Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6634-NL

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 1957

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN TỔ BẢO NÔNG

Kính gửi: Ủy ban Hành chính các khu, các tỉnh

Trong cải cách ruộng đất, các tổ chức bảo nông, nông dân đã có tập quán từ trước, để bảo vệ mùa màng, bảo vệ hoa màu trong thôn xóm, phần lớn bị giải tán. Nhiệm vụ đó giao cho công an, du kích xã, nhưng công việc ấy rất nhiều và phức tạp, nhiều địa phương công an, du kích không đảm đương hết được. Do đó nhiều công trình trung, tiểu thủy nông không đủ người trông nom gìn giữ, nên đã làm mất nước hoặc úng thủy. Nhiều nơi nhân dân tự động cuốc bờ xẻ máng tranh giành nước, hoa màu ngoài đồng thường bị trâu bò phá hoại, gây xích mích trong nông dân với nhau, trở ngại cho công tác sản xuất ở nông thôn.

Trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương nông dân tự động tổ chức hoặc đề nghị xin phục hồi các tổ chức bảo nông, để bảo vệ mùa màng trong thôn xóm.

Theo đề nghị của Bộ Nông lâm, Bộ Thủy lợi và Kiến trúc và Ban liên lạc nông dân toàn quốc, sau khi đã thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ.Chúng tôi yêu cầu Ủy ban Hành chính các cấp:

1) Cùng với nông hội giáo dục tinh thần đoàn kết nông thôn, làm cho nông dân thấy rõ cần tôn trọng quyền lợi lẫn nhau tự giải quyết việc bảo vệ hoa màu, cùng nhau tổ chức giữ gìn bảo vệ và phân phối nước cho hợp lý để sản xuất.

2) Nơi nào nông dân yêu cầu và thấy cần thiết thì giúp đỡ nông dân tổ chức, nhưng không tổ chức tràn lan, đề phòng gây lại những tổ chức cũ không có tác dụng phát triển sản xuất, nơi nào không cần thiết thì thôi, những nơi nông dân đã thành lập sau cải cách ruộng đất thì nên giúp đỡ nông dân củng cố và hoạt động. Nhưng chủ yếu làm cho các tổ chức đó có tác dụng giúp đỡ nhau làm tốt việc giữ gìn mùa màng trong thôn xóm, để nông dân phấn khởi sản xuất.

3) Tổ bảo nông do nhân dân tự nguyện lập ra, không có ngành dọc lên xã, chỉ hoạt động trong phạm vi thôn xóm, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban Hành chính xã và sự giúp đỡ của nông hội địa phương.

4) Nhiệm vụ và quyền hạn của tổ bảo nông, nơi nào do nông dân điạ phương nơi đó quy định và được Ủy ban Hành chính xã thông qua.

Tổ bảo nông chỉ làm những nhiệm vụ chính như : bảo vệ mùa màng hoa màu, giữ gìn các công trình trung, tiểu thủy nông. Ngăn ngừa trâu bò phá hoại, nhưng không làm nhiệm vụ bảo vệ tài sản trong vườn trong nhà của nhân dân và việc giữ gìn trật tự chung ở thôn xóm, vì nhiệm vụ đó đã giao cho công an và du kích.

Việc thù lao cho tổ bảo nông, do nông dân tự nguyện tự giác đóng góp và định bằng tiền hoặc bằng thóc, nhưng cần được hợp lý, được Ủy ban Hành chính xã đồng ý, tránh suy tỵ nhau, đề cao tinh thần tương trợ, nhận rõ nhiệm vụ của mỗi người cùng nhau đoàn kết, bảo vệ mùa màng đẩy mạnh sản xuất.

Ban Liên lạc nông dân tòan quốc sẽ có kế hoạch cụ thể, hướng dẫn nông hội các địa phương thực hiện.

Mong Ủy ban Hành chính các cấp nắm vững tinh thần thông tư này, phối hợp chặt chẽ với nông hội các địa phương tùy hoàn cảnh cụ thể có kế hoạch lãnh đạo việc củng cố và phát triển thu được kết quả tốt.

T/L THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG NÔNG LÂM-THỦY LỢI
THỦ TƯỚNG PHỦ




Trần Hữu Dục

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 6634-NL năm 1957 về việc củng cố và phát triển tổ bảo nông do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 6634-NL
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/10/1957
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trần Hữu Dực
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản