Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 66/1999/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 6 năm 1999

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 66/1999/TT-BTC NGÀY 07 THÁNG 6 NĂM 1999 HƯỚNG DẪN VIỆC XÂY DỰNG, SỬA ĐỔI QUY CHẾ TÀI CHÍNH CỦA TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC

Bộ Tài chính đã ban hành "Quy chế tài chính mẫu của Tổng công ty Nhà nước" kèm theo Quyết định số 838 TC/QĐ/TCDN ngày 28/8/1996 và Quyết định số 995 TC/QĐ/TCDN ngày 01/11/1996 "về việc sửa đổi bổ sung Quy chế tài chính mẫu" làm cơ sở cho các Tổng công ty Nhà nước xây dựng Quy chế quản lý tài chính của từng Tổng công ty.

Để phù hợp với Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 27/1999/NĐ-CP) về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 59/CP), Bộ Tài chính hướng dẫn việc xây dựng, sửa đổi Quy chế tài chính của Tổng công ty Nhà nước như sau:

1. Đối với các Tổng công ty đã ban hành Quy chế tài chính thì căn cứ vào Nghị định số 27/1999/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định này của Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung Quy chế tài chính của Tổng công ty cho phù hợp với các quy định mới. Sau khi được Hội đồng quản trị Tổng công ty phê duyệt, quy chế sửa đổi bổ sung gửi đến cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp và Bộ Tài chính để theo dõi.

2. Đối với các Tổng công ty chưa ban hành Quy chế tài chính thì căn cứ vào Quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh ban hành kèm theo các Nghị định số 59/CP, số 27/1999/NĐ-CP, Quy chế tài chính mẫu Tổng công ty Nhà nước nói trên và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính để xây dựng Quy chế tài chính của Tổng công ty mình. Sau khi có ý kiến thoả thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính, Hội đồng quản trị phê duyệt Quy chế tài chính của Tổng công ty và gửi đến cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp và Bộ Tài chính để theo dõi.

3. Khi sửa đổi bổ sung Quy chế tài chính Tổng công ty cần chú ý một số vấn đề sau đây:

3.1. Theo Nghị định số 27/1999/NĐ-CP thì Tổng cục quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp không có nhiệm vụ thẩm định hoặc có ý kiến đối với các trường hợp cầm cố, thế chấp, thanh lý, nhượng bán tài sản quan trọng của doanh nghiệp.

3.2. Để bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xử lý tài sản và vốn trong quá trình kinh doanh, xoá bỏ phiền hà đối với doanh nghiệp, sau mỗi lần thanh lý tài sản, xử lý nợ khó đòi, xử lý tổn thất tài sản, quyết định bồi thường các khoản chi không đúng chế độ, các Tổng công ty và doanh nghiệp thành viên không phải gửi cho cơ quan quản lý tài chính doanh nghiệp nữa. Nhưng các trường hợp xử lý này phải có chứng từ, tài liệu chứng minh, tổng hợp và giải trình trong Báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp.

3.3. Khoản kinh phí quản lý Tổng công ty huy động từ các doanh nghiệp thành viên do Tổng giám đốc quyết định trên cơ sở được Hội đồng quản trị phê duyệt sau khi trao đổi với Giám đốc các doanh nghiệp thành viên và được phản ảnh trong kế hoạch tài chính hàng năm của các doanh nghiệp. Bộ Tài chính không tham gia về mức trích kinh phí quản lý hàng năm của Tổng công ty nữa.

3.4. Nghị định số 27/1999/NĐ-CP cho phép các doanh nghiệp thành viên được tính vào chi phí kinh doanh các khoản chi nghiên cứu khoa học, đào tạo. Quỹ đầu tư phát triển chủ yếu là để tái sản xuất mở rộng và đổi mới công nghệ. Vì vậy, Tổng công ty không huy động từ quỹ đầu tư phát triển cho việc nghiên cứu khoa học và đào tạo nói trên. Các yêu cầu chi nghiên cứu khoa học, đào tạo chung của Tổng công ty, trước hết phải lấy từ nguồn thu từ công việc nghiên cứu khoa học, đào tạo, nguồn hỗ trợ của ngân sách (nếu có); phần còn thiếu được tính vào chi phí kinh doanh của Tổng công ty. Nếu vẫn còn thiếu mới huy động thêm từ các doanh nghiệp thành viên.

3.5. Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên hạch toán kinh tế độc lập, đều là đơn vị có đầy đủ tư cách pháp nhân trước pháp luật. Do đó đều phải thực hiện việc quản lý vốn, tài sản, doanh thu, chi phí, phân phối lợi nhuận sau thuế, trích lập và sử dụng các quỹ, lập báo cáo tài chính theo đúng các quy định hiện hành.

Quan hệ tài chính giữa Tổng công ty với các doanh nghiệp thành viên như huy động kinh phí quản lý Tổng công ty, điều động tài sản, huy động quỹ dự phòng tài chính, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng mất việc làm, quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi vẫn thực hiện theo quy định tại Quyết định số 838 TC/QĐ/TCDN ngày 28/8/1996 về việc ban hành quy chế tài chính mẫu Tổng công ty Nhà nước và Quyết định số 995 TC/QĐ/TCDN ngày 01/11/1996 của Bộ Tài chính "về việc sửa đổi bổ sung Quy chế tài chính mẫu".

3.6. Doanh nghiệp thành viên hạch toán phụ thuộc là những đơn vị có tư cách pháp nhân không đầy đủ. Vì vậy, Quy chế tài chính của Tổng công ty cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm trong việc quản lý và hạch toán tài sản, tiền vốn, doanh thu, chi phí và sử dụng các quỹ. Tổng công ty phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước và trước pháp luật đối với toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp thành viên này.

4. Tại khoản 1 Điều 40 Nghị định số 27/1999/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với Hội đồng quản trị, Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc) trong việc quản lý tài chính doanh nghiệp. Tổng công ty cần cụ thể hoá các quy định này trong quy chế tài chính Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên.

5. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày Nghị định số 27/1999/ NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ có hiệu lực.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ảnh về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.

Trần Văn Tá

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 66/1999/TT-BTC về việc xây dựng, sửa đổi quy chế tài chính của Tổng công ty Nhà nước do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 66/1999/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/06/1999
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Tá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 28
  • Ngày hiệu lực: 05/05/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản