Hệ thống pháp luật

UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 825-TT-TDTT

Hà Nội, ngày 20 tháng 08 năm 1962

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TẠM THỜI CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ĐỐI VỚI TAI NẠN TRONG HOẠT ĐỘNG THỂ DỤC THỂ THAO

UỶ BAN THỂ DỤC THỂ THAO

Kính gửi:
Đồng kính gửi:

-Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ
-Các cơ quan, đoàn thể trung ương
-Ủy ban hành chính các tỉnh, thành, khu và khu vực Vĩnh linh
-Ban Thể dục thể thao các tỉnh, thành, khu , khu vực Vĩnh linh
-Tổng công đoàn Việt Nam

Căn cứ vào điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội của Nhà nước đối với công nhân, viên chức; dựa vào phương hướng của Thường vụ Hội đồng Chính phủ về các chế độ vật chất đối với hoạt động thể dục thể thao, sau khi nhất trí thỏa thuận với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động và Bộ Tài chính, Ủy ban Thể dục thể thao quy định việc đãi ngộ đối với tai nạn trong hoạt động thể dục thể thao như sau:

A. NGUYÊN TẮC CHUNG.

- Phong trào thể dục thể thao nước ta đang bước đầu xây dựng và phát triển, kỹ thuật còn thấp, phương tiện còn thô sơ, tổ chức chưa chặt chẽ, cần tích cực phòng nạn hơn cứu nạn, cơ quan thể dục thể thao các cấp cần coi trọng giáo dục đạo đức thể dục thể thao xã hội chủ nghĩa, tăng cường kiểm tra bảo hộ trong luyện tập thi đấu, hướng dẫn chu đáo về tổ chức, trang bị, sân bãi đảm bảo an toàn cần có nội quy kỷ luật nhằm hạn chế tích cực một tai nạn có thể xẩy ra.

Trong hoàn cảnh hiện nay, việc đãi ngộ đối với tai nạn thể dục thể thao chỉ tạm thời quy định trong phạm vi và đối tượng cần thiết, nhằm giảm bớt khó khăn bảo vệ sức khỏe cho vận động viên, khuyến khích mọi người tin tưởng hăng hái luyện tập. Mặt khác thể dục thể thao là một hoạt động của quần chúng cho nên ngoài khả năng đài thọ có hạn của Nhà nước, các tổ chức quần chúng cơ sở có nhiệm vụ góp phần giúp đỡ.

I. Những điều quy định và giải thích cụ thể.

1. Công nhân viên chức chuyên trách công tác thể dục thể thao.

Căn cứ vào nội dung Thông tư liên Bộ (Bộ Nội vụ- Bộ Lao động) số 01-TT-LB ngày 23-1-1962 giải thích và hướng dẫn việc thi hành điều lệ bảo hiểm xã hội thì công nhân viên chức chuyên trách công tác thể dục thể thao nếu xẩy ra tai nạn trong những trường hợp đã quy định trong điểm một tiết ba chương hai về “những trường hợp được hưởng chế độ đãi ngộ về tai nạn lao động” của thông tư ấy, đều được hưởng chế độ đãi ngộ về lao động.

Ủy ban Thể dục thể thao quy định rõ thêm những trường hợp sau đây cũng được hưởng chế độ đại ngộ về tai nạn lao động,do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ.

a) Công nhân viên chức bị tai nạn trong khi ngừng công tác, sản xuất để thực hiện “chế độ tập thể dục giữa giờ làm việc”.

b) Công nhân viên chức chuyên trách công tác thể dục thể thao là huấn luyện viên thể dục thể thao chuyên nghiệp, trọng tài thể dục thể thao chuyên nghiệp, cán bộ nhân viên thể dục thể thao các cấp, vận động viên các đội tuyển tập trung, đội tuyển quốc gia, công nhân viên chức được cử đi học các trường thể dục thể thao của Nhà nước bị tai nạn trong khi phục vụ hướng dẫn, luyện tập, biểu diễn, thi đấu do cơ quan thể dục thể thao tổ chức hoặc quy định.

II. Công nhân viên chức tham gia thể dục thể thao nghiệp dư.

Công nhân viên chức tham gia hoạt động thể dục thể thao nghiêp dư bị tai nạn thì căn cứ vào quy định ở phần một tiết ba chương hai của Thông tư liên Bộ Nội vụ- Lao động số 01-TT-LB, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với công nhân viên chức bị tai nạn không thuộc diện tai nạn lao động do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ nghĩa là:

- Khi xẩy ta tai nạn phải điều trị, được hưởng chế độ đối với công nhân viên chức ốm đau (quy định ở tiết một chương hai của điều lệ bảo hiểm xã hội.)

- Vì tai nạn mà mất sức lao động, được hưởng chế độ đối với công nhân viên chức mất sức lao động ( quy định ở tiết bốn chương hai của điều lệ bảo hiểm xã hội.)

- Nếu tử thương được hưởng chế độ đối với công nhân viên chức chết( không phải chết vì tai nạn lao động nói trong tiết sáu chương hai của điều lệ bảo hiểm xã hội.)

Còn nếu tai nạn thể dục thể thao mà thành thương tật, việc trợ cấp thương tật giải quyết với tinh thần sau đây:

a) Nếu là huấn luyện viên nghiệp dư, trọng tài nghiệp dư, giáo viên thể dục thể thao nghiệp dư, vận động viên nghiệp dư, bị tai nạn thành thương tật trong khi hướng dẫn, luyện tập, biểu diễn,thi đấu do Ban thể dục thể thao từ cấp tỉnh và cấp tương đương trở lên tổ chức hoặc quy định, thì Ban Thể dục thể thao cấp đó xét trình độ thương tật, khả năng đài thọ và hoàn cảnh từng người mà trao đổi với cơ quan Tài chính, báo cáo Ủy ban hành chính địa phương( hoặc báo cáo với Bộ nếu là ngành trực thuộc) quyết định trợ cấp thương tật một lần, do kinh phí thể dục thể thao của địa phương, của ngành có trách nhiệm quản lý người đó đài thọ.

b) Công nhân viên chức bị tai nạn thành thương tật trong mọi hoạt động thể dục thể thao khác( không thuộc những diện quy định ở điểm a) thì không có trợ cấp thương tật mà do cơ quan, xí nghiệp,công đoàn cơ sở tùy hoàn cảnh và khả năng mà giúp đỡ.

III. Quần chúng nhân dân hoạt động thể dục thể thao nghiệp dư.

1. Quần chúng nhân dân là huấn luyện viên nghiệp dư, hướng dẫn viên nghiệp dư, trọng tài nghiệp dư, vận động viên nghiệp dư, cán bộ thể dục thể thao cơ sở, học viên các trường, lớp thể dục thể thao của Nhà nước, bị tai nạn trong khi hướng dẫn, luyện tập, biểu diễn, thi đấu do cơ quan thể dục thể thao từ cấp tỉnh và cấp tương đương trở lên tổ chức thì được hưởng như sau, do kinh phí của cơ quan thể dục thể thao có trách nhiệm quản lý người đó đài thọ.

- Khi bị tai nạn phải điều trị, được đưa đến bệnh viện cứu chữa( kể cả lúc thương tật tái phát) được đài thọ tiền ăn, thuốc men bồi dưỡng trong khi điều trị ở bệnh viện và tiền lộ phí đi về.

- Nếu vì tai nạn mà thành thương tật nặng ảnh hưởng nhiều đến cơ năng, cơ quan thể dục thể thao xét trình độ thượng tật, hoàn cảnh từng người, trao đổi với cơ quan Tài chính, báo cáo Ủy ban hành chính quyết định việc trợ cấp thương tật một lần tuỳ theo khả năng kinh phí thể dục thể thao của địa phương.

- Nếu tử thương, được cấp tiền mai táng cần thiết, tối đa không quá mức trợ cấp mai táng đối với công nhân viên chức hiện hành.

2. Nhân dân tham gia hoạt động thể dục thể thao nghiệp dư khác, không thuộc diện quy định trên thì không được hưởng tiêu chuẩn đài thọ nói trên mà do chính quyền và các đoàn thể quần chúng, các hợp tác xã đặt vấn đề tích cực giúp đỡ tuỳ theo khả năng của địa phương.

IV. Những trường hợp công nhân viên chức bị tai nạn trong hoạt động thể dục thể thao được coi là tai nạn lao động, được Hội đồng khám xét thương tật các cấp xếp hạng thương tật theo quy định chung.

V. Những quy định thông tư trên đây bắt đầu thi hành với những tai nạn thể dục thể thao xảy ra từ ngày ký thông tư này.

Được sự đồng ý của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, được các Bộ hữu quan nhất trí, những quy định trên đây ban hành nói lên sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với hoạt động thể dục thể thao của quần chúng, tạo điều kiện cho mọi người tin tưởng hăng hái luyện tập tham gia xây dựng và phát triển phong trào, góp phần nâng cao sức khỏe phục vụ đắc lực cho học tập, công tác sản xuất và bảo vệ Tổ quốc.

Ủy ban Thể dục thể thao đề nghị các Bộ, các cơ sở đoàn thể trung ương, Ủy ban hành chính các cấp cho tổ chức phổ biến nội dung thông tư này đến tận công nhân viên chức và quần chúng cơ sở, chú trọng ý nghĩa chính trị, qua đó mà động viện mọi người tích cực tham gia luyện tập thể dục thể thao.

Trong lúc thi hành,nếu gặp mắc mứu, khó khăn gì, đề nghị phản ảnh cho Ủy ban Thể dục thể thao biết để nghiên cứu giải quyết.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG





Trịnh Văn Bính

K.T. CHỦ NHIỆM ỦY BAN THỂ DỤC THỂ THAO
PHÓ CHỦ NHIỆM





Nguyễn Văn Quạn

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 825-TT-TDTT năm 1962 quy định tạm thời chế độ đãi ngộ đối với tai nạn trong hoạt động thể dục thể thao do Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành

  • Số hiệu: 825-TT-TDTT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/08/1962
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thể dục Thể thao
  • Người ký: Nguyễn Văn Quạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 34
  • Ngày hiệu lực: 20/08/1962
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản