Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 7-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 12 tháng 5 năm 1993

THÔNG TƯ

SỐ 7-LĐTBXH NGÀY 12-5-1993 CỦA BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HƯỚNG DẪN VỀ CHẾ ĐỘ TRỢ CẤP CHO HỘ GIA ĐÌNH ĐI XÂY DỰNG CÁC VÙNG KINH TẾ MỚI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 327-CT NGÀY 15-09-1992 CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Quyết định số 116-HĐBT ngày 9-4-1990 của Hội đồng Bộ trưởng giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về quản lý công tác phân bố lao động dân cư và xây dựng vùng kinh tế mới;
Thực hiện Quyết định số 327-CT ngày 15-9-1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về một số chủ trương, chính sách sử dụng đất trống, đồi núi trọc, rừng, bãi bồi ven biển và mặt nước;
Căn cứ Nghị định số 57-HĐBT ngày 24-3-1987 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Bộ Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn một số điểm cụ thể nhằm thực hiện các chế độ trợ cấp cho hộ gia đình đi xây dựng các vùng kinh tế - xã hội như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

- Vùng dự án kinh tế mới là vùng còn nhiều diện tích đất trống, đồi trọc... chưa được sử dụng nay có kế hoạch đưa dân đến để mở thêm diện tích canh tác sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản ..., được quy hoạch lập thành các dự án phát triển kinh tế - xã hội và được cấp có thẩm quyền xét duyệt.

Vùng dự án đưa dân đến phải bảo đảm các điều kiện sinh hoạt và sản xuất cần thiết cho các hộ gia đình về diện tích đất sản xuất, nước sinh hoạt, trường học, trạm xá, đường đi lại... để các hộ gia đình trên vùng đất mới sớm ổn định đời sống, thực hiện các mục tiêu về sản xuất hàng hoá, phủ xanh đất trống, đồi trọc theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng.

- Nhà nước khuyến khích mọi người lao động, hộ gia đình và các thành phần kinh tế khác đến khai thác, sử dụng các diện tích đất trống, đồi trọc để sản xuất hàng hoá. Ngoài vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ (cấp, vay), các ngành, các địa phương huy động thêm vốn của ngành, của địa phương, các tổ chức Quốc tế và vốn của dân để cùng tham gia đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP

Đối tượng được hưởng trợ cấp là các hộ gia đình tự nguyện đi xây dựng các vùng kinh tế mới theo kế hoạch của Nhà nước, nhằm phủ xanh đất trống, đồi trọc, khai thác bãi bồi ven biển, ven sông và mặt nước phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Quyết định số 327-CT ngày 15-9-1992. Bao gồm các đối tượng sau:

1. Những hộ gia đình tự nguyện đi xây dựng các vùng dự án kinh tế mới đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt, được ghi trong chỉ tiêu kế hoạch đầu tư hằng năm theo chương trình phát triển kinh tế - xã hội của ngành địa phương.

2. Các vùng kinh tế mới xây dựng từ những năm trước, nay có nhu cầu tiếp nhận thêm lao động và hộ gia đình để mở rộng sản suất đến định hình, thì các hộ gia đình này cũng thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp di dân.

3. Những hộ gia đình có nhu cầu đến các vùng đất trống, đồi trọc theo các hình thức xen ghép hoặc tự liên hệ, được Uỷ ban nhân dân huyện nơi đi và nơi đến thoả thuận tiếp nhận, được cấp đất thổ cư và đất sản xuất thì được hỗ trợ tiền vận chuyển người và hành lý; tiền thuốc phòng bệnh đi đường, tiền ăn trong thời gian đi đường.

4. Những hộ gia đình nằm trong vùng giải phóng mặt bằng của các công trình xây dựng lớn như hồ chứa nước, sân bay, khu công nghiệp ... thì hưởng theo chế độ bồi thường do nguồn vốn xây dựng công trình cấp. Nếu tình nguyện đến vùng dự án kinh tế mới thì cũng được hưởng chế độ trợ cấp di dân.

5. Những hộ gia đình được điều động đến các dự án theo mô hình nông, lâm trường mở còn nhiều đất trống, đồi trọc, sau khi tổ chức lại sản xuất và đổi mới cơ chế quản lý theo Quyết định số 388-HĐBT ngày 20-11-1991 được cấp đất sản xuất thì cũng thuộc đối tượng hưởng chế độ trợ cấp di dân.

6. Những hộ gia đình chuyển ra hải đảo được trợ cấp đặc cách tiền làm nhà ở, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thoả thuận với Bộ Tài chính và Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi có đảo để giải quyết.

7. Những người đã được thực hiện chế độ trợ cấp thôi việc theo Quyết định số 176-HĐBT ngày 9-10-1989 và Quyết định số 315-HĐBT ngày 1-9-1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), tự nguyện đến các vùng kinh tế mới theo các dự án thì cũng thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp di dân.

III. CHẾ ĐỘ VÀ MỨC TRỢ CẤP

Mỗi hộ gia đình (gồm 2 lao động, 3 khẩu ăn theo) đi xây dựng các vùng dự án kinh tế mới, theo kế hoạch hàng năm được hưởng chế độ trợ cấp sau:

1. Hộ gia đình đi ngoài tỉnh:

a) Miền Bắc đi Miền Nam:

Mức chung cho một hộ gia đình là: 3,890 triệu đồng/hộ.

- Phần cấp nơi đi: Mức trợ cấp 3,110 triệu đồng/hộ. Bao gồm cước vận chuyển người và hành lý, thuốc phòng và chi phí đi đường, công cụ sản xuất, hỗ trợ tiền làm nhà ở và trợ cấp khó khăn khi mới đến.

- Phần cấp nơi dân đến: Mức trợ cấp 780.000 đồng/hộ.

Hỗ trợ lương thực trong 6 tháng đầu để khai hoang và sản xuất.

b) Di chuyển trong nội miền: Mức trợ cấp cho một hộ là 2,490 triệu đồng/hộ.

- Trợ cấp nơi đi: 1,710 triệu đồng/hộ.

- Trợ cấp nơi đến: 780.000 đồng/hộ.

2. Hộ gia đình di chuyển trong phạm vi nội tỉnh:

Mức chung 1,490 triệu đồng/hộ.

- Trợ cấp nơi đi: 710.000 đồng/hộ.

- Trợ cấp nơi đến: 780.000 đồng/hộ.

3. Hộ gia đình do mở rộng sản xuất được tổ chức lại trong vùng dự án có khai hoang mở rộng thêm diện tích, có di chuyển chỗ ở và định cư ở nơi mới thì được hỗ trợ lương thực để khai hoang: 780.000 đồng/hộ.

4. Những khoản chi phí chung: (Cấp cho cơ quan tổ chức thực hiện).

a) ở nơi đi: 40.000 đồng/hộ để tuyên truyền vận động và tổ chức thực hiện.

b) ở nơi đến: 70.000 đồng/hộ để tổ chức thực hiện, tiền thuốc phòng bệnh và các chi phí rủi ro khác.

5. Những hộ gia đình thuộc đối tượng "di dân tự phát" đã đến sinh sống ở những vùng ngoài phạm vi dự án, nay chuyển vào vùng dự án thì được xét hỗ trợ phần lương thực, để khai hoang mở thêm diện tích sản xuất trên vùng dự án.

6. Những hộ gia đình đi theo hình thức xen ghép đến vùng quy hoạch được xét trợ cấp tiền vận chuyển người, hành lý và các chi phí trên đường đi.

IV. CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ VÀ CẤP PHÁT

1. Các khoản trợ cấp theo quy định được tính lượng hoá bằng gạo. Hàng năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với Bộ Tài chính để thông báo giá gạo áp dụng thống nhất trong cả nước.

Năm 1993 mức tính 2.000 đồng/kg gạo.

2. Các khoản kinh phí nói ở Phần III tại Thông tư này đều thuộc nguồn vốn sự nghiệp kinh tế do Ngân sách Nhà nước cấp theo kế hoạch từng năm.

Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội thống nhất quản lý nguồn vốn trên. Hàng năm căn cứ vào kế hoạch điều động lao động - dân cư của các ngành, các địa phương Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp và cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trình Chính phủ xét duyệt. Kế hoạch di dân phải dựa trên cơ sở kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng dự án, bảo đảm được sản xuất, đời sống nhân dân.

Khi có chỉ tiêu kế hoạch chính thức, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất với Bộ Tài chính để tổ chức cấp phát và quản lý vốn.

Nguồn kinh phí sự nghiệp di dân kinh tế mới (bao gồm sự nghiệp quản lý và sự nghiệp kinh tế) do Bộ Tài chính cấp trực tiếp bằng hạn mức theo từng kỳ cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Điều động lao động) để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Điều động lao động) cấp cho các chi cục, Ban Điều động lao động tỉnh, thành phố.

Việc cấp phát kinh phí theo tiến độ thực hiện kế hoạch đưa, đón dân.

Hàng năm các Chi cục, Ban Điều động lao động - dân cư tỉnh, thành phố quyết toán khoản chi này với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Điều động lao động) để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Cục Điều động lao động) tổng hợp, quyết toán với Bộ Tài chính.

3. Trách nhiệm của các tổ chức làm công tác điều động lao động - dân cư và xây dựng vùng kinh tế mới:

- Cung cấp thông tin về những vùng dự án di dân và xây dựng vùng kinh tế mới cho nhân dân biết.

- Phổ biến chế độ trợ cấp của Nhà nước về di dân và xây dựng kinh tế mới cho nhân dân biết.

- Tổ chức thực hiện cấp phát đầy đủ, kịp thời đúng chính sách đến tận tay hộ gia đình; Thanh quyết toán kinh phí theo chế độ tài chính hiện hành với cơ quan cấp phát và quản lý trực tiếp.

- Tổ chức thanh tra - kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách theo quy định.

4. Bảo đảm sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và sự phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện chế độ trợ cấp di dân đến hộ gia đình, tránh phiền hà và thất thoát kinh phí.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-1-1993. Quá trình thực hiện có gì vướng mắc các địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết.

Trần Đình Hoan

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 7-LĐTBXH năm 1993 hướng dẫn về chế độ trợ cấp cho hộ gia đình đi xây dựng các vùng kinh tế mới theo Quyết định 327-CT 1992 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 7-LĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/05/1993
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Trần Đình Hoan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1993
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản