Hệ thống pháp luật

BỘ NỘI VỤ-BỘ QUỐC PHÒNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 85-TT/LB

Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 1958

THÔNG TƯ

VỀ VẤN ĐỀ QUÂN ĐỘI THAM GIA BẦU CỬ, ỨNG CỬ VÀO HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP

Điều 2, tiết 1, chương I, sắc luật số 004/SLt ngày 20-07-1957 về bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp quy định:

Các công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, gái trai, nghề nghiệp, giàu nghèo, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử.

Công dân trong quân đội có quyền bầu cử ứng cử như những công dân khác.

Thi hành sắc luật về bầu cử nói trên, để đảm bảo việc thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ chính trị của người công dân trong quân đội trong việc xây dựng chính quyền cho thích hợp với tình hình và đặc điểm của quân đội ta nói chung, với tinh chất và nhiệm vụ của từng loại bộ đội nói riêng, Liên Bộ nhận thấy cần quy định cụ thể việc quân đội tham gia bầu cử và ứng cử vào Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp như sau:

1) Các lực lượng bộ đội biên phòng nói chung tham gia bầu cử, ứng cử ở cấp xã và các cấp trên, vì các lực lượng đó có tính chất phân tán, ở cố định, và cùng sinh hoạt với nhân dân địa phương.

2) Bộ đội đi sản xuất nông nghiệp, đánh cá, làm muối, cư trú lâu dài và cố định ở địa phương, có quan hệ mật thiết với nhân dân địa phương về các mặt cũng tham gia bầu cử, ứng cử ở cấp xã và các cấp trên.

3) Các lực lượng bộ đội chủ lực kể cả các đơn vị thuộc các Quân khu, các đơn vị trực thuộc Bộ Tổng tư lệnh và bộ đội bảo vệ ở châu, tỉnh, tùy theo nhu cầu và điều kiện trú quân, có thể tham gia hoặc không tham gia bầu cử, ứng cử ở cấp cơ sở. Ngoài ra, các lực lượng đó sẽ tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân các cấp trên ở nơi đóng quân.

4) Theo nguyên tắc bầu cử áp dụng cho các Khu Tự trị và miền núi nới ở điều 1 của sắc luật bầu cử nói trên, Hội đồng Nhân dân từ cấp châu trở lên đều do Hội đồng Nhân dân cấp xã bầu ra. Trong trường hợp bộ đội không tham gia bầu cử ở cấp xã, thì tham gia bầu cử ứng cử vào Hội đồng Nhân dân từ cấp châu trở lên theo thủ tục như sau:

Đơn vị bộ đội đóng ở xã nào, sẽ cử ra một số đại biểu để cùng với các đại biểu Hội đồng Nhân dân xã đó bầu ra đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp trên thuộc đơn vị bầu cử sở tại. Số đại biểu của bộ đội cũng tính theo tỷ lệ nhân khẩu đã áp dụng cho việc tính số đại biểu của Hội đồng Nhân dân xã sở tại (tối đa là 25 đại biểu theo như điều 7, sắc luật về bầu cử). Tuy nhiên tối thiểu cũng được cử một đại biểu nếu đơn vị đóng ở xã là đơn vị nhỏ (thí dụ: một tiểu đội), quân số ít.

5) Quân số bộ đội tham gia bầu cử ở cấp nào, sẽ tính vào số nhân khẩu cấp ấy để tính số đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp ấy (theo như quy định trong tiết 2, chương I, sắc luật về bầu cử nói trên).

6) Các đơn vị bộ đội không tổ chức thành đơn vị bầu cử riêng, mà bầu cử trên một danh sách ứng cử chung với nhân dân, nhưng sẽ tổ chức thành khu vực bỏ phiếu riêng như đã quy định ở điều 12 sắc luật về bầu cử.

Bộ Quốc phòng sẽ có chỉ thị riêng hướng dẫn các cấp bộ đội thuộc quyền để thực hiện cho sát với tình hình cụ thể của từng nơi và từng đơn vị.

Trên đây Liên Bộ quy định một số vấn đề cụ thể để áp dụng trong khi tiến hành bầu cử. Trong khi thi hành có những trường hợp nào khác ngoài quy định trên đây, đề nghị các địa phương báo cáo rõ về Bộ Nội vụ.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG





Nguyễn Văn Vịnh

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG





Tô Quang Đẩu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 85-TT/LB năm 1958 về vấn đề quân đội tham gia bầu cử, ứng cử vào Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp do Bộ Nội Vụ ban hành.

  • Số hiệu: 85-TT/LB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/12/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng
  • Người ký: Nguyễn Văn Vịnh, Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản