Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 571-VH/TT

Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 1961

THÔNG TƯ

GIẢI THÍCH QUYẾT ĐỊNH SỐ 57C-VH/QĐ NGÀY 24-10-1961

Kính gửi:

- Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố
- Ông Cục trưởng Cục xuất bản
- Các ông Giám đốc các Sở Văn hóa, trưởng ty các Ty Văn hóa

Bộ Văn hóa đã ra Quyết định số 570 ngày 24 tháng 10 năm 1961 quy định thể lệ đăng ký và cho phép thành lập các nhà in. Để giúp các cơ quan có trách nhiệm thi hành quyết định được kết quả tốt, Bộ Văn hóa giải thích và hướng dẫn một số điểm cụ thể sau đây:

1. Nghị định số 884-VH/NĐ ngày 18-07-1957 của Bộ Văn hóa ban hành trong hoàn cảnh tư nhân kinh doanh ngành in chưa được cải tạo, đến nay không còn thích hợp nữa. Công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với tư nhân kinh doanh ngành in căn bản hoàn thành, tất cả các nhà in ở miền Bắc đã được bước đầu xếp sắp lại, và về cơ bản, đã do Nhà nước quản lý, lãnh đạo, thông qua hình thức quốc doanh và công tư hợp doanh. Mặt khác, trong mấy năm nay, đã có một số cơ quan tổ chức nhà in mới hoặc đang xin thành lập nhà in. Trong khi đó có thể vẫn còn một số máy in và dụng cụ về in không được sử dụng hoặc còn nằm rải rác ở trong cơ quan hay tư nhân đang được sử dụng không hợp lý.

Ngành in là một công cụ quan trọng của công tác tuyên truyền giáo dục cần được Nhà nước quản lý chặt chẽ.

Quyết định này của Bộ Văn hóa nhằm mục đích thống nhất việc quản lý ngành in, tạo điều khiển tận dụng khả năng in một cách hợp lý và tăng cường thiết bị, nâng cao dần trình độ kỹ thuật của cán bộ và công nhân các nhà in để nghiên cứu việc tổ chức lại và phát triển sự nghiệp in, nghiên cứu việc phân phối công việc, cung cấp giấy và các nguyên vật liệu khác. Việc thống nhất quản lý ngành in còn giúp cho cơ quan có trách nhiệm nắm vững được yêu cầu về in của các cơ quan, kiểm tra công việc in, đề phòng được những lợi dụng của người xấu hay kẻ phá hoại.

2. Cục xuất bản thuộc Bộ Văn hóa được ủy nhiệm quản lý chung ngành in trong phạm vi toàn quốc. Ở các địa phương, việc quản lý các nhà in sẽ do Sở hoặc Ty Văn hóa trực tiếp đảm nhiệm với sự hướng dẫn của Cục Xuất bản.

3. Tất cả các nhà in bằng máy, in đá, in bản kẽm, in gỗ, làm bản kẽm, nhà đúc chữ in, các máy in và dụng cụ in hiện bỏ không đều phải đăng ký… Các máy in ronéo của những người hay tổ hợp tác hiện nay chuyên in thuê, của tổ chức tôn giáo đều phải đăng ký.

4. Việc thành lập các nhà in mới, có trường hợp cần thiết, nhưng cần hạn chế để hợp lý hóa và tận dụng khả năng các nhà in hiện có để thống nhất việc trang bị cho các nhà in, đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật và phát triển ngành in một cách cân đối.

5. Sau khi nhận được giấy xin đăng ký đúng thể lệ, cơ quan đăng ký cấp giấy chứng nhận nhà in đã đăng ký. Khi có sự thay đổi lớn như quy định của điều 5 của quyết định, giấy chứng nhận cần được bổ sung hoặc thay đổi. Nhà in mới được thành lập cũng cần được cấp giấy phép thành lập.

6. Việc nộp lưu chiểu ấn phẩm có mục đích giúp cho Cục Xuất bản và các Sở, Ty Văn hóa nắm được khả năng và trình độ kỹ thuật in của từng nhà in, từng địa phương và của toàn miền Bắc để theo dõi, hướng dẫn về mặt nghiệp vụ và kỹ thuật, chuyên môn hóa dần dần một số nhà in, đồng thời để nghiên cứu phân phối các công việc theo yêu cầu của công tác và trình độ kỹ thuật của các nhà in. Mặt khác, lưu chiểu còn giúp phòng ngừa những sai sót về chính trị, những lợi dụng không tốt trong việc in tài liệu giấy tờ. Ở Hà Nội ngoài việc nộp lưu chiểu cho Sở Văn hóa tất cả các nhà in điều phải nộp lưu chiểu cho Cục Xuất bản.

7. Trường hợp nhà in hay cơ quan làm trái với những điều ghi trong quyết định, cơ quan đăng ký sẽ đề nghị với Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố xử lý theo điều 17 của quyết định.

Chủ trương đăng ký lại cho phép thành lập các nhà in là một việc rất cần thiết của công cuộc phát triển văn hóa, giáo dục. Nó là một biện pháp của Nhà nước để quản lý ngành in, một công cụ của vô sản chuyên chính.

Bộ văn hóa yêu cầu các địa phương, các cơ quan có trách nhiệm chấp hành đúng tinh thần quyết định này.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đức Quỳ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 571-VH/TT năm 1961 giải thích Quyết định 57C-VH/QĐ quy định thể lệ đăng ký và cho phép thành lập các nhà in do Bộ Văn Hoá ban hành.

  • Số hiệu: 571-VH/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/10/1961
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá
  • Người ký: Nguyễn Đức Quỳ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 45
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản