BỘ LAO ĐỘNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 703-LĐ/NC | Hà Nội, ngày 12 tháng 05 năm 1975 |
GIẢI THÍCH, HƯỚNG DẪN MỘT SỐ ĐIỂM TRONG VIỆC ĐĂNG KÝ, CẤP THẺ, LÀM SỔ LAO ĐỘNG
Các địa phương đang triển khai thực hiện Nghị định số 97-CP và Quyết định số 201-CP của Hội đồng Chính phủ về đăng ký, cấp thẻ, làm sổ lao động, sắp xếp việc làm…; trong quá trình chuẩn bị và chỉ đạo thí điểm có một số vấn đề đặt ra và nhiều địa phương đã đề nghị Bộ hướng dẫn thêm.
Căn cứ vào các văn bản Chính phủ quy định và Bộ Lao động đã hướng dẫn, sau khi trao đổi thống nhất với các ngành liên quan Bộ có ý kiến như sau :
1. Có đăng ký cấp thẻ, làm sổ lao động đối với ngoại kiều đang làm ăn sinh sống ở Việt-nam không?
Nói chung, đối với ngoại kiều (người không gia nhập quốc tịch Việt - nam) không thuộc đối tượng đăng ký, cấp thẻ, làm sổ lao động…
Riêng đối với Hoa kiều là những người đã làm ăn sinh sống lâu ở Việt-nam, được Đảng và Nhà nước ta bảo đảm mọi quyền lợi kinh tế, chính trị như công dân Việt-nam, thì việc đăng ký, cấp thẻ, làm sổ lao động, sắp xếp việc làm…cũng được thực hiện như đối với người dân Việt-nam. Tuy nhiên, ở những địa phương có đông Hoa kiều, trước khi thực hiện, chính quyền và cơ quan lao động địa phương cần bàn bạc với Chi hội Hoa liên hoặc đại biểu Hoa kiều để thống nhất việc vận động, giải thích, làm cho mọi người Hoa kiều phấn khởi, tự nguyện học tập với nhân dân địa phương làm bản khai đăng ký lao động và thực hiện sự sắp xếp việc làm của Chính quyền.
2. Có đăng ký cấp thẻ lao động đối với những người chuyên làm nghề tôn giáo không?
(sư, thầy dòng, linh mục, mục sư, chức sắc…)
Xuất phát từ mục đích, yêu cầu đăng ký, cấp thẻ lao động…và theo chính sách của Nhà nước về tự do tín ngưỡng ; đối với những người chuyên lo việc tôn giáo tại các nhà thờ, đền, chùa thì không yêu cầu đăng ký lao động và cũng không cấp thẻ lao động.
3. Thế nào là nơi cư trú chính thức?
- Những người hoặc những đơn vị đăng ký hộ tịch hộ khẩu ở một nơi, nhưng ở và làm việc tại một địa phương khác (huyện, tỉnh), thì đăng ký, cấp thẻ, làm sổ lao động ở đâu?
- Những người chuyên sống nghề chài lưới lưu động nay đây mai đó trên dòng sông thì đăng ký lao động như thế nào?
a) Nơi cư trú chính thức là nơi mà người công dân có đăng ký nhân khẩu thường trú (xã, khu phố) và hiện đang thường xuyên làm ăn sinh sống tại đó hoặc những người đã được cấp giây di chuyển hộ khẩu đến địa phương khác và được cơ quan công an nơi đang ở cho đăng ký nhân khẩu lưu trú trong một thời gian nhất định để học tập hoặc để hoàn thành nhiệm vụ công tác.
b) Đối với những hộ tập thể thuộc những đơn vị đã chuyển đến địa điểm mới, nhưng vẫn còn đăng ký hộ tịch ở nơi cũ thì các hộ đó phải làm thủ tục di chuyển hộ khẩu để đăng ký lao động tại nơi mới theo quy định.
Đề nghị các Bộ, các ngành chủ quản, các Ủy ban hành chính tinh thần khẩn trương bàn bạc giải quyết bảo đảm thủ tục của Nhà nước về đăng ký lao động, cấp thẻ, làm sổ.
c) Đối với những người chuyên sống nghề chài lưới lưu động trên sông thì đăng ký lao động tại chính quyền nơi đăng ký hộ tịch hộ khẩu thường trú, đợt đăng ký đầu tiên vào 6 tháng cuối năm 1975 theo thủ tục như đối với những người ở vùng nông thôn.
Đối với những cơ quan, nhà máy, trường học có nhiều bộ phận ở nhiều tỉnh thì đăng ký, làm sổ, cấp thẻ lao động theo đơn vị chủ quản. Nhưng nếu đơn vị có nhiều bộ phận lưu động hoặc biệt phái ở xa thì có thể đề nghị đơn vị sử dụng lao động biệt phái hoặc đề nghị Ủy ban hành chính tỉnh (cơ quan lao động) nơi bộ phận cán bộ lưu động đang làm việc trực tiếp đăng ký cấp thẻ, làm sổ lao động cho công nhân viên chức đóng tại đó.
Những người tàn tật, công nhân viên chức, bộ đội về hưu, nghỉ mất sức … nhưng thực tế vẫn làm việc (sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, phục vụ…) thì chính quyền cơ sở cần xem xét từng trường hợp cụ thể để đăng ký, cấp thẻ lao động như đối với người lao động khác. Tuy nhiên, việc này liên quan đến nhiều chính sách, khi tiến hành cần giải thích rõ mục đích, yêu cầu để đảm bảo cho mọi người tự nguyện, tự giác thực hiện.
6. Công nhân viên chức đi học các trường dài hạn tập trung thì đăng ký lao động ở đâu?
Đối với công nhân viên chức được cử đi học các trường lớp dài hạn, tập trung từ 6 tháng trở lên, mặc dầu còn nhận lương tại đơn vị chủ quản, nhưng đăng ký lao động tại trường học và được nhận thẻ lao động loại có ký hiệu công nhân viên chức ; sổ lao động do đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm làm, khi trở lại đơn vị công tác.
Những người thuộc các hợp tác xã và người làm ăn cá thể chuyên về chăn nuôi, trồng rau, trồng hoa quả, hoặc cây công nghiệp ở nội thành, nội thị đều được đăng ký và cấp xét thẻ lao động vào đợt đầu năm 1975.
Những xã viên hợp tác xã và những người làm ăn cá thể chuyên trồng lúa, khoai thì đăng ký lao động vào đợt cuối năm 1975 ; nhưng nếu ở những thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh số lượng lao động này ít, không có trở ngại thì có thể đăng ký lao động cùng với đợt đầu năm 1975.
8. Thế nào là lao động nội trợ? Người có việc làm ăn hợp pháp?
- Lao động nội trợ là người thực sự làm những công việc phục vụ cho những người trong gia đình mình ; người lao động nội trợ thường là nữ từ 35 tuổi trở lên mà khả năng sức lao động vào loại yếu, thích ứng với tính chất công việc gia đình, có chồng con là những người lao động chính tham gia công tác sản xuất, kinh doanh hợp pháp, có đông con bé, cháu nhỏ, cần có người ở nhà chăm sóc thay cho nhiều người đi phục vụ xã hội ; nếu được nhân dân và chính quyền cơ sở xác nhận thì được coi là lao động nội trợ và mỗi gia đình chỉ được một người là lao động nội trợ mà thôi.
- Người có việc làm ăn hợp pháp là người đang làm việc theo tổ chức và hướng dẫn của chính quyền (công nhân viên chức, người làm hợp đồng với các cơ quan xí nghiệp của Nhà nước ; các xã viên hợp tác xã, tổ viên các tổ hợp tác và những người làm ăn cá thể được cơ quan Nhà nước cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, sản xuất phục vụ v.v…)
- Những người làm ăn ở các tổ chức do nhân dân lập, hoặc những người làm ăn riêng lẻ nhưng không được cấp giấy đăng ký kinh doanh sản xuất gọi là những người làm ăn tự do thì không được cấp thẻ lao động.
Những cán bộ được đưa về công tác ở cơ sở mà đang hưởng chế độ lương công nhân viên chức thì do cơ quan đang trực tiếp quản lý và điều động công tác chịu trách nhiệm đăng ký, cấp thẻ, làm sổ lao động.
Trên đây là một số điểm cần hướng dẫn địa phương, các ngành nghiên cứu và áp dụng trong quá trình công tác, nếu có kinh nghiệm gì hoặc phát hiện thêm những điều cần làm rõ thì đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Lao động để kịp nghiên cứu hướng dẫn.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Lê Chân Phương |
Thông tư 703-LĐ/NC-1975 giải thích, hướng dẫn một số điểm trong việc đăng ký, cấp thẻ, làm sổ lao động do Bộ Lao động ban hành
- Số hiệu: 703-LĐ/NC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 12/05/1975
- Nơi ban hành: Bộ Lao động
- Người ký: Lê Chân Phương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 27/05/1975
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định