Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 29 tháng 07 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH LẬP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN TRONG QUÁ TRÌNH THẨM ĐỊNH HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ HƯỞNG MIỄN TRỪ ĐỐI VỚI THỎA THUẬN HẠN CHẾ CẠNH TRANH; TRONG QUÁ TRÌNH THẨM ĐỊNH HỒ SƠ THÔNG BÁO TẬP TRUNG KINH TẾ; TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRA CÁC VỤ VIỆC CẠNH TRANH VÀ TỐ TỤNG CẠNH TRANH

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định lập, quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh.

Chương I.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định lập, quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong quá trình thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; trong quá trình thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; trong quá trình điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế.

Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Nguồn ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước.

3. Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý, sử dụng kinh phí

1. Việc quản lý và sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ phải theo đúng mục đích, đúng chế độ, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi khi triển khai; chịu sự kiểm tra, kiểm soát và giám sát đánh giá của cơ quan chức năng có thẩm quyền; quyết toán kinh phí đã sử dụng hàng năm và kết thúc nhiệm vụ theo quy định hiện hành.

2. Việc quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí phải phù hợp với các quy định của Luật Cạnh tranh, Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 3 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Cạnh tranh và các quy định pháp luật có liên quan.

Chương II.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Nội dung chi và mức chi

1. Các khoản chi chung

a) Chi thu thập thông tin, tài liệu phục vụ thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê, Tổng Điều tra thống kê quốc gia;

b) Chi xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu phục vụ thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của liên Bộ: Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư - Thông tin truyền thông về hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước và Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính về hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước;

c) Chi lập vi bằng: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

d) Chi biên dịch, phiên dịch tài liệu: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước;

đ) Chi mua trang thiết bị phục vụ hoạt động điều tra; trang thiết bị cho phòng lấy lời khai, phòng điều trần, phòng xét xử các vụ việc cạnh tranh: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị và Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29 tháng 3 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết việc sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp;

e) Chi tổ chức hội nghị, hội thảo, tổ chức phiên điều trần: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

2. Chi điều tra các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh, thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh

a) Chi mua tin: Căn cứ loại tin cần mua, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia quyết định mức chi, tối đa không quá 5.000.000 đồng/tin;

Việc thanh toán chi mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán chi phí mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cung cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp điều tra, xử lý vi phạm phải chịu trách nhiệm về sự chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc và hiệu quả;

b) Chi tham gia mạng lưới thành viên của các tổ chức trong nước và nước ngoài theo quy định của tổ chức mà Việt Nam là thành viên (nếu có);

c) Chi thuê chuyên gia tư vấn, chi tham vấn theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban cạnh tranh hoặc Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Bộ Lao động thương binh và Xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước. Chi thuê đơn vị tư vấn theo thực tế hợp đồng thỏa thuận, giá cả phù hợp với thị trường được Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phê duyệt theo quy định hiện hành;

d) Chi khảo sát thị trường, xác định thị trường liên quan: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc Điều tra thống kê, Tổng Điều tra thống kê quốc gia;

đ) Chi trưng cầu giám định: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng;

e) Chi mua vật chứng theo giá cả phù hợp với thị trường, do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phê duyệt theo quy định hiện hành;

g) Chi tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thực tế hợp đồng thỏa thuận, giá cả phù hợp với thị trường và do Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia phê duyệt theo quy định hiện hành;

h) Chi tống đạt các giấy tờ, hồ sơ, tài liệu phát sinh trong quá trình điều tra các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh, thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế, hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;

i) Chi tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phục vụ hoạt động điều tra các vụ việc vi phạm pháp luật cạnh tranh: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị và Thông tư 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 6 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức Nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí.

3. Chi tố tụng cạnh tranh cho các thành viên Ủy ban Cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 35/2016/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng đối với thành viên Hội đồng Cạnh tranh và người tiến hành, người tham gia tố tụng cạnh tranh.

4. Định mức chi đối với một số nội dung chi quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Điều 6. Lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán

Việc lập, phân bổ, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí chi thường xuyên trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; trong quá trình thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; trong quá trình điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thông tư này hướng dẫn cụ thể một số nội dung sau:

1. Lập dự toán

Hàng năm, căn cứ hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước của các cấp có thẩm quyền; căn cứ nội dung chi và mức chi quy định tại Điều 5 của Thông tư này, Bộ Công Thương xây dựng dự toán kinh phí thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh và tổng hợp chung trong dự toán của Bộ, gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

2. Phân bổ và giao dự toán

Căn cứ dự toán chi ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền giao, Bộ Công Thương phê duyệt phân bổ chi tiết theo nhiệm vụ, đơn vị chủ trì, gửi Bộ Tài chính kiểm tra theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước và quy định tại Thông tư này.

3. Chấp hành dự toán

a) Căn cứ vào dự toán chi ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút dự toán tại Kho bạc nhà nước nơi giao dịch;

b) Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm soát, thanh toán các khoản chi theo quy định tại Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về thủ tục hành chính lĩnh vực Kho bạc nhà nước, Thông tư số 62/2020/TT-BTC ngày 22 tháng 6 năm 2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước.

4. Quyết toán

a) Các đơn vị được giao dự toán kinh phí trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh có trách nhiệm thực hiện công tác khóa sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán;

b) Việc xét duyệt và thẩm định báo cáo quyết toán kinh phí trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày 25 tháng 12 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo và tổng hợp quyết toán năm.

Chương III.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Kiểm tra, giám sát, thông tin báo cáo

1. Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định tại Thông tư này.

2. Bộ Công Thương có trách nhiệm theo dõi, đánh giá định kỳ báo cáo Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh.

Điều 8. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13 tháng 9 năm 2021.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Chế độ chi bồi dưỡng đối với Thành viên Ủy ban Cạnh tranh và người tham gia tố tụng cạnh tranh quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này được thực hiện cho đến khi có quy định về tiền lương mới theo Nghị quyết 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

4. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời để Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 63/2021/TT-BTC quy định về lập, quản lý và sử dụng kinh phí chi thường xuyên trong quá trình thẩm định hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; trong quá trình thẩm định hồ sơ thông báo tập trung kinh tế; trong quá trình điều tra các vụ việc cạnh tranh và tố tụng cạnh tranh do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 63/2021/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/07/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: 17/08/2021
  • Số công báo: Từ số 715 đến số 716
  • Ngày hiệu lực: 13/09/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản