THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 86-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 1970 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VIỆC MUA BÁO, TẠP CHÍ, TẬP SAN CHO CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Thực hiện chủ trương bỏ dần chế độ cung cấp báo chí theo tiêu chuẩn cho tập thể và cá nhân, Phủ Thủ tướng đã có Thông tư số 1609-VG ngày 06-6-1960 quy định việc mua báo, tạp chí, tập san để làm công tác của các cơ quan Nhà nước. Đến nay vẫn còn nhiều cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường lấy tiền công quỹ để mua nhiều loại báo, tạp chí, tập san chưa thật thiết thực phục vụ cho nhu cầu nghiệp vụ và cung cấp một cách tràn lan cho các đơn vị công tác trực thuộc, thậm chí còn cung cấp cho tập thể hoặc cho cá nhân. Tình trạng này đã hạn chế tác dụng của báo chí, làm trở ngại cho việc vận động mua báo, đọc báo rộng rãi trong cán bộ, nhân dân, đồng thời gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước.
Để bảo đảm việc mua báo, tạp chí, tập san phục vụ cho công tác nghiệp vụ, để góp phần phát huy hơn nữa tác dụng của báo chí trong tình hình mới và để tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua báo, tạp chí, tập san bằng tiền công quỹ như sau:
1. Báo, tạp chí, tập san, mua bằng tiền công quỹ phải là những loại thật cần thiết cho công tác, không mua quá số quy định; không mua báo, tạp chí, tập san để cung cấp cho tập thể hoặc cá nhân.
2. Phủ Thủ tướng, các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Chính phủ được mua không quá 8 loại báo chính trị, tạp chí, tập san chuyên môn, mỗi loại một số một kỳ (trong đó chỉ được mua tới hai loại báo chính trị là cùng).
Các viện nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật trực thuộc Bộ, Ủy ban, Tổng cục, các hội văn học nghệ thuật ở trung ương được mua không quá 5 loại, mỗi loại một số một kỳ.
Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố được mua một số báo chính trị xuất bản hàng ngày và hàng tuần ở trung ương và ở các tỉnh có liên quan. Mỗi loại một số một kỳ và tính chung không quá 8 loại.
Các Ủy ban hành chính khu phố, huyện, thị xã được mua 4 loại báo chính trị hàng ngày và hàng tuần ở trung ương và địa phương, mỗi loại một số một kỳ .
Các Ủy ban hành chính xã được mua một báo hàng ngày ở trung ương và một báo ở địa phương.
3. Văn phòng Bộ Quốc phòng tổng tư lệnh và các cơ quan trực thuộc cũng theo những điều quy định trên đây. Báo mua cho các đơn vị quân đội, công an nhân dân vũ trang sẽ do Bộ Quốc phòng tổng tư lệnh và Bộ Công an quy định theo tinh thần thông tư này.
4. Các cơ quan làm công tác tuyên huấn, báo chí, thông tấn ở trung ương được mua các báo chính trị xuất bản hàng ngày và hàng tuần ở trung ương và Hà Nội, nhiều nhất là 3 số báo một kỳ. Ngoài ra còn có thể mua thêm một số báo khác, tạp chí, tập san, mỗi loại một số một kỳ. Tính chung tất cả các báo, tạp chí, tập san trên đây, không mua quá 10 loại.
Đài tiếng nói Việt Nam, Việt Nam thông tấn xã có thể mua quá số lượng và số loại quy định trên đây với tinh thần vừa bảo đảm nghiệp vụ, vừa bảo đảm tiết kiệm công quỹ.
Các cơ quan tuyên huấn, báo chí ở khu, tỉnh, thành phố được mua 5 loại báo, mỗi loại một số báo một kỳ.
5. Các cơ quan thông tin, cổ động ở trung ương, tỉnh, thành phố được mua các loại báo chính trị hàng ngày, hàng tuần và một số báo, tạp chí, tập san khác, mỗi loại một số và không quá 10 loại.
Các phòng thông tin hoặc phòng văn hóa – thông tin khu phố, huyện, thị xã được mua 4 loại báo chính trị, mỗi loại một số một kỳ.
Các ban văn hóa – thông tin xã được mua một tờ báo chính trị hàng ngày ở trung ương và một tờ báo chính trị ở địa phương.
6. Các trường phổ thông và các trường chuyên nghiệp được mua một tờ báo chính trị hàng ngày ở trung ương và một tờ báo chính trị ở địa phương dùng làm tài liệu tham khảo về thời sự cho tất cả cán bộ giảng dạy trong trường.
7. Các trại giam, các trại tù binh, hàng binh được mua một số báo chính trị hàng ngày, hàng tuần hoặc báo ảnh theo tiêu chuẩn 30 người một số.
8. Các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường và các cơ quan khác không quy định ở các điều trên đây, từ nay không mua báo bằng tiền công quỹ nữa. Thay vào đó, cần vận động anh chị em bỏ tiền ra mua báo theo nhu cầu đọc của mình.
9. Báo chí mua bằng tiền công quỹ phải được coi như tư liệu, tài liệu của cơ quan và được lưu trữ, bảo quản theo chế độ công văn, tài liệu của Nhà nước; không được để mất mát; không được lấy làm của riêng.
10. Các ngành có liên quan như bưu điện, tài chính, Sở báo chí trung ương cần có biện pháp hướng dẫn. Tất cả những điều trước đây quy định việc mua báo, tạp chí, tập san cho các cơ quan Nhà nước trái với những điều quy định trong thông tư này đều bãi bỏ.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 6 năm 1970.
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
- 1Thông tư 1609-Vg năm 1960 về việc mua báo để làm công tác của các cơ quan Nhà nước do Phủ Thủ Tướng ban hành
- 2Thông tư 23-TT/LB-1973 về việc tăng cường và cải cách quản lý tài chính ở trường phổ thông các cấp do bộ Giáo dục và Bộ Tài chính ban hành
- 3Kết luận 29-KL/TW năm 2012 tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng do Ban Bí thư ban hành
- 1Thông tư 1609-Vg năm 1960 về việc mua báo để làm công tác của các cơ quan Nhà nước do Phủ Thủ Tướng ban hành
- 2Thông tư 23-TT/LB-1973 về việc tăng cường và cải cách quản lý tài chính ở trường phổ thông các cấp do bộ Giáo dục và Bộ Tài chính ban hành
- 3Kết luận 29-KL/TW năm 2012 tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW về mua và đọc báo, tạp chí của Đảng do Ban Bí thư ban hành
Thông tư 86-TTg-1970 quy định việc mua báo, tạp chí, tập san cho các cơ quan Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 86-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 16/05/1970
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Đỗ Mười
- Ngày công báo: 01/06/1970
- Số công báo: Số 10
- Ngày hiệu lực: 01/06/1970
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định