Hệ thống pháp luật

UỶ BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 562-VGNN/NS

Hà Nội, ngày 30 tháng 07 năm 1976

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 133-VGNN/NS NGÀY 27-07-1976 VỀ MỨC GIÁ MUA KHUYẾN KHÍCH CÁC SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP BÁN VƯỢT MỨC NGHĨA VỤ, VƯỢT KẾ HOẠCH HỢP ĐỒNG

Sau khi đã trao đổi thống nhất ý kiến tại Hội đồng Vật giá, Ủy ban Vật giá Nhà nước đã công bố Quyết định số 133-VGNN/NS về mức giá mua khuyến khích các sản phẩm nông nghiệp do hợp tác xã nông nghiệp và gia đình nông dân bán vượt mức nghĩa vụ, vượt kế hoạch hợp đồng, nhằm thi hành Nghị quyết số 210-CP ngày 09 -09- 1974 của Hội đồng Chính phủ.

Căn cứ vào tinh thần Nghị quyết số 210-CP của Hội đồng Chính phủ, để thực hiện đúng đắn Quyết định số 133-VGNN/NS, Ủy ban Vật giá Nhà nước nhất trí với các ngành ra thông tư này để hướng dẫn việc thi hành. Thông báo số 14 của Ban bí thư trung ương Đảng ngày 18-08-1974 về ý kiến của Bộ Chính trị về công tác giá trong thời gian trước mắt có khẳng định:

“Vấn đề cơ bản hiện nay là phải một mặt đấu tranh hạ giá thành và bảo đảm chất lượng sản phẩm bằng cách khắc phục khuyết điểm trong quản lý, sử dụng tiết kiệm nhất lao động sống và lao động quá khứ, một mặt đấu tranh để chấn chỉnh và mở rộng thị trường xã hội chủ nghĩa, từng bước thu hẹp thị trường tự do, kiên quyết chống hoạt động đầu cơ và làm ăn trái phép. Không thể lấy giá thị trường tự do làm căn cứ chính để tính giá chỉ đạo của Nhà nước, vì giá thị trường tự do biểu hiện tính tự phát trong việc trao đổi hàng hóa. Cũng không thể dùng giá để bù đắp chi phí sản xuất cao do làm ăn kém.”

Đối với sản phẩm cây công nghiệp, Bộ Chính trị cho ý kiến:

“ Giá sản phẩm cây công nghiệp cần được xem xét tương quan với giá lương thực và quan hệ giá cả ở các vùng mà điều chỉnh số giá sản phẩm cây công nghiệp chưa được hợp lý, nhằm khuyến khích thâm canh tăng năng suất, vừa đẩy mạnh khai hoang, xây dựng những vùng chuyên canh, vùng kinh tế mới, khuyến khích phát triển mạnh hàng xuất khẩu trên cơ sở bảo đảm tỷ giá hợplý giữa các loại sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích đặc biệt những mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, mở rộng chênh lệch giá theo phẩm chất, kết hợp với thực hiện chế độ thưởng thích đáng.

Trong hai năm qua Nhà nước đã điều chỉnh giá mua hầu hết các loại sản phẩm nông nghiệp, tăng từ 10% đến 100% (đay 10%, lạc vỏ 14,3%, hoa hồi 22,2%, sơn ta 31,5%, vừng 30%, kén tằm lưỡng hệ 33,3%, đỗ tương 51,5%, đỗ các loại 60,7%, gai 66%, quế đồi 75%, hạt dọc 100%...)

Những sản phẩm trồng trên những vùng đất sản xuất khó khăn (đất bạc màu, vùng mới khai hoang…) được hưởng mức giá cao hơn: đậu tương, vừng ở vùng mới khai hoang được quy hoạch trồng tập trung bán cho Nhà nước, sản xuất có nhiều khó khăn, năng suất ban đầu thấp thì được trợ giá trong vài ba năm đầu theo hai mức, một hào và ba hào.

Những sản phẩm xuất khẩu được khuyến khích hơn như vừng đen, kén, tằm, sơn ta, gai, quế, v. v. ..

Chênh lệch giá thời vụ được vận dụng nhằm khuyến khích tận dụng đất đai, tăng vụ, rải vụ, tăng sản lượng hàng hóa: đỗ tương xuân khuyến khích thêm 10% lạc vụ thu, thuốc là vụ thu, dứa trái vụ khuyến khích thêm 20%, chuối trái vụ cho xuất khẩu khuyến khích 23,3%, rau sớm thường được khuyến khích gấp hai ba lần.

Chênh lệch theo phẩm chất cũng được vận dụng mạnh hơn, nhằm khuyến khích sản xuất ra hàng hóa ngày càng có chất lượng cao: thuốc lá sấy vàng loại I so với loại VII chênh lệch từ 5,1 lần tăng lên 6,1 lần, loại II chênh lệch từ 4,5 lần đến 5,2 lần, loại III chênh lệch từ 3,8 lần lên 4,4 lần, loại IV chênh lệch từ 3,2 lần lên 3,5 lần.

Như vậy là Nhà nước đã xem xét tương quan với giá lương thực và quan hệ giá cả ở các vùng mà điều chỉnh giá chỉ đạo mua trong nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng để khuyến khích người sản xuất bán sản phẩm cho Nhà nước.

Để khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân thâm canh tăng năng suất, tiết kiệm tiêu dùng, bán vượt mức nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng cho Nhà nước, Nghị quyết 210-CP quy định:

“Nhằm khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân thâm canh, tăng năng suất, tiết kiệm tiêu dùng để có sản phẩm bán cho Nhà nước, đối với những sản phẩm nông nghiệp quan trọng cho công nghiệp, xuất khẩu và đời sống mà Nhà nước chủ trương thống nhất quản lý, không để hoặc thu hẹp thị trường tự do, thì cần quy định mức bán cho Nhà nước theo nghĩa vụ hoặc theo hợp đồng kinh tế, trên cơ sở đó áp dụng chính sách giá khuyến khích có tính chất tiền thưởng. Mức khuyến khích bằng từ mười đến năm mươi phần trăm (10% đến 50%) trên giá mua cơ bản hiện hành.

“Chính sách giá khuyến khích chỉ áp dụng đối với phần bán vượt mức những loại sản phẩm đã có quy định mức bán cho Nhà nước theo nghĩa vụ hay hợp đồng. Nghiêm cấm việc tự ý rút mức bán theo nghĩa vụ hay hợp đồng để tăng mức giá bán vượt nghĩa vụ, vượt hợp đồng. Trường hợp vi phạm, phải hoàn trả và có thể bị xử phạt”

Trong các văn bản trích dẫn trên đây, Đảng và Nhà nước đã quy định rõ việc thi hành giá trong và ngoài nghĩa vụ, điều chỉnh thích đáng giá trong nghĩa vụ và xác định đúng đắn mức giá cũng như trường hợp được hưởng giá khuyến khích.

Căn cứ vào tinh thần các Nghị quyết trên, Ủy ban Vật giá Nhà nước cụ thể hóa như sau để hướng dẫn các ngành, các địa phương thực hiện đúng đắn Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giá khuyến khích.

1. Về vấn đề mức nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng thu mua sản phẩm nông nghiệp cần xác định rõ mức nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng để làm cơ sở xác định đúng đắn mức bán khuyến khích nhằm làm cho người sản xuất hăng hái thực hiện nghĩa vụ kế hoạch, từ đó có điều kiện để hưởng giá khuyến khích. Hội đồng Chính phủ trong Nghị quyết số 210-CP đã giao cho các ngành nghiên cứu đề nghị Hội đồng Chính phủ Quyết định hình thức mua đối với từng loại sản phẩm nông nghiệp và ban hành nghĩa vụ của hợp tác xã và nông dân bán sản phẩm cho Nhà nước3

Trong chế độ ký kết hợp đồng kinh tế, Hội đồng Chính phủ đã quy định (Nghị định số 54-CP ngày 10-03-1975 – điều 17): “sau khi có chỉ tiêu chính thức của kế hoạch Nhà nước, từ chối ký kết hợp đồng kinh tế, ký thấp hơn chỉ tiêu pháp lệnh…đều bị coi là vi phạm chế độ hợp đồng kinh tế”.

Trong khi chờ đợi Hội đồng Chính phủ ban hành nghĩa vụ của hợp tác xã và nông dân bán sản phẩm cho Nhà nước, trước mắt cần xác định rõ mức ký kết hợp đồng (tức là mức kế hoạch hợp đồng nói trong Quyết định số 133-VGNN/NS) là mức đã căn cứ vào chỉ tiêu chính thức của kế hoạch Nhà nước giao cho tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao cho huyện. Ủy ban nhân dân huyện giao cho từng đơn vị sản xuất; tổng mức sản phẩm giao cho các đơn vị sản xuất của các huyện phải bảo đảm chỉ tiêu chính thức của kế hoạch Nhà nước giao cho tỉnh. Chỉ sau khi hoàn thành mức kế hoạch hợp đồng đó, và sau khi được Ủy ban nhân dân huyện xác nhận hợp tác xã và gia đình nông dân mới được hưởng giá khuyến khích đối với phần sản phẩm bán vượt mức kế hoạch hợp đồng. Nếu không có quy định mức nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng thì nhất thiết không được áp dụng giá khuyến khích vì không có căn cứ để xác định.

Tóm lại, căn cứ vào Nghị quyết của Chính phủ, các ngành, các địa phương cần áp dụng những điểm sau đây trong việc xác định mức nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng, làm căn cứ để thi hành giá khuyến khích:

a) Mức nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng phải căn cứ vào chỉ tiêu chính thức của kế hoạch Nhà nước giao cho địa phương; Ủy ban nhân dân địa phương căn cứ vào đó giao cho cấp dưới, hợp tác xã và gia đình nông dân khớp với tổng mức của trung ương. Các ngành thu mua, các bên phải ký hợp đồng đúng với chỉ tiêu kế hoạch được giao, nếu hợp tác xã và gia đình nông dân bán vượt mức đó thì được áp dụng giá khuyến khích. Trường hợp cần điều chỉnh kế hoạch thì phải báo cáo lên cấp trên có thẩm quyền xét và Quyết định, và chỉ sau khi được chấp nhận thì mới được coi là kế hoạch chính thức được điều chỉnh.

b) Trường hợp không ký kết hợp đồng hoặc ký hợp đồng không đúng với chỉ tiêu chính thức của kế hoạch Nhà nước thì đều không được giá khuyến khích.

c) Nhà nước nghiêm cấm việc tự ý rút mức bán nghĩa vụ hợp đồng để tăng mức bán vượt nghĩa vụ, vượt kế hoạch hợp đồng, một hình thức nâng giá mua trá hình và coi là việc làm vi phạm chế độ mà Hội đồng Chính phủ quy định cần phải xử lý thích đáng.

2. Về vấn đề giá khuyến khích bán ngoài nghĩa vụ, ngoài kế hoạch hợp đồng.

Trên cơ sở định rõ mức nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng, Nhà nước xác định mức giá khuyến khích theo tinh thần sau:

a) “Giá khuyến khích đối với lương thực nông sản, thực phẩm bán vượt mức nghĩa vụ, vượt mức hợp đồng có tính chất tiền thưởng phải được xác định hợp lý, không lấy giá thị trường tự do làm căn cứ để định giá mua khuyến khích” (Nghị quyết số 210-CP).

b) “ Từ nay Thường vụ Hội đồng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo giá mua trong nghĩa vụ, ngoài nghĩa vụ, vượt mức hợp đồng. Các ngành các địa phương không được tự tiện Quyết định giá những mặt hàng do Nhà nước quản lý giá” (Nghị quyết số 210-CP)

Hội đồng Chính phủ còn quy định cụ thể “mức khuyến khích bằng từ mười đến năm mươi phần trăm (10% đến 50%) trên giá mua cơ bản hoàn thành” (Nghị quyết số 210-CP) và giao cho “Ủy ban Vật giá Nhà nước cùng với Bộ Tài chính, Ủy ban Nông nghiệp trung ương và các ngành quản lý thu mua xem xét và quy định mức khuyến khích cụ thể cho từng loại sản phẩm” (Nghị quyết số 210-CP).

Như vậy, những quy định trước đây của các ngành, các địa phương về giá khuyến khích đều xóa bỏ và thi hành theo Quyết định số 133-VGNN/NS của Ủy ban Vật giá Nhà nước cùng các ngành có trách nhiệm xem xét giải quyết. Những công bố sau này của các ngành, các địa phương không theo đúng những thể thức quy định cuả Nhà nước trong Nghị quyết số 210-CP như đã nêu trên đây, đều không có hiệu lực thi hành.

c) Về thể thức áp dụng:

Sau khi đã ký kết hợp đồng theo đúng chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và đã bán đủ mức nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng và sau khi được Ủy ban nhân dân huyện xác nhận, thì hợp tác xã và gia đình nông dân mới được hưởng giá khuyến khích đối với phần bán vượt mức.

Trong vụ thu mua khi xác nhận cơ sở hoàn thành nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng, cũng như hết vụ thu mua, Ủy ban nhân dân huyện cần báo cáo đầy đủ tình hình thu mua, giá cả, mức mua trong nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng, mức vượt nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng về Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ủy ban vật giá, Ty tài chính, các cơ quan thu mua của tỉnh.

Sau vụ thu mua, các Ủy ban Vật giá tỉnh cùng các cơ quan tài chính, thương nghiệp…căn cứ vào mức nghĩa vụ, mức kế hoạch hợp đồng mà Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao cho các huyện; Ủy ban nhân dân huyện đã giao cho các hợp tác xã để kiểm tra việc thực hiện giá mua trong nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng và giá mua khuyến khích, và báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban Vật giá Nhà nước…cơ quan cấp tỉnh tổng hợp tình hình và báo cáo các ngành của trung ương; đặc biệt cơ quan thu mua cấp tỉnh cần cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu cho Ủy ban Vật giá Nhà nước, Bộ tài chính và các Bộ thuộc ngành mình về việc thực hiện chính sách giá khuyến khích, có nhận xét và có kiến nghị những điều cần thiết.

Trong vụ thu mua năm 1976, các địa phương cần tạo điều kiện để có thể xét áp dụng ngay giá khuyến khích để động viên việc thực hiện nghĩa vụ, hợp đồng và vượt mức đó.

3. Về giá điều động nông sản của cơ quan thu mua cho cơ quan quản lý sản xuất và lưu thông.

Căn cứ vào ý kiến thống nhất của Hội đồng vật giá Nhà nước trong phiên họp ngày 14-11-1975, việc điều động các loại nông sản cho các ngành sản xuất, lưu thông của trung ương và địa phương, ngành ngoại thương xuất khẩu, đều theo mức giá mua cơ bản hiện hành của Nhà nước, không tính theo giá khuyến khích hoặc giá bình quân giữa giá mua cơ bản và giá khuyến khích, không gây rối loạn cho hạch toán kinh tế.

Những sản phẩm mua theo giá khuyến khích, nếu là nông sản thực phẩm thì đưa vào kinh doanh ăn uống công cộng, nếu là sản phẩm khác thì đưa vào chế biến những sản phẩm các cấp có mức lãi cao, hoặc bán giá cao để đáp ứng nhu cầu, có tác dụng lãnh đạo giá cả thị trường , thu hồi tiền đã chi cho giá khuyến khích vào ngân sách. Đồng thời đối với những nhu cầu cơ bản kể cả về ăn uống công cộng Nhà nước vẫn dành một số lượng nhất định được quy định trong kế hoạch theo giá mua cơ bản để bảo đảm ổn định giá cả đối với đời sống, không được vì lẽ gì mà đẩy giá bán lẻ những mặt hàng thuộc nhu cầu cơ bản lên. Trường hợp các ngành quản lý sản xuất, lưu thông, xuất khẩu có nhu cầu mà phải điều động phần sản phẩm mua theo giá khuyến khích thì phải hạch toán riêng phần này, không được hạch toán giá bình quân trong và ngoài nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng, và phải có sự xác nhận của Ủy ban nhân dân tỉnh nếu điều động lên trung ương, hoặc có sự xác nhận của Ủy ban Vật giá tỉnh nếu điều động trong tỉnh.

Phí lưu thông cho các sản phẩm mua ngoài nghĩa vụ, ngoài kế hoạch hợp đồng không được tính trên giá khuyến khích, mà phải áp dụng mức phí lưu thông đã quy định cho các sản phẩm mua trong nghĩa vu, trong kế hoạch hợp đồng theo giá mua cơ bản hiện hành.

4. Về vấn đề quản lý và kiểm tra thực hiện.

Bộ Chính trị trung ương Đảng trong thông báo số 14-TB/TW có nêu: “Tăng cường quản lý và kiểm tra thực hiện giá, đề cao tính pháp lệnh của giá, nghiêm cấm việc các ngành, các địa phương tùy tiện định giá, thay đổi giá chỉ đạo của Nhà nước”.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp cần tăng cường tuyên truyền giáo dục việc chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và những quy định về giá cả của Đảng và Nhà nước, tăng cường kiểm tra và báo cáo đều đặn việc thực hiện các Nghị quyết về giá cả, lãnh đạo đầy đủ việc thu mua theo nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng cho Nhà nước và kiểm tra việc áp dụng đúng đắn giá mua khuyến khích.

Ủy ban vật giá tỉnh kết hợp chặt chẽ với các ngành tài chính, thương nghiệp…, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chính sách, chế độ về mức giá cụ thể của từng loại sản phẩm mua trong và ngoài nghĩa vụ, kế hoạch hợp đồng.

Trong quá trình thực hiện các Nghị quyết và Quyết định trên, nếu gặp khó khăn trở ngại thì các ngành, các cấp kịp thời phản ánh để Ủy ban Vật giá Nhà nước và các ngành có liên quan xem xét và giải quyết.

K.T. CHỦ NHIỆM

ỦY BAN VẬT GIÁ NHÀ NƯỚC

ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC

Vũ Tiến Liễu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 562-VgNN/NS-1976 hướng dẫn thi hành Quyết định 133-VgNN/NS-1976 về mức giá mua khuyến khích các sản phẩm nông nghiệp bán vượt mức nghĩa vụ, vượt kế hoạch hợp đồng do Ủy ban Vật giá Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 562-VgNN/NS
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/07/1976
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Vật giá Nhà nước
  • Người ký: Vũ Tiến Liễu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 2
  • Ngày hiệu lực: 14/08/1976
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản