Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 86/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2004

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 86/2004/TT-BTC NGÀY 25 THÁNG 9 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN VIỆC QUẢN LÝ NGUỒN VỐN HUY ĐỘNG ĐỂ ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG CỦA NGÂN SÁCH CẤP TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 73/2003/NĐ-CP ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;
Căn cứ Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương;
Căn cứ Nghị định số 123/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 124/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2004 của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với thành phố Hồ Chí Minh;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, hạch toán và quyết toán vốn huy động để đầu tư cơ sở hạ tầng của ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (dưới đây gọi chung là ngân sách cấp tỉnh) khi có nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm, nhưng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh năm dự toán, thì được phép huy động vốn trong nước để đầu tư.

2. Danh mục các công trình đầu tư thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh nói trên phải thuộc danh mục đầu tư trong kế hoạch 5 năm đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định; phải trong quy hoạch được duyệt, đủ thủ tục đầu tư và xây dựng theo chế độ quy định. Số vốn huy động phải được phân bổ chi tiết cho từng công trình cụ thể để theo dõi, quản lý.

3. Mức dự kiến huy động vốn phải đảm bảo tổng mức dư nợ từ nguồn vốn huy động (gồm cả vốn đã huy động và vốn dự kiến huy động) không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh đã được Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố quyết định (riêng Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh không vượt quá 100%). Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước của ngân sách cấp tỉnh bao gồm:

- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trong nước.

- Vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn thu tiền sử dụng đất.

- Các nguồn bổ sung có mục tiêu về đầu tư xây dựng cơ bản có tính chất ổn định từ ngân sách trung ương (nếu có).

4. Hình thức huy động vốn được thực hiện thông qua phát hành trái phiếu đầu tư theo quy định tại Nghị định số 141/2003/NĐ-CP ngày 20/11/2003 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương hoặc huy động từ các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

5. Nguồn vốn huy động được hạch toán thu ngân sách cấp tỉnh và được bố trí trong ngân sách cấp tỉnh để trả nợ (gốc, lãi và chi phí liên quan) hàng năm khi đến hạn.

6. Các dự án đầu tư bằng nguồn vốn huy động của địa phương được quản lý theo đúng quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Lập phương án huy động:

1.1. Khi có nhu cầu huy động vốn đầu tư, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án huy động vốn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định; nội dung phương án phải nêu rõ:

- Danh mục các công trình đầu tư trong kế hoạch 5 năm thuộc nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh đảm bảo đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt; trong đó danh mục các công trình đầu tư đề nghị huy động vốn, hiệu quả kinh tế của các công trình này;

- Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền về các dự án đầu tư đề nghị huy động vốn;

- Tổng số vốn huy động;

- Hình thức huy động vốn;

- Lãi suất huy động và phương án trả nợ;

(Kèm theo các tài liệu khác nhằm thuyết minh rõ phương án huy động vốn).

1.2. Sau khi phương án huy động vốn được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải triển khai một số công việc sau:

- Lập báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để theo dõi, giám sát việc thực hiện và tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Tổng hợp nguồn vốn đầu tư dự kiến huy động vào dự toán thu ngân sách cấp tỉnh và số vốn này được bố trí trong dự toán chi để thực hiện các dự án có trong danh mục phương án huy động vốn đầu tư được duyệt.

Tuyệt đối không được bố trí nguồn vốn huy động để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ khác ngoài các mục tiêu đã được Hội đồng nhân dân quyết định.

- Căn cứ phương án và các cam kết hoàn trả nguồn vốn huy động, hàng năm ngân sách cấp tỉnh chủ động bố trí trong dự toán chi để hoàn trả nguồn huy động (gốc, lãi và phí liên quan) khi đến hạn.

2. Quản lý, sử dụng nguồn vốn huy động:

- Về nguyên tắc việc quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với các dự án thuộc nguồn vốn huy động được thực hiện theo quy định tại Thông tư 44/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và xây dựng thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư 45/2004/TT-BTC ngày 21/5/2004 của Bộ Tài chính bổ sung, sửa đổi một số điểm của Thông tư số 44/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính và Thông tư số 45/2003/TT-BTC ngày 15/5/2003 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư.

- Căn cứ phương án huy động vốn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định; Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện huy động vốn cho các dự án đầu tư, việc huy động vốn phải phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện dự án để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn huy động.

Nguồn vốn huy động được nộp vào ngân sách nhà nước theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành (Chương 160 - Loại 10 - khoản 05 - Mục 086 - tiểu mục 10) và phải mở sổ chi tiết để theo dõi việc huy động, sử dụng nguồn vốn này.

- Căn cứ tiến độ triển khai thực hiện của các dự án, cơ quan tài chính, Kho bạc nhà nước thực hiện tạm ứng, cấp phát cho các đơn vị theo quy định hiện hành về quản lý, cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản và được hạch toán theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước hiện hành.

- Khi đến hạn hoàn trả nguồn vốn huy động, căn cứ dự toán chi trả nợ hàng năm, cơ quan tài chính lập lệnh chi tiền thanh toán cho các đơn vị, tổ chức cho vay hoặc các tổ chức phát hành trái phiếu để thanh toán cho người mua trái phiếu.

Khi chi hoàn trả nguồn vốn huy động hạch toán theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành: Chương 160 - Loại 10 - khoản 05 - mục 158 - tiểu mục 10 (đối với trả nợ gốc) và mục 135 - tiểu mục 10 (đối với trả lãi, phí liên quan tới tiền vay).

3. Quyết toán nguồn vốn huy động:

Việc quyết toán vốn đầu tư từ nguồn huy động được thực hiện theo quy định hiện hành về quyết toán vốn đầu tư.

Số kinh phí đã tạm ứng cho các đơn vị chưa đủ điều kiện thanh toán và số kinh phí chưa chi được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện và được tổng hợp vào quyết toán năm sau theo quy định của pháp luật.

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để xem xét, sửa đổi cho phù hợp.

Trần Văn Tá

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 86/2004/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý nguồn vốn huy động để đầu tư cơ sở hạ tầng của ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 86/2004/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/08/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: 04/09/2004
  • Số công báo: Từ số 5 đến số 6
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản