Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 560-KCM/TT | Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 1996 |
Ngày 08 tháng 12 năm 1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/CP quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá. Trong khi các bộ quản lý chuyên ngành chuẩn bị các nội dung và biện pháp quản lý chất lượng đối với các hàng hoá đặc thù nêu tại Điều 4, căn cứ Điều 10 của Nghị định số 86/CP, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành Thông tư này hướng dẫn về việc phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác tiêu chuẩn hoá, đăng ký chất lượng, việc tổ chức thử nghiệm, khảo nghiệm đối với hàng hoá đặc thù, công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá kể cả hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Việc tổ chức kiểm tra và xử lý các vi phạm về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường được quy định riêng tại
1. Về các đối tượng hàng hoá thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Y tế
1.1. Dược phẩm và dược liệu:
Các quy định về dược phẩm và dược liệu làm thuốc chữa bệnh cho người được Bộ Y tế tổ chức xây dựng và công bố dưới hình thức Dược điển Việt Nam theo tập quán quốc tế.
Dược phẩm và dược liệu mới làm thuốc chữa bệnh cho người, trước khi đưa ra thị trường phải được khảo nghiệm, đánh giá lâm sàng, đăng ký sản xuất theo quy định của Bộ Y tế.
Việc nhập khẩu dược phẩm và dược liệu nói trên phải được phép và chịu sự kiểm tra theo quy định của Bộ Y tế.
1.2. Mỹ phẩm:
Bộ Y tế công bố danh mục mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người phải đăng ký chất lượng, tổ chức cấp đăng ký chất lượng cho các mỹ phẩm thuộc danh mục này; quy định các yêu cầu vệ sinh, an toàn, khảo nghiệm, thử nghiệm và chỉ định các cơ quan cấp đăng ký chất lượng đối với mỹ phẩm.
Hai Bộ Y tế - Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ định các cơ quan thực hiện việc kiểm tra chất lượng mỹ phẩm nhập khẩu.
1.3. Trang thiết bị và dụng cụ y tế:
Bộ Y tế đề xuất danh mục và mức chất lượng các trang thiết bị và dụng cụ y tế sản xuất trong nước phải đăng ký chất lượng để Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố thực hiện. Các Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là Chi cục TĐC) cấp đăng ký chất lượng cho các hàng hoá này.
Hai Bộ Y tế - Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ định các cơ quan thực hiện việc kiểm tra chất lượng đối với trang thiết bị và dụng cụ y tế nhập khẩu.
1.4. Vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại nước uống, rượu và thuốc lá:
Cơ quan y tế có thẩm quyền ở các tỉnh, thành phố kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu vệ sinh đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm, các loại nước uống, rượu và thuốc lá theo quy định của Bộ Y tế, Các Chi cục TĐC tỉnh, thành phố cấp đăng ký chất lượng thực phẩm chế biến công nghiệp trong nước sau khi cơ sở sản xuất có giấy chứng nhận nói trên.
Bộ Y tế đề xuất danh mục thực phẩm nhập khẩu phải qua kiểm tra vệ sinh an toàn, phương thức, nội dung và yêu cầu kiểm tra để Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố thực hiện.
Hai Bộ Y tế - Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ định các cơ quan thực hiện việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm nhập khẩu.
2. Về các đối tượng hàng hoá thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
2.1. Giống cây trồng, giống con:
Việc quản lý các loại giống cây trồng (trừ giống thực vật thuỷ sản) được thực hiện theo Nghị định số 07/CP ngày 05/02/1996 của Chính phủ.
Việc quản lý giống con (trừ giống động vật thuỷ sản) được thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2.2. Thuốc bảo vệ thực vật:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất danh mục thuốc bảo vệ thực vật phải đăng ký chất lượng để Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường công bố thực hiện. Các Chi cục TĐC tỉnh, thành phố cấp đăng ký chất lượng theo danh mục nói trên.
Việc thử nghiệm, kiểm tra chất lượng, dư lượng và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật trước khi đưa vào sản xuất thực hiện theo Quyết định số 150/NN - BVTV/QĐ ngày 10 tháng 3 năm 1995 của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc thẩm định sản xuất, gia công, xuất khẩu, nhập khẩu, bảo quản vận chuyển, sử dụng, ghi nhãn, bao gói, quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật được thực hiện theo Quyết định số 100/NN-BVTV/QĐ ngày 28 tháng 02 năm 1995 của Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tất cả các loại thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu đều phải qua kiểm tra Nhà nước về chất lượng. Hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ định các tổ chức thực hiện việc kiểm tra chất lượng thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu.
2.3. Thuốc thú y:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan quản lý chất lượng thuốc thú y từ đăng ký sản xuất, xuất nhập khẩu cho đến lưu thông trên thị trường theo Pháp lệnh Thú y ngày 15/02/1993 và Nghị định số 93/CP ngày 27/11/1993 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Thú y.
2.4. Phân bón:
Các loại phân bón sản xuất công nghiệp phải đăng ký chất lượng tại các Chi cục TĐC tỉnh, thành phố.
Các loại phân bón sản xuất trong nước phải qua khảo nghiệm trước khi đăng ký chất lượng, sản xuất hàng loạt và đưa vào sử dụng thực hiện theo Quyết định số 32/NN/QLCN/QĐ ngày 17 tháng 11 năm 1995 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Các loại phân bón mới, các chế phẩm vi sinh trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải khảo nghiệm như đối với phân bón sản xuất trong nước. Chỉ những loại phân bón mới đã có văn bản xác nhận qua khảo nghiệm và có quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mới được phép nhập vào Việt Nam. Hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ định các cơ quan thực hiện việc kiểm tra chất lượng đối với phân bón nhập khẩu.
2.5. Thức ăn cho chăn nuôi:
Các Chi cục TĐC các tỉnh, thành phố chỉ cấp đăng ký chất lượng cho thức ăn chăn nuôi theo mức chất lượng và kết quả khảo nghiệm và quyết định cho phép sản xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Về các đối tượng hàng hoá thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thuỷ sản
3.1. Thuốc dùng cho thuỷ sản:
Bộ Thuỷ sản quy định danh mục các loại thuốc phải đăng ký chất lượng, phải khảo nghiệm, thử nghiệm và tổ chức việc kiểm tra chất lượng thuốc thú y thuỷ sản sản xuất trong nước và nhập khẩu.
3.2. Thuỷ sản sống và các loại giống thuỷ sản:
Việc quản lý thuỷ sản sống và các loại giống thuỷ sản về kiểm dịch và chất lượng (khảo nghiệm, tuyển chọn, công nhận và cấp đăng ký giống, quản lý nhập khẩu) do Bộ Thuỷ sản quy định.
3.3. Sản phẩm thuỷ sản:
Các sản phẩm thuỷ sản đã qua chế biến công nghiệp phải đăng ký chất lượng tại các Chi cục TĐC tỉnh, thành phố.
Danh mục và mức chất lượng thuỷ sản xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố theo đề xuất của Bộ Thuỷ Sản.
Hai Bộ Thuỷ sản và Khoa học Công nghệ và Môi trường chỉ định các tổ chức kiểm tra chất lượng thuỷ sản xuất nhập khẩu.
3.4. Phương tiện nghề cá :
Danh mục và mức chất lượng phương tiện nghề cá cần quản lý do Bộ Thuỷ sản quy định. Các Chi cục TĐC tỉnh, thành phố cấp đăng ký chất lượng cho các phương tiện nghề cá này.
Hai Bộ Thuỷ sản - Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ chỉ định các cơ quan thực hiện việc kiểm tra chất lượng đối với phương tiện nghề cá nhập khẩu.
4. Về các đối tượng hàng hoá thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Giao thông vận tải
4.1. Các phương tiện vận tải.
Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý chất lượng các phương tiện vận tải đường thuỷ thông qua hoạt động đăng kiểm và kiểm tra, cấp giấy phép lưu hành.
4.2. Các công trình hạ tầng giao thông.
Bộ Giao thông vận tải tổ chức quản lý chất lượng công trình hạ tầng giao thông phù hợp với Nghị định số 177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 về việc ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và các quy định khác của Chính phủ.
4.3. Các thiết bị nâng hàng từ 1 tấn trở lên, nồi hơi, bình chứa áp lực sử dụng trong giao thông vận tải:
Bộ Giao thông vân tải tổ chức quản lý chất lượng các thiết bị nói trên thông qua hoạt động kiểm định an toàn và cấp giấy phép sử dụng.
5. Về các đối tượng hàng hoá thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Xây dựng
Bộ Xây dựng tổ chức việc quản lý chất lượng các công trình xây dựng theo Nghị định số 177/CP ngày 20 tháng 10 năm 1994 về việc ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và Quyết định số 20/BXD-GD ngày 10 tháng 6 năm 1995 của Bộ Xây dựng ban hành Điều lệ quản lý chất lượng công trình xây dựng.
6. Về các đối tượng hàng hoá thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Văn hoá Thông tin
Công tác quản lý chất lượng hàng hoá đối với các ấn phẩm, nhạc cụ và các sản phẩm văn hoá khác là nhiệm vụ mới được giao, Bộ Văn hoá thông tin đã chính thức đề nghị từng bước xây dựng mục tiêu, kế hoạch và các biện pháp quản lý chất lượng trong thời gian tới.
7. Về đối tượng hàng hoá thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công nghiệp
Bộ Công nghiệp quy định danh mục vật liệu nổ công nghiệp phải khảo nghiệm thử nghiệm trước khi cho phép sản xuất, tổ chức việc khảo nghiệm, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp (quy định các yêu cầu về trình tự, thủ tục, nội dung khảo nghiệm, thử nghiệm và chỉ định cơ quan khảo nghiệm, thử nghiệm).
Hai Bộ Công nghiệp - Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ định tổ chức kiểm tra chất lượng vật liệu nổ công nghiệp nhập khẩu.
8. Về quản lý chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường
Bộ Thương mại chủ trì công tác đấu tranh chống hàng giả và hàng chất lượng kém lưu thông trên thị trường và các hành vi kinh doanh vi phạm các qui tắc về quản lý chất lượng; thông báo các trường hợp có liên quan đến các đối tượng hàng hoá đặc thù nói ở dưới đây cho các cơ quan thanh tra chuyên ngành của các bộ liên quan để phối hợp trong việc thanh tra, tổ chức thử nghiệm và quyết định xử lý các vi phạm theo các quy định pháp luật hiện hành.
Đối với các hàng hoá đặc thù nói ở Điều 4 - Nghị định số 86/CP, các cơ quan thanh tra chuyên ngành của các bộ trực tiếp chịu trách nhiệm tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường, cụ thể là:
- Đối với dược phẩm, dược liệu làm thuốc chữa bệnh cho người, mỹ phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người, an toàn và vệ sinh thực phẩm tươi sống, chế biến thủ công và công nghiệp, các loại nước uống, rượu, thuốc lá: thanh tra chuyên ngành Bộ Y tế.
- Đối với các loại giống cây, giống con (trừ thuỷ sản), phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, vệ sinh thú y (trừ thuỷ sản): thanh tra chuyên ngành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Đối với chất lượng và vệ sinh thú y của sản phẩm thuỷ sản: thanh tra chuyên ngành Bộ Thuỷ sản.
Trong thời gian tới, sau khi các Bộ Y tế, Nông nghiệp va Phát triển nông thôn và Thuỷ sản công bố danh mục cụ thể các hàng hoá cần quản lý và nội dung quản lý theo trách nhiệm được phân công, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ cùng với Bộ Thương mại và các bộ xem xét để phân công quản lý chất lượng hàng hoá trên thị trường đối với các đối tượng còn đang chồng chéo.
9. Trách nhiệm của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
9.1. Công tác Tiêu chuẩn hoá
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường uỷ quyền Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ra Quyết định thành lập các Ban Kỹ thuật sau khi tham khảo ý kiến các bộ và các cơ quan liên quan, hướng dẫn về tổ chức, hoạt động và tạo điều kiện cho các ban kỹ thuật trong việc biên soạn tiêu chuẩn.
Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng tổng hợp kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam theo yêu cầu quản lý chất lượng hàng hoá và kiến nghị đề xuất của các Bộ, ngành; quy định cụ thể về thủ tục lập và xét duyệt dự án xây dựng Tiêu chuẩn Việt Nam , trình Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ký ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam .
Các Bộ quản lý chuyên ngành quy định việc bắt buộc áp dụng Tiêu chuẩn Việt Nam cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của mình. Quyết định bắt buộc áp dụng TCVN được đồng gửi cho Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng có trách nhiệm tập hợp danh mục các TCVN bắt buộc áp dụng, thông báo cho các cơ quan đăng ký chất lượng, các cơ quan kiểm tra chất lượng và cung cấp cho các ngành, địa phương, các cơ quan và tổ chức có yêu cầu.
9.2. Đăng ký chất lượng hàng hoá.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tập hợp danh mục hàng hoá bắt buộc phải đăng ký chất lượng do các Bộ quản lý chuyên ngành đề xuất cùng với các hàng hoá do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường trực tiếp quản lý theo quy định ở Điều 6 của Nghị định số 86/CP và công bố chung vào tháng 9 hàng năm để thực hiện từ 01 tháng 01 năm sau.
Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng tập hợp danh mục hàng hoá bắt buộc phải đăng ký chất lượng do các bộ công bố, danh sách các cơ quan được chỉ định cấp đăng ký chất lượng và các tổ chức được chỉ định tiến hành khảo nghiệm, thử nghiệm lâm sàng để cung cấp cho các cơ quan có yêu cầu.
Trước mắt, trong khi các bộ quản lý chuyên ngành chuẩn bị đề xuất danh mục hàng hoá phải đăng ký chất lượng để thực hiện từ 01 tháng 01 năm 1997, từ nay đến 31 tháng 12 năm 1996 việc đăng ký chất lượng hàng hoá tiếp tục thực hiện theo danh mục hàng hoá bắt buộc đăng ký chất lượng ban hành kèm theo Quyết định số 119/QĐ ngày 24 tháng 02 năm 1992 của Uỷ ban Khoa học Nhà nước nay là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Qui định về đăng ký chất lượng hàng hoá ban hành theo Quyết định số 55/TĐC - QĐ ngày 02 tháng 3 năm 1994 của Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng.
Các Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng tỉnh, thành phố cấp đăng ký chất lượng cho hàng hoá thuộc danh mục do Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường công bố.
9.3. Kiểm tra chất lượng.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tập hợp danh mục hàng hoá, căn cứ kiểm tra và cơ quan kiểm tra đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, hàng hoá sản xuất trong nước phải qua kiểm tra Nhà nước về chất lượng do các bộ quản lý chuyên ngành đề xuất và công bố chung vào tháng 9 hàng năm để thực hiện từ 01 tháng 01 năm sau.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thông báo danh mục hàng hoá cho Tổng cục Hải quan và các bộ liên quan để phối hợp tổ chức quản lý chất lượng. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sản xuất hàng hoá trong nước căn cứ vào các quy định này để tổ chức hoạt động kinh doanh phù hợp với pháp luật. Các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải qua kiểm tra chất lượng chỉ được hải quan làm thủ tục thông quan khi có giấy xác nhận chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn quy định do cơ quan kiểm tra chất lượng được chỉ định cấp. Trường hợp hải quan cửa khẩu nghi ngờ và phát hiện chất lượng lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn quy định hoặc giấy chứng nhận đã cấp, thì thông báo cho Cơ quan quản lý chất lượng có thẩm quyền của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, bộ quản lý chuyên ngành liên quan và Tổng cục Hải quan để phối hợp xử lý.
Trước mắt, trong khi các bộ quản lý chuyên ngành chuẩn bị đề xuất danh mục hàng hoá phải kiểm tra chất lượng để thực hiện từ 01 tháng 01 năm 1997, từ nay đến 31 tháng 12 năm 1996 việc kiểm tra chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu tiếp tục thực hiện theo danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu phải kiểm tra Nhà nước về chất lượng ban hành kèm theo Quyết định số 514/QĐ ngày 27 tháng 9 năm 1993 của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Qui định việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất nhập khẩu ban hành theo Quyết định số 397/QĐ ngày 10 tháng 6 năm 1992 của Uỷ ban Khoa học Nhà nước, nay là Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
9.4. Quản lý hoạt động của các tổ chức giám định chất lượng hàng hoá.
Thể thức quản lý hoạt động của các tổ chức giám định chất lượng hàng hoá sẽ được quy định cụ thể trong Thông tư liên Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Thương mại.
9.5. Tổ chức và phối hợp quản lý chất lượng.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành xem xét kiện toàn các cơ quan quản lý, kiểm tra chất lượng hiện có; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành qui chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và phương thức hoạt động của các cơ quan này. Cơ chế phối hợp quản lý chất lượng giữa các cơ quan này sẽ được quy định chi tiết trong các thông tư liên bộ.
9.6. Cơ quan đầu mối:
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các hoạt động quản lý chất lượng ở các bộ, ngành và địa phương.
Các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh, thành phố giúp Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai các hoạt động quản lý chất lượng tại địa bàn và tổ chức phối hợp với các cơ quan liên quan đóng tại địa phương.
Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường chất lượng tổng hợp tình hình chất lượng hàng hoá và công tác quản lý chất lượng hàng hoá của các bộ quản lý chuyên ngành để bộ báo cáo Chính phủ theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày ký. Đối với các vấn đề mới, nảy sinh trong quá trình thực hiện Thông tư này, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ cùng các bộ xem xét giải quyết cụ thể.
Chu Tuấn Nhạ (Đã ký) |
- 1Quyết định 02/2002/QĐ-BKHCN loại bỏ mặt hàng dầu thô thực vật ra khỏi Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ ban hành
- 2Pháp lệnh Thú y năm 1993
- 3Nghị định 93-CP năm 1993 hướng dẫn Pháp lệnh Thú y
- 4Nghị định 177-CP năm 1994 ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng
- 5Nghị định 86-CP quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá
- 6Quyết định 397/QĐ năm 1992 về việc kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Ủy ban Khoa học Nhà nước ban hành
- 7Quyết định 119/QĐ năm 1992 về danh mục hàng hoá bắt buộc đăng ký chất lượng do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước ban hành
Thông tư 560-KCM/TT-1996 hướng dẫn thi hành Nghị định 86/CP-1995 quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hoá do Bộ Khoa học, công nghệ và môi trường ban hành
- Số hiệu: 560-KCM/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 21/03/1996
- Nơi ban hành: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
- Người ký: Chu Tuấn Nhạ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra