Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 67/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 67/1999/TT-BTC NGÀY 07 THÁNG 6 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC SỬ DỤNG VỐN VÀ HẠCH TOÁN KẾ TOÁN TIỀN MUA VÀ LÃI MUA CÔNG TRÁI XÂY DỰNG TỔ QUỐC TẠI CÁC DOANH NGHIỆP

Thi hành Nghị định số 34/1999/NĐ-CP ngày 12/5/1999 của Chính phủ quy định việc phát hành công trái xây dựng Tổ quốc năm 1999, Bộ Tài chính đã có Thông tư số 56/1999/TT-BTC ngày 12/5/1999 hướng dẫn thực hiện Nghị định trên.

Riêng đối với các doanh nghiệp, Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung như sau:

1. Đối với doanh nghiệp Nhà nước, Thông tư số 56/1999/TT-BTC ngày 12/5/1999 đã hướng dẫn "Doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng vốn, kinh phí ngân sách Nhà nước để mua công trái" được hiểu là: Các doanh nghiệp Nhà nước không được sử dụng các khoản tiền do ngân sách Nhà nước cấp cho việc thực hiện nhiệm vụ công ích, dự trữ quốc gia, dự trữ bình ổn giá hoặc vốn để thực hiện các mục tiêu chỉ định khác của Nhà nước do cấp có thẩm quyền giao để mua công trái.

Doanh nghiệp Nhà nước được sử dụng vốn thuộc phạm vi quản lý của mình để mua công trái như đã quy định tại Điều 7 Luật doanh nghiệp Nhà nước và Điều 10 Nghị định 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ về quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước.

2. Tất cả đối tượng mua công trái đã quy định tại Điều 2 Nghị định số 34/1999/NĐ-CP nói trên (kể cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế) đều được miễn thuế thu nhập từ số tiền lãi mua công trái xây dựng Tổ quốc đem lại.

3. Khoản tiền lãi mua công trái được hạch toán vào thu nhập hoạt động tài chính hàng năm của doanh nghiệp (Riêng đối với các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng thì hạch toán vào doanh thu) theo công thức:

Số tiền lãi phải thu hàng năm

=

Tổng số tiền mua công trái x 50% (lãi suất)
60 (tháng)

x

Số tháng sử dụng vốn để mua công trái trong năm

Khoản chênh lệch do mức trượt giá thực tế trong 5 năm cộng (+) với lãi suất 5 năm cao hơn 50%, được Nhà nước thanh toán thêm, hạch toán vào thu nhập của năm cuối cùng.

Số chênh lệch tiền lãi do trượt giá

=

Số tiền lãi thực tế được trả

-

Số tiền lãi đã hạch toán trong các năm

4. Kế toán khoản tiền mua và lãi mua công trái được thực hiện như sau:

a. Khi mua công trái, kế toán ghi:

Nợ TK 221 - Đầu tư chứng khoán dài hạn (2212)

Có tài khoản 111.112.....

b. Khoản tiền lãi công trái được hưởng hàng năm và năm cuối cùng được ghi sổ vào ngày 31/12 hàng năm, ghi:

Nợ tài khoản 221 Đầu tư chứng khoán dài hạn (2212)

Có tài khoản 711 "Thu nhập hoạt động tài chính"

Doanh nghiệp mở tài khoản chi tiết theo dõi riêng về lãi mua công trái.

c. Khi Nhà nước thanh toán công trái, khoản tiền mua và lãi công trái thực thu được, ghi:

Nợ tài khoản 111, 112,....

Có tài khoản 221 Đầu tư trái phiếu dài hạn (2212)

Hàng năm các doanh nghiệp phải phân bổ chi phí huy động vốn và các chi phí khác (nếu có) cho số vốn mua công trái vào chi phí hoạt động tài chính (hoặc chi phí kinh doanh đối với các Ngân hàng Thương mại và các Tổ chức tín dụng, như: lãi suất phải trả cho người được huy động vốn) để xác định lợi nhuận thực hiện của hoạt động này.

5. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trần Văn Tá

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 67/1999/TT-BTC về việc sử dụng vốn và hạch toán kế toán tiền mua và lãi mua công trái xây dựng Tổ quốc tại các doanh nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 67/1999/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/06/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 28
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản