Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 65-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC DÀNH ĐẤT ĐỂ TRỒNG THỨC ĂN CHO GIA SÚC, ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TRONG HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ GIA ĐÌNH XÃ VIÊN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

kính gửi: Bộ nông nghiệp, ủy ban hành chính các khu Thành, Tỉnh.

Tiếp theo Thông tư số 35-TTg ngày 06 tháng 5 năm 1963 về việc dành đất để trồng thức ăn cho gia súc, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và gia đình xã viên, Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể thêm như sau:

I. VỀ 5% ĐẤT ĐỂ LẠI CHO XÃ VIÊN THEO ĐIỀU LỆ MẪU CỦA HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Nói chung, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, cần để lại cho xã viên 5% ruộng đất đúng như điều lệ mẫu của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã quy định, nhưng để khỏi đảo lộn nhiều những hợp tác xã nào hiện nay đã để gần đủ hoặc quá một ít thì cũng không phải để thêm hoặc rút bớt. Riêng những nơi đã để dưới 4% hoặc trên 6% thì phải kiên quyết sửa lại cho đúng. Việc để lại ruộng đất cho xã viên sẽ căn cứ vào số nhân khẩu lúc vào hợp tác xã, chứ không căn cứ vào số nhân khẩu hiện nay. Phần ruộng đất này thuộc sở hữu của xã viên, xã viên được tự sử dụng, nhưng hợp tác xã cần vận động xã viên dành phần lớn để trồng rau, mầu chăn nuôi lợn.

II. VỀ 5% ĐẤT DÀNH THÊM CHO CHĂN NUÔI

Ngoài 5% đất để lại cho xã viên theo điều lệ mẫu của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp kể trên, hợp tác xã được dành thêm 5% nữa làm cơ sở thức ăn vững chắc cho gia súc, phát triển chăn nuôi, tăng cường kinh tế hợp tác xã. Số đất này quy định cụ thể như sau:

1. Số 5% ruộng đất dành thêm cho chăn nuôi là tính theo tổng số diện tích ruộng đất canh tác của hợp tác xã, không tính theo diện tích canh tác của xã. Nói chung, số 5% ruộng đất để thêm này cộng với 5% để lại cho xã viên theo điều lệ mẫu của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là không quá 10% diện tích canh tác, nhưng những nơi bình quân ruộng đất theo đầu người cao hoặc còn nhiều đất hoang hóa có thể khai vỡ thêm được có thể để ít hơn, trái lại những nơi bình quân ruộng đất theo đầu người quá thấp, vùng ngoại ô thành phố, khu công nghiệp lớn thì nên để nhiều hơn một ít. Số đất dành thêm chính là để chăn nuôi lợn, nhưng những nơi nào trâu bò thiếu thức ăn cũng có thể dành một ít cho trâu bò.

2. Số 5% ruộng đất dành thêm là thuộc sở hữu của hợp tác xã, hợp tác xã cần tận dụng để phát triển mạnh chăn nuôi tập thể.Nhưng trongđiều kiệnhiện nay chăn nuôi tập thểchưa phát triển, nên chưa sử dụng hết đất, một mặt hợp tác xã tạm thời dành một phần trong số 5% ruộng đất dành thêm này giao cho xã viên trồng hoa màu làm thức ăn chăn nuôi thêm lợn để bán thêm phân bón cho hợp tác xã và thịt cho Nhà nước, mặt khác tích cực tổ chức chăn nuôi lợn tập thể của hợp tác xã. Xã viên nào có điều kiện chăn nuôi lợn mới giao thêm ruộng đất và nhất thiết phải trồng hoa màu để chăn nuôi lợn chứ không phải lãnh ruộng đất về rồi trồng thứ khác, không chăn nuôi lợn. Ai không chăn nuôi lợn thì không giao thêm ruộng đất. Cần bàn bạc cụ thể với xã viên và giúp đỡ họ có kế hoạch chăn nuôi cho tốt với số đất được giao thêm. Khi nào chăn nuôi lợn tập thể phát triển, thì hợp tác xã có thể thu hồi về để sử dụng vào chăn nuôi tập thể của hợp tác xã. Số đất dành để giao cho xã viên nuôi thêm lợn nhiều nhất không được quá 2% tổng số ruộng đất canh tác của hợp tác xã. Cần đề phòng hai khuynh hướng: hoặc lơ là không tích cực tổ chức chăn nuôi lợn tập thể, hoặc gò bó để dành nhiều đất cho chăn nuôi tập thể trong khi trình độ quản lý còn kém, kinh nghiệm chăn nuôi lợn tập thể còn ít mà lại không chú ý để dành đất giao cho các gia đình xã viên có điều kiện chăn nuôi.

3. Khi giao đất cho xã viên nuôi thêm lợn, hợp tác xã cần có sự khuyến khích, giúp đỡ trong trường hợp cần thiết như giúp giống hoặc vốn để mua giống…, quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất và việc bán thêm phân bón cho hợp tác xã và thịt cho Nhà nước. Đất giao cho từng hộ theo số đầu lợn hoặc số trọng lượng thịt nhận nuôi thêm. Hộ nào chăn nuôi giỏi được giao nhiều hơn, trái lại những hộ không nuôi thêm lợn ngoài mức bình thường thì không giao. Hộ nào nhận đất nhưng không nuôi thêm lợn hoặc nuôi kém thì hợp tác xã có thể lấy đất lại để giao cho người khác. Trường hợp ruộng đất ít, nhưng có nhiều người xin nhận nuôi thêm lợn thì hợp tác xã nên bàn bạc với xã viên để giao cho những hộ nghèo và hộ có nhiều kinh nghiệm về chăn nuôi trước. Số đất giao cho mỗi đầu lợn bao nhiêu là tùy theo ruộng đất tốt hay xấu, làm được nhiều vụ hay ít vụ… mà định mức riêng cho từng hợp tác xã, không định mức chung cho toàn huyện, toàn tỉnh.

4. Đối với số đất do hợp tác xã sử dụng để chăn nuôi tập thể , thì hợp tác xã có thể để chăn nuôi chung hoặc giao cho các tổ, đội sản xuất chăn nuôi theo quy mô nhỏ, nếu chưa tổ chức chăn nuôi tập thể được, có thể tạm thời khoán cho các hộ xã viên nuôi lợn cho hợp tác xã tùy theo điều kiện cụ thể của từng hợp tác xã mà quyết định.

5. Tuy dành 5% ruộng đất để chăn nuôi, nhưng nghĩa vụ đóng thuế vá bán lương thực cho Nhà nước vẫn phải bảo đảm, chứ không giảm, vì phát triển chăn nuôi chính là để tăng năng suất, tăng tổng sản lượng nhằm tăng thu nhập cho xã viên, bảo đảm đóng góp cho Nhà nước.

Việc dành đất để trồng thức ăn chăn nuôi gia súc là một việc mới, ta còn thiếu kinh nghiệm, nhưng là một chủ trương hết sức quan trọng, cần kiên quyết thực hiện nhằm nâng cao năng suất các loại cây trồng (lúa, hoa mầu và cây công nghiệp) và khắc phục tình trạng mất cân đối nghiêm trọng giữa trồng trọt và chăn nuôi, trong nền nông nghiệp của ta hiện nay. Vì vậy, Ủy ban hành chính các khu, thành, tỉnh cần giúp dục cho cán bộ và quần chúng hiểu rõ chủ trương, đồng thời phải có kế hoạch, biện pháp cụ thể, sát với tình hình của từng vùng, từng hợp tác xã nông nghiệp. Bộ Nông nghiệp cần giúp đỡ các tỉnh và theo dõi việc thực hiện những điều đã quy định trên. Trong khi thi hành, nếu gặp khó khăn cần kịp thời báo cáo và có những đề nghị cần thiết để Thủ tướng Chính phủ giúp các Ủy ban hành chính địa phương thực hiện có kết quả tốt chủ trương nói trên.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Phạm Hùng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 65-TTg năm 1963 về việc dành đất để trồng thức ăn cho gia súc, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và gia đình xã viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 65-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/07/1963
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: 30/07/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản