xã) giai đoạn 2008-2010, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Dự báo các xu hướng và triển vọng kinh tế, tài chính lớn của địa phương trong giai đoạn trung hạn 2008-2010; dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng cho giai đoạn 2008-2010 như tốc độ tăng trưởng và cơ cấu các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp-xây dựng, dịch vụ, tỷ lệ và cơ cấu đầu tư toàn xã hội trên địa bàn,v.v.

- Mục tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu của địa phương cho giai đoạn 2008-2010, như mục tiêu tăng trưởng, giảm nghèo, tạo việc làm, cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước,v.v.

- Nguyên tắc và trọng tâm ưu tiên trong xây dựng và phân bổ dự toán ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

- Cơ chế, chính sách, định hướng do Trung ương ban hành được áp dụng trên địa bàn địa phương, các địa phương có trách nhiệm tổ chức thực hiện.

- Cam kết, thoả thuận cụ thể của địa phương đối với các bộ, cơ quan trung ương, các tổ chức và định chế tài chính quốc tế.

- Dự báo khung cân đối thu-chi ngân sách địa phương giai đoạn 2008-2010, trong đó thể hiện sự chuyển biến trong cơ cấu thu, chi ngân sách, tính bền vững và chủ động của ngân sách, những khó khăn và rủi ro của ngân sách:

+ Dự báo chi tiết thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo lĩnh vực giai đoạn 2008-2010 trên cơ sở pháp luật về thuế, phí và lệ phí; dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế của địa phương và dự kiến thay đổi trong chính sách thu của Nhà nước và hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, phân định và xác định rõ nguồn thu ngân sách địa phương, trong đó nguồn thu ngân sách cấp tỉnh được hưởng theo phân cấp.

+ Dự kiến phương án huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tổng hợp mức dư nợ và dự kiến phân bổ nguồn trả nợ.

+ Dự báo tổng nguồn lực chi ngân sách địa phương theo cơ cấu chi giai đoạn 2008-2010, đưa ra các nguyên tắc phân bổ chi ngân sách địa phương cho từng ngành, lĩnh vực trên cơ sở các định hướng sắp xếp thứ tự ưu tiên về chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn 2008-2010, dự kiến khả năng nguồn lực ngân sách có thể dành cho từng ngành, lĩnh vực trong giai đoạn trung hạn (trần chi ngân sách).

- Dự báo về rủi ro của kế hoạch tài chính trung hạn, bao gồm cả các rủi ro của dự báo các chỉ tiêu kinh tế lớn của địa phương, rủi ro do thay đổi cơ chế, chính sách, rủi ro phát sinh công nợ dự phòng.v.v.

2- Nội dung kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010:

2.1- Kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành giai đoạn 2008-2010:

a) Kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành cấp quốc gia giai đoạn 2008 - 2010, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Dự kiến những thay đổi về chính sách, chế độ của Nhà nước trong giai đoạn 2008-2010 có ảnh hưởng đến hoạt động, nhiệm vụ, mục tiêu của ngành.

- Mục tiêu, nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách ưu tiên của ngành trong trung hạn gắn với các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm của quốc gia và kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực.

- Dự kiến cụ thể các nguồn thu (phí, lệ phí,...), số được phép để lại chi cho các nhiệm vụ cụ thể của ngành.

- Dự kiến nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách chủ yếu, trong đó dự kiến phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cụ thể; theo tính chất chi (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); dự kiến xác định rõ chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới trên cơ sở mức trần chi ngân sách đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thông báo. Trên cơ sở đó dự kiến kết quả đạt được.

- Số chênh lệch (nếu có) giữa trần ngân sách đã được thông báo với nhu cầu chi (bao gồm cả chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới, trượt giá, tăng khối lượng, điều chỉnh dự toán,...) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách của ngành trong giai đoạn 2008-2010; số phát sinh nợ tồn đọng sau khi đã xử lý trong mức chi ngân sách (nợ khối lượng, nợ vay, nợ ứng, các nghĩa vụ tài chính phát sinh theo quy định nhưng chưa có nguồn xử lý); kiến nghị các biện pháp về nguồn tài chính để xử lý (cắt giảm kinh phí các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đang thực hiện nhưng kém hiệu quả để điều chỉnh hoặc thay thế bằng các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách mới có hiệu quả hơn; đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách,...); đưa ra các cảnh báo sớm về khả năng thực thi các mục tiêu của ngành đã đặt ra trong cả giai đoạn 2006 - 2010.

- Dự kiến rủi ro phát sinh công nợ dự phòng.v.v.

b) Kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành cấp địa phương (không chi tiết cho từng cấp tỉnh, huyện, xã) giai đoạn 2008 - 2010, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Dự kiến những thay đổi về chính sách, chế độ của Trung ương và địa phương trong giai đoạn 2008-2010 có ảnh hưởng đến nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách của ngành ở địa phương.

- Dự kiến cụ thể các nguồn thu (phí, lệ phí,...), số được phép để lại chi cho các nhiệm vụ cụ thể của ngành ở địa phương.

- Dự kiến nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách chủ yếu, trong đó dự kiến phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cụ thể; theo tính chất chi (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên), trong đó phân định rõ nguồn chi do ngân sách cấp tỉnh thực hiện; dự kiến xác định rõ chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới trên cơ sở mức trần chi ngân sách đã được sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính thông báo. Trên cơ sở đó dự kiến kết quả đạt được.

- Số chênh lệch (nếu có) giữa trần ngân sách đã được thông báo với nhu cầu chi (bao gồm cả chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới, trượt giá, tăng khối lượng, điều chỉnh dự toán,...) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách của ngành ở địa phương trong giai đoạn 2008-2010; số phát sinh nợ tồn đọng sau khi đã xử lý trong mức chi ngân sách (nợ khối lượng, nợ vay, nợ ứng, các nghĩa vụ tài chính phát sinh theo quy định nhưng chưa có nguồn xử lý); kiến nghị các biện pháp về nguồn tài chính để xử lý (cắt giảm kinh phí các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đang thực hiện nhưng kém hiệu quả để điều chỉnh hoặc thay thế bằng các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách mới có hiệu quả hơn; đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách,...); đưa ra các cảnh báo sớm về khả năng thực thi các mục tiêu của ngành ở địa phương đã đặt ra trong cả giai đoạn 2006 - 2010.

- Dự kiến rủi ro phát sinh công nợ dự phòng.v.v.

2.2- Kế hoạch chi tiêu trung hạn của cơ quan (bộ, sở) giai đoạn 2008 - 2010:

a) Kế hoạch chi tiêu trung hạn của bộ giai đoạn 2008 - 2010, bao gồm các nội dung chủ yếu:

- Dự kiến những chính sách, chế độ chung của Nhà nước, của ngành trong giai đoạn 2008-2010 có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, nhiệm vụ của bộ.

- Dự kiến cụ thể các nguồn thu (phí, lệ phí,...), số được phép để lại để chi cho các nhiệm vụ cụ thể của bộ.

- Dự kiến nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách chủ yếu, trong đó dự kiến phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cụ thể; theo tính chất chi (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); dự kiến xác định rõ chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới trên cơ sở mức trần chi ngân sách đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thông báo. Trên cơ sở đó dự kiến kết quả đạt được.

- Số chênh lệch (nếu có) giữa trần ngân sách đã được thông báo với nhu cầu chi (bao gồm cả chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới, trượt giá, tăng khối lượng, điều chỉnh dự toán,...) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách của bộ trong giai đoạn 2008-2010; số phát sinh nợ tồn đọng sau khi đã xử lý trong mức chi ngân sách (nợ khối lượng, nợ vay, nợ ứng, các nghĩa vụ tài chính phát sinh theo quy định nhưng chưa có nguồn xử lý); kiến nghị các biện pháp về nguồn tài chính để xử lý (cắt giảm kinh phí các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đang thực hiện nhưng kém hiệu quả để điều chỉnh hoặc thay thế bằng các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách mới có hiệu quả hơn; đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách,...); đưa ra các cảnh báo sớm về khả năng thực thi các mục tiêu của bộ đã đặt ra trong cả giai đoạn 2006 - 2010.

- Dự kiến rủi ro phát sinh công nợ dự phòng.v.v.

b) Kế hoạch chi tiêu trung hạn của sở giai đoạn 2008 - 2010, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

- Dự kiến những chính sách, chế độ chung của Nhà nước, của ngành trong giai đoạn 2008-2010 có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động, nhiệm vụ của sở quản lý ngành ở địa phương.

- Dự kiến cụ thể các nguồn thu (phí, lệ phí,...), số được phép để lại để chi cho các nhiệm vụ cụ thể của sở.

- Dự kiến nguyên tắc phân bổ kinh phí tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách chủ yếu, trong đó dự kiến phân bổ kinh phí cho từng nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách cụ thể; theo tính chất chi (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên); dự kiến xác định rõ chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới trên cơ sở mức trần chi ngân sách đã được sở Kế hoạch và Đầu tư, sở Tài chính thông báo. Trên cơ sở đó dự kiến kết quả đạt được.

- Số chênh lệch (nếu có) giữa trần ngân sách đã được thông báo với nhu cầu chi (bao gồm cả chi tiêu cơ sở, chi tiêu cho sáng kiến mới, trượt giá, tăng khối lượng, điều chỉnh dự toán,...) để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách của sở trong giai đoạn 2008-2010; số phát sinh nợ tồn đọng sau khi đã xử lý trong mức chi ngân sách (nợ khối lượng, nợ vay, nợ ứng, các nghĩa vụ tài chính phát sinh theo quy định nhưng chưa có nguồn xử lý); kiến nghị các biện pháp về nguồn tài chính để xử lý (cắt giảm kinh phí các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách đang thực hiện nhưng kém hiệu quả để điều chỉnh hoặc thay thế bằng các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách mới có hiệu quả hơn; đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách,...); đưa ra các cảnh báo sớm về khả năng thực thi các mục tiêu của sở đã đặt ra trong cả giai đoạn 2006 - 2010.

- Dự kiến rủi ro phát sinh công nợ dự phòng.v.v.

2.3- Tóm tắt kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010:

Là bản tóm tắt kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành và kế hoạch chi tiêu trung hạn của cơ quan giai đoạn 2008 - 2010, được lập sau khi đã hoàn thiện lại kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành và kế hoạch chi tiêu trung hạn của cơ quan giai đoạn 2008 - 2010 theo đề xuất của cơ quan kế hoạch và đầu tư, cơ quan tài chính.

II. Cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010:

Cơ sở để xây dựng kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010 của quốc gia, ngành, địa phương là các chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ, chương trình, dự án cả giai đoạn đến 2010; nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, địa phương cả giai đoạn đến 2010; Luật ngân sách nhà nước, pháp luật về thuế và các văn bản hướng dẫn có liên quan; các cơ chế, chính sách hiện hành đã được thông qua và dự kiến những thay đổi trong trung hạn; các dự báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố liên quan khác. Dưới đây, Bộ Tài chính hướng dẫn thêm một số điểm như sau:

1- Cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2008-2010

1.1- Cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn cấp quốc gia giai đoạn 2008-2010:

- Các định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia giai đoạn đến 2010, gồm Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết số 56/2006/QH11 của Quốc hội khoá XI về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010; Chiến lược phát triển tài chính Việt Nam đến năm 2010, Chương trình cải cách hệ thống thuế đến năm 2010 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Dự báo về các chỉ số kinh tế vĩ mô của cả nước:

+ Dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2008-2010 trung bình là 8,5%/năm;

+ Chỉ số giá tiêu dùng, dự báo trong giai đoạn 2008-2010 trung bình tăng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế;

+ Cơ cấu kinh tế sẽ chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp.

+ Kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng bình quân 17-18%/năm, kim ngạch nhập khẩu dự kiến tăng bình quân 16-17%/năm.

- Các giả định liên quan tới cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2010:

+ Trần chi tiêu thông báo cho từng ngành giai đoạn 2008-2010 trên cơ sở mức tiền lương tối thiểu 450.000 đồng (chưa bao gồm nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện cải cách tiền lương trong giai đoạn 2008-2010 - nếu có);

+ Tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định hiện hành: thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) trong phạm vi trần chi tiêu của ngành đã được thông báo; sử dụng 35-40% nguồn thu được để lại theo chế độ; sử dụng một phần tăng thu của ngân sách trung ương và 50% tăng thu ngân sách địa phương.

1.2- Cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn cấp địa phương giai đoạn 2008-2010:

- Các định hướng, cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành được áp dụng trên địa bàn địa phương; các định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn đến 2010, gồm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 của địa phương.

- Dự báo về các chỉ số phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

- Các giả định liên quan tới cải cách tiền lương giai đoạn 2008-2010:

+ Trần chi tiêu thông báo cho từng ngành ở địa phương giai đoạn 2008-2010 trên cơ sở mức tiền lương tối thiểu 450.000 đồng (chưa bao gồm nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện cải cách tiền lương trong giai đoạn 2008-2010 - nếu có);

+ Tiếp tục thực hiện các biện pháp tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định hiện hành: thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất lương) trong phạm vi trần chi tiêu của ngành đã được thông báo; sử dụng 35-40% nguồn thu được để lại theo chế độ; sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương.

2- Cơ sở xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010:

2.1- Cơ sở xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành cấp quốc gia giai đoạn 2008-2010:

- Các mục tiêu phát triển chiến lược của ngành; kế hoạch hành động của ngành triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; dự kiến thay đổi cơ chế, chính sách phát triển ngành trong trung hạn.

- Dự báo về các chỉ số phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc triển khai các mục tiêu phát triển của ngành trong phạm vi cả nước.

- Các chế độ, chính sách, định mức chi tiêu hiện hành của Nhà nước quy định cho ngành.

2.2- Cơ sở xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn của từng ngành ở cấp địa phương giai đoạn 2008-2010:

- Định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương giai đoạn đến 2010, gồm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ địa phương và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 – 2010 của địa phương; kế hoạch hành động của từng ngành triển khai thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.

- Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương liên quan đến phát triển ngành.

- Các chế độ, chính sách, định mức chi tiêu hiện hành chung của ngành và của địa phương quy định cho ngành.

III. Một số yêu cầu khi xây dựng kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010

1- Đánh giá lại các ưu tiên phân bổ ngân sách:

- Để xây dựng kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010, các bộ cần đánh giá lại việc thực hiện kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2007-2009 với các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho giai đoạn này (đối với các địa phương thực hiện đánh giá việc thực hiện dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2006-2007); đánh giá, dự báo bối cảnh, yêu cầu, mục tiêu trong giai đoạn mới, trên cơ sở đó xem xét điều chỉnh các ưu tiên phân bổ ngân sách.

- Để chuẩn bị xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn tiếp theo, các bộ, địa phương cần rà soát kỹ các khoản chi tiêu cơ sở, trong đó loại bỏ các khoản chỉ phát sinh một lần trong năm hiện thời, đồng thời rà soát, xem xét điều chỉnh các khoản chi cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ, chính sách, hoạt động đã được quyết định nhưng quá trình triển khai trên thực tế không đạt được kết quả như mong muốn sang các chương trình, dự án, nhiệm vụ, chính sách, hoạt động khác có ưu tiên cao hơn. Việc phân bổ kinh phí cho các chương trình, dự án, nhiệm vụ, chính sách, hoạt động hiện tại cần dựa trên cơ sở đánh giá việc hiệu quả triển khai thực hiện trên thực tế.

2- Yêu cầu đảm bảo trần chi ngân sách nhà nước:

- Một trong những mục tiêu cơ bản của việc xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn là gắn kết việc xây dựng kế hoạch với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Vì vậy, việc xây dựng kế hoạch chi tiêu ngân sách cần phải đảm bảo sắp xếp trong phạm vi trần chi ngân sách được cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

- Trong phạm vi trần ngân sách được thông báo, các bộ, ngành, địa phương phải chủ động sắp xếp, rà soát lại các nhiệm vụ, hoạt động, chế độ, chính sách nhằm đảm bảo chi tiêu cơ sở chặt chẽ, hiệu quả, đồng thời dành nguồn kinh phí thích đáng chi cho sáng kiến mới.

3- Phân tích các giải pháp xử lý thiếu hụt, đánh giá và đề xuất rõ biện pháp xử lý công nợ dự phòng:

- Trên cơ sở xác định số chênh lệch giữa số trần ngân sách đã được thông báo với nhu cầu chi, các bộ, ngành, địa phương phải phân tích rõ nguyên nhân chênh lệch, trên cơ sở đó đề xuất rõ biện pháp xử lý số chênh lệch để vừa có thể thu xếp trong phạm vi trần chi tiêu ngân sách được thông báo, vừa đảm bảo huy động thêm các nguồn lực khác để thực hiện.

- Thực hiện phân tích, phân loại rõ các loại nợ dự phòng, trên cơ sở đó chủ động sắp xếp xử lý để giảm dần công nợ dự phòng trong trung hạn.

4- Thiết lập hệ thống thông tin báo cáo đầy đủ, kịp thời:

Để đảm bảo xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn, các bộ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các sở tham gia thí điểm căn cứ chức năng quản lý nhà nước được giao, chủ động xây dựng và ban hành quy trình, phạm vi, nội dung báo cáo, cung cấp thông tin nhằm thu thập đầy đủ, kịp thời các thông tin có liên quan.

5- Gắn kết với quá trình xây dựng, thảo luận dự toán ngân sách nhà nước năm 2008:

Việc xây dựng kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010 phải được gắn với việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 của các bộ, ngành, địa phương. Thời gian, quy trình và phân công thực hiện xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn thực hiện theo quy định tại phần IV của Thông tư này.

IV. Thời gian, quy trình và phân công tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010:

Thực hiện theo đúng quy định tại Chỉ thị số 733/CT-TTg ngày 12 tháng 6 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 và Thông tư số 64/2007/TT-BTC ngày 15 tháng 6 năm 2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2008. Bộ Tài chính hướng dẫn thêm về quy trình và phân công tổ chức thực hiện xây dựng kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010 như sau:

1. Đầu tháng 7 năm 2007:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố mức trần chi đầu tư phát triển ngành và trần chi đầu tư phát triển của 4 Bộ tham gia thí điểm giai đoạn 2008 - 2010; Bộ Tài chính công bố mức trần chi thường xuyên ngành và trần chi thường xuyên của 4 Bộ tham gia thí điểm giai đoạn 2008-2010.

- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ở các địa phương tham gia thí điểm giao Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố mức trần chi đầu tư phát triển ngành của địa phương và trần chi đầu tư phát triển của sở chuyên ngành giai đoạn 2008-2010; sở Tài chính công bố mức trần chi thường xuyên ngành của địa phương và trần chi thường xuyên của sở giai đoạn 2008 - 2010 cho các sở chuyên ngành tham gia thí điểm.

2. Trong tháng 7 năm 2007:

- Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 cấp quốc gia.

- Các Bộ: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn của ngành và của Bộ giai đoạn 2008 - 2010 cùng với xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; gửi báo cáo đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước.

- Uỷ ban nhân dân các địa phương: Hà Nội, Hà Tây, Bình Dương, Vĩnh Long tổ chức xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 trên địa bàn địa phương:

+ Chỉ đạo sở Tài chính chủ trì phối hợp với sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 cấp địa phương.

+ Chỉ đạo 4 sở: Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải (Giao thông công chính) xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành của địa phương và của sở giai đoạn 2008 - 2010 cùng với xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; gửi báo cáo đến sở Tài chính, sở Kế hoạch và Đầu tư; gửi kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành của địa phương tới 4 Bộ chuyên ngành tham gia thí điểm.

3. Trong tháng 7 và tháng 8 năm 2007:

- Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh ở các địa phương tham gia thí điểm giao Sở Tài chính, sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thảo luận với các sở về kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010 cùng với thảo luận dự toán ngân sách nhà nước năm 2008; giao Sở Tài chính chủ trì tổng hợp kế hoạch tài chính trung hạn báo cáo Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để xin ý kiến Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Kiểm toán nhà nước.

- Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức thảo luận với 4 Bộ tham gia thí điểm (về kế hoạch chi tiêu trung hạn của ngành và của bộ giai đoạn 2008-2010) và 4 địa phương tham gia thí điểm (về kế hoạch tài chính trung hạn cấp địa phương giai đoạn 2008 - 2010) cùng với thảo luận dự toán ngân sách nhà nước năm 2008.

4. Trước ngày 10 tháng 9 năm 2007, các bộ, địa phương tham gia thí điểm hoàn thiện lại kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010 trên cơ sở kết quả thảo luận với cơ quan Tài chính, cơ quan Kế hoạch và Đầu tư để gửi cơ quan Tài chính và cơ quan Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính chủ trì tổng hợp kế hoạch tài chính trung hạn cấp quốc gia, kế hoạch chi tiêu trung hạn ngành cấp quốc gia giai đoạn 2008-2010 cùng với dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 để trình Chính phủ.

5. Trong tháng 12 năm 2007, các bộ, địa phương tham gia thí điểm hoàn thiện lại lần cuối kế hoạch tài chính và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008-2010 trên cơ sở dự toán năm 2008 đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

C - TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và đào tạo, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải; Uỷ ban nhân dân các địa phương: Hà Nội, Hà Tây, Bình Dương, Vĩnh Long theo chức năng, nhiệm vụ được phân công, có trách nhiệm tổ chức xây dựng kế hoạch chi tiêu trung hạn hoặc/và kế hoạch tài chính trung hạn giai đoạn 2008-2010 cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2008 theo quy định tại Thông tư này.

2. Giao Ban quản lý Dự án cải cách quản lý tài chính công xây dựng và ban hành Sổ tay nghiệp vụ lập kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 đảm bảo thực hiện theo đúng yêu cầu và nội dung quy định tại Thông tư này.

3. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình xây dựng dự toán ngân sách năm 2008 gắn với công tác xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 theo quy định tại Thông tư này, nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, địa phương tham gia thí điểm phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời xử lý./.

Nơi nhận:

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Văn phòng Trung ương Đảng;

- Văn phòng Quốc hội;

- Văn phòng Chủ tịch nước;

- Các Bộ: KH&ĐT, GD-ĐT, Y tế, NN&PTNT, GTVT;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Kiểm toán Nhà nước;

- HĐND, UBND thành phố Hà Nội, các tỉnh:

Hà Tây, Bình Dương, Vĩnh Long;

- Sở TC, Sở KH&ĐT, Sở GD-ĐT, Sở Y tế, Sở NN&PTNT,

Sở GTVT (GTCC) thành phố Hà Nội,

các tỉnh Hà Tây, Bình Dương, Vĩnh Long;

- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;

- Công báo;

- Website của Chính phủ;

- Website của Bộ Tài chính;

- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

- Lưu: VT, Vụ PC, Vụ NSNN.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

Trần Văn Tá

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 87/2007/TT-BTC hướng dẫn thí điểm xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch chi tiêu trung hạn giai đoạn 2008 - 2010 do Bộ Tài chính ban hành.

  • Số hiệu: 87/2007/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/07/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 536 đến số 537
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản