Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ
MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 56/2014/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2014

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN VỀ NĂNG LỰC CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN NƯỚC, TƯ VẤN LẬP QUY HOẠCH TÀI NGUYÊN NƯỚC, LẬP ĐỀ ÁN, BÁO CÁO TRONG HỒ SƠ ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP TÀI NGUYÊN NƯỚC

Căn cứ Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định điều kiện về năng lực của đơn vị thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước theo quy định tại Khoản 4 Điều 13; điều kiện về năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước theo quy định tại Điều 23 của Luật tài nguyên nước và quy định điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước; tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước và tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước; cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước).

2. Tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước có liên quan đến hoạt động lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.

3. Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước, thẩm định, cấp giấy phép tài nguyên nước.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Điều kiện về năng lực đối với tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước

1. Tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước phải có tư cách pháp nhân và có một trong các loại giấy tờ sau:

a) Quyết định thành lập tổ chức của cơ quan có thẩm quyền, trong đó có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước và các hoạt động khác về tài nguyên nước;

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế; giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh), trong đó, có ngành nghề kinh doanh liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, tư vấn kỹ thuật và các hoạt động khác về tài nguyên nước.

2. Có đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo đáp ứng điều kiện sau đây:

a) Đối với đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước: có cơ cấu chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng quy định tại Điều 4, người được giao phụ trách kỹ thuật đáp ứng quy định tại Điều 5 của Thông tư này;

b) Đối với lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước: có cơ cấu chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

3. Cá nhân thuộc đội ngũ cán bộ chuyên môn quy định tại Khoản 2 Điều này đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là công dân Việt Nam hoặc người nước ngoài có giấy phép lao động tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về lao động;

b) Có văn bằng đào tạo trình độ từ đại học trở lên, chuyên ngành đào tạo phù hợp với nhiệm vụ được giao. Các văn bằng này được các cơ sở đào tạo của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp theo quy định của pháp luật;

c) Có quyết định tuyển dụng hoặc có hợp đồng lao động với tổ chức theo quy định của pháp luật. Trường hợp, hợp đồng lao động là loại xác định thời hạn thì tại thời điểm lập hồ sơ chứng minh năng lực hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước, thời hạn hiệu lực của hợp đồng lao động phải còn ít nhất sáu (06) tháng;

d) Nắm vững tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tài nguyên nước.

4. Có máy móc, thiết bị chuyên dùng đáp ứng quy định tại Điều 8 của Thông tư này. Trường hợp máy móc, thiết bị, không thuộc sở hữu của tổ chức thì phải có hợp đồng thuê với tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật.

5. Trường hợp hạng mục công việc của đề án, dự án, báo cáo có yêu cầu điều kiện khi thực hiện thì tổ chức phải đáp ứng các điều kiện đó hoặc có hợp đồng liên doanh, liên kết hoặc hợp đồng thuê với tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện để thực hiện.

Điều 4. Quy định về đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức tham gia thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước

1. Đối với tổ chức thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước:

a) Cơ cấu chuyên môn: có ít nhất năm (05) cán bộ được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước), nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật), môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường), quản lý tài nguyên nước hoặc các chuyên ngành đào tạo khác có liên quan đến tài nguyên nước. Cơ cấu cán bộ chuyên môn phải phù hợp với nội dung cụ thể của từng đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước;

b) Kinh nghiệm công tác: có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã trực tiếp tham gia thực hiện ít nhất hai (02) đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước.

2. Đối với tổ chức thực hiện dự án lập quy hoạch tài nguyên nước:

a) Cơ cấu chuyên môn: có ít nhất bảy (07) cán bộ được đào tạo các chuyên ngành liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước), nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật), môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường), quản lý tài nguyên nước hoặc các chuyên ngành đào tạo khác có liên quan đến tài nguyên nước. Cơ cấu cán bộ chuyên môn phải phù hợp với nội dung cụ thể của từng dự án lập quy hoạch tài nguyên nước;

b) Kinh nghiệm công tác: có ít nhất bốn (04) năm kinh nghiệm liên quan đến hoạt động điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã trực tiếp tham gia thực hiện ít nhất ba (03) đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước.

Điều 5. Quy định về người phụ trách kỹ thuật của đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước

1. Đối với đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước:

a) Chuyên ngành đào tạo: được đào tạo một trong các chuyên ngành về thủy văn, hải văn, địa chất thủy văn, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước;

b) Kinh nghiệm công tác: có ít nhất năm (05) năm kinh nghiệm trong hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã tham gia thực hiện ít nhất ba (03) đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước;

c) Cùng một thời điểm, chỉ đảm nhận phụ trách kỹ thuật tối đa không quá ba (03) đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước.

2. Đối với dự án lập quy hoạch tài nguyên nước:

a) Chuyên ngành đào tạo: được đào tạo một trong các chuyên ngành về thủy văn, địa chất thủy văn, kỹ thuật môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước;

b) Kinh nghiệm công tác: có ít nhất bảy (07) năm kinh nghiệm trong hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước, lập quy hoạch tài nguyên nước hoặc đã tham gia thực hiện ít nhất năm (05) đề án, dự án điều tra cơ bản, lập quy hoạch tài nguyên nước;

c) Cùng một thời điểm, chỉ đảm nhận phụ trách kỹ thuật tối đa không quá hai (02) dự án lập quy hoạch tài nguyên nước.

Điều 6. Quy định về đội ngũ cán bộ chuyên môn của tổ chức lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước

1. Số lượng cán bộ chuyên môn:

a) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường: có ít nhất ba (03) cán bộ được đào tạo các chuyên ngành quy định tại Khoản 2 của Điều này;

b) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: có ít nhất hai (02) cán bộ được đào tạo các chuyên ngành phù hợp với quy định tại Khoản 2 của Điều này.

2. Chuyên ngành đào tạo:

a) Đối với đề án, báo cáo khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển: bao gồm các chuyên ngành đào tạo liên quan đến nước mặt, nước biển (thủy văn, hải văn, thủy văn công trình, thủy văn môi trường, kỹ thuật tài nguyên nước);

b) Đối với đề án, báo cáo thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất: bao gồm các chuyên ngành đào tạo liên quan đến nước dưới đất (địa chất, địa chất thủy văn, địa chất công trình, khoan thăm dò, địa vật lý, địa kỹ thuật);

c) Đối với đề án, báo cáo xả nước thải vào nguồn nước: bao gồm các chuyên ngành đào tạo liên quan đến môi trường (khoa học môi trường, công nghệ môi trường, kỹ thuật môi trường, quản lý môi trường).

3. Kinh nghiệm công tác:

a) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường: có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất ba (03) đề án, báo cáo. Trong đó, người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo phải có ít nhất năm (05) năm kinh nghiệm hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất năm (05) đề án, báo cáo;

b) Đối với đề án, báo cáo thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: có ít nhất hai (02) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước, môi trường hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất một (01) đề án, báo cáo. Trong đó, người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo phải có ít nhất ba (03) năm kinh nghiệm hoặc đã trực tiếp tham gia lập ít nhất ba (03) đề án, báo cáo.

4. Cùng một thời điểm, người phụ trách kỹ thuật của đề án, báo cáo chỉ đảm nhận phụ trách kỹ thuật tối đa không quá ba (03) đề án, báo cáo.

Điều 7. Quy định về cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước

Đối với cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm d Khoản 3 Điều 3 của Thông tư này và các điều kiện sau đây:

1. Chuyên ngành đào tạo phải phù hợp với loại đề án, báo cáo theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 của Thông tư này.

2. Kinh nghiệm công tác:

a) Đối với việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường phải có ít nhất hai mươi (20) năm kinh nghiệm và đã là người phụ trách kỹ thuật của ít nhất bảy (07) đề án, báo cáo;

b) Đối với việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước thuộc thẩm quyền cấp phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: có ít nhất mười lăm (15) năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài nguyên nước và đã là người phụ trách kỹ thuật của ít nhất năm (05) đề án, báo cáo.

3. Cùng một thời điểm, cá nhân tư vấn độc lập chỉ được nhận tư vấn lập một (01) đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước.

Điều 8. Quy định về máy móc, thiết bị chuyên dùng

1. Máy móc, thiết bị chuyên dùng hiện có hoặc đi thuê phải đảm bảo số lượng, chất lượng, tính năng kỹ thuật phù hợp.

2. Trường hợp máy móc, thiết bị yêu cầu phải có kiểm định chất lượng theo quy định thì phải có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3. Trường hợp đề án, dự án có hạng mục thi công công trình khoan nước dưới đất thì máy khoan, thiết bị thi công khoan phải đáp ứng yêu cầu đối với quy mô hành nghề và an toàn lao động theo quy định.

Điều 9. Quy định về hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo trong lĩnh vực tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân hành nghề khi thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước phải có hồ sơ chứng minh năng lực đáp ứng các quy định của Thông tư này.

2. Hồ sơ năng lực đối với trường hợp là tổ chức hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước:

a) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều 3 và các giấy tờ, tài liệu, hợp đồng để chứng minh việc đáp ứng yêu cầu đối với các hạng mục công việc có quy định điều kiện khi thực hiện (nếu có) theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 của Thông tư này;

b) Danh sách đội ngũ cán bộ chuyên môn, người được giao phụ trách kỹ thuật; bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, văn bằng đào tạo, giấy phép hành nghề (nếu có), hợp đồng lao động hoặc quyết định tuyển dụng; các tài liệu, giấy tờ để chứng minh kinh nghiệm công tác của từng cá nhân đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 4, Điều 5 và Điều 6 của Thông tư này;

c) Danh mục máy móc, thiết bị chuyên dùng được sử dụng để thực hiện đề án, dự án và tài liệu chứng minh việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 8 của Thông tư này.

3. Hồ sơ năng lực đối với trường hợp là cá nhân tư vấn độc lập thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước:

a) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao có kèm bản chính để đối chiếu giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, văn bằng đào tạo;

b) Các tài liệu, giấy tờ để chứng minh kinh nghiệm công tác của cá nhân đáp ứng yêu cầu quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Thông tư này.

4. Tổ chức, cá nhân hành nghề phải nộp hồ sơ năng lực cho cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu hoặc tổ chức cá nhân thuê lập đề án, báo cáo để làm căn cứ lựa chọn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện về năng lực thực hiện đề án, dự án, báo cáo.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước

1. Tổ chức, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước có trách nhiệm:

a) Thông báo đến Cục Quản lý tài nguyên nước và Sở Tài nguyên và Môi trường nơi đặt trụ sở chính về việc đã được lựa chọn thực hiện đề án, dự án điều tra cơ bản, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước, tư vấn lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước chậm nhất là sau ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày có quyết định phê duyệt, giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng thực hiện.

Nội dung thông báo bao gồm tên, địa chỉ của cơ quan, đơn vị ký quyết định phê duyệt, giao nhiệm vụ hoặc ký hợp đồng thực hiện dự án, đề án, báo cáo; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện dự án, đề án, báo cáo; thông tin cơ bản về đề án, dự án, báo cáo (tên, mục tiêu, phạm vi, thời gian thực hiện) và kèm theo bản sao hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo. Việc thông báo được thực hiện bằng thư điện tử hoặc gửi bằng đường bưu điện;

b) Bố trí, sử dụng các cán bộ chuyên môn phù hợp với yêu cầu, nội dung công việc của đề án, dự án, báo cáo. Trong quá trình thực hiện, nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về đội ngũ cán bộ chuyên môn tham gia thực hiện thì phải thông báo bằng văn bản tới cơ quan, đơn vị đã lựa chọn thực hiện và Cục Quản lý tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi đặt trụ sở chính, nêu rõ lý do thay đổi, điều chỉnh và kèm theo các giấy tờ chứng minh năng lực, kinh nghiệm của người được thay thế;

c) Bảo đảm tính trung thực về các nội dung kê khai trong hồ sơ năng lực tham gia thực hiện đề án, dự án, báo cáo và tự chịu trách nhiệm về những hậu quả, thiệt hại phát sinh do khai báo không trung thực.

2. Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thăm dò, khai thác sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước có trách nhiệm:

a) Tuân thủ các quy định điều kiện về năng lực khi thực hiện việc lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước quy định tại Thông tư này. Trường hợp thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc lập đề án, báo cáo thì phải lựa chọn tổ chức, cá nhân hành nghề có đủ điều kiện về năng lực theo quy định của Thông tư này;

b) Khi nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước phải nộp kèm theo bản sao hồ sơ năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập đề án, báo cáo đó.

3. Cục Quản lý tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Cập nhật, đăng tải danh sách tổ chức, cá nhân hành nghề được lựa chọn thực hiện đề án, dự án, báo cáo trên trang thông tin điện tử của mình sau khi nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này;

b) Kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền trong trường hợp phát hiện tổ chức, cá nhân không đáp ứng điều kiện về năng lực theo quy định, đồng thời công bố trên trang thông tin điện tử của mình tên tổ chức, cá nhân vi phạm quy định điều kiện về năng lực hành nghề;

c) Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về tài nguyên nước cho các tổ chức, cá nhân hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 11 năm 2014.

2. Các đề án, dự án điều tra cơ bản, quy hoạch tài nguyên nước đã được giao thực hiện trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì vẫn được tiếp tục thực hiện.

3. Các hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước đã được cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước tiếp nhận trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì vẫn được thẩm định, xem xét cấp phép theo quy định.

Điều 12. Trách nhiệm thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Thông tư này tại địa phương.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra hoạt động hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước trên địa bàn; hàng năm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục Quản lý tài nguyên nước tình hình thực hiện quy định điều kiện về năng lực hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước trước ngày 15 tháng 12.

3. Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn, kiểm tra hoạt động hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước; tổng hợp tình hình thực hiện quy định điều kiện về năng lực hành nghề trong lĩnh vực tài nguyên nước trong phạm vi cả nước.

4. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ TN&MT;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Cổng TTĐT Bộ TN&MT;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;
- Lưu: VT, PC, TNN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Thái Lai

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 56/2014/TT-BTNMT quy định điều kiện về năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, tư vấn lập quy hoạch tài nguyên nước, lập đề án, báo cáo trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tài nguyên nước do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành

  • Số hiệu: 56/2014/TT-BTNMT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 24/09/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường
  • Người ký: Nguyễn Thái Lai
  • Ngày công báo: 31/10/2014
  • Số công báo: Từ số 963 đến số 964
  • Ngày hiệu lực: 10/11/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản