Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 54/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2009

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LẬP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ TÍCH LŨY TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài;
Căn cứ Quyết định số 181/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế cho vay lại từ nguồn vay, viện trợ nước ngoài của Chính phủ;
Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài như sau:

I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG

1. Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài (dưới đây gọi tắt là Quỹ tích lũy) là quỹ được thành lập để tập trung các khoản thu hồi vốn cho vay lại (bao gồm cả các khoản phí) từ nguồn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ và các khoản thu phí bảo lãnh của Chính phủ để bảo đảm việc trả nợ nước ngoài các khoản vay của Chính phủ về cho vay lại, đồng thời đảm bảo bù đắp các rủi ro khác như rủi ro tỷ giá, rủi ro tín dụng, rủi ro lãi suất ... và tạo một phần nguồn xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong trường hợp Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng vay nước ngoài.

2. Quỹ tích lũy được mở tài khoản giao dịch bằng ngoại tệ và tiền Việt Nam tại một ngân hàng thương mại có uy tín của Việt Nam (sau đây gọi là “ngân hàng phục vụ”) và do Bộ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đứng tên chủ tài khoản giao dịch và quản lý theo các quy định của Thông tư này. Trường hợp phát sinh các loại ngoại tệ, Quỹ tích lũy đề nghị ngân hàng phục vụ mở tài khoản đối với các loại ngoại tệ tương ứng để theo dõi các nguồn thu theo từng nội dung sau:

- Thu hồi cho vay lại (bao gồm gốc, lãi, phí ngoài nước);

- Thu phí bảo lãnh Chính phủ;

- Thu khác (bao gồm cả lãi phí sinh trên các tài khoản tiền gửi của Quỹ tích lũy).

3. Ngân hàng phục vụ thực hiện các nghiệp vụ phát sinh trên các tài khoản liên quan đến quá trình thu, chi Quỹ tích lũy, định kỳ hàng tháng gửi sao kê về số thu, chi trong tháng, lãi phát sinh trên tài khoản và số dư chi tiết của các tài khoản tiền gửi. Ngân hàng phục vụ phải thường xuyên thông báo cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) chi tiết về các tài khoản được mở để hướng dẫn cho các đơn vị có liên quan quyển tiền vào các tài khoản thích hợp.

4. Quỹ tích lũy duy trì mức dự trữ tối thiểu bằng ngoại tệ dựa trên biến động nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ trong từng năm. Mức dự trữ tối thiểu được tính bằng 50% tổng nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hàng năm của các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. Hàng năm, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại xây dựng phương án về cơ cấu ngoại tệ dự trữ của Quỹ tích lũy nhằm tăng cường độ an toàn của Quỹ, hạn chế những rủi ro về tỷ giá và tận dụng lợi thế của từng loại ngoại tệ trong từng thời kỳ khác nhau trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định.

II. THU CỦA QUỸ TÍCH LŨY:

1. Nguồn thu của Quỹ tích lũy bao gồm:

a. Các khoản thu hồi vốn cho vay lại bao gồm:

- Gốc, lãi cho vay lại từ nguồn vốn ODA và các khoản vay nước ngoài khác của Chính phủ (sau khi trừ phí dịch vụ cho vay lại) theo các kỳ hạn được quy định trong các hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại;

- Phí vay phải trả nước ngoài (phí bảo hiểm, phí cam kết, phí quản lý …) trong trường hợp Ngân sách Nhà nước trả cho nước ngoài theo các hiệp định vay.

b. Các khoản thu phí bảo lãnh và các khoản thu hồi nợ theo Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

c. Lãi tiền gửi và các khoản thu khác từ sử dụng vốn nhàn rỗi của Quỹ tích lũy.

d. Các nguồn thu khác theo quy định của Chính phủ.

2. Thu Quỹ tích lũy được thực hiện như sau:

a. Căn cứ vào hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại, người vay lại nộp các khoản phải trả cho cơ quan cho vay lại. Căn cứ vào kỳ hạn hoàn trả Ngân sách Nhà nước theo hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại đã ký với Bộ Tài chính, cơ quan cho vay lại làm thủ tục chuyển trả vào tài khoản của Quỹ tích lũy đồng thời tiến hành thủ tục để giảm nguồn vốn nhận nợ với Ngân sách nhà nước.

b. Căn cứ vào văn bản cam kết về bảo lãnh, cơ quan cấp bảo lãnh Chính phủ yêu cầu người được bảo lãnh nộp trực tiếp phí bảo lãnh vào tài khoản của Quỹ tích lũy.

c. Đối với các khoản thu nêu tại Tiết a và b, Điểm 1 trên đây, các cơ quan cho vay lại, cơ quan cấp bảo lãnh và các đơn vị vay lại tập hợp các chứng từ chuyển tiền về Quỹ tích lũy có xác nhận của ngân hàng nơi chuyển tiền để hạch toán việc hoàn trả cho Ngân sách Nhà nước. Bản sao các chứng từ chuyển tiền nói trên được các cơ quan cho vay lại, hoặc cơ quan cấp bảo lãnh và các đơn vị vay lại gửi cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) để theo dõi và hạch toán việc hoàn trả. Trường hợp khoản tiền chuyển gồm các khoản hoàn trả của nhiều dự án khác nhau, các đơn vị chuyển tiền cần gửi kèm theo chứng từ chuyển tiền bảng kê chi tiết số tiền hoàn trả cho từng dự án được phân định theo gốc, lãi và phí phải hoàn trả.

d) Các khoản thu khác (nếu có) nộp vào Quỹ Tích lũy theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

III. CHI CỦA QUỸ TÍCH LŨY:

1. Các nội dung chi của Quỹ tích lũy bao gồm:

- Hoàn trả Ngân sách Nhà nước các khoản Ngân sách Nhà nước đã ứng thanh toán trả nợ nước ngoài cho các khoản vay về cho vay lại;

- Ứng trả thay các dự án vay có bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của cấp có thẩm quyền;

2. Chi từ Quỹ tích lũy:

a. Đối với việc hoàn trả Ngân sách Nhà nước các khoản Ngân sách Nhà nước đã ứng thanh toán trả nợ nước ngoài cho các dự án vay lại.

Việc chi trả nợ nước ngoài của Chính phủ (gồm các khoản vay về cấp phát và vay về cho vay lại) được thực hiện từ Ngân sách Nhà nước theo các quy định về chi ngân sách hiện hành. Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại có trách nhiệm tách riêng phần trả nợ cho các khoản vay về cho vay lại và thực hiện hoàn trả Ngân sách Nhà nước từ Quỹ tích lũy hàng quý vào ngày 10 của tháng đầu tiên của quý tiếp sau. Riêng đối với các khoản hoàn trả của Quý 4, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại trích trả ngân sách trước ngày 30/12 để Kho bạc Nhà nước hạch toán thu ngân sách đúng niên độ của ngân sách.

Khi đến hạn trả nợ cho các khoản vay nước ngoài, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại lập thông tri trả nợ trong đó phân chia rõ phần trả nợ cho các khoản vay về cho vay lại bằng nguyên tệ, đồng thời quy ra đồng Việt Nam và đồng đô la Mỹ (USD) theo tỷ giá hạch toán ngân sách vào ngày lập thông tri và thực hiện trả cho chủ nợ nước ngoài từ Ngân sách Nhà nước theo quy định về chi ngân sách hiện hành.

Hàng quý, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại tập hợp các khoản trả nợ cho các khoản vay về cho vay lại phát sinh trong quý dựa trên các thông tri trả nợ và trên cơ sở đó lập chứng từ trích từ Quỹ tích lũy để hoàn trả cho Ngân sách Nhà nước bằng đồng Việt Nam, hoặc bằng đồng ngoại tệ sẵn có tại tài khoản của Quỹ tích lũy.

b. Đối với việc ứng trả thay các dự án vay có bảo lãnh chính phủ:

Trường hợp phải trả thay các dự án vay có bảo lãnh Chính phủ, Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) chuyển trả trực tiếp từ Quỹ tích lũy cho chủ nợ ngay sau ký hợp đồng ứng vốn với người được bảo lãnh. Người được bảo lãnh có trách nhiệm hoàn trả Bộ Tài chính theo đúng cam kết tại hợp đồng ứng vốn đã ký với Bộ Tài chính theo quy định tại Quy chế cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ.

Trường hợp Quỹ tích lũy không đủ nguồn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm ứng từ các nguồn khác của Ngân sách Nhà nước để chi trả. Quỹ tích lũy có trách nhiệm thu hồi và hoàn lại Ngân sách Nhà nước khoản tạm ứng này khi có đủ nguồn.

IV. LẬP KẾ HOẠCH THU CHI CỦA QUỸ TÍCH LŨY:

1. Kế hoạch thu:

Hàng năm, trong thời gian lập dự toán ngân sách, các cơ quan cho vay lại có trách nhiệm căn cứ vào các hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại đã ký với người vay lại để lập kế hoạch thu hồi cho vay lại vốn vay nợ và vốn viện trợ nước ngoài gửi cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) để tổng hợp và xây dựng kế hoạch thu của Quỹ tích lũy.

2. Kế hoạch chi:

Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) căn cứ vào các hiệp định vay để xây dựng kế hoạch chi trả nợ nước ngoài trong đó tách riêng những khoản chi trả nợ cho các khoản vay về cho vay lại để tổng hợp vào kế hoạch chi trả nợ nước ngoài của Ngân sách Nhà nước, đồng thời căn cứ các hợp đồng bảo lãnh để dự báo tỷ lệ nghĩa vụ nợ dự phòng ứng trả cho các khoản vay có bảo lãnh Chính phủ để xây dựng kế hoạch chi của Quỹ tích lũy

V. QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN TẠM THỜI NHÀN RỖI CỦA QUỸ TÍCH LŨY:

1. Phần chênh lệch giữa thu và chi là nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi, sau khi đã đạt mức dự trữ tối thiểu của Quỹ tích lũy có thể được dùng cho các mục đích theo thứ tự ưu tiên sau đây:

- Tạm ứng cho Ngân sách Nhà nước;

- Cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam vay có kỳ hạn tối đa không quá 3 năm;

- Sử dụng dịch vụ Quản lý tài sản của các Ngân hàng thương mại lớn, các tổ chức tài chính trong nước có uy tín và các Ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

- Sử dụng vào các mục đích cơ cấu lại nợ, hỗ trợ các dự án cho vay lại hoặc vay có bảo lãnh chính phủ gặp khó khăn tạm thời để đảm bảo khả năng trả nợ theo các đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

2. Các khoản vốn nhàn rỗi của Quỹ tích lũy trong khi chưa sử dụng cho các mục đích nêu trên sẽ được gửi có kỳ hạn tại các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính của Việt Nam trên cơ sở chào lãi suất cạnh tranh với mục tiêu đảm bảo tính thanh khoản, tính an toàn và hiệu quả cho Quỹ tích lũy. Quy trình gửi tiền được thực hiện theo Phụ lục 1 đính kèm Thông tư này.

VI. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG VIỆC LẬP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ QUỸ TÍCH LŨY:

1. Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại có trách nhiệm:

- Thông báo cho các đơn vị có liên quan số hiệu tài khoản của Quỹ tích lũy;

- Tổng hợp và lập kế hoạch thu chi Quỹ tích lũy hàng năm cùng với việc lập dự toán chi trả nợ nước ngoài hàng năm báo cáo Bộ;

- Thực hiện chi Quỹ tích lũy theo quy định tại Mục III của Thông tư này;

- Xây dựng phương án và các đề xuất trình Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt mức dự trữ tối thiểu bằng ngoại tệ cho từng năm và các biện pháp bảo đảm cơ cấu ngoại tệ hợp lý của nguồn vốn dự trữ này nhằm hạn chế những rủi ro về tỷ giá, bảo toàn nguồn vốn cho Quỹ tích lũy;

- Xác định số tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ tích lũy có thể sử dụng được cho các mục tiêu nêu tại Điểm 1, Mục V của Thông tư này và phối hợp với các Vụ, đơn vị liên quan lập phương án sử dụng và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định;

- Ký kết các hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại, hợp đồng ứng vốn theo quyết định của Bộ, giám sát và tổ chức thu hồi toàn bộ cả gốc, lãi đối với các hợp đồng này;

- Phối hợp với các cơ quan cho vay lại tiến hành đối chiếu và thanh lý hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại trên cơ sở các chứng từ chuyển tiền từ các cơ quan cho vay lại, đơn vị vay lại vào tài khoản của Quỹ tích lũy.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ứng trả nợ thay cho các dự án vay nước ngoài có bảo lãnh Chính phủ;

- Hướng dẫn, đối chiếu và đôn đốc các đơn vị, tổ chức được Chính phủ bảo lãnh vay vốn nước ngoài nộp đầy đủ, đúng hạn phí bảo lãnh cũng như các khoản thu hồi nợ khác (nếu có) vào Quỹ tích lũy;

- Thực hiện công tác hạch toán kế toán các khoản thu chi của Quỹ tích lũy theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thường xuyên đối chiếu số thu nộp Quỹ tích lũy với các cơ quan cho vay lại và cơ quan cấp bảo lãnh chính phủ; tổ chức theo dõi thu hồi các khoản tiền của Quỹ tích lũy đã sử dụng cho các mục đích đã nêu tại Mục V của Thông tư này;

- Định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính tình hình tài chính của Quỹ tích lũy theo chế độ quy định;

- Tổ chức thực hiện việc gửi tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ tích lũy theo quy định tại Điểm 2, Mục V của Thông tư này;

- Hàng năm lập báo cáo quyết toán việc sử dụng Quỹ tích lũy và gửi các đơn vị có liên quan trong Bộ Tài chính để phối hợp thực hiện;

- Trong quá trình thực hiện các hoạt động của Quỹ, nếu phát sinh rủi ro gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ, Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại có trách nhiệm sử dụng mọi chế tài mà pháp luật cho phép để thu hồi nợ. Trong trường hợp không thu hồi nợ được cần báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.

2. Vụ Ngân sách Nhà nước có trách nhiệm:

- Phối hợp với Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại đề xuất các phương án sử dụng tiền tạm thời nhàn rỗi của Quỹ tích lũy từng thời kỳ quy định tại Điểm 1, Mục V trên đây trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định;

- Thực hiện hạch toán các khoản hoàn trả từ Quỹ tích lũy theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định hiện hành về kế toán Ngân sách Nhà nước.

- Định kỳ hàng quý, đối chiếu số chi từ Ngân sách Nhà nước để trả nợ cho các dự án vay lại với số hoàn trả từ Quỹ tích lũy.

3. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm:

- Thực hiện hạch toán các nghiệp vụ chi trả nợ nước ngoài theo đề nghị của Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại;

- Định kỳ đối chiếu các khoản các số liệu chi trả nợ nước ngoài trong đó có các khoản chi trả nợ nước ngoài đối với các khoản cho vay lại và các khoản Quỹ tích lũy hoàn trả tiền ứng từ Ngân sách Nhà nước.

4. Các cơ quan cho vay lại chịu trách nhiệm:

- Thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ được cam kết trong các hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại đã ký với Bộ Tài chính;

- Định kỳ hàng quý, hàng năm thông báo cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) kế hoạch thu hồi nợ từ các dự án mà đơn vị mình được ủy nhiệm cho vay lại bao gồm gốc, lãi, các phí ngoài nước và phí dịch vụ cho vay lại;

- Tổ chức việc thống kê theo dõi và lập báo cáo định kỳ hàng quý các khoản đã thu hồi vốn cho vay lại và đã nộp vào Quỹ tích lũy theo từng dự án cho vay lại gửi cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại);

- Hướng dẫn và đôn đốc các đơn vị, tổ chức sử dụng vốn vay lại nguồn vốn của Chính phủ hoàn trả các khoản thu hồi vốn cho vay lại đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại các hiệp định phụ, hợp đồng/thỏa thuận cho vay lại;

- Đối với các cơ quan cho vay lại là các ngân hàng thương mại được Bộ Tài chính ủy quyền thu nợ từ chủ dự án và trả nợ trực tiếp cho nước ngoài, sau mỗi kỳ trả nợ cần thông báo ngay cho Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại) để làm thực hiện việc vào cơ sở số liệu trong chương trình quản lý nợ.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 10/2006/QĐ-BTC ngày 28/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài.

Các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tài chính có trách nhiệm chấp hành và hướng dẫn các đơn vị, tổ chức vay lại hoặc được Chính phủ bảo lãnh thực hiện nghiêm chỉnh các quy định tại Quy chế này. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần phản ảnh kịp thời cho Bộ Tài chính để sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo đảm sử dụng và quản lý Quỹ tích lũy có hiệu quả, đúng mục đích.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cơ quan TW của các đoàn thể;
- Cục kiểm tra văn bản của Bộ Tư pháp;
- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các cơ quan cho vay lại;
- Lưu VT, Cục QLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

PHỤ LỤC 1

(Ban hành kèm theo Thông tư số 54/2009/TT-BTC ngày 18/03/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

QUY TRÌNH

GỬI TIỀN NHÀN RỖI

CỦA QUỸ TÍCH LŨY TRẢ NỢ NƯỚC NGOÀI

Nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả nguồn vốn của Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quy trình gửi tiền của Quỹ tích lũy theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài. Cụ thể như sau:

I. YÊU CẦU CHUNG:

1. Đảm bảo tính thanh khoản

2. Đảm bảo tính an toàn

3. Đảm bảo tính hiệu quả

II. NGUYÊN TẮC GỬI TIỀN CỦA QUỸ TÍCH LŨY:

1. Không tập trung gửi tại một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính;

2. Lựa chọn các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính có uy tín trong nước tham gia lựa chọn đối tác để gửi tiền hoặc thực hiện việc quản lý tiền nhàn rỗi của Quỹ tích lũy đáp ứng các tiêu chí sau:

- Vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở lên và tỷ lệ vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ.

- Đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu từ 8% trở lên.

III. QUY TRÌNH LỰA CHỌN ĐỐI TÁC:

Bước 1: Xác định khoản tiền nhàn rỗi:

Quỹ tích lũy thường xuyên cân đối nguồn thu chi của Quỹ, khi số tiền nhàn rỗi đạt từ 50 tỷ đồng trở lên, Quỹ tích lũy lập phương án gửi tiền và báo cáo lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại để gửi thông báo chào lãi suất cho các đối tác đáp ứng các tiêu chí nêu tại Điểm 2, Mục II nêu trên.

Bước 2: Thông báo chào lãi suất:

Quỹ tích lũy gửi thông báo cho đề nghị các đối tác chào lãi suất các kỳ hạn và thời gian nộp bản chào bằng công văn, fax hoặc email, đề nghị các đối tác chào lãi suất theo thời gian dự định gửi và thông báo thời gian nộp bản chào.

Bước 3: Nộp bản chào

Các đối tác trực tiếp nộp bản chào kèm theo báo cáo tài chính gần nhất đựng trong phong bì dán kín cho Quỹ tích lũy theo thời hạn quy định. Sau thời gian quy định, các đối tác được thông báo không gửi bản chào thì được coi không có nhu cầu nhận tiền gửi hoặc nhận ủy thác.

Bước 4: Mở bản chào

Sau khi đã nhận các bản chào và hết thời gian chào, cán bộ phụ trách Quỹ mở các bản chào và tổng hợp báo cáo lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại lựa chọn đối tác căn cứ vào điều kiện chào tốt nhất.

Bước 5: Ký kết Hợp đồng gửi tiền

a) Bộ trưởng Bộ Tài chính ủy quyền cho Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại ký kết các hợp đồng gửi tiền theo mẫu quy định tại Phụ lục số 2 đính kèm Quyết định này.

b) Trường hợp gia hạn khoản tiền đã gửi do chưa có nhu cầu sử dụng, việc xem xét gửi quay vòng được thực hiện từ bước 2 căn cứ vào lãi suất chào cao nhất trong các bản chào. Nếu có đối tác không chấp nhận mức lãi suất này, thì khoản tiền đang gửi được coi như khoản tiền nhàn rỗi mới và được thực hiện tuần tự từ bước 1.

PHỤ LỤC 2

(Hợp đồng mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 54/2009/TT-BTC ngày 18/03/2009 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

HỢP ĐỒNG MẪU TIỀN GỬI

Số: /QTL/BTC

Căn cứ:

Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005 và Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005 về việc thi hành Bộ luật Dân sự;

Nhu cầu và khả năng của hai bên,

Hôm nay, ngày tháng năm , tại Bộ Tài chính, chúng tôi gồm:

1. BÊN GỬI TIỀN (Sau đây gọi là Bên A): Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính

Địa chỉ: Số 28 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Điện thoại: 04.22202828 Fax: 04.22208020

Đại diện:

Chức vụ:

2. BÊN NHẬN TIỀN GỬI (Sau đây gọi là Bên B): …

Địa chỉ:

Điện thoại:

Đại diện:

Chức vụ:

Hai bên cùng thỏa thuận và thống nhất ký kết hợp đồng tiền gửi với các điều khoản như sau:

Điều 1. Định nghĩa

Trong Hợp đồng này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.1. “Hợp đồng” được hiểu là Hợp đồng tiền gửi hoặc ủy thác đầu tư.

1.2. “Số tiền gửi” được hiểu là khoản tiền gốc mà Bên A gửi cho Bên B nhận tiền gửi.

1.3. “Lãi suất tiền gửi” được hiểu là mức lãi suất mà Bên B phải trả cho Bên A trong thời gian nhận tiền gửi.

1.4. “Thời hạn tiền gửi” được hiểu là khoảng thời gian thỏa thuận trong hợp đồng tính từ khi Bên A giao cho Bên B đến khi đáo hạn.

1.5. “Thời gian gửi” là thời gian Bên B nhận được vốn trong tài khoản đến khi đáo hạn hoặc đến ngày rút vốn trước hạn theo quy định tại điểm 6.1 của hợp đồng này.

1.6. “Tiền lãi từ việc gửi tiền” được hiểu là khoản tiền mà Bên B phải trả cho Bên A trên cơ sở số tiền gửi, lãi suất tiền gửi và thời gian gửi tiền thực tế.

1.7. “Tài khoản tiền gửi” được hiểu là tài khoản mà Bên B mở cho Bên A khi nhận số tiền gửi được chuyển về từ tài khoản tiền gửi.

Điều 2. Nội dung gửi

Bằng Hợp đồng này, Bên A đồng ý gửi số tiền ghi tại điều 3.1 của Hợp đồng cho Bên B thực hiện việc quản lý và đầu tư dưới hình thức đầu tư tiền gửi hoặc các hoạt động kinh doanh ngân hàng khác và Bên B phải trả tiền tiền gửi cho Bên A theo quy định tại điểm 5.1 của hợp đồng này.

Điều 3. Số tiền, thời hạn, lãi suất

3.1. Số tiền gửi: …………………… Bằng chữ: ………………………………

3.2. Thời hạn gửi: …………….

Ngày hiệu lực: ………………..

Ngày hết hạn: ……………….

3.3. Lãi suất gửi: …………………. Lãi suất được tính trên cơ sở số ngày thực tế trong năm.

Điều 4. Thanh toán gốc và lãi

4.1. Tiền lãi sẽ được thanh toán một lần cùng với số tiền gửi khi đến hạn.

Số tiền lãi tiền gửi được tính theo công thức:

Số tiền lãi tiền gửi

=

Số tiền gửi x lãi suất x số ngày gửi thực tế

364/365 (ngày)

4.2. Trường hợp đến ngày đến hạn tiền gửi mà Bên A chưa có nhu cầu sử dụng số tiền gốc và lãi tiền gửi, Bên B sẽ chủ động nhập lãi vào gốc và chuyển sang kỳ hạn tiếp theo tương ứng với kỳ hạn gửi cũ. Lãi suất gửi của kỳ hạn tiếp theo do hai bên thỏa thuận.

4.3. Vào ngày đến hạn mà Bên A có văn bản thông báo cho Bên B về việc không gửi, Bên B sẽ chuyển trả số tiền gốc và lãi vào Tài khoản Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài của Bộ Tài chính, số …………………… tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam hoặc tài khoản theo chỉ dẫn của Bên A.

Điều 5. Rút vốn gửi trước hạn và lãi suất rút trước hạn

5.1. Trường hợp có nhu cầu rút vốn trước hạn (một phần hoặc toàn bộ), Bên A thông báo trước cho Bên B ít nhất 03 (ba) ngày làm việc.

5.2. Đối với số tiền gửi rút trước hạn: Bên A được hưởng lãi suất rút trước hạn tính trên số ngày thực tế đã gửi đối với số tiền thực rút. Cụ thể:

- Đối với số tiền rút trước hạn đã gửi dưới ………….. tháng, Bên A được hưởng lãi suất …………… %/năm.

- Đối với số tiền rút trước hạn đã gửi từ ………. tháng đến dưới ……………… tháng, Bên A được hưởng lãi suất …………..%/năm.

5.3. Đối với số tiền còn lại cho tới hạn thanh toán: Bên A được hưởng lãi suất gửi ghi tại điều 3.3. Hợp đồng này.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của các Bên

6.1. Quyền và nghĩa vụ của Bên A:

- Yêu cầu Bên B cung cấp thông tin liên quan đến khoản tiền gửi.

- Yêu cầu Bên B thanh toán đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi.

- Thực hiện đúng cam kết tại Hợp đồng này.

6.2. Quyền và nghĩa vụ của Bên B:

- Mở tài khoản tiền gửi cho Bên A.

- Thanh toán đầy đủ cả gốc và lãi.

- Cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến khoản tiền gửi theo yêu cầu của Bên A.

- Thực hiện đúng cam kết tại Hợp đồng này.

Điều 7. Điều khoản chung

7.1. Hai bên có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các điều khoản đã quy định trong Hợp đồng này. Mọi tranh chấp phát sinh giữa hai bên sẽ được giải quyết bằng thương lượng. Trong quá trình thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc thì phải thông báo cho nhau biết để cùng bàn bạc, tìm biện pháp xử lý thích hợp.

7.2. Hợp đồng này có hiệu lực từ ngày ký kết và coi như được thanh lý khi Bên B trả đầy đủ gốc và lãi cho Bên A.

7.3. Hồ sơ này được lập thành bốn (04) bản, có giá trị pháp lý như nhau. Bên A giữ hai (02) bản, Bên B giữ hai (02) bản.

ĐẠI DIỆN BÊN A

ĐẠI DIỆN BÊN B

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 54/2009/TT-BTC hướng dẫn lập, sử dụng và quản lý quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 54/2009/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/03/2009
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Xuân Hà
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 177 đến số 178
  • Ngày hiệu lực: 02/05/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản