Hệ thống pháp luật

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 807-TC

Hà Nội , ngày 31 tháng 07 năm 1961

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC KÝ GIẤY THẢ PHẠM NHÂN ĐÃ HẾT HẠN TÙ

CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Kính gửi: Các Ông Chánh án các Tòa án nhân dân thành phố, tỉnh và khu tự trị

Theo sắc lệnh số 51 ngày 17-04-1946, ông Công tố Ủy viên có trách nhiệm thi hành những bản án đã có hiệu lực pháp luật (điều 29). Căn cứ vào sắc lệnh đó, Thông tư số 1.500-HCTP ngày 23-08-1956 của Liên Bộ Công an – Tư pháp có quy định: “Đối với phạm nhân đã thành án mà đã mãn hạn tù thì Công tố Ủy viên tại địa hạt trại cải tạo nơi phạm nhân đang bị giam ký giấy phóng thích”.

Sau khi Quốc hội thông qua Luật tổ chức Tòa án nhân dân ngày 14-07-1960 và luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân ngày 15 tháng 7 năm 1960, trách nhiệm của các cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân đối với việc thi hành án đã được quy định lại như sau:

Đoạn d của điều 3 luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân

Viện kiểm sát nhân dân… kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử của các Tòa án nhân dân và trong việc chấp hành các bản án ”.

Điều 24 luật tổ chức Tòa án nhân dân:

Tại các Tòa án nhân dân địa phương có nhân viên chấp hành án làm nhiệm vụ thi hành những bản án và quyết định về dân sự, những khoản xử về bồi thường và tài sản trong các bản án và quyết định về hình sự.”.

Cơ quan công an có nhiệm vụ thi hành những khoản hình phạt trong những bản án và quyết định về hình sự, trừ những khoản phạt tiền”.

Căn cứ vào những quy định mới đó, Tòa án nhân dân tối cao đã thống nhất ý kiến với Bộ Công an là việc ký giấy thả phạm nhân hết hạn tù từ nay trở đi sẽ do cơ quan Công an phụ trách vì những lý do sau đây:

1. Việc thả phạm nhân hết hạn tù thuộc về công tác thi hành những khoản hình phạt trong những bản án và quyết định về hình sự mà pháp luật đã quy định thuộc về trách nhiệm của cơ quan Công an.

2. Việc giao cho cơ quan Công an ký lệnh thả phạm nhân hết hạn tù đảm bảo cho việc thả phạm nhân được đúng thời hạn. Nếu để cho Tòa án nhân dân ký lệnh thả thì trong một số trường hợp, việc thả có thể không đúng thời hạn vì công văn giấy tờ có thể bị chậm trễ, nhất là đối với phạm nhân bị giam giữ ở những trại xa (như các trại cải tạo Trung ương ).

Cơ quan Công an phụ trách cả việc quản lý những trại giam và trại cải tạo. Vì vậy, tại Thông tư số 966/BCA-TT ngày 30-05-1961(đã được sự thống nhất ý kiến của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao), Bộ Công an đã giao cho các Chánh, Phó Giám đốc và Trưởng, Phó Ty Công an ký giấy thả phạm nhân hết hạn tù bị giam ở các trại giam trực thuộc Khu, Sở, Ty Công an, và giao cho các Chánh, Phó giám thị trại cải tạo ký giấy thả phạm nhân hết hạn tù bị giam ở các trại cải tạo trực thuộc khu hoặc trung ương.

Ngoài ra, Bộ Công an còn quy định trong Thông tư số 966/BCA-TT là ít nhất 3 tháng trước khi một phạm nhân bị giam ở trại cải tạo hết hạn tù, Ban giám thị phải báo cho Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân nơi đã điều tra xét xử vụ án biết về thời gian thả phạm nhân; nếu là phạm nhân bị giam ở trại tạm giam tỉnh thì phải báo trước ít nhất là 1 tháng. Nếu Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân đang xét về một tội phạm mới của người bị giam thì có thể ra lệnh giam cứu bị can sau khi y hết hạn tù nếu xét thấy cần thiết.

Tòa án nhân dân tối cao đề nghị các Tòa án nhân dân địa phương thi hành Thông tư này và Thông tư số 966/BCA-TT ngày 30-05-1961 của Bộ Công an.

KT. CHÁNH ÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN




Nguyễn Trác

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 807-TC năm 1961 về việc ký giấy thả phạm nhân đã hết hạn tù do Tòa án nhân dân tối cao ban hành

  • Số hiệu: 807-TC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 31/07/1961
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao
  • Người ký: Nguyễn Trác
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 33
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản