Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 63/2012/TT-BCA

Hà Nội, ngày 29 tháng 10 năm 2012

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC ĐỀ XUẤT KÝ KẾT, GIA NHẬP VÀ THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ; ĐỀ XUẤT KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC TẾ TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005; Căn cứ Pháp Lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 77/2009/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định về việc đề xuất ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; đề xuất ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về việc đề xuất ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; đề xuất sửa đổi, bổ sung, gia hạn, bảo lưu, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế; đề xuất ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế; đề xuất sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổng cục, đơn vị trực thuộc Bộ, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (sau đây gọi chung là Công an các đơn vị, địa phương) và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Điều ước quốc tế trong Công an nhân dân là những thỏa thuận bằng văn bản về hợp tác quốc tế được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Bộ Công an chủ trì đề xuất ký kết, gia nhập hoặc do các bộ, ngành khác chủ trì đề xuất ký kết, gia nhập có nội dung liên quan đến công tác Công an.

2. Thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Công an nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là cam kết bằng văn bản về hợp tác quốc tế do Bộ trưởng Bộ Công an ký hoặc do người được Bộ trưởng Bộ Công an ủy quyền ký với một hoặc nhiều bên ký kết nước ngoài theo quy định tại Điều 2 Pháp Lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

3. Công tác điều ước quốc tế là tổng hợp những công việc có liên quan đến việc đề xuất ký kết, gia nhập và triển khai thực hiện điều ước quốc tế, đề xuất sửa đổi, bổ sung, gia hạn, bảo lưu, chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện điều ước quốc tế trong Công an nhân dân.

4. Công tác thỏa thuận quốc tế là tổng hợp những công việc có liên quan đến việc đề xuất đàm phán, ký và triển khai thực hiện thỏa thuận quốc tế, sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế của Bộ Công an.

Điều 4. Nguyên tắc đề xuất ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; đề xuất ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân

1. Bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005; Điều 4 Pháp Lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007 và quy định của Bộ Công an.

2. Tạo cơ sở pháp lý hợp tác quốc tế bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; ưu tiên hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có quan hệ truyền thống và các nước có nhiều người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập, làm việc; phục vụ chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

3. Bảo đảm trình tự, thủ tục và thẩm quyền đề xuất ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005; đề xuất ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế theo quy định của Pháp Lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Chương II

ĐỀ XUẤT KÝ KẾT, GIA NHẬP ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ; ĐỀ XUẤT KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

Mục 1. ĐỀ XUẤT KÝ KẾT, GIA NHẬP ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

Điều 5. Xây dựng kế hoạch ký kết, gia nhập điều ước quốc tế trong Công an nhân dân

Hàng năm và năm năm một lần, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, theo quy định của pháp luật và yêu cầu hợp tác quốc tế của đơn vị mình, các đơn vị trong Công an nhân dân đề xuất kế hoạch ký kết, gia nhập điều ước quốc tế gửi Vụ Pháp chế tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung của Bộ Công an, báo cáo Bộ trưởng duyệt, ký ban hành.

Điều 6. Đề xuất ký kết điều ước quốc tế trong Công an nhân dân

1. Trước khi đề xuất với Bộ trưởng về ký kết điều ước quốc tế, đơn vị đề xuất phải xây dựng dự thảo điều ước quốc tế hoặc nghiên cứu, đối chiếu, so sánh nội dung của điều ước quốc tế nhiều bên hoặc dự thảo điều ước quốc tế song phương do bên ký kết nước ngoài chuẩn bị với pháp luật Việt Nam có liên quan; xây dựng phương án đàm phán, chấp nhận, sửa đổi, bổ sung, lấy ý kiến bằng văn bản của Công an các đơn vị, địa phương có liên quan và ý kiến kiểm tra của Vụ Pháp chế theo quy định và soạn thảo văn bản trình Bộ trưởng hoặc người được ủy quyền để trình Chính phủ hoặc cơ quan, người có thẩm quyền về việc ký kết điều ước quốc tế.

2. Sau khi được cơ quan, người có thẩm quyền đồng ý và ủy quyền đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo Bộ về thành phần đoàn đàm phán, địa điểm, thời gian, nội dung và kết quả đàm phán.

Điều 7. Đề xuất gia nhập điều ước quốc tế

Đơn vị đề xuất báo cáo lãnh đạo Bộ trình cơ quan, người có thẩm quyền về việc gia nhập điều ước quốc tế nhiều bên theo quy định tại Chương III Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 và quy định của điều ước quốc tế nhiều bên đó.

Điều 8. Đề xuất bảo lưu hoặc tuyên bố không áp dụng

Trong quá trình đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, đơn vị đề xuất căn cứ quy định của điều ước quốc tế và kết quả nghiên cứu, nêu kiến nghị bảo lưu nhằm loại trừ hoặc thay đổi hiệu lực pháp lý của một hoặc một số quy định trong điều ước quốc tế khi áp dụng hoặc tuyên bố không áp dụng một hoặc một số quy định của điều ước quốc tế đó đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, báo cáo lãnh đạo Bộ trình cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Mục 2. ĐỀ XUẤT KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

Điều 9. Xây dựng kế hoạch ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Công an

Hàng năm và năm năm một lần, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, theo quy định của pháp luật, yêu cầu hợp tác quốc tế, các đơn vị trong công an nhân dân đề xuất kế hoạch ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài gửi Vụ Hợp tác quốc tế để báo cáo lãnh đạo Bộ và trao đổi, thỏa thuận với đối tác nước ngoài, đồng thời gửi bản sao đến Vụ Pháp chế để tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung của Bộ Công an.

Điều 10. Trình tự, thủ tục đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Công an

1. Trước khi đề xuất đàm phán, báo cáo về ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Công an, đơn vị đề xuất có trách nhiệm xin ý kiến bằng văn bản của Công an các đơn vị, địa phương có liên quan và ý kiến của Bộ Ngoại giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 Pháp Lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007. Sau khi nhận được trả lời bằng văn bản của các đơn vị gửi xin ý kiến, đơn vị đề xuất tập hợp, xây dựng bản giải trình tiếp thu gửi Vụ Hợp tác quốc tế để kiểm tra, gửi Vụ Pháp chế để thẩm định trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ quy định tại Điều 12 của Thông tư này.

Trường hợp dự thảo thỏa thuận quốc tế đã được bên ký kết nước ngoài chuẩn bị thì đơn vị đề xuất có trách nhiệm chủ trì nghiên cứu và xây dựng phương án chấp nhận, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng dự thảo mới của Bộ Công an nếu cần thiết.

2. Sau khi được Bộ trưởng Bộ Công an đồng ý và ủy quyền đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán có trách nhiệm báo cáo lãnh đạo Bộ về thành phần đoàn đàm phán, địa điểm, thời gian, nội dung và kết quả đàm phán.

Trường hợp việc đàm phán được tiến hành qua đường ngoại giao, đơn vị đề xuất chủ trì phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế để thực hiện và báo cáo lãnh đạo Bộ về nội dung và kết quả đàm phán.

3. Căn cứ kết quả đàm phán thỏa thuận quốc tế, đơn vị đề xuất có trách nhiệm xây dựng báo cáo về việc ký thỏa thuận quốc tế. Trong nội dung của báo cáo đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế bao gồm các thông tin về họ tên, chức danh của người sẽ thay mặt Bộ Công an ký thỏa thuận quốc tế trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.

Mục 3. HỒ SƠ TRÌNH VỀ VIỆC ĐỀ XUẤT KÝ KẾT, GIA NHẬP ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ; ĐỀ XUẤT KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

Điều 11. Hồ sơ đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế

Hồ sơ báo cáo Bộ trưởng về việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế trong Công an nhân dân thực hiện theo quy định tại Điều 14 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 và ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng Bộ Công an, ý kiến kiểm tra của Vụ Pháp chế, ý kiến tham gia bằng văn bản của Công an các đơn vị, địa phương có liên quan.

Điều 12. Hồ sơ đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế

Hồ sơ trình Bộ trưởng về việc ký kết thỏa thuận quốc tế bao gồm:

1. Văn bản đề xuất về việc ký kết thỏa thuận quốc tế quy định tại Khoản 1 Điều 20 Pháp Lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

2. Văn bản dự thảo thỏa thuận quốc tế bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài; trong trường hợp thỏa thuận quốc tế chỉ được ký bằng tiếng nước ngoài thì phải có bản dịch bằng tiếng Việt kèm theo.

3. Ý kiến chỉ đạo của các Thứ trưởng Bộ Công an, ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế, ý kiến kiểm tra của Vụ Hợp tác quốc tế và ý kiến tham gia bằng văn bản của Công an các đơn vị, địa phương có liên quan.

4. Các tài liệu cần thiết khác.

Điều 13. Trách nhiệm của đơn vị đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế; đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế

1. Đơn vị đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế; đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ gửi đến Vụ Pháp chế để kiểm tra đối với điều ước quốc tế, thẩm định đối với thỏa thuận quốc tế trước khi gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Ngoại giao kiểm tra theo quy định tại các điều 10, 17, 18, 19, 20, 21 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 hoặc trước khi xin ý kiến của Bộ Ngoại giao theo quy định tại Điều 14 Pháp Lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

2. Phối hợp với Vụ Pháp chế và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao đối với điều ước quốc tế hoặc ý kiến bằng văn bản của Bộ Ngoại giao đối với thỏa thuận quốc tế.

Mục 4. THẨM ĐỊNH, KIỂM TRA DỰ THẢO ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, THẨM ĐỊNH THỎA THUẬN QUỐC TẾ

Điều 14. Thẩm định, kiểm tra hồ sơ đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế

1. Trình tự, thủ tục đề nghị thẩm định, kiểm tra hồ sơ đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế thực hiện theo quy định của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.

2. Đơn vị thuộc Bộ Công an được giao chủ trì đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ về việc ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Ngoại giao kiểm tra theo quy định hiện hành.

3. Số lượng hồ sơ đề nghị thẩm định điều ước quốc tế là 05 (năm) bộ, đề nghị kiểm tra dự thảo điều ước quốc tế là 01 (một) bộ.

4. Trước khi báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Ngoại giao kiểm tra hồ sơ đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, đơn vị đề xuất có trách nhiệm chuyển 01 (một) bộ hồ sơ đến Vụ Pháp chế để kiểm tra theo quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư này.

Điều 15. Hồ sơ đề nghị kiểm tra dự thảo điều ước quốc tế, thẩm định, kiểm tra thỏa thuận quốc tế

1. Hồ sơ đề nghị kiểm tra dự thảo điều ước quốc tế, thẩm định, kiểm tra thỏa thuận quốc tế bao gồm:

a) Công văn yêu cầu thẩm định, kiểm tra;

b) Dự thảo Tờ trình;

c) Dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế sau khi đã tiếp thu ý kiến tham gia;

d) Tổng hợp ý kiến tham gia, bản sao các công văn tham gia ý kiến;

đ) Kế hoạch triển khai thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;

e) Các tài liệu khác có liên quan.

2. Số lượng hồ sơ đề nghị kiểm tra dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế là 01 (một) bộ, thẩm định thỏa thuận quốc tế là 05 (năm) bộ.

Điều 16. Nội dung kiểm tra hồ sơ ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, thẩm định, kiểm tra hồ sơ ký kết thỏa thuận quốc tế

1. Nội dung kiểm tra hồ sơ ký kết, gia nhập điều ước quốc tế:

a) Kiểm tra, đối chiếu với yêu cầu hợp tác quốc tế về pháp luật trong bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội thuộc chức năng của Bộ Công an;

b) Các văn bản, tài liệu cần có trong hồ sơ trình về ký kết, gia nhập điều ước quốc tế;

c) Đối chiếu bản dịch tiếng Việt với ngôn ngữ chính thức hoặc ngôn ngữ thứ ba của điều ước quốc tế.

2. Nội dung thẩm định, kiểm tra hồ sơ ký kết thỏa thuận quốc tế:

a) Nội dung thẩm định hồ sơ ký kết thỏa thuận quốc tế bao gồm những vấn đề chủ yếu sau đây:

- Sự cần thiết ký kết thỏa thuận quốc tế;

- Căn cứ và cơ sở pháp lý;

- Tính hợp hiến, hợp pháp, sự phù hợp của dự thảo thỏa thuận quốc tế với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên và với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Công an;

- Việc tuân theo thủ tục và trình tự ký kết;

- Tính khả thi của thỏa thuận quốc tế;

- Đánh giá tác động về mặt chính trị, kinh tế, xã hội và các tác động khác.

b) Nội dung kiểm tra dự thảo thỏa thuận quốc tế:

- Đối chiếu với yêu cầu hợp tác quốc tế của Bộ Công an;

- Kiểm tra bản tiếng Việt với ngôn ngữ của nước có đối tác ký kết thỏa thuận quốc tế với Bộ Công an.

Điều 17. Trách nhiệm của đơn vị đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, ký kết thỏa thuận quốc tế

1. Gửi đủ hồ sơ đề nghị kiểm tra, thẩm định; cung cấp thông tin, tài liệu, dữ liệu có liên quan đến dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo yêu cầu của đơn vị thẩm định, kiểm tra.

2. Thuyết trình về dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế khi có yêu cầu.

3. Nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo trên cơ sở ý kiến thẩm định, kiểm tra.

4. Giải trình bằng văn bản về ý kiến thẩm định, kiểm tra

Điều 18. Trách nhiệm kiểm tra, thẩm định của Vụ Pháp chế

1. Vụ Pháp chế có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế do Công an các đơn vị, địa phương chủ trì đề xuất; thẩm định thỏa thuận quốc tế nhân danh Bộ Công an. Trường hợp xét thấy văn bản dự thảo điều ước quốc tế chưa bảo đảm về nội dung, hình thức hoặc hồ sơ còn thiếu thì yêu cầu đơn vị đề xuất chỉnh lý, hoàn thiện văn bản hoặc bổ sung hồ sơ.

2. Ý kiến kiểm tra, thẩm định phải thể hiện bằng văn bản do lãnh đạo Vụ Pháp chế ký.

3. Thời gian kiểm tra, thẩm định không quá 15 (mười lăm) ngày đối với dự thảo điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ theo quy định.

Điều 19. Trách nhiệm kiểm tra của Vụ Hợp tác quốc tế

1. Căn cứ yêu cầu đối ngoại, hợp tác với đối tác nước ngoài, báo cáo, đề xuất Bộ trưởng về việc ký kết thỏa thuận quốc tế với bên ký kết nước ngoài.

2. Kiểm tra hồ sơ trình về việc ký kết thỏa thuận quốc tế của Bộ Công an theo quy định của Pháp Lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007 và quy định tại Thông tư này.

3. Chuẩn bị các thủ tục cần thiết phục vụ cho việc đàm phán, lễ ký chính thức, lễ trao đổi văn kiện phê duyệt, phê chuẩn điều ước quốc tế, lễ ký thỏa thuận quốc tế.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ, THỎA THUẬN QUỐC TẾ TRONG CÔNG AN NHÂN DÂN; ĐỀ XUẤT CHẤM DỨT HIỆU LỰC, TỪ BỎ, RÚT KHỎI, TẠM ĐÌNH CHỈ THỰC HIỆN TOÀN BỘ HOẶC MỘT PHẦN ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ; ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HOẶC GIA HẠN, CHẤM DỨT HIỆU LỰC HOẶC TẠM ĐÌNH CHỈ THỰC HIỆN THỎA THUẬN QUỐC TẾ

Điều 20. Cơ quan quản lý công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân

1. Vụ Pháp chế là cơ quan đầu mối của Bộ Công an về công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế.

2. Trách nhiệm của cơ quan đầu mối:

a) Phối hợp với các đơn vị chức năng xây dựng kế hoạch đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, kế hoạch ký kết thỏa thuận quốc tế của Bộ Công an trình Bộ trưởng xem xét, quyết định;

b) Giúp Bộ trưởng quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu về điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế;

c) Phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện điều ước quốc tế báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện điều ước quốc tế trong Công an nhân dân;

d) Phối hợp, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện điều ước quốc tế do Công an các đơn vị, địa phương chủ trì đề xuất ký kết, gia nhập; phối hợp, đôn đốc Công an các đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan đến công tác Công an do các bộ, ngành khác chủ trì đề xuất ký kết, gia nhập.

Điều 21. Tổ chức thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế

1. Công an các đơn vị, địa phương đã đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế, đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế có trách nhiệm chủ trì đề xuất kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế đó trong Công an nhân dân.

2. Công an các đơn vị, địa phương, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, đề xuất tổ chức triển khai thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan đến công tác Công an do các bộ, ngành khác chủ trì đề xuất ký kết, gia nhập.

3. Hàng năm, Công an các đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế qua Vụ Pháp chế để tổng hợp chung, trình lãnh đạo Bộ xem xét, quyết định.

Điều 22. Kiểm tra việc thực hiện công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế

Hàng năm, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương thực hiện kiểm tra, hướng dẫn, rà soát việc đề xuất ký kết, triển khai thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân; báo cáo lãnh đạo Bộ về xử lý đối với những vi phạm trong công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế.

Điều 23. Đề xuất chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế

1. Trong quá trình triển khai thực hiện điều ước quốc tế, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung, gia hạn điều ước quốc tế, đơn vị đề xuất ký kết điều ước quốc tế phối hợp với Vụ Pháp chế báo cáo lãnh đạo Bộ trình cơ quan, người có thẩm quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung một phần, toàn bộ hoặc gia hạn điều ước quốc tế.

2. Đơn vị đề xuất ký kết, gia nhập điều ước quốc tế báo cáo lãnh đạo Bộ để trình cơ quan, người có thẩm quyền về việc đề xuất chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần của điều ước quốc tế khi phát hiện thấy điều ước quốc tế đó vi phạm một trong các nguyên tắc quy định tại Điều 3 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005 hoặc khi bên ký kết nước ngoài đề nghị hoặc vi phạm nghiêm trọng những nội dung đã thỏa thuận.

3. Việc đề xuất chấm dứt hiệu lực, từ bỏ, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện toàn bộ hoặc một phần điều ước quốc tế thực hiện theo quy định tại các điều 85, 86, 87, 88, 89, 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005.

Điều 24. Đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn, chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế

1. Trong quá trình triển khai thực hiện thỏa thuận quốc tế, nếu thấy cần hoặc đối tác ký kết đề nghị sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế, đơn vị đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế phối hợp với Vụ Pháp chế báo cáo lãnh đạo Bộ quyết định việc sửa đổi, bổ sung hoặc gia hạn, chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế.

2. Đơn vị đề xuất ký kết thỏa thuận quốc tế báo cáo lãnh đạo Bộ về việc chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế khi phát hiện thấy thỏa thuận quốc tế đó vi phạm một trong các nguyên tắc quy định tại Điều 4 Pháp Lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007 hoặc khi bên ký kết nước ngoài đề nghị hoặc vi phạm nghiêm trọng những nội dung đã thỏa thuận.

3. Trình tự, thủ tục đề xuất sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực hoặc tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế thực hiện theo quy định tại các điều 26 và 27 Pháp Lệnh ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế năm 2007.

Điều 25. Kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân

1. Kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế do ngân sách nhà nước bảo đảm và được bố trí trong dự toán kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm Bộ giao cho Công an các đơn vị, địa phương.

2. Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Cục Tài chính chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế, các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế, công tác thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 26. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.

Điều 27. Trách nhiệm thi hành

1. Các Tổng cục trưởng, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Công an, Giám đốc các sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Vụ Pháp chế có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có khó khăn, vướng mắc nảy sinh, Công an các đơn vị, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cần phản ánh về Bộ Công an (qua Vụ Pháp chế) để có hướng dẫn kịp thời./.

BỘ TRƯỞNG




Thượng tướng Trần Đại Quang

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 63/2012/TT-BCA quy định về đề xuất ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế; đề xuất ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế trong Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành

  • Số hiệu: 63/2012/TT-BCA
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/10/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Trần Đại Quang
  • Ngày công báo: 28/11/2012
  • Số công báo: Từ số 671 đến số 672
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản