Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/2008/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 28 tháng 11 năm 2008 |
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập và Thông tư số 91/2006/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn về trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường trung cấp dân lập sang loại hình trường trung cấp tư thục như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
a) Văn bản này hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường trung cấp dân lập sang loại hình trường trung cấp tư thục (sau đây gọi chung là trường tư thục) về: tài sản, tiền vốn; quyền sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn; quyền lợi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; hồ sơ và thủ tục chuyển đổi;
b) Văn bản này áp dụng đối với các trường trung cấp dân lập (sau đây gọi chung là trường dân lập) thành lập trước ngày 01 tháng 01 năm 2006.
2. Yêu cầu của việc chuyển đổi
a) Đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương;
b) Đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của cán bộ, giáo viên và học sinh theo quy định của pháp luật hiện hành; đảm bảo sự hoạt động bình thường của nhà trường;
c) Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục.
II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN ĐỔI
1. Tài sản, tiền vốn
Trước khi chuyển đổi, trường dân lập phải tiến hành:
a) Kiểm kê, phân loại và định giá tài sản để xác định tổng giá trị tài sản, tiền vốn thực tế của trường quy về mặt bằng giá trị tại thời điểm chuyển đổi. Thực hiện việc đối chiếu sổ sách với thời điểm kiểm kê, làm rõ nguyên nhân chênh lệch (nếu có). Việc kiểm kê, phân loại và định giá tài sản của trường dân lập phải căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước và phải được thẩm định bởi một công ty kiểm toán độc lập có tư cách pháp nhân;
b) Phân loại tổng giá trị tài sản, tiền vốn thực tế theo nguồn gốc hình thành trên cơ sở kết quả kiểm kê, phân loại và định giá theo tiêu chí:
- Giá trị tài sản, tiền vốn được hình thành từ đóng góp (hoặc vay, mượn, thuê) của các tổ chức, cá nhân;
- Giá trị tài sản, tiền vốn được hình thành do được biếu, tặng;
- Giá trị tài sản, tiền vốn được hình thành do đầu tư, mua sắm trong quá trình hoạt động của trường (từ các nguồn: học phí, lệ phí; hoạt động liên kết hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử và các hoạt động lao động sản xuất, dịch vụ khác; lãi tiền gửi tại ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các nguồn thu hợp pháp khác).
2. Chuyển đổi giá trị tài sản, tiền vốn của trường trung cấp dân lập
a) Đối với phần giá trị tài sản, tiền vốn được xác định thuộc vốn đóng góp (hoặc vay, mượn, thuê) của các tổ chức, cá nhân vào trường dân lập sẽ được bảo toàn giá trị theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm chuyển đổi và kế thừa quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu khi chuyển sang loại hình trường tư thục;
b) Đối với phần giá trị tài sản, tiền vốn được hình thành do được biếu, tặng và mua sắm tích lũy trong quá trình hoạt động của trường dân lập được coi là tài sản không chia, thuộc sở hữu chung của trường, được xác định theo kết quả đánh giá lại tại thời điểm chuyển đổi để chuyển sang trường tư thục và giao cho Hội đồng quản trị trường tư thục sử dụng, quản lý theo nguyên tắc bảo tồn và phát triển.
3. Quyền sử dụng đất
Trường dân lập có trách nhiệm bàn giao toàn bộ diện tích đất đang sử dụng và giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất cho trường tư thục. Trường tư thục có trách nhiệm sử dụng đất đúng mục đích. Quá trình chuyển đổi phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng đất đai đối với các cơ sở giáo dục theo quy định của Luật đất đai và Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường.
4. Các thành viên góp vốn
a) Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế (sau đây gọi chung là tổ chức) đã đứng tên thành lập trường dân lập được quyền góp vốn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để trở thành thành viên góp vốn của trường tư thục. Tổ chức đứng tên thành lập trường dân lập không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường tư thục;
b) Các thành viên sáng lập và thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường dân lập chưa góp vốn được quyền góp vốn để trở thành thành viên góp vốn của trường tư thục, nếu không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường tư thục;
c) Các nhà đầu tư có vốn góp để xây dựng trường dân lập được quyền trở thành thành viên góp vốn của trường tư thục.
5. Quyền lợi cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh
a) Quyền lợi cán bộ, giáo viên, nhân viên
Sau khi có quyết định chuyển đổi, hiệu trưởng trường tư thục ký lại hợp đồng lao động với cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường dân lập đã ký trước khi chuyển đổi với các điều kiện được hai bên thỏa thuận theo hướng đảm bảo tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác không thấp hơn trước khi chuyển đổi;
b) Quyền lợi học sinh
- Khi có kế hoạch chuyển đổi, trường dân lập phải thông báo cho học sinh và cha mẹ học sinh biết để đảm bảo sự chủ động trong việc tổ chức học tập;
- Việc chuyển đổi không được gây gián đoạn cho quá trình học tập của học sinh;
- Từ thời điểm chuyển đổi, trường tư thục duy trì mức đóng học phí của học sinh như trường dân lập đã quy định cho đến kết thúc học kỳ. Trong học kỳ tiếp theo nhà trường quy định mức đóng học phí của học sinh trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí đào tạo và được xã hội chấp nhận;
- Trường tư thục thực hiện các chế độ cho học sinh thuộc diện chính sách theo quy định hiện hành của Nhà nước.
6. Hồ sơ chuyển đổi
Hồ sơ chuyển đổi bao gồm:
a) Tờ trình chuyển đổi trường dân lập sang trường tư thục do Chủ tịch Hội đồng quản trị trường dân lập ký;
b) Nghị quyết của Hội đồng quản trị trường dân lập về việc chuyển đổi trường dân lập sang trường tư thục;
c) Đề án chuyển đổi loại hình trường với những nội dung được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Mục này;
d) Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường tư thục;
đ) Biên bản của Đại hội các thành viên góp vốn về kết quả bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát của trường tư thục;
e) Danh sách thành viên Hội đồng quản trị trường tư thục đã được Đại hội các thành viên góp vốn bầu;
g) Sơ yếu lý lịch của các thành viên Hội đồng quản trị trường tư thục đã được Đại hội các thành viên góp vốn bầu;
h) Biên bản đề cử Chủ tịch Hội đồng quản trị và Hiệu trưởng trường tư thục do các thành viên Hội đồng quản trị trường tư thục đã được Đại hội các thành viên góp vốn bầu;
i) Báo cáo kiểm toán tài chính, kiểm kê tài sản và hồ sơ liên quan đến quyền sử dụng đất;
k) Danh sách cán bộ, giáo viên và nhân viên của trường dân lập chuyển đổi.
7. Thủ tục chuyển đổi
a) Hội đồng quản trị trường dân lập có trách nhiệm lập 6 bộ hồ sơ chuyển đổi và nộp về sở giáo dục và đào tạo;
b) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, sở giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra hồ sơ chuyển đổi, thẩm định đề án chuyển đổi và trình hồ sơ để Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) xem xét, quyết định cho phép chuyển đổi loại hình trường;
c) Căn cứ Quyết định cho phép chuyển đổi loại hình trường của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng quản trị trường tư thục tiến hành thực hiện việc chuyển đổi loại hình trường theo đề án được phê duyệt và báo cáo kết quả chuyển đổi về sở giáo dục và đào tạo;
d) Hàng năm sở giáo dục và đào tạo tổng hợp kết quả chuyển đổi loại hình trường trên phạm vi toàn tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện các quy định tại văn bản này và chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các trường tư thục thuộc tỉnh đã được chuyển đổi theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện đúng đề án đã được phê duyệt và các quy định hiện hành của Nhà nước.
Trong quá trình thực hiện việc chuyển đổi, nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cần phản ánh kịp thời về Bộ Giáo dục và Đào tạo để xem xét, giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Công văn 6187/BKHĐT-ĐTNN năm 2019 về điều kiện, thủ tục chuyển đổi trường phổ thông và trường cao đẳng 100% vốn Việt Nam thành trường 100% vốn nước ngoài thông qua hình thức mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
- 2Thông tư 46/2021/TT-BGDĐT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp
- 3Quyết định 259/QĐ-BGDĐT năm 2023 công bố danh mục các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực năm 2022
- 4Quyết định 466/QĐ-BGDĐT năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ 2019-2023
- 1Thông tư 46/2021/TT-BGDĐT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp
- 2Quyết định 259/QĐ-BGDĐT năm 2023 công bố danh mục các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực năm 2022
- 3Quyết định 466/QĐ-BGDĐT năm 2024 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo kỳ 2019-2023
- 1Nghị định 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập
- 2Nghị định 75/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục
- 3Thông tư 91/2006/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập do Bộ Tài chính ban hành
- 4Luật Đất đai 2003
- 5Nghị định 178/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 6Nghị định 32/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 7Nghị định 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường
- 8Công văn 6187/BKHĐT-ĐTNN năm 2019 về điều kiện, thủ tục chuyển đổi trường phổ thông và trường cao đẳng 100% vốn Việt Nam thành trường 100% vốn nước ngoài thông qua hình thức mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành
Thông tư 63/2008/TT-BGDĐT hướng dẫn trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường trung cấp dân lập sang loại hình trường trung cấp tư thục do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 63/2008/TT-BGDĐT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 28/11/2008
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Bành Tiến Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 640 đến số 641
- Ngày hiệu lực: 27/12/2008
- Ngày hết hiệu lực: 14/02/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra