Hệ thống pháp luật

BAN TỔ CHỨC-CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 54/1998/TT-TCCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 6 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ SỐ 54/1998/TT-TCCP NGÀY 04 THÁNG 06 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ NỘI DUNG NGHỊ ĐỊNH 47/CP NGÀY 3 THÁNG 5 NĂM 1997 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH THỦ TỤC GIẢI QUYẾT BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC, NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN CỦA CƠ QUAN TIẾN HÀNH TỐ TỤNG GÂY RA

Căn cứ Nghị định số 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra.
Để thực hiện thống nhất Nghị định của Chính phủ về việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức nhà nước gây ra, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn một số nội dung cụ thể sau đây:

1. Công chức viên chức nói trong Nghị định số 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ bao gồm các bộ, công chức được quy định tại Điều 1 Pháp lệnh cán bộ, công chức ban hành ngày 26 tháng 2 năm 1998.

2. Cơ quan nhà nước nói trong Nghị định 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ là các cơ quan, tổ chức sử dụng cán bộ, công chức nói tại điểm 1 Thông tư này.

3. Thiệt hại nói tại Nghị định 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ là thiệt hại thực tế do công chức, viên chức nhà nước gây ra trong khi thi hành công vụ.

4. Thực thi công vụ được hiểu là việc cán bộ, công chức nhà nước thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật phù hợp với chức danh công chức hoặc thực hiện một công việc được người phụ trách trực tiếp hay thủ trưởng đơn vị phân công. Công vụ có thể được thực thi tại công sở hoặc ngoài công sở; trong giờ hành chính hoặc ngoài giờ hành chính.

5. Trường hợp cán bộ, công chức nhà nước gây ra thiệt hại, người bị thiệt hại trực tiếp yêu cầu cơ quan nhà nước bồi thường thiệt hại thì Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm tiếp hoặc phân công cán bộ có trách nhiệm tiếp người bị hại.

Trường hợp người bị hại trình bày miệng, thì người tiếp phải lập biên bản ghi rõ nội dung trình bày và yêu cầu đòi bồi thường của người bị hại. Biên bản phải lập ít nhất hai bản như nhau và có chữ ký của người bị hại và người tiếp nhận yêu cầu. Bên bị hại giữ một bản, cơ quan giữ một bản. Người lập biên bản phải báo cáo nội dung biên bản với Thủ trưởng cơ quan xem xét giải quyết. Biên bản phải được lưu trữ tại cơ quan.

Trường hợp người bị thiệt hại có đơn thì người tiếp nhận đơn phải chuyển cho người có trách nhiệm vào sổ văn thư của cơ quan và báo cáo Thủ trưởng cơ quan giải quyết.

6. Sau khi nhận được yêu cầu đòi hỏi bồi thường của người bị hại, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được, Thủ trưởng cơ quan phải tổ chức xác minh vụ việc, sơ bộ đánh giá thiệt hại và gặp gỡ người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ để bàn việc giải quyết với sự có mặt cán bộ, công chức, gây ra thiệt hại.

Trường hợp thoả thuận được thì phải lập biên bản hoà giải thành có chữ ký của người bị hại, Thủ trưởng cơ quan và của cán bộ, công chức, gây ra thiệt hại.

Trường hợp không thoả thuận được thì cơ quan phải lập thành hồ sơ vụ việc đề nghị Toà án giải quyết.

7. Việc lập Hội đồng xét giải quyết bồi thường thiệt hại tại cơ quan do Thủ trưởng cơ quan quyết định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày người bị thiệt hại yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp Thủ trưởng cơ quan là người gây thiệt hại thì Thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp ra quyết định thành lập.

Thành phần Hội đồng gồm: thủ trưởng cơ quan hoặc phó Thủ trưởng cơ quan được Thủ trưởng cơ quan uỷ quyền là Chủ tịch Hội đồng; đại diện tổ chức công đoàn cùng cấp; đại diện cơ quan tài chính, vật giá cùng cấp; đại diện cơ quan chuyên ngành khoa học, kỹ thuật và đại diện cơ quan tư pháp cùng cấp.

Hội đồng có trách nhiệm xem xét, đánh giá mức độ thiệt hại, xác định trách nhiệm dân sự của các bên để kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quyết định mức và phương thức bồi thường thiệt hại.

Hội đồng tiến hành họp xét giải quyết bồi thường thiệt hại theo trình tự sau: Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký; Hội đồng nghe công bố yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của người bị hại, nghe giải trình của người gây thiệt hại và nghe báo cáo thẩm định của cơ quan chuyên môn (nếu có). Các báo cáo này có thể nghe trực tiếp hoặc bằng văn bản. Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số bằng cách bỏ phiếu kín. Kết quả được lập thành văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quyết định. Trường hợp cần thiết, có thể mời người bị thiệt hại và người gây thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ tham gia phiên họp của Hội đồng. Những người này không được biểu quyết. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

8. Sau khi việc bồi thường thiệt hại cho người bị hại được thực hiện, Thủ trưởng cơ quan phải thành lập Hội đồng xét giải quyết việc hoàn trả bồi thường thiệt hại.

Thành phần của Hội đồng gồm: Thủ trưởng cơ quan hoặc Phó thủ trưởng cơ quan được thủ trưởng cơ quan uỷ quyền là Chủ tịch Hội đồng; Chủ tịch công đoàn cơ sở; Người phụ trách đơn vị trực tiếp của người gây thiệt hại; Kế toán trưởng và một số chuyên gia pháp lý và ngành kinh tế kỹ thuật có liên quan. Hội đồng có nhiệm vụ kiến nghị với Thủ trưởng cơ quan về mức hoàn trả và phương thức hoàn trả bồi thường thiệt hại.

Việc xem xét, quyết định mức hoàn trả phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế, hoàn cảnh gia đình, nhân thân và tài sản của đương sự theo đúng quy định của pháp luật.

Hội đồng tiến hành họp xét giải quyết bồi thường thiệt hại theo trình tự sau: Chủ tịch Hội đồng công bố thành phần tham gia, cử thư ký; Hội đồng nghe giải trình của người gây thiệt hại và nghe ý kiến của các thành viên Hội đồng; Hội đồng thảo luận và quyết định theo đa số bằng hình thức bỏ phiếu kín. Kết quả được lập thành văn bản kiến nghị Thủ trưởng cơ quan quyết định. Hội đồng tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

9. Thủ trưởng cơ quan quyết định mức hoàn trả trên cơ sở đề nghị của Hội đồng và thông báo cho công chức, viên chức gây thiệt hại biết để thực hiện theo quy định của pháp luật. Các trường hợp miễn, giảm mức bồi hoàn phải ghi rõ căn cứ pháp lý và lý do giải quyết.

10. Trong trường hợp cán bộ, công chức gây thiệt hại không thống nhất với mức hoàn trả hoặc từ chối hoàn trả thì Thủ trưởng cơ quan phải lập hồ sơ yêu cầu Toà án giải quyết.

Trên đâu là một số nội dung cụ thể. Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ hướng dẫn nhằm thực hiện thống nhất việc giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước gây ra theo quy định tại Nghị định 47/CP ngày 3 tháng 5 năm 1997 của Chính phủ. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ánh cho Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ biết để xem xét, giải quyết hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Đỗ Quang Trung

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 54/1998/TT-TCCP hướng dẫn Nghị định 47/CP-1997 quy định thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại do công chức, viên chức Nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng gây ra do Ban Tổ Chức, Cán Bộ Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 54/1998/TT-TCCP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 04/06/1998
  • Nơi ban hành: Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ
  • Người ký: Đỗ Quang Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/06/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản