Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 6-LĐ/TBXH/TT

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 1987

THÔNG TƯ

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 6-LĐ/TBXH/TT NGÀY 20-8-1987 VỀ VIỆC CẤP PHÁT, SỬ DỤNG, THANH TOÁN TIỀN CHÂN TAY GIẢ VÀ DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH

Các chế độ cấp phát, sử dụng, thanh toán tiền chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình ban hành trước đây, nay đã có nhiều điểm không còn phù hợp với sự phát triển kỹ thuật chỉnh hình và chính sách kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước hiện hành.

Nay Bộ lao động - Thương binh và xã hội quy định lại như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Những người bị thương tật do chiến đấu, do bị tai nạn lao động, do tai nạn chiến tranh, tai nạn rủi do, người bị bệnh bị tật bẩm sinh nếu được các cơ sở phục hồi chức năng (Viện, trung tâm) chỉ định cần có chân tay giả dụng cụ chỉnh hình (nẹp, áo chỉnh hình, giầy, nạng, v.v...) thì sẽ được xét cấp các loại chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình. Tuỳ theo từng đối tượng để xét cấp không phải trả tiền, hoặc được giảm 1 phần tiền, hoặc không được giảm theo giá quy định của Nhà nước:

II. NGƯỜI ĐƯỢC CẤP CHÂN TAY GIẢ, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH KHÔNG PHẢI TRẢ TIỀN.

1. Thương binh, người đựơc hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh.

2. Dân quân tự vệ, học sinh đang học ở các trường đại học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, các trường dạy nghề của Nhà nước bị thương trong khi huấn luyện quân sự.

3. Thanh niên xung phong bị thương trong khi đang làm nhiệm vụ.

4. Cán bộ lão thành cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

5. Công nhân viên chức Nhà nước đang làm việc trong các cơ quan, xí nghiệp hay đã về hưu, nghỉ vì mất sức lao động.

6. Người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

7. Bố mẹ liệt sỹ và con liệt sỹ không phải là cán bộ công nhân viên chức Nhà nước.

8. Cán bộ chủ chốt xã, phường đang công tác được phụ cấp sinh hoạt phí hàng tháng.

9. Người bị tai nạn do chiến tranh được chính quyền địa phương xác nhận.

10. Trẻ em tàn tật không nơi nương tựa và người tàn tật không nơi nương tựa.

III. NHỮNG NGƯỜI PHẢI TRẢ TOÀN BỘ TIỀN CHÂN TAY GIẢ, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH HOẶC MIỄN GIẢM MỘT PHẦN

Những người tàn tật không nói trong mục II trên đây tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế mà phải trả hoàn toàn tiền chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình theo giá quy định của Nhà nước hay được giảm một phần theo hai mức 30%, 50%. Việc miễn giảm do Uỷ ban Nhân dân xã, phường xét và đề nghị với phòng thương binh và xã hội huyện duyệt (nếu phòng đã được Sở phân cấp về ngân sách).

IV. THỜI HẠN SỬ DỤNG CÁC LOẠI CHÂN TAY GIẢ, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH.

1. Chân giả. Thời hạn sử dụng tối thiểu chân giả cấp lần đầu là 3 năm, nếu cấp thêm chân lao động là 5 năm, chân lao động cấp kèm cho thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, đã về địa phương hoặc đang trực tiếp lao động ở các cơ sở sản xuất nông nghiệp cần có chân lao động. Các đối tượng khác yêu cầu cấp chân lao động thì thôi cấp chân sinh hoạt.

Trẻ em từ 13 đến 17 tuổi thời hạn sử dụng là 2 năm, từ 12 tuổi trở xuống là một năm.

2. Tay giả. Thời hạn sử dụng tối thiểu tay sinh hoạt, tay lao động cấp lần đầu là 3 năm, thời hạn tối thiểu sử dụng tay trang sức cấp lần đầu là 5 năm. Việc xét để cấp các loại tay nói trên sẽ căn cứ vào khả năng của các cơ sở phục hồi chức năng và theo cầu nghề nghiệp của họ.

Trẻ em từ 13 đến 17 tuổi, thời hạn sử dụng là 2 năm, từ 12 tuổi trở xuống là một năm.

3. Nẹp chỉnh hình. Thời hạn tối thiểu sử dụng nẹp chỉnh hình cấp lần đầu là 3 năm đối với người lớn. Đối với trẻ em từ 13 đến 17 tuổi là 2 năm, đối với trẻ em từ 12 tuổi trở xuống là một năm. Người lớn dùng nẹp có gắn chặt giầy thì sau 18 tháng sử dụng được thay giầy khác, nếu giầy lồng ngoài nẹp thì được cấp ngay lần đầu 2 đôi để dùng cho 3 năm, trẻ em chỉ cấp một đôi giầy gắn vào nẹp hoặc ngoài nẹp để dùng cùng thời hạn của nẹp.

4. Giầy hoặc dép chỉnh hình. Thời hạn tối thiểu sử dụng là 24 tháng đối với người lớn. Đối với trẻ em từ 13 đến 17 tuổi là 18 tháng, đối với trẻ em 12 tuổi trở xuống là 12 tháng.

5. Áo chỉnh hình. Thời hạn sử dụng tối thiểu là 2 năm đối với người lớn, đối với trẻ em là 1 năm.

6. Các loại dụng cụ chỉnh hình khác như khung cổ,, máng đỡ, băng da, yếm... không quy định thời hạn sử dụng. Các cơ sở phục hồi chức năng sẽ căn cứ vào tình trạng thương tật và bệnh tật và độ tuổi cụ thể để quy định thời hạn sử dụng cho phù hợp.

7. Sửa chữa chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình.

Việc sửa chữa thay thế khi chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình hư hỏng thì áp dụng như các điểm quy định ở mục II, III nói trên.

8. Các vật phẩm cấp kèm theo

Chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình. Ngoài chân giả, tay giả, dụng cụ chỉnh hình các đối tượng được cấp thêm một số vật phẩm quy định ở bản phụ lục kèm theo thông tư này.

9. Xét cấp lần thứ hai trở đi.

Khi xét cấp lần thứ hai trở đi phải kiểm tra thời gian cấp lần trước ở sổ cấp dụng cụ chỉnh hình và căn cứ vào thực trạng của chân giả, tay giả, dụng cụ chỉnh hình đang sử dụng để quyết định cần thay toàn bộ cái mới hoặc chỉ cần thay một số chi tiết mặc dù niên hạn sử dụng đã hết. Riêng đối với trẻ em thì cần được khám lại hàng năm 1 lần, nếu có chỉ định thay mới thì các cơ sở phục hồi chức năng có thể cho thay mà không phụ thuộc thời hạn sử dụng đã quy định ở trên. Nếu phải cấp mới thì thời hạn áp dụng như khi cấp lần đầu.

V. Các chế độ tiền ăn, tiền thuốc, tiền tàu xe

Các chế độ trả tiền ăn, tiền bồi dưỡng, tiền thuốc tại các cơ sở phục hồi chức năng và tiền tàu xe đi làm chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình thực hiện theo các quy định hiện hành của Nhà nước và theo sự hướng dẫn của Bộ lao động - Thương binh và xã hội.

VI. MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHÁC

1. Xây dựng kế hoạch lắp chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình hàng năm.

Hàng năm sở thương binh và xã hội căn cứ đề nghị của các phòng thương binh xã hội huyện, quận để lập kế hoạch lắp chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình với các trung tâm. Kế hoạch được phân theo từng huyện và gửi đến các trung tâm vào tháng 9 mỗi năm theo mẫu Bộ quy định. Tháng 11 hàng năm các trung tâm thông báo cho các sở kế hoạch tiếp nhận và cách thanh toán tiền làm chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình.

Đối với các khu điều dưỡng thương binh trực thuộc Bộ cũng áp dụng chế độ lập kế hoạch lắp chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình hàng năm như quy định trên.

2. Trả tiền chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình.

Trả tiền bao gồm tiền chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình và vật phẩm kèm theo, nếu đối tượng không nhận vật phẩm nào thì không phải trả tiền vật phẩm ấy.

Ngân sách Trung ương đài thọ tiền làm chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình cho các đối tượng nói trong điểm 1 đến điểm 7 trong mục II của thông tư này. Các đối tượng nói trong điểm 8, 9, 10 mục II của Thông tư này do ngân sách địa phương đài thọ. Ngoài ra ngân sách địa phương còn đài thọ cho các đối tượng nói trong mục III Thông tư này. Hàng năm các sở Thương binh và xã hội thanh toán với các trung tâm phục hồi chức năng số tiền giảm theo giấy giới thiệu của sở hoặc phòng thương binh và xã hội gửi đến, số tiền còn lại do đối tượng trực tiếp trả cho trung tâm.

3. Thủ tục giới thiệu đến làm chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình. Nếu đối tượng đi làm chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình là cán bộ, công nhân viên chức đang công tác là học sinh đang học tại các trường, quân nhân tại ngũ, thương binh ở các khu điều dưỡng thương binh... thì do thủ trưởng cơ quan, xí nghiệp, nhà trường, khu điều dưỡng v.v... và thủ trưởng cấp trung đoàn trở lên giới thiệu.

Phòng thương binh và xã hội cấp giấy giới thiệu cho:

- Các đối tượng cấp chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình không phải trả tiền mà hiện nay không làm việc ở cơ quan, xí nghiệp như thương binh, bệnh binh đã về địa phương, công nhân viên chức đã về nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động...

- Các đối tượng được giảm một phần, nếu phòng thương binh và xã hội được phân cấp về ngân sách, trường hợp chưa được phân cấp về ngân sách thì do Sở Thương binh và xã hội cấp giấy giới thiệu.

- Các đối tượng trả tiền hoàn toàn do Phòng Thương binh và xã hội hoặc bệnh viện nơi người đó điều trị cấp giấy giới thiệu.

Khi đi làm chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình, các đối tượng phải mang theo đủ các giấy tờ sau:

- Hai giấy giới thiệu trong đó ghi rõ được cấp chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình không phải trả tiền hoặc mức giảm nếu có hoặc phải trả tiền hoàn toàn. Nếu đối tượng mua hoàn toàn thì chỉ cần một giấy giới thiệu.

- Sổ cung cấp chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình (nếu đã được cấp sổ),

nếu chưa được cấp hoặc đã mất phải ghi rõ trong giấy giới thiệu.

Thông tư này thay thế các văn bản đã ban hành trước đây về chế độ cấp phát chân tay giả.

Nguyễn Văn Tạo

(Đã ký)

PHỤ LỤC

BẢN DANH MỤC
PHỤ TÙNG KÈM THEO CHÂN TAY GIẢ, DỤNG CỤ CHỈNH HÌNH.
(Kèm theo Thông tư số 6- LĐ/TBXH/TT ngày 20-8-1987)

1. Chân trên:

Nạng gỗ 1 đôi

Bọc mỏm cụt 9 chiếc (hoặc 5 m bằng bao 8-10)

Giầy vải 1 đôi

Bí tất 2 đôi

Dây đeo 2 chiếc

Da che gót 2 chiếc (nếu là loại có trục mắt cá 2 trục)

Da che khớp mắt cá 2 chiếc

2. Chân dưới:

Nạng gỗ 1 đôi

Bọc mỏm cụt 9 chiếc (hoặc 4 m băng bao)

Giầy vải 1 đôi

Bí tất 2 đôi

Dây đeo 2 chiếc (nếu chân đi dây đeo số 8)

Da che khớp mắt cá 2 chiếc (nếu là chân có trục mắt cá 2 trục)

Da che gót 2 chiếc (nếu là chân có trục mắt cá 2 trục).

3. Tay giả:

Bọc mỏm cụt 3 chiếc (hoặc 2 m băng bao 6)

Tất tay 1 đôi.

4. Nẹp chỉnh hình:

Nạng gỗ 1 đôi.

5. Chân tháo khớp hông: (cấp như chân trên, nhưng thay bọc mỏm cụt bằng 3 cái đệm xốp cho phù hợp với vết thương cụ thể).

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 6-LĐ/TBXH/TT-1987 về việc cấp, phát, sử dụng, thanh toán tiền chân tay giả và dụng cụ chỉnh hình (kèm theo Danh mục phụ tùng kèm theo chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình) do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 6-LĐ/TBXH/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/08/1987
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Hoàng Thế Thiện
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 15
  • Ngày hiệu lực: 04/09/1987
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản