Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 60/2009/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2009

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 12/2006/NĐ-CP NGÀY 23/01/2006 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT THƯƠNG MẠI VỀ HOẠT ĐỘNG MUA BÁN HÀNG HOÁ QUỐC TẾ VÀ CÁC ĐẠI LÝ, MUA, BÁN, GIA CÔNG VÀ QUÁ CẢNH HÀNG HOÁ VỚI NƯỚC NGOÀI TRONG LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ THỦY SẢN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
Căn cứ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu các loại hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nông nghiệp như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định trình tự, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản gồm:

a. Xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ từ rừng tự nhiên trong nước; củi, than làm từ gỗ hoặc củi có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước;

b. Xuất khẩu, nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;

c. Xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng;

d. Xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi;

đ. Xuất, nhập khẩu thuỷ sản sống, thủy sản làm giống;

e. Nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật và hoá chất dùng cho động vật và thủy sản;

g. Nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nguyên liệu thuốc BVTV và sinh vật sống trong lĩnh vực BVTV;

h. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi (TACN) và nguyên liệu TACN; thức ăn thủy sản (TATS) và nguyên liệu TATS;

i. Nhập khẩu phân bón và các chế phẩm phân bón;

k. Xuất khẩu, nhập khẩu nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật phục vụ nghiên cứu, trao đổi khoa học, kỹ thuật.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện các quy định về kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu

1. Hàng hoá nhập khẩu thuộc diện kiểm dịch động vật, thủy sản, sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản, trước khi thông quan, phải thực hiện quy định tại các quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Bộ Thủy sản (cũ) ban hành Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản, sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản; Danh mục động vật; Danh mục thủy sản, sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch và Quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm dịch thủy sản, sản phẩm động vật, sản phẩm thủy sản, kiểm tra vệ sinh thú y.

2. Hàng hóa nhập khẩu trong Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trước khi thông quan phải thực hiện quy định tại các quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc công bố Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của Việt Nam, Danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của Việt Nam, Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, ban hành quy định về các thủ tục kiểm tra vật thể và lập hồ sơ kiểm dịch thực vật.

3. Trường hợp cửa khẩu chưa có cơ quan kiểm dịch động, thực vật thì hàng hoá được thông quan theo cơ chế đăng ký trước, kiểm tra sau. Cơ quan kiểm dịch có thể kiểm dịch cùng lúc Cơ quan hải quan kiểm tra hàng hoá hoặc kiểm dịch sau khi hàng hoá đã hoàn thành thủ tục hải quan theo thời gian và địa điểm được xác định trong giấy đăng ký kiểm dịch.

4. Việc kiểm tra chất lượng thuốc BVTV và nguyên liệu thuốc BVTV thực hiện theo hình thức đăng ký trước và kiểm tra chất lượng sau khi thông quan.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; củi, than làm từ gỗ hoặc củi có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước.

1. Cấm xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ rừng tự nhiên trong nước (trừ những trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này), gồm:

a. Gỗ tròn các loại.

b. Gỗ xẻ các loại.

c. Sản phẩm làm từ gỗ thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IA (trừ gỗ là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước) quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; sản phẩm làm từ gỗ quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).

2. Xuất khẩu sản phẩm gỗ theo điều kiện hoặc theo giấy phép:

a. Sản phẩm làm từ gỗ thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của nhà nước và nhóm IIA quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm chỉ được phép xuất khẩu ở dạng sản phẩm đồ mộc hoàn chỉnh. Khi xuất khẩu, thương nhân chỉ cần kê khai với cơ quan Hải quan đầy đủ số lượng, chủng loại, không phải xuất trình nguồn gốc gỗ và không phải xin phép.

Sản phẩm đồ mộc hoàn chỉnh (bao gồm cả đồ gỗ mỹ nghệ, đồ gỗ cao cấp) là các sản phẩm gỗ được lắp ráp hoàn chỉnh theo công dụng của loại sản phẩm hoặc các chi tiết tháo rời của sản phẩm hoàn chỉnh, khi lắp ráp có thể sử dụng được ngay theo công dụng của sản phẩm đó; được sản xuất bằng phương pháp thủ công hoặc máy, hoặc thủ công kết hợp máy; được hoàn thiện bằng các công nghệ bào, đục, chạm, trổ, khắc, khảm, tiện, trang trí bề mặt (sơn mài, mạ kim loại màu, phủ sơn bề mặt).

b. Sản phẩm làm từ gỗ quy định tại Phụ lục II của Công ước CITES, khi xuất khẩu phải có giấy phép CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp.

3. Được xuất khẩu các loại củi, than có nguồn gốc hợp pháp từ gỗ rừng tự nhiên trong nước. Khi xuất khẩu thương nhân chỉ cần kê khai với cơ quan Hải quan đầy đủ số lượng, chủng loại, không cần phải xuất trình nguồn gốc.

Điều 4. Xuất khẩu, nhập khẩu động vật, thực vật (trừ gỗ và sản phẩm gỗ quy định tại Khoản 1 Điều 3) hoang dã nguy cấp, quý, hiếm

1. Cấm xuất khẩu vì mục đích thương mại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khai thác từ rừng tự nhiên (trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này):

a. Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm IB và IIB, thực vật rừng thuộc nhóm IA tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

b. Động vật, thực vật hoang dã quy định tại Phụ lục I của Công ước CITES;

2. Xuất khẩu động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm phải có giấy phép của Cơ quan quản lý CITES Việt Nam thuộc các trường hợp sau­­:

a. Xuất khẩu không vì mục đích thương mại:

Động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được quy định tại khoản 1 Điều này được xuất khẩu phục vụ ngoại giao, nghiên cứu khoa học, trao đổi giữa các vườn động vật, vườn thực vật, triển lãm, biểu diễn xiếc, trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES các nước.

b. Xuất khẩu vì mục đích thương mại:

- Động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm từ tự nhiên quy định tại Phục lục II của Công ước CITES.

- Thực vật rừng từ tự nhiên thuộc nhóm IIA, quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.

- Động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc nhóm I, nhóm II của Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ và động vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ lục I và II của Công ước CITES có nguồn gốc nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

3. Nhập khẩu động vật, thực vật hoang dã quy định tại các Phụ lục của Công ước CITES phải được Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp giấy phép.

Điều 5. Xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng

1. Xuất khẩu giống cây trồng:

a. Cấm xuất khẩu các loại giống cây trồng quý hiếm nằm trong Danh mục giống cây trồng quý hiếm cấm xuất khẩu tại các quyết định do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

b. Đối với các loại giống cây trồng khác không thuộc Danh mục giống cây trồng quý hiếm cấm xuất khẩu nêu trên, khi xuất khẩu, thương nhân chỉ phải làm thủ tục tại Cơ quan Hải quan.

2. Nhập khẩu giống cây trồng:

a. Đối với giống cây trồng có tên trong Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại các quyết định do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khi nhập khẩu, thương nhân chỉ phải làm thủ tục với cơ quan Hải quan, không cần xin phép.

b. Các loại giống cây trồng ngoài Danh mục trên, khi nhập khẩu để nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất thử hoặc các trường hợp đặc biệt khác phải được Cục Trồng trọt (đối với giống cây nông nghiệp) và Cục Lâm nghiệp (đối với giống cây lâm nghiệp) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép. Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm, sản xuất thử, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ công nhận giống mới, sau đó bổ sung vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh.

Sau khi có kết quả khảo nghiệm và được Cục Trồng trọt và Cục Lâm nghiệp có văn bản xác nhận là giống cây trồng đã khảo nghiệm và được phép sản xuất, kinh doanh, thương nhân được phép nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian chờ để bổ sung vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh, không cần xin phép.

Điều 6. Xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi

1. Xuất khẩu giống vật nuôi:

a. Cấm xuất khẩu các loại giống vật nuôi quý hiếm nằm trong Danh mục giống vật nuôi qúy hiếm cấm xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

b. Đối với các loại giống vật nuôi khác ngoài Danh mục giống vật nuôi quý hiếm cấm xuất khẩu, khi xuất khẩu, thương nhân chỉ phải làm thủ tục tại Cơ quan Hải quan và xuất trình giấy chứng nhận kiểm dịch động vật nếu nước nhập khẩu hoặc chủ hàng có yêu cầu.

2. Nhập khẩu giống vật nuôi:

a. Đối với giống vật nuôi có tên trong Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại các quyết định do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khi nhập khẩu, thương nhân chỉ phải làm thủ tục với cơ quan Hải quan, không cần xin phép.

b. Các loại giống vật nuôi ngoài Danh mục trên, khi nhập khẩu phải được Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép khảo nghiệm.

Sau khi có kết quả khảo nghiệm và được Cục Chăn nuôi có văn bản xác nhận là giống vật nuôi đã khảo nghiệm và được phép sản xuất, kinh doanh, thương nhân được phép nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian chờ để bổ sung vào Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh, không cần xin phép.

Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bổ sung vào Danh mục giống vật nuôi được được phép sản xuất, kinh doanh.

c. Nhập khẩu phôi, tinh dịch gia súc, môi trường pha chế tinh, trứng giống gia súc và trứng giống gia cầm phải có giấy phép của Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 7. Nhập khẩu thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y

1. Đối với các loại thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, hoá chất dùng trong thú y có tên trong Danh mục thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam tại các quyết định do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khi nhập khẩu thương nhân chỉ phải làm thủ tục tại cơ quan Hải quan, không cần xin phép. Riêng đối với các loại vắc xin và vi sinh vật phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Đối với nhập khẩu các loại thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y ngoài Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, khi nhập khẩu để khảo nghiệm phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Cục Thú y.

Sau khi có kết quả khảo nghiệm và được Cục Thú y có văn bản xác nhận là thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y đã khảo nghiệm có chất lượng phù hợp với các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương nhân được phép nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian chờ để bổ sung vào Danh mục thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam, không cần xin phép.

Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bổ sung vào Danh mục thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

3. Nhập khẩu thuốc và vắc xin thú y trong trường hợp có dịch bệnh khẩn cấp:

Khi có dịch bệnh khẩn cấp, việc nhập khẩu thuốc và vắc xin thú y chưa có trong Danh mục thuốc và vắc xin thú y được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định.

Điều 8. Nhập khẩu thuốc BVTV, nguyên liệu thuốc BVTV và sinh vật sống trong lĩnh vực BVTV

1. Đối với các loại thuốc BVTV và nguyên liệu thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam tại các quyết định do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khi nhập khẩu, thương nhân chỉ phải làm thủ tục tại cơ quan Hải quan, không cần xin phép.

2. Đối với các loại thuốc BVTV và nguyên liệu thuốc BVTV trong Danh mục thuốc BVTV hạn chế sử dụng tại Việt Nam tại các quyết định do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khi nhập khẩu phải có giấy phép của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Đối với các loại thuốc BVTV và nguyên liệu thuốc BVTV ngoài Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, khi nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Cục Bảo vệ thực vật cấp.

Sau khi có kết quả khảo nghiệm và được Cục Bảo vệ thực vật có văn bản xác nhận là thuốc BVTV và nguyên liệu thuốc BVTV đã khảo nghiệm có chất lượng phù hợp với các qui định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương nhân được phép nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian chờ để bổ sung vào Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, không cần xin phép.

4. Cấm nhập khẩu các loại thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam tại các quyết định do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Trong một số trường hợp có thể được phép nhập khẩu chất chuẩn thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng để phục vụ cho công tác kiểm tra dư lượng và thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu nhưng phải có giấy phép của Cục Bảo vệ thực vật cấp.

5. Đối với các loại sinh vật sống trong lĩnh vực Bảo vệ thực vật nhập khẩu lần đầu để thử nghiệm thực hiện theo Quyết định số 34/2007/QĐ-BNN ngày 23 tháng 4 năm 2007 về việc công bố danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, Quyết định số 48/2007/QĐ-BNN ngày 29 tháng 5 năm 2007 ban hành Quy định về thủ tục cấp giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với các vật thể phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

6. Thương nhân nhập khẩu thuốc thành phẩm, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật ngoài Danh mục được phép sử dụng để gia công, đóng gói tại Việt Nam nhằm mục đích tái xuất theo hợp đồng đã ký với nước ngoài phải có giấy phép nhập khẩu của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và phải chịu sự kiểm tra việc tái xuất đó của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 9. Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi

1. Các loại TACN, nguyên liệu sản xuất TACN có tên trong Danh mục TACN, nguyên liệu TACN được nhập khẩu vào Việt Nam tại các quyết định do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khi nhập khẩu, thương nhân chỉ phải làm thủ tục với cơ quan Hải quan, không cần xin phép.

2. Đối với các loại TACN, nguyên liệu TACN, ngoài Danh mục nêu tại khoản 1 Điều này, khi nhập khẩu để phân tích, khảo nghiệm phải có giấy phép của Cục Chăn nuôi. Sau khi có kết quả khảo nghiệm và được Cục Chăn nuôi có văn bản xác nhận là mặt hàng TACN, nguyên liệu TACN đã khảo nghiệm có chất lượng phù hợp với các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương nhân được phép nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian chờ để bổ sung vào Danh mục TACN, nguyên liệu TACN được nhập khẩu vào Việt Nam, không cần xin phép.

Căn cứ kết quả phân tích, khảo nghiệm, Cục Chăn nuôi sẽ trình Bộ quyết định bổ sung vào Danh mục TACN, nguyên liệu TACN được nhập khẩu vào Việt Nam.

3. Thương nhân nhập khẩu TACN, nguyên liệu TACN ngoài Danh mục TACN, nguyên liệu TACN được nhập khẩu vào Việt Nam để sản xuất, gia công, san bao đóng gói tại Việt Nam nhằm mục đích tái xuất theo hợp đồng đã đăng ký với nước ngoài phải có giấy phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Cục Chăn nuôi cấp và chịu sự kiểm tra việc tái xuất đó của các cơ quan có thẩm quyền.

Điều 10. Nhập khẩu phân bón

1. Đối với các loại phân bón có trong Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam tại các quyết định do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khi nhập khẩu, thương nhân chỉ phải làm thủ tục tại Cơ quan Hải quan.

2. Những loại phân bón ngoài các Danh mục nêu trên, khi nhập khẩu để nghiên cứu, khảo nghiệm hoặc các trường hợp đặc biệt khác phải được Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép. Sau khi có kết quả khảo nghiệm và được Cục Trồng trọt có văn bản xác nhận là mặt hàng phân bón đã khảo nghiệm có chất lượng phù hợp với các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương nhân được phép nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian chờ để bổ sung vào Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam, không cần xin phép.

Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ công nhận phân bón mới và bổ sung vào Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng tại Việt Nam.

Điều 11. Xuất khẩu, nhập khẩu nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật phục vụ nghiên cứu, trao đổi khoa học, kỹ thuật

Tất cả vật thể là nguồn gen cây trồng quý hiếm, vật nuôi, vi sinh vật, chế phẩm sinh học mới dùng trong nông nghiệp phục vụ cho mục đích nghiên cứu, thử nghiệm, trao đổi khoa học kỹ thuật, khi xuất khẩu, nhập khẩu phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép.

Điều 12. Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa chuyên ngành thủy sản

1. Xuất khẩu các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm:

a. Cấm xuất khẩu các loài thủy sản có tên trong Danh mục tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này (trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này).

b. Các loài thuỷ sản có tên trong Danh mục tại Phụ lục 1 chỉ được xuất khẩu trong một số trường hợp để thực hiện Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Khi xuất khẩu phải được Văn phòng CITES Việt Nam cấp giấy phép đối với loài thủy sản thuộc phụ lục của Công ước CITES hoặc Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cấp phép đối với các loài thủy sản không thuộc phụ lục của Công ước CITES.

c. Các loài thủy sản thuộc Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này chỉ được xuất khẩu khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại Phụ lục 2. Thương nhân trực tiếp làm thủ tục xuất khẩu với cơ quan Hải quan, không cần xin phép.

2. Nhập khẩu giống thủy sản:

- Đối với giống thủy sản có tên trong Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh tại các quyết định do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các quyết định của Bộ trưởng Bộ Thủy sản (cũ) ban hành, khi nhập khẩu, thương nhân chỉ phải làm thủ tục với cơ quan Hải quan, không cần xin phép.

- Các loại giống thủy sản ngoài Danh mục trên, chỉ được nhập khẩu để khảo nghiệm và phải được Cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy phép.

Sau khi có kết quả khảo nghiệm và được Cục Nuôi trồng thủy sản có văn bản xác nhận là giống thủy sản đã khảo nghiệm có chất lượng phù hợp với các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương nhân được phép nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian chờ để bổ sung vào Danh mục giống thủy sản được phép sản xuất, kinh doanh, không cần xin phép.

Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bổ sung vào Danh mục giống thủy sản được được phép sản xuất, kinh doanh.

3. Nhập khẩu thức ăn thủy sản:

Thức ăn thủy sản, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này, thương nhân trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu với Hải quan cửa khẩu, không cần xin phép.

4. Nhập khẩu thuốc thú y thủy sản vắc xin, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y thủy sản và hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản:

a. Đối với các loại thuốc thú y thủy sản chế phẩm sinh học, hoá chất dùng trong thú y thủy sản có tên trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam tại các quyết định do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, khi nhập khẩu thương nhân chỉ phải làm thủ tục tại cơ quan Hải quan, không cần xin phép.

Đối với các loại vắc xin và vi sinh vật khi nhập khẩu phải có ý kiến của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối với các loại hoá chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, nguyên liệu sản xuất thuốc thú y thủy sản trong Danh mục tại Phụ lục 4 kèm theo Thông tư này, nếu đáp ứng đủ các điều kiện nêu tại Phụ lục 4, thương nhân trực tiếp làm thủ tục nhập khẩu với Hải quan cửa khẩu, không cần phải xin phép.

b. Đối với các loại thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất dùng trong thú y thủy sản và hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản ngoài Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam, khi nhập khẩu phải có giấy phép của Cục Thú y.

c. Đối với thuốc thú y thủy sản chế phẩm sinh học, hoá chất dùng trong thú y thủy sản và hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản nhập khẩu để khảo nghiệm, sau khi có kết quả khảo nghiệm và được Cục Thú y có văn bản xác nhận là mặt hàng đã khảo nghiệm có chất lượng phù hợp với các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương nhân được phép nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian chờ để bổ sung vào Danh mục thuốc thú y thủy sản, nguyên liệu làm thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, hoá chất dùng trong thú y thủy sản và hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam, không cần xin phép.

Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bổ sung vào Danh mục thuốc thú y thủy sản, nguyên liệu làm thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, hoá chất dùng trong thú y thủy sản và hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam.

5. Nhập khẩu chế phẩm sinh học, vi sinh vật và enzyme dùng trong xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản:

a. Đối với chế phẩm sinh học, vi sinh vật và enzyme dùng trong xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản có tên trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Bộ Thủy sản (cũ) ban hành, khi nhập khẩu thương nhân trực tiếp làm thủ tục thông quan tại cơ quan Hải quan, không cần xin phép.

b. Đối với chế phẩm sinh học, vi sinh vật và enzyme dùng trong xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản có tên trong Phụ lục 4, Phụ lục 5 kẻm theo Thông tư này và Danh mục nhập khẩu có điều kiện do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Bộ Thủy sản (cũ) ban hành, khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các phụ lục này Thương nhân trực tiếp làm thủ tục thông quan tại cơ quan Hải quan, không cần xin phép.

c. Đối với chế phẩm sinh học, vi sinh vật và enzyme dùng trong xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản ngoài Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và Danh mục nhập khẩu có điều kiện tại Phụ lục 4 và Phụ lục 5 kèm theo Thông tư này, khi nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu của Cục Nuôi trồng thủy sản.

d. Đối với chế phẩm sinh học, vi sinh vật và enzyme dùng trong xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản nhập khẩu để khảo nghiệm, sau khi có kết quả khảo nghiệm và được Cục Nuôi trồng thủy sản có văn bản xác nhận là sản phẩm đã khảo nghiệm có chất lượng phù hợp với các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thương nhân được phép nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian chờ để bổ sung vào Danh mục chế phẩm sinh học, vi sinh vật và enzyme dùng trong xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam, không cần xin phép.

Căn cứ vào kết quả khảo nghiệm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ công nhận chế phẩm sinh học, vi sinh vật và enzyme dùng trong xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản mới và bổ sung vào Danh mục chế phẩm sinh học, vi sinh vật và enzyme dùng trong xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Tổ chức thực hiện

1. Cơ quan quản lý chuyên ngành được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ, cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu và giấy phép khảo nghiệm theo các địa chỉ sau:

a. Cục Lâm nghiệp (Số 2 Ngọc Hà- Quận Ba Đình-Hà Nội): Các trường hợp thuộc Điều 3 (trừ điểm b khoản 2) của Chương II.

b. Cục Kiểm lâm (Số 2 Ngọc Hà- Quận Ba Đình-Hà Nội): Các trường hợp thuộc điểm b khoản 2 Điều 3 và Điều 4 Chương II.

c. Cục Trồng trọt, (Số 2 Ngọc Hà- Quận Ba Đình-Hà Nội): Các trường hợp thuộc Điều 5, Điều 10 và Điều 11 Chương II.

d. Cục Chăn nuôi (Số 2 Ngọc Hà- Quận Ba Đình-Hà Nội): Các trường hợp thuộc Điều 6 và Điều 9 Chương II.

đ. Cục Thú y (Số 15 ngõ 78 đường Giải Phóng-Phường Phương Mai, Quận Đống Đa, Hà Nội): Các trường hợp thuộc Điều 7, điểm a, điểm b và điểm c của khoản 4 Điều 12 Chương II.

e. Cục Bảo vệ thực vật (149 Hồ Đắc Di-Quận Đống Đa-Hà Nội): Các trường hợp thuộc Điều 8 Chương II.

g. Cục Nuôi trồng thủy sản (số 10 Nguyễn Công Hoan -Ba Đình -Hà Nội): Các trường hợp thuộc khoản 2, điểm b và điểm c khoản 5 Điều 12 Chương II.

h. Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội): Các trường hợp thuộc điểm b khoản 1 Điều 12 Chương II.

2. Mẫu hồ sơ, thủ tục xin cấp phép nhập khẩu: Theo mẫu hồ sơ và thủ tục xin cấp phép nhập khẩu do các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

3. Thời hạn giải quyết hồ sơ: trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại (khoản 1 Điều 13) Mục 1 Chương này phải có văn bản trả lời.

4. Các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Khoản 1 Điều 13 Chương III có trách nhiệm hướng dẫn hồ sơ, thủ tục xin cấp phép xuất, nhập khẩu và phối hợp với Tổng cục Hải quan để áp mã số HS đối với hàng hóa chuyên ngành nông nghiệp, thủy sản được phân công tại Thông tư này.

5. Khi ban hành mới, sửa đổi hoặc bổ sung các Danh mục hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nông nghiệp được quy định tại Thông tư này, các Cục được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ quản lý chuyên ngành có trách nhiệm thông báo cho Hải quan và các cơ quan liên quan.

6. Thương nhân chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của nội dung khai báo khi xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các quy định hiện hành của nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Thông tư này thay thế các văn bản sau:

- Thông tư 32/2006/TT-BNN ngày 08/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

- Thông tư 101/2007/TT-BNN ngày 10/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư 32/2006/TT-BNN ngày 08/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài.

- Thông tư số 40/2008/TT-BNN ngày 03/3/2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Thông tư 101/2007/TT-BNN ngày 10 tháng 12 năm 2007 của Bộ NN&PTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 32/2006/TT-BNN ngày 08 tháng 5 năm 2006 của Bộ NN&PTNT “Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài”.

- Quyết định số 15/2006/QĐ-BTS ngày 08/9/2006 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản ban hành Quy chế quản lý nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa chuyên ngành thủy sản.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng;
- VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc CP;
- UBND, Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT; CB (VT, TMHùng)

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CÁC LOÀI THUỶ SẢN CẤM XUẤT KHẨU
(ban hành kèm theo Thông tư số 60 /2009/TT-BNNPTNT ngày 16./ 9 / 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TT

Tên tiếng Việt

Tên khoa học

1

Trai ngọc

Pinctada maxima

2

Cá Cháy

Macrura reevessii

3

Cá còm

Notopterus chitala

4

Cá Anh vũ

Semilabeo notabilis

5

Cá Hô

Catlocarpio siamensis

6

Cá Chìa vôi sông

Crinidens sarissophorus

7

Cá Cóc Tam Đảo

Paramesotriton deloustali

8

Cá Chình mun

Anguilla bicolor

9

Cá Tra dầu

Pangasianodon gigas

10

Cá ông sư

Neophocaena phocaenoides

11

Cá heo vây trắng

Lipotes vexillifer

12

Cá Heo

Delphinidae spp

13

Cá Voi

Balaenoptera spp

14

Cá Trà sóc

Probarbus jullieni

15

Cá Rồng

Scleropages formosus

16

Bò Biển/cá ông sư

Dugong dugon

17

Rùa biển

Cheloniidae spp

18

Cá sấu nước ngọt

Crocodylus siamensis

19

Cá sấu nước mặn

Crocodylus porosus

20

Bộ san hô cứng

Stolonifera

21

Bộ san hô xanh

Helioporacea

22

Bộ san hô đen

Antipatharia

23

Bộ san hô đá

Scleractinia

PHỤ LỤC 2:

DANH MỤC NHỮNG LOÀI THUỶ SẢN XUẤT KHẨU CÓ ĐIỀU KIỆN
(ban hành kèm theo Thông tư số 60 /2009/TT-BNNPTNT ngày 16./ 9 / 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TT

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Điều kiện

1

Tôm hùm:

a. Tôm hùm ma

Panulirus penicillatus

200 mm trở lên

b. Tôm hùm đá

P.homarus

175 mm trở lên

c. Tôm hùm đỏ

P.longipes

160 mm trở lên

d. Tôm hùm lông

p. stimpsoni

160 mm trở lên

e. Tôm hùm bông

p. ornatus

230 mm trở lên

g. Tôm hùm xanh

P. versicolor

167 mm trở lên

h. Tôm hùm xám

P.poliphagus

200 mm trở lên

2

Các loài Cá mú (song)

Epinephelus spp.

500 g/con trở lên

3

Cá Cam (cá cam sọc đen)

Seriola nigrofasciata

200 mm trở lên

4

Cá măng biển

Chanos chanos

500 g/con trở lên

5

Cá ngựa

Hyppocampus spp.

CITES (*)

6

Cá ba sa

Pangasius bocourti

Không còn sống

7

Cá tra

Pangasianodon hypophthalmus

Không còn sống

8

Cá Chình nhọn

Anguilla borneensis

được nuôi

9

Cá Chình Nhật

Anguilla japonica

được nuôi

10

Cá chình hoa

Anguilla marmorata

được nuôi

11

Ếch đồng

Rana rugulosa

được nuôi

12

Ếch sáu ngón Châu Á

Euphlyctis hexadactylus (Rana hexadactyla)

CITES (*)

13

Ếch Ấn Độ

Hoplobatrachus tigerinus (Ranna tigerina)

CITES (*)

14

Rùa sông

Dermatemydidae

CITES (*)

15

Rùa hộp

Cuora spp

CITES (*)

16

Vích

Chelonia mydas

CITES (*)

17

Cua biển

Scylla serrata

200g/con trở lên

Ghi chú:

(*) Các loài thuỷ sản nằm trong Phụ lục của công ước CITES khi xuất khẩu phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có nguồn gốc nuôi sinh sản từ thế hệ F1 tại các trại nuôi sinh sản.

- Trại nuôi sinh sản phải được cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam uỷ quyền chứng nhận.

- Xác nhận nguồn gốc nuôi (theo điều kiện của CITES) do Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện

PHỤ LỤC 3:

DANH MỤC THỨC ĂN, NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT THỨC ĂN CHO ĐỘNG VẬT DƯỚI NƯỚC VÀ LƯỠNG CƯ(BAO GỒM CẢ CÁ CẢNH) NHẬP KHẨU CÓ ĐIỀU KIỆN
(ban hành kèm theo Thông tư số 60 /2009/TT-BNNPTNT ngày 16 / 9 / 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Tất cả các mặt hàng nằm trong Danh mục này khi nhập khẩu phải đáp ứng đủ các Điều kiện sau:

- Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp giấy phép của cơ quan thẩm quyền nước sản xuất cho phép sản xuất, lưu hành (chỉ áp dụng đối với hàng hóa nêu tại mục B).

- Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp Phiếu báo kết quả phân tích chất lượng sản phẩm của lô hàng (nhập, xuất) do Phòng kiểm nghiệm độc lập (trong nước hoặc nước ngoài) xác nhận về chất lượng đáp ứng yêu cầu nêu trong tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đã công bố và không chứa các hóa chất, kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng cấm sử dụng.

TT

Tên hàng

Điều kiện bổ sung

1

Thức ăn công nghiệp (bao gồm cả Artemia, tảo khô các loại)

Đáp ứng Tiêu chuẩn Ngành(đến 31/12/2007), Qui chuẩn kỹ thuật (từ 1/1/2008) của Bộ Thuỷ sản (cũ)

2

Nguyên liệu đã qua chế biến dùng để sản xuất thức ăn dùng cho các loài động vật dưới nước và lưỡng cư

3

Chất bổ sung vào thức ăn

3.1

Các loại vitamin

Đáp ứng Tiêu chuẩn Ngành(đến 31/12/2007), Qui chuẩn kỹ thuật (từ 1/1/2008) của Bộ Thuỷ sản (cũ)

3.2

Các loại axít amin

3.3

Các loại khoáng chất

3.4

Chế phẩm sinh học (Danh mục các giống, loài vi sinh vật và enzyme kèm theo)

Đáp ứng Tiêu chuẩn Ngành(đến 31/12/2007), Qui chuẩn kỹ thuật (từ 1/1/2008) của Bộ Thuỷ sản (cũ)

PHỤ LỤC 4:

THUỐC, HOÁ CHẤT, CHẾ PHẨM SINH HỌC, NGUYÊN LIỆU SẢN XUẤT THUỐC VÀ HOÁ CHẤT DÙNG TRONG NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN NHẬP KHẨU CÓ ĐIỀU KIỆN
(ban hành kèm theo Thông tư số 60 ./2009/TT-BNNPTNT ngày 16 / 9 / 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Tất cả các mặt hàng nằm trong Danh mục này khi nhập khẩu phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp giấy phép của cơ quan thẩm quyền nước sản xuất cho phép sản xuất, lưu hành (chỉ áp dụng đối với hàng hóa nêu tại mục B).

- Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp Phiếu báo kết quả phân tích chất lượng sản phẩm của lô hàng (nhập, xuất) do Phòng kiểm nghiệm độc lập (trong nước hoặc nước ngoài) xác nhận về chất lượng đáp ứng yêu cầu nêu trong tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đã công bố và không chứa các hóa chất, kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng cấm sử dụng.

TT

Tên hàng

Điều kiện bổ sung

1

Hoá chất:

1.1

Zeolite:

SiO2 ≥ 70%

1.2

Dolomite:

CaMg(CO3)2 ≥ 80%

1.3

Bột đá vôi:

CaCO3 ≥ 90%

1.4

Calcium Hypochlorite:

Ca(OCl)2 ≥ 65%

1.5

BKC:

Benzalkonium Chloride hay alkyl dimethyl benzyl ammonium chloride ≥ 50%

1.6

Các hợp chất Iodine:

Nồng độ Iodine ≥ 10%

1.7

Protectol GDA:

Glutaraldehyde ≥ 50%

1.8

Trifluralin:

Trifluoro - 2,6- Dinitro - NN- Dipropyl-2 - Toluidine > 44 %

2

Chất diệt cá tạp: Cây bã trà (Tea seed meal)

Saponin ≥ 12%, chỉ dẫn đảm bảo an toàn cho người sử dụng

3

Nguyên liệu sản xuất thuốc thú y thuỷ sản

Có ngành nghề sản xuất thuốc thú y thuỷ sản hoặc có Hợp đồng bán cho nhà sản xuất có ngành nghề sản xuất thuốc thú y thuỷ sản

PHỤ LỤC 5:

DANH MỤC CÁC GIỐNG, LOÀI VI SINH VẬT VÀ ENZYME NHẬP KHẨU CÓ KIỆN
(ban hành kèm theo Thông tư số 60 ./2009/TT-BNNPTNT ngày 16 / 9 / 2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Tất cả các mặt hàng nằm trong Danh mục này khi nhập khẩu phải đáp ứng đủ các kiện sau:

- Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp giấy phép của cơ quan thẩm quyền nước sản xuất cho phép sản xuất, lưu hành (chỉ áp dụng đối với hàng hóa nêu tại mục B).

- Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp Phiếu báo kết quả phân tích chất lượng sản phẩm của lô hàng (nhập, xuất) do Phòng kiểm nghiệm độc lập (trong nước hoặc nước ngoài) xác nhận về chất lượng đáp ứng yêu cầu nêu trong tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm đã công bố và không chứa các hóa chất, kháng sinh, chất kích thích sinh trưởng cấm sử dụng.

TT

Tên các giống, loài vi sinh vật và Enzyme

01

02

03

04

05

06

07

08

09

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

50

51

Vi sinh vật

- Nitrosomonas sp

- Nitrobacter sp

- Bacillus laterrosporus

- Bacillus licheniformis

- Bacillus subtilis

- Bacillus thuringiensis

- Bacillus megaterium

- Bacillus criculans

- Bacillus polymyxa

- Bacillus amyloliquefaciens

- Bacillus mesentericus

- Bacillus pumilus

- Bacilus laevolacticus

- Bacillus stearothermophilus

- Bacillus cereus

- Bacillus azotoformans

- Bacillus aminovorans

- Bacillus coagulans

- Bacillus pantothenticus

- Lactobacillus lactis

- Lactobacillus acidophilus

- Lactobacillus bifidobacterium

- Lactobacillus helveticus

- Lactobacillus plantarum

- Lactobacillus sporogenes

- Pediococcus acidilactici

- Pediococcus pentosaceus

- Candida utilis

- Bacteroides ruminicola

- Bacteroides succinogenes

- Cellulomonas

- Enterobacter

- Clostridium butyricum

- Rhodopseudomonas

- Rhodococcus sp.

- Rhodobacter sp.

- Saccharomyces cerevisiae

- Pseudomonas putida

- Pseudomonas syringae

- Pseudomonas stuzeri

- Pseudomonas aeruginosa

- Aspergillus niger

- Aspergillus oryzae

- Streptococcus faecium

- Acetobacillus spp

- Alcaligenes sp.

- Pichia farinosa

- Dekkera bruxellensis

- Paracoccus denitrificans

- Thiobacillus versutus

01

02

03

04

05

06

07

08

09

10

11

12

13

14

Enzyme

- Protease

- Lipase

- Amylase

- Hemicellulase

- Pectinase

- Cellulase

- Alpha galactosidase

- Xylanase

- Isomerase

- Catalase

- Esterase

- Hydrolase

- Oxidoreductase

- Beta glucannase

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 60/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn Nghị định 12/2006/NĐ-CP thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 60/2009/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/09/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 457 đến số 458
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản