Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 61/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 23 tháng 6 năm 2004

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 61/2004/TT-BTC NGÀY 23 THÁNG 6 NĂM 2004 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỂM CỦA THÔNG TƯ SỐ 86/1999/TT-BTC NGÀY 8/7/1999 CỦA BỘ TÀI CHÍNH VỀ HƯỚNG DẪN GIẢI NGÂN VÀ CƠ CHẾ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI VỐN TÍN DỤNG CỦA BA LAN CHO CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP ĐÓNG TẦU THỦY VIỆT NAM

Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 495/CP-QHQT ngày 13/4/2004 của Chính phủ về việc điều chỉnh cơ chế tài chính đối với vốn vay Ba Lan cho dự án Phòng thí nghiệm trọng điểm "Bể thử mô hình tàu thủy" thuộc Chương trình phát triển ngành công nghiệp đóng tàu thủy Việt Nam (sau đây gọi là Chương trình) của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN),
Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung một số điểm trong cơ chế tài chính áp dụng đối với vốn tín dụng của Ba Lan theo Hiệp định ký ngày 6/6/1998 giữa Chính phủ Ba Lan và Chính phủ Việt Nam về việc cung cấp tín dụng cho Chương trình qui định tại Thông tư số 86/1999/TT-BTC ngày 8/7/1999 của Bộ Tài chính như sau:

I. NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG

1. Thay tên "Tổng cục Đầu tư Phát triển" bằng "Quỹ Hỗ trợ Phát triển" trong toàn bộ Thông tư số 86/1999/TT-BTC.

2. Sửa đổi đề mục và đoạn đầu của điểm 2, phần II về cơ chế tài chính đối với nguồn tín dụng của Ba Lan:

"2. Cơ chế tài chính áp dụng đối với nguồn tín dụng 70 triệu USD của Chính phủ Ba Lan:

2.1. Chính phủ, thông qua Bộ Tài chính, thực hiện cấp phát cho VINASHIN (ghi thu, ghi chi Ngân sách Nhà nước vốn vay nước ngoài) trị giá tối đa 7,965 triệu USD từ nguồn tín dụng của Ba Lan để thực hiện Dự án "Bể thử mô hình tầu thuỷ". Ngân sách Nhà nước cân đối trả nợ đối với số vốn tín dụng nêu trên (bao gồm nợ gốc và lãi phát sinh kể từ ngày 1/1/2004) cho phía Ba Lan khi đến hạn.

Căn cứ để thực hiện cấp phát cho Dự án là chứng từ ghi thu ghi chi các khoản rút vốn vay nước ngoài qua Ngân sách Nhà nước. VINASHIN có trách nhiệm hạch toán tăng vốn sở hữu của Nhà nước tại đơn vị số tiền được cấp phát nói trên. Không thực hiện hồi tố đối với số lãi vay của Dự án mà VINASHIN đã trả tính đến ngày 31/12/2003; VINASHIN được phép hạch toán số lãi này vào chi phí đầu tư của Dự án.

Quỹ Hỗ trợ Phát triển có trách nhiệm phối hợp với VINASHIN kiểm tra, xác nhận số liệu rút vốn tín dụng của Ba Lan, số tiền đã nhận nợ và thu nợ (cho vay lại) của Dự án tính đến ngày 31/12/2003 báo cáo cho Bộ Tài chính để làm căn cứ thực hiện ghi thu ghi chi Ngân sách Nhà nước.

2.2. Chính phủ, thông qua Bộ Tài chính, cho VINASHIN vay lại 62,035 triệu USD từ nguồn tín dụng của Ba Lan để thực hiện Chương trình theo đúng các điều kiện vay của Ba Lan đã nêu tại điểm 1 phần II của Thông tư số 86/1999/TT-BTC ngày 8/7/1999 của Bộ Tài chính.

3. Sửa đổi điểm (*) cuối cùng, mục d./, điểm 4, phần II như sau:

"* Chấp nhận thanh toán của VINASHIN, trong đó xác định rõ các hạng mục thuộc diện Ngân sách Nhà nước cấp phát và/ hoặc cho vay lại từ Ngân sách Nhà nước".

4. Sửa lại mục f), điểm 4, phần II như sau:

Việc thanh toán từ nguồn vốn tín dụng (90% trị giá hợp đồng) được thực hiện sau 60 ngày kể từ ngày phát hành chứng từ Certificate of Receipt hoặc Bill of Lading/Airway Bill, kèm ghi chú "Thanh toán bằng nguồn vốn vay theo Hiệp định tín dụng 70 triệu USD ký ngày 6/6/1998" theo hình thức Nhờ thu kèm chứng từ giữa ngân hàng Ba Lan và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. VINASHIN gửi chấp nhận thanh toán đến Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam chậm nhất là 20 ngày trước thời hạn thanh toán (60 ngày nêu trên) để Ngân hàng làm thủ tục rút vốn đúng thời hạn qui định.

5. Sửa lại đoạn đầu của điểm 6, phần II như sau:

Ngay sau khi nhận được chấp nhận thanh toán của VINASHIN trong đó xác định rõ các hạng mục thuộc diện Ngân sách Nhà nước cấp phát và/ hoặc cho vay lại từ Ngân sách Nhà nước, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam có trách nhiệm gửi cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính Đối ngoại) và Quỹ Hỗ trợ Phát triển thông báo rút vốn theo nội dung sau: Số tiền của từng khoản thanh toán thuộc diện Ngân sách Nhà nước cấp phát và/hoặc cho vay lại từ Ngân sách Nhà nước, ngày rút vốn, số hợp đồng thương mại liên quan.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng trên Công báo. Căn cứ vào các điểm sửa đổi tại Thông tư này, Quỹ Hỗ trợ Phát triển và VINASHIN có trách nhiệm sửa đổi Hợp đồng tín dụng vốn nước ngoài của Chương trình cho phù hợp và phối hợp triển khai thực hiện.

2. Ngoài các điểm sửa đổi tại mục I trên đây, các qui định khác của Thông tư số 86/1999/TT-BTC ngày 8/7/1999 của Bộ Tài chính vẫn có hiệu lực thi hành.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan có liên quan phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết.

Lê Thị Băng Tâm

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 61/2004/TT-BTC sửa đổi Thông tư 86/1999/TT-BT hướng dẫn giải ngân và cơ chế tài chính đối với vốn tín dụng của Ba Lan cho Chương trình phát triển ngành công nghiệp đóng tàu thủy Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 61/2004/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/06/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lê Thị Băng Tâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/07/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản