BỘ NỘI VỤ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 66-NV/TCCB | Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 1960 |
VỀ VIỆC THÀNH LẬP PHÒNG DÂN CHÍNH VÀ TRƯỜNG HÀNH CHÍNH
Kính gửi: Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh và khu vực Vĩnh Linh
Hội nghị của Bộ với đại biểu các khu, thành phố, tỉnh ngày 24-10-1960 có thảo luận một số vấn đề về tổ chức. Nói chung, hội nghị đều nhất trí đề nghị thành lập Phòng Dân chính, Trường Hành chính và kiện toàn Phòng Tổ chức Cán bộ của Ủy ban hành chính thành Ban tổ chức chính quyền.
Về Ban tổ chức chính quyền, Bộ còn đang nghiên cứu thêm. Nhưng riêng việc thành lập Phòng Dân chính và Trường Hành chính, Bộ đồng ý với đề nghị của các địa phương và hướng dẫn một số điểm dưới đây để các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh tiến hành cho thống nhất.
Tùy theo khối lượng công tác, các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh có thể lập Phòng Dân chính hoặc bộ phận Dân chính.
Phòng Dân chính trực thuộc Ủy ban hành chính. Nếu là bộ phận Dân chính thì đặt trongvăn phòng Ủy ban hành chính.
Nhiệm vụ của Phòng Dân chính hoặc bộ phận Dân chính gồm các côngtác sau đây:
- Công tác dân sự: hộ tịch, ngoại kiều, mồ mả, di dân, lập hội, hội họp, lạc quyên…
- Công tác thương binh, liệt sĩ, phục viên.
- Công tác đón tiếp Việt kiều (nơi nào khối lượng công tác Việt kiều nhiều thì mới thành lập Phòng Việt kiều riêng).
- Công tác theo dõi đồng bào miền Nam về xã sản xuất.
- Công tác dân tộc (nếu có).
Nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương, trước đây dự kiến để Phòng Dân chính phụ trách, thì nay chuyển lại Phòng Tổ chức Cán bộ.
Biên chế của Phòng Dân chính sẽ do các Ủy ban hành chính khu, thành phố, tỉnh sắp xếp nhưng không nên vượtquá số người phụ trách các công tác ấy trước đây phân tán ở các bộ phận.
Ở những nơi có Phòng Thương binh và Phục viên thống nhất vào Phòng Dân chính thì có thể chỉ gọi là Phòng Dân chính hoặc gọi là “Phòng Dân chính và Thương binh” cũng được.
Ở cấp huyện và xã, công tác Dân chính do ủy viên Ủy ban hành chính trực tiếp phụ trách và có 1 hoặc 2 cán sự giúp việc.
Để bảo đảm nhiệm vụ bồi dưỡng, huấn luyện đại biểu Hội đồng nhân dân, ủy viên Ủy ban hành chính và cán bộ hành chính xung quanh thành, tỉnh, huyện, thị xã, Ủy ban hành chính các địa phương cần thành lập Trường Hành chính.
Riêng Khu Tự trị Thái Mèo và Khu Tự trị Việt Bắc hiện nay chưa cần có trường sở, nhưng cần có một bộ phận trong Phòng Tổ chức Cán bộ để giúp Ủy ban chỉ đạo hướng dẫn công tác huấn luyện ở các tỉnh, châu, huyện, và tổ chức các lớp thí điểm…
Những tỉnh vừa có miền núi, vừa có miền đồng bằng, thì có thể tổ chức 2 phân hiệu, nếu Ủy ban hành chính tỉnh xét thấy cần thiết (như Nghệ An, Thanh Hóa).
Nhiệm vụ của Trường Hành chính thành, tỉnh quy định như sau:
- Bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân thành, tỉnh (những đại biểu ở cơ sở) đại biểu Hội đồng nhân dân huyện, thị xã. Đặt kế hoạch và hướng dẫn các huyện, thị xã. Đặt kế hoạch và hướng dẫn các huyện, thị xã mở lớp bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn.
- Huấn luyện và bổ túc cho ủy viên Ủy ban hành chính xã, thị trấn, cán bộ văn phòng xã, thị trấn và cán bộ hành chính xung quanh thành, tỉnh, huyện, thị xã (từ cán sự bậc 1 trở xuống).
- Kiểm tra kết quả huấn luyện.
Trường Hành chính có quan hệ công tác chặt chẽ.
a) Với phòng Tổ chức Cán bộ của ủy ban để phối hợp và hỗ trợ trong công tác. Cụ thể là:
- Trường Hành chính cần dựa vào Phòng Tổ chức Cán bộ mà nắm tình hình cán bộ chính quyền, lề lối làm việc của cấp xã để xây dựng kế hoạch huấn luyện, nghiên cứu đối tượng chiêu sinh, bổ sung tài liệu cho các bài giảng được sinh động thêm.
- Phòng Tổ chức Cán bộ cũng dựa vào trường để nắm tình hình thực tế của xã (về tổ chức và lề lối làm việc) qua các khóa học, giúp cho phòng hiểu thêm cán bộ mà có kế hoạch củng cố xây dựng cấp xã về mọi mặt.
- Khi chiêu sinh thì trường trực tiếp làm, nhưng có ý kiến tham gia của Phòng Tổ chức Cán bộ. Khi khóa học khai giảng, Phòng Tổ chức Cán bộ có thể cử cán bộ theo dõi đến nắm cán bộ học viên. Sau các khóa học, Phòng Tổ chức Cán bộ và trường cùng có kế hoạch phối hợp kiểm tra giúp đỡ các học viên ở địa phương phát huy kết quả học tập trong thực tế, đẩy mạnh công tác.
b) Với các Ty, các ngành chuyên môn để sưu tầm tài liệu giảng dạy hoặc đề nghị các Ty, các ngành cử cán bộ đến giảng dạy hay báo cáo ngoài khóa ở trường về phần chuyên môn của các Ty, các ngành phụ trách.
Mặt khác, qua các khóa học, trường có thể cung cấp tình hình thực hiện các công tác chuyên môn ở địa phương để giúp các ngành chỉ đạo công tác được sát.
Trường Hành chính có 1 hiệu trưởng là ủy viên Ủy ban hành chính và có 1 hoặc 2 hiệu phó trình độ Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch huyện.
Số cán bộ giáo vụ của trường tùy theo số lượng học viên nhiều ít mà quy định, nhưng cần có trình độ phụ trách để bảo đảm chất lượng huấn luyện.
Nhận được thông tư này, đề nghị các ủy ban, tùy theo tình hình từng nơi, mà tiến hành thành lập các tổ nói trên, theo thủ tục hiện hành và báo cáo cho Bộ biết, kể cả việccử cán bộ phụ trách.
KT. BỘ TRUỞNG BỘ NỘI VỤ |
Thông tư 66-NV/TCCB năm 1960 về việc thành lập Phòng Dân chính và Trường Hành chính do Bộ Nội vụ ban hành
- Số hiệu: 66-NV/TCCB
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 07/12/1960
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ
- Người ký: Lê Tất Đắc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 5
- Ngày hiệu lực: 22/12/1960
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định