Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 56/2011/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2011

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÚ Y THỦY SẢN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y; Nghị định số 119/2008/NĐ-CP ngày 28/11/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 33/2005/NĐ-CP;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thú y thủy sản như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về thú y thủy sản, bao gồm:

1. Phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản.

2. Kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y thủy sản.

3. Kiểm dịch động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản.

4. Quản lý thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y thủy sản, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y thủy sản (sau đây gọi chung là thuốc thú y thủy sản).

5. Đánh giá, chỉ định phòng thử nghiệm bệnh động vật thủy sản và phòng thử nghiệm thuốc thú y thủy sản (sau đây gọi chung là phòng thử nghiệm).

6. Hành nghề thú y thủy sản.

7. Hợp tác quốc tế về thú y thủy sản.

8. Thanh tra, kiểm tra về thú y thủy sản.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến thú y thủy sản trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Các thuật ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

1. Thủy sản mắc bệnh là động vật thủy sản bị nhiễm bệnh; thủy sản có triệu chứng, bệnh tích điển hình của bệnh đó hoặc đã xác định được mầm bệnh.

2. Dịch bệnh thủy sản là một bệnh truyền nhiễm hoặc ký sinh trùng thuộc danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch (sau đây gọi là danh mục) hoặc bệnh mới chưa có trong danh mục làm thủy sản mắc bệnh, chết nhiều, có khả năng lây lan thành dịch.

3. Phòng, chống dịch bệnh thủy sản là việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm khoanh vùng, dập dịch ngăn chặn sự phát triển, lây lan của dịch bệnh.

4. Thuốc thú y dùng trong thú y thủy sản là các sản phẩm dùng để phòng bệnh, chẩn đoán bệnh, chữa bệnh, khử trùng hoặc để phục hồi, điều chỉnh, cải thiện các chức năng của cơ thể động vật thủy sản.

Chương II

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÚ Y THỦY SẢN VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN

Điều 4. Quản lý nhà nước về phòng, chống dịch bệnh thủy sản

1. Cục Thú y thực hiện:

a) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc để Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cơ quan nhà nước thẩm quyền ban hành các văn bản qui phạm pháp luật về phòng, chống dịch bệnh thủy sản; cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản; danh mục các bệnh thủy sản phải công bố dịch; phê duyệt và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về giám sát một số bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản;

b) Xây dựng, ban hành tài liệu hướng dẫn các biện pháp khoanh vùng dập dịch, xử lý, khử trùng, tiêu độc môi trường nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan;

c) Điều tra, giám sát dịch bệnh thủy sản; chỉ đạo thực hiện việc chẩn đoán, xét nghiệm, xác định nguyên nhân, tác nhân gây bệnh; phối hợp với các đơn vị có liên quan hướng dẫn điều trị một số bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản;

d) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định công bố dịch và công bố hết dịch bệnh thủy sản theo quy định;

đ) Tổng hợp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ, đột xuất về tình hình dịch bệnh thủy sản theo quy định;

e) Tham gia các chương trình phòng, chống dịch bệnh thủy sản trong khu vực và thế giới theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thực hiện nghĩa vụ thông tin, báo cáo dịch bệnh động vật thủy sản cho các tổ chức quốc tế và các nước liên quan;

g) Tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về số lượng, chủng loại, đặc tính kỹ thuật, qui chuẩn và chất lượng hàng Dự trữ quốc gia về phòng, chống dịch bệnh thủy sản (sau đây gọi là Dự trữ quốc gia); kiểm tra, giám sát việc sử dụng Dự trữ quốc gia đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định;

h) Thẩm định, công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; hướng dẫn, chỉ đạo Chi cục Thú y hoặc Cơ quan được phân công nhiệm vụ quản lý thú y thủy sản (sau đây gọi là Cơ quan quản lý thú y thủy sản địa phương) trong việc xây dựng và quản lý các hoạt động đối với cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản;

i) Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh thủy sản;

k) Phối hợp với Tổng cục Thuỷ sản trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh thủy sản.

2. Tổng cục Thủy sản thực hiện:

a) Xây dựng, ban hành hoặc trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành các tài liệu hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất giống và nuôi trồng các đối tượng thủy sản đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh;

b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản;

c) Phối hợp với Cục Thú y xây dựng hệ thống giám sát bệnh trong nuôi trồng thủy sản và triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo quy định và hướng dẫn của Cục Thú y.

3. Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thực hiện:

a) Trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn xử lý, chế biến động vật thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm bị bệnh;

b) Tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện qui trình xử lý, chế biến thủy sản nhiễm bệnh.

4. Chi cục Thú y (hoặc Cơ quan quản lý thú y thủy sản địa phương) thực hiện:

a) Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản của địa phương; qui hoạch xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh thủy sản;

b) Tổ chức, thực hiện các văn bản qui phạm pháp luật về chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh thủy sản tại địa phương;

c) Tổ chức, thực hiện điều tra, giám sát dịch bệnh thủy sản; chẩn đoán, xét nghiệm và phối hợp với cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương hướng dẫn chữa bệnh cho động vật thủy sản tại địa phương;

d) Trình cấp có thẩm quyền công bố dịch bệnh và công bố hết dịch theo quy định;

đ) Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp tăng cường kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển khi có dịch bệnh thủy sản;

e) Hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản các biện pháp khoanh vùng dập dịch; xử lý, tiêu độc, khử trùng môi trường nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan;

g) Tổng hợp, báo cáo Cục Thú y định kỳ, đột xuất về tình hình dịch bệnh thủy sản theo quy định;

h) Tham mưu, giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cấp có thẩm quyền đề nghị cấp kinh phí mua hóa chất, vật tư, thuốc thú y thủy sản nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh thủy sản và cấp hóa chất dập dịch từ Dự trữ quốc gia cho địa phương;

i) Đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các văn bản qui phạm pháp luật về chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh thủy sản theo phân cấp;

k) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và thực hiện các nội dung chuyên môn kỹ thuật thuộc thẩm quyền;

l) Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ khác theo ủy quyền của Cục Thú y.

5. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản hoặc Cơ quan được phân công thực hiện nhiệm vụ quản lý Nuôi trồng Thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương) thực hiện:

a) Hướng dẫn người nuôi trồng thủy sản, sản xuất, kinh doanh giống thủy sản quản lý chất lượng môi trường trong nuôi trồng thủy sản theo quy định;

b) Tham gia phòng, chống dịch bệnh và hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng chữa bệnh thủy sản theo quy định của cơ quan thú y.

6. Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản địa phương thực hiện: hướng dẫn chủ cơ sở nuôi, cơ sở chế biến thực hiện việc xử lý, chế biến thủy sản mắc bệnh theo quy định hiện hành.

Điều 5. Kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y thủy sản

1. Cục Thú y thực hiện:

a) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản quy phạm pháp luật về điều kiện vệ sinh thú y thủy sản;

b) Thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y các Trung tâm Quốc gia giống thủy sản; Cơ sở đăng ký công nhận an toàn dịch bệnh thủy sản và khu cách ly kiểm dịch động vật thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Chi cục Thú y (hoặc cơ quan quản lý thú y thủy sản) thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y:

a) Các cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản; cơ sở ương nuôi con giống; cơ sở thu gom, kinh doanh giống thủy sản thuộc địa bàn cơ quan quản lý trên cơ sở các văn bản pháp lý hiện hành;

b) Các Trung tâm Quốc gia giống thủy sản; khu cách ly kiểm dịch động vật thủy sản xuất, nhập khẩu và cơ sở nuôi đăng ký chứng nhận công nhận an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh theo ủy quyền của Cục Thú y.

3. Chi cục Nuôi trồng thủy sản (hoặc cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương) khi thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh các cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản; cơ sở ương nuôi con giống; cơ sở thu gom, kinh doanh giống thủy sản thuộc địa bàn cơ quan quản lý sử dụng kết quả kiểm tra về điều kiện vệ sinh thú y của Chi cục Thú y, hoặc áp dụng các quy định của cơ quan thú y để kiểm tra.

Điều 6. Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thuỷ sản

1. Cục Thú y thực hiện:

a) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hoặc để Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình cơ quan nhà nước thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm dịch động vật thủy sản, sản phẩm động vật thuỷ sản;

b) Tổ chức, thực hiện kiểm dịch động vật thủy sản, sản phẩm động vật thuỷ sản nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

c) Tổ chức, thực hiện kiểm dịch động vật thủy sản, sản phẩm động vật thuỷ sản xuất khẩu không dùng làm thực phẩm (làm giống, làm cảnh, làm thức ăn chăn nuôi, bệnh phẩm) hoặc làm quà biếu, quà tặng, hàng xách tay, túi ngoại giao theo yêu cầu của chủ hàng hoặc nước nhập khẩu;

d) Kiểm soát thủ tục kiểm dịch các loại động vật thủy sản, sản phẩm động vật thuỷ sản tại các cửa khẩu, nhà ga, sân bay, bến cảng, bưu điện theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo quy định của các tổ chức quốc tế hoặc các thoả thuận song phương với các nước;

đ) Đào tạo, tập huấn cho các Cơ quan kiểm dịch động vật thuộc Cục, Chi cục Thú y về kiểm dịch động vật thủy sản, sản phẩm động vật thuỷ sản xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trong nước.

2. Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản thực hiện việc kiểm dịch động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu dùng làm thực phẩm.

3. Chi cục Thú y thực hiện:

a) Tổ chức, thực hiện việc kiểm dịch giống thủy sản lưu thông trong nước;

b) Giám sát việc xử lý và thực hiện kiểm dịch động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản sử dụng làm thực phẩm tại vùng, cơ sở có công bố dịch bệnh thủy sản theo quy định;

c) Kiểm soát việc vận chuyển động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản ra, vào vùng, cơ sở có công bố dịch bệnh thủy sản;

d) Giám sát và báo cáo Cục Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình hình dịch bệnh động vật thủy sản nhập khẩu sau thời gian cách ly kiểm dịch nhập khẩu;

đ) Phối hợp với cơ quan kiểm dịch động vật thuộc Cục Thú y thực hiện xử lý đối với động vật thủy sản, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y.

Điều 7. Quản lý thuốc thú y thủy sản

1. Cục Thú y thực hiện:

a) Xây dựng, trình Bộ trưởngBộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành danh mục thuốc thú y thủy sản được phép lưu hành, hạn chế sử dụng, cấm sử dụng theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định về nghiên cứu, kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm, thủ tục đăng ký, công nhận thuốc thú y thủy sản được phép sản xuất, nhập khẩu, lưu hành tại Việt Nam; cho phép nhập khẩu thuốc thú y thủy sản chưa có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam theo quy định và ủy quyền của Bộ trưởng;

c) Hướng dẫn, giải quyết việc đăng ký lưu hành, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, sản xuất, chế thử, gia công, nhượng quyền, sang chai, đóng gói lại thuốc thú y thuỷ sản; nguyên liệu làm thuốc thú y thuỷ sản;

d) Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu thuốc thú y thuỷ sản theo quy định của pháp luật;

đ) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thực hiện việc kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm, kiểm tra chất lượng thuốc thú y thuỷ sản theo quy định của pháp luật;

e) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản và việc tiêu hủy, thu hồi thuốc thú y thủy sản giả, không rõ nguồn gốc; hết hạn sử dụng; kém chất lượng, cấm sử dụng, không có trong danh mục được phép lưu hành; không có nhãn hoặc có nhãn nhưng không đúng quy định của pháp luật;

g) Kiểm tra và giám sát việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh, sản xuất, chế thử, gia công, nhượng quyền, đóng gói lại, lưu hành, kinh doanh, sử dụng thuốc thú y thuỷ sản;

h) Trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc lập quỹ và sử dụng dự trữ quốc gia về thuốc thú y thuỷ sản. Hướng dẫn việc lập dự trữ địa phương về thuốc thú y thuỷ sản, chế độ quản lý, phương thức sử dụng dự trữ về thuốc thú y ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Tổng cục Thủy sản chỉ đạo, thực hiện hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc thú y thủy sản dùng trong nuôi trồng thủy sản trong phạm vi toàn quốc.

3. Chi cục Thú y thực hiện:

a) Kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc thú y thuỷ sản theo quy định của pháp luật;

b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh thuốc thú y thủy sản và việc tiêu hủy, thu hồi thuốc thú y thủy sản giả, không rõ nguồn gốc; hết hạn sử dụng; kém chất lượng, cấm sử dụng, không có trong danh mục được phép lưu hành; không có nhãn hoặc có nhãn nhưng không đúng quy định của pháp luật;

c) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y thuỷ sản theo phân công, phân cấp.

4. Chi cục Nuôi trồng Thủy sản (hoặc Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản địa phương) thực hiện: hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc thú y thủy sản dùng trong nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

Điều 8. Đánh giá, chỉ định phòng thử nghiệm

1. Cục Thú y thực hiện:

a) Xây dựng, ban hành tài liệu hướng dẫn đánh giá, chỉ định phòng thử nghiệm;

b) Thẩm định, chỉ định phòng thử nghiệm đủ năng lực theo quy định tại Thông tư số 16/2011/TT-BNNPTNT ngày 01/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về đánh giá, chỉ định và quản lý phòng thử nghiệm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Chi cục Thú y (hoặc Cơ quan quản lý thú y thủy sản địa phương) thực hiện:

a) Giám sát hoạt động của các phòng thử nghiệm trên địa bàn quản lý; sử dụng kết quả xét nghiệm của các phòng thử nghiệm được chỉ định làm căn cứ đề xuất công bố dịch bệnh và công bố hết dịch bệnh thủy sản theo quy định;

b) Báo cáo về Cục Thú y để kịp thời xử lý đối với các phòng thử nghiệm không được chỉ định mà vẫn hành nghề xét nghiệm để thu phí xét nghiệm.

Điều 9. Hành nghề thú y thủy sản

1. Cá nhân hành nghề xét nghiệm bệnh thủy sản, sản xuất, kinh doanh thuốc thú y thủy sản phải có chứng chỉ hành nghề.

2. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề thú y thủy sản được quy định như sau:

a) Cục Thú y cấp chứng chỉ hành nghề sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu, nhập khẩu), kiểm nghiệm, thử nghiệm, khảo nghiệm thuốc thú y thủy sản;

b) Chi cục Thú y cấp chứng chỉ hành nghề kinh doanh (bao gồm cả xuất khẩu, nhập khẩu) thuốc thú y thủy sản; chứng chỉ hành nghề xét nghiệm bệnh thủy sản.

3. Điều kiện và trình tự thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện theo hướng dẫn quy định tại Chương V Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và các quy định hiện hành.

Điều 10. Hợp tác quốc tế về thú y thủy sản

1. Cục Thú y thực hiện:

a) Xây dựng, trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chương trình, dự án hợp tác quốc tế về chuyên ngành lĩnh vực thú y thủy sản; tham gia đàm phán để ký kết, gia nhập các tổ chức quốc tế về thú y thủy sản theo phân công của Bộ trưởng;

b) Gửi mẫu bệnh phẩm cho các phòng thử nghiệm tham chiếu quốc tế; liên hệ mời các chuyên gia quốc tế hợp tác để chẩn đoán, xác định tác nhân gây bệnh thủy sản mới;

c) Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế, các chương trình, dự án quốc tế tài trợ theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Tổng cục Thủy sản thực hiện:

a) Phối hợp với Cục Thú y tham gia các chương trình hợp tác, đàm phán để ký kết, gia nhập các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực thú y thủy sản có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao;

b) Tổ chức, thực hiện hợp tác quốc tế, các chương trình, dự án quốc tế tài trợ theo phân cấp của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 11. Thanh tra, kiểm tra về thú y thủy sản

1. Các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thú y thủy sản trong phạm vi, quyền hạn được phân công tại Thông tư này có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thú y thủy sản và xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật về thanh tra và pháp luật khác có liên quan.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 12. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các Cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để kịp thời sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp&PTNT;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Công báo Chính phủ, Website Chính phủ;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y,
Cục QLCL NLS&TS, Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT;
- Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các đơn vị thuộc Cục Thú y;
- Lưu: VT, TY.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 56/2011/TT-BNNPTNT hướng dẫn nhiệm vụ quản lý nhà nước về thú y thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 56/2011/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/08/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 465 đến số 466
  • Ngày hiệu lực: 30/09/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 17/07/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản