THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 535-TTg | Hà Nội, ngày 12 tháng 12 năm 1958 |
VỀ VIỆC LÃNH ĐẠO BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP
Từ Cách mạng tháng Tám đến nay, chúng ta đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và cũng cố chính quyền dân chủ nhân dân địa phương.
Chúng ta đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp năm 1946. Trong kháng chiến, mặc dù gặp nhiều khó khăn, chúng ta cũng đã tranh thủ tổ chức bầu lại Hội đồng nhân dân xã và tỉnh ở những vùng tự do và căn cứ du kích.
Hòa bình lập lại, chúng ta đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Thái – Mèo và Khu Tự trị Việt Bắc. Những hội nghị đại biểu nhân dân được tổ chức ở hầu hết các thành phố và thị xã. Cuối năm 1957, sau khi sắc luật bầu cử được ban hành, hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính. Gần đây các xã ngoại thành Hà Nội đã tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính xã. Các Khu Tự trị Thái – Mèo, Việt Bắc và Khu Lao – Hà – Yên đã tiến hành bầu cử thí điểm Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính ở một số xã.
Nhưng hiện nay đa số Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp chưa được bầu lại, do đó, tổ chức chính quyền của ta chưa thể hiện được đầy đủ nguyên tắc dân chủ tập trung của chế độ ta, và việc nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, giám đốc chính quyền chưa được đẩy mạnh.
Để đảm bảo nhiệm vụ củng cố và xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm chổ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, chính quyền các cấp cần được kiện toàn trên cơ sở thực hiện luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 31-05-1958 và sắc luật bầu cử ngày 20 tháng 07 năm 1957.
Công tác bầu cử lần này tiến hành trên một phạm vi rộng, chúng ta sẽ gặp những khó khăn sau đây:
1) Nước ta còn bị chia cắt làm hai miền. Ở miền Bắc có nhiều vùng khác nhau về địa dư, dân số, dân tộc, tôn giáo. Trình độ tư tưởng, chính trị ở các vùng không đều nhau, các tổ chức quần chúng có nơi còn non yếu.
2) Địch lợi dụng những khó khăn của ta để âm mưu phá hoại, chia rẽ nhân dân ta.
3) Bộ máy chính quyền của ta ở nhiều nơi còn yếu, trong khi đó chúng ta lại có nhiều công tác lớn phải làm như phải lãnh đạo sản xuất Đông Xuân, kiện toàn tổ chức v.v…
Bên cạnh những khó khăn nói trên, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi căn bản:
1) Cải cách ruộng đất căn bản đã hoàn thành thắng lợi. Công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa đã có những kết quả tốt. Đời sống của nhân dân nhất là ở nông thôn tương đối đã được cải thiện hơn trước, hầu hết nhân dân đã thoát nạn mù chữ, làm cho nhân dân càng tin tưởng vào Đảng và Chính phủ.
2) Chủ trương bầu cử Hội đồng nhân dân phù hợp với nguyện vọng thiết tha của nhân dân là yêu cầu mở rộng sinh hoạt dân chủ trong nhân dân. Bầu cử Hội đồng nhân dân lại tiến hành sau một vụ mùa thắng lợi và trong không khí phấn khởi củng cố và phát triển tổ đổi công, xây dựng hợp tác xã, thi đua sản xuất Đông – Xuân, nhân dân sẽ tích cực ủng hộ và hăng hái tham gia cuộc bầu cử.
3) Qua các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính ở hai Khu Tự trị Việt Bắc và Thái – Mèo, ở hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng, ở các xã ngoại thành Hà Nội và ở một số xã làm thí điểm ở các khu tự trị cũng như qua sự hoạt động của các cơ quan dân cử ấy chúng ta đã rút được một số kinh nghiệm.
4) Việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính kỳ này kết hợp với toàn bộ công tác kiện toàn tổ chức, nhất là công tác kiện toàn cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp, sẽ làm cho thắng lợi cuộc bầu cử thêm đảm bảo.
5) Thắng lợi các phe xã hội chủ nghĩa và trực tiếp nhất là những bước tiến khổng lồ của Liên Xô và bước nhảy vọt của Trung Quốc đã ảnh hưởng rất tốt đến tình hình nước ta, nhất là về các mặt tư tưởng, quan điểm lao động, sản xuất. Đó cũng là một điều rất thuận lợi cho cuộc bầu cử.
II. - MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA VÀ YÊU CẦU CỦA CUỘC BẦU CỬ
Cuộc bầu cử của Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp lần này là một cuộc vận động chính trị to lớn nhằm những mục đích, ý nghĩa sau đây:
1) Củng cố chế độ chuyên chính dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Kiện toàn tổ chức chính quyền theo đúng nguyên tắc dân chủ tập trung, tăng cường quan hệ giữa nhân dân và chính quyền, củng cố đoàn kết nội bộ, để hoàn thành nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
2) Mở rộng sinh hoạt dân chủ, nâng cao nhận thức dân chủ, nâng cao ý thức chủ nhân ông Nhà nước, củng cố đoàn kết toàn dân, làm cho nhân dân thực sự tham gia quản lý Nhà nước, giám đốc chính quyền, phát huy tinh thần tích cực và sáng tạo lao động xã hội chủ nghĩa của toàn dân.
3) Ảnh hưởng tốt đến miền Nam, làm cho nhân dân miền Nam thêm phấn khởi, tin tưởng vào miền Bắc, ra sức đấu tranh đòi thống nhất nước nhà; ảnh hưởng tốt ra ngoài nước.
Để cuộc bầu cử làm được tốt, thể hiện được những ý nghĩa to lớn nói trên, cần đạt được những yêu cầu sau đây:
1) Làm cho nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của cuộc bầu cử, hiểu rõ ý nghĩa chính trị của cuộc bầu cử để nhiệt liệt tham gia bầu cử thật đông đủ.
2) Làm cho tất cả cử tri hiểu rõ quyền bầu cử của mình, hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của người công dân trong việc quản lý Nhà nước, giám đốc chính quyền, nhận rõ trách nhiệm vinh quang bầu cử đại biểu của mình.
3) Làm cho nhân dân hiểu rõ và chọn đúng những đại biểu của mình là những người tiên tiến, thực sự tán thành và tích cực tham gia công cuộc xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
III. – PHƯƠNG CHÂM CỦA CUỘC VẬN ĐỘNG BẦU CỬ
Để cuộc vận động bầu cử được tốt, cần nắm vững những phương châm sau đây:
1) Chuẩn bị đầy đủ, chu đáo về mặt tư tưởng, tổ chức và phương tiện. Về phương pháp tiến hành, cần làm gọn, sát thực tế, thiết thực, nhưng đồng thời đề phòng tư tưởng làm qua loa vô trách nhiệm, làm cho có hình thức.
2) Bảo đảm pháp chế dân chủ, tôn trọng pháp luật và thể lệ tuyển cử. Thực sự dân chủ đi đôi với lãnh đạo chặt chẽ.
3) Bảo đảm đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn và thành thị và chính sách mặt trận trong cuộc bầu cử. Kiên quyết dựa vào các tổ chức quần chúng và tiến hành bầu cử.
4) Kết hợp chặt chẽ công cuộc vận động bầu cử với cuộc vận động sản xuất Đông-Xuân, với cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, đồng thời cũng không xem nhẹ những công tác quan trọng khác.
IV. - THỜI GIAN VÀ TRẬT TỰ TIẾN HÀNH BẦU CỬ CÁC CẤP
Việc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp cần được căn bản hoàn thành trong ba tháng đầu năm 1959.
Ngày bầu cử Hội đồng nhân dân cho cấp tỉnh đồng bằng và trung du sẽ định thống nhất một ngày vào giữa hoặc cuối tháng 03-1959. Ngày bầu cử Hội đồng nhân dân xã, thị trấn cũng nên thống nhất một ngày trong phạm vi mỗi tỉnh vào khỏang cuối tháng 02-1959. Hội đồng nhân dân thị xã có thể bầu cùng một ngày với Hội đồng nhân dân xã, thị trấn hoặc trước hay sau một tuần.
Ở các Khu Tự trị và tỉnh miền núi, ngày bầu cử Hội đồng nhân dân xã, thị trấn, thị xã do khu và tỉnh định; nếu có thể cũng nên tiến hành cùng một thời gian với miền xuôi. Gặp trường hợp khó khăn có thể hoàn thành sau, nhưng không nên kéo dài quá tháng 6-1059. Hội đồng nhân dân châu, tỉnh sẽ bầu sau ngày bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã, thị xã, thị trấn một tháng.
Ở những nơi cơ sở yếu, tình hình phức tạp, cần phải chuẩn bị nhiều, có thể tiến hành bầu cử sau một thời gian từ một đến hai tháng.
Để rút kinh nghiệm lãnh đạo chung, cần có trọng điểm chỉ đạo công tác bầu cử. Công tác bầu cử ở trọng điểm nên tiến hành trước một hoặc hai tuần.
1) Tuyên truyền giáo dục:
Công tác tuyên truyền giáo dục là một công tác quan trọng cần phải hết sức chú ý.
Chủ yếu là giáo dục cán bộ và nhân dân thật thấm nhuần mục đích và ý nghĩa cuộc bầu cử, tính chất của chế độ dân chủ nhân dân, tính chất và nhiệm vụ của chính quyền trong giai đoạn quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, luật lệ bầu cử. Việc giáo dục nhằm nâng cao thêm trình độ tư tưởng và chính trị cho cán bộ và nhân dân, đẩy mạnh tinh thần lao động xã hội chủ nghĩa, khắc phục các tư tưởng lệch lạc của một số cán bộ và nhân dân.
Tuyên truyền cần sâu rộng, thiết thực, liên tục. Phải có kế hoạch thích hợp với từng nơi, gây một phong trào hưởng ứng mạnh mẽ cuộc bầu cử trong nhân dân.
2) Lập danh sách cử tri:
Công tác lập danh sách cử tri là một công tác có tính chất chính trị.
Không bỏ sót một người có quyền bầu cử mà không ghi vào danh sách cử tri để đảm bảo quyền lợi bầu cử và ứng cử của mỗi người dân; mặt khác không ghi lầm vào danh sách cử tri một người nào không có quyền bầu cử. Đó có thể hiểu rõ tính chất dân chủ của chế độ ta, mỗi người dân đều có đầy đủ quyền lợi trong việc tham gia và quản lý chính quyền, đồng thời cũng biểu hiện tính chất chuyên chính của ta đối với kẻ thù. Vì vậy, công tác lập danh sách cử tri phải làm chu đáo và tốt để đảm bảo yêu cầu của cuộc bầu cử.
Nhân việc lập danh cử tri, nên kết hợp làm công tác thống kê dân số.
3) Lập danh sách người ứng cử vào Hội đồng nhân dân:
Công tác vận động ứng cử là một công tác rất quan trọng. Các cấp cần phải tăng cường lãnh đạo công tác này. Cần kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo và quần chúng, giữa hiệp thương của các đoàn thể và sự bàn bạc rộng rãi của cử tri. Theo luật bầu cử thì Mặt trận Tổ quốc giới thiệu danh sách cử tri, nhưng ở các xã, thị trấn không có Mặt trận Tổ quốc thì Nông hội phụ trách lập danh sách giới thiệu người ra ứng cử vào Hội đồng nhân dân. Ở một số nơi thuộc miền núi chưa có tổ chức quần chúng thì sẽ thành lập một Ban Vận động, giới thiệu người ra ứng cử gồm đại biểu các dân tộc, các ngành, các giới.
Các cấp chính quyền cần phối hợp công tác với Mặt trận, giúp đỡ Mặt trận những phương tiện cần thiết để làm nhiệm vụ.
4) Tổ chức việc nhân dân đi bầu cử:
Ngày bầu cử Hội đồng nhân dân phải là ngày hội lớn của toàn thể nhân dân.
Cần làm cho cử tri nhận rõ quyền bầu cử là quyền lợi thiêng liêng của mình, nhiệt liệt tham gia bầu cử và chọn người xứng đáng để bầu.
Cần có kế hoạch động viên nhân dân, đi sâu tìm hiểu để giải quyết những khó khăn cụ thể trong sinh hoạt, trong sản xuất để tất cả cử tri có điều kiện đi bỏ phiếu.
Cần có hình thức tuyên truyền, cổ động sôi nổi trong ngày bầu cử.
Địa điểm bầu cử cần được nghiên cứu bố trí để thuận lợi cho việc tổ chức và dễ dàng cho việc cử tri đi bỏ phiếu.
Sau khi được cấp trên chính thức tuyên bố kết quả hợp lệ của cuộc bầu cử, Hội đồng nhân dân các cấp sẽ bầu cử Ủy ban Hành chính theo như luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 31-05-1958 và sắc luật bầu cử ngày 20-07-1957 đã quy định.
5) Kết hợp đẩy mạnh công tác trước mắt:
Công tác bầu cử phải kết hợp với các công tác trước mắt, và có tác dụng đẩy mạnh các công tác đó. Có đảm bảo các công tác trước mắt nhất là công tác sản xuất Đông-Xuân tiến hành được tốt thì mới gây được tinh thần phấn khởi của cán bộ và nhân dân tham gia bầu cử; và có thông qua công tác trước mắt mới có nội dung thiết thực giáo dục cán bộ và nhân dân tham gia xây dựng chính quyền, quản lý công việc Nhà nước.
Để công tác bầu cử có thể kết hợp với các công tác khác ở địa phương, nhất là với công tác sản xuất Đông-Xuân, các cấp cần có lịch côn giác bầu cử kết hợp với công tác sản xuất Đông-Xuân và công tác chính khác.
Cần giáo dục cho cán bộ và nhân dân có ý thức và kế hoạch kết hợp công tác để các công tác đều có kết quả tốt.
6) Chỉ đạo bầu cử:
Thành phần Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp đã được quy định trong thông tư số 289-TTg ngày 10 tháng 06 năm 1958 của Thủ tướng Chính phủ.
Về số đại biểu quân đội trong Hội đồng nhân dân thì sẽ tùy theo tình hình của từng địa phương mà quy định.
Sắc luật bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp và luật tổ chức chính quyền địa phương đã được ban hành là những văn bản phản ảnh tính chất dân chủ thực sự của chế độ ta, là cơ sở pháp lý cho cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân. Vì vậy, tất cả cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cần nghiên cứu, nắm vững để áp dụng đúng đắn trong cuộc bầu cử này.
Ở các Khu Tự trị và tỉnh miền núi, cần căn cứ vào tinh thần của luật lệ mà áp dụng cho thích hợp với đặc điểm tình hình của địa phương.
Việc chỉ đạo thực hiện bầu cử Hội đồng nhân dân cấp khu, tỉnh do Bộ Nội vụ phụ trách. Việc chỉ đạo thực hiện bầu cử Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở Khu Tự trị Việt Bắc, cấp châu ở Khu Tự trị Thái – Mèo do Ủy ban Hành chính khu phụ trách. Việc chỉ đạo thực hiện bầu cử Hội đồng nhân dân cấp thị xã, thị trấn ở vùng nông thôn do Ủy ban Hành chính tỉnh phụ trách, ở vùng ngoại thành do Ủy ban Hành chính thành phố phụ trách, ở Khu Hồng Quảng do Ủy ban Hành chính khu phụ trách, ở các Khu Tự trị do Ủy ban Hành chính tỉnh hay châu phụ trách dưới sự hướng dẫn của Ủy ban Hành chính khu.
Ủy ban Hành chính các cấp cần phân công một số Ủy viên chuyên trách công tác bầu cử, cần có lực lượng cán bộ đầy đủ để giúp Ủy ban Hành chính các cấp trong công tác bầu cử.
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, các ngành và các đoàn thể nhân dân trong địa phương, phân công, phân nhiệm cụ thể, coi công tác bầu cử là một công tác quan trọng. Cơ quan tư pháp cần có kế hoạch giải quyết và giúp các tổ chức bầu cử giải quyết mọi việc khiếu nại hoặc xác định các quyền công dân trong những trường hợp chưa rõ ràng; các ngành Tuyên truyền, Văn hóa, Giáo dục cần có kế hoạch tuyên truyền giáo dục vận động cho công tác bầu cử.
Cần giữ đúng chế độ báo cáo, thỉnh thị, từ lúc chuẩn bị đến lúc kết thúc bầu cử.
Cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp lần này là một cuộc vận động chính trị rộng lớn, có tác dụng động viên và giáo dục chính trị cho nhân dân về ý thức tham gia, giám đốc chính quyền, quản lý Nhà nước, đồng thời nâng cao ý thức chủ nhân đất nước của nhân dân. Các cấp cần nhận rõ tầm quan trọng, mục đích ý nghĩa, yêu cầu và nắm vững phương châm, phương pháp, luật lệ, đồng thời căn cứ tình hình thực tế địa phương, quyết làm tốt công tác chính trị quan trọng này.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phạm Văn Đồng |
Thông tư 535-TTg năm 1958 về việc lãnh đạo bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban Hành chính các cấp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 535-TTg
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 12/12/1958
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Phạm Văn Đồng
- Ngày công báo: 24/12/1958
- Số công báo: Số 44
- Ngày hiệu lực: 27/12/1958
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định