Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 50/2019/TT-BTC

Hà Nội, ngày 08 tháng 08 năm 2019

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN BÁN ĐẤU GIÁ LÔ CỔ PHẦN KÈM NỢ PHẢI THU CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC CÓ CHỨC NĂNG MUA, BÁN, XỬ LÝ NỢ

Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

Căn cứ Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17/11/2016;

Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp,

Bộ Tài chính hướng dẫn bản đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ theo quy định Nghị định số 32/2018/NĐ-CP như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn việc bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 29a Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP).

2. Đối tượng áp dụng:

a) Doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ (sau đây gọi là doanh nghiệp mua bán nợ);

b) Công ty cổ phần (chưa niêm yết, đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán; đã niêm yết, đăng ký giao dịch nhưng không thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán) đồng thời có vốn góp và nợ phải thu của doanh nghiệp mua bán nợ;

c) Tổ chức đấu giá;

d) Nhà đầu tư tham gia mua lô cổ phần kèm nợ phải thu;

e) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. “Doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ”: là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có chức năng mua, bán, xử lý nợ của doanh nghiệp với các tổ chức tín dụng và các tổ chức, cá nhân khác.

2. “Bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu”: là việc bán đấu giá đồng thời lô cổ phần và khoản nợ phải thu của doanh nghiệp mua bán nợ tại doanh nghiệp khác.

3. “Tổ chức đấu giá” bao gồm: Sở Giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.

4. “Đấu giá không thành công” bao gồm các trường hợp sau:

a) Hết thời hạn đăng ký mà không có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá hoặc chỉ có 01 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá;

b) Sau khi nộp tiền đặt cọc đến hết thời hạn nộp phiếu tham dự đấu giá không có nhà đầu tư nào nộp phiếu tham dự đấu giá;

c) Không có nhà đầu tư nào trả giá tại cuộc đấu giá;

d) Tất cả các nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau đều từ chối mua hoặc từ chối bỏ phiếu kín;

đ) Nhà đầu tư trúng đấu giá nhưng từ chối mua;

e) Tất cả các nhà đầu tư vi phạm quy định của Quy chế đấu giá.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện và thẩm quyền quyết định

1. Việc bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp mua bán nợ thực hiện theo các nguyên tắc quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP).

2. Doanh nghiệp mua bán nợ thực hiện chuyển nhượng lô cổ phần kèm nợ phải thu theo kế hoạch kinh doanh và phương án được Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty phê duyệt theo thẩm quyền quy định.

3. Khi xây dựng phương án bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu, trường hợp giá trị chuyển nhượng dự kiến thu được thấp hơn giá trị ghi trên sổ sách kế toán của doanh nghiệp mua bán nợ và đã được trích lập dự phòng (cả phần vốn góp và phần nợ phải thu) thì việc quyết định phương án bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu thực hiện như sau:

a) Nếu khoản dự phòng đã trích lập bằng hoặc lớn hơn chênh lệch giữa giá trị dự kiến thu được so với giá trị ghi trên sổ sách kế toán (cả phần vốn góp và phần nợ phải thu), Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của doanh nghiệp mua bán nợ quyết định phương án bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu;

b) Nếu khoản dự phòng đã trích lập nhỏ hơn chênh lệch giữa giá trị ghi trên sổ kế toán (cả phần vốn góp và phần nợ phải thu) với giá trị chuyển nhượng dự kiến thu được, sau khi báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu nguyên nhân phát sinh khoản chênh lệch để xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan trong quản lý vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp (nếu có), Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của doanh nghiệp mua bán nợ quyết định phương án chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu theo hình thức bán đấu giá theo lô.

4. Toàn bộ số lượng cổ phần chào bán (toàn bộ hoặc một phần vốn góp tại doanh nghiệp) và khoản nợ phải thu kèm theo được xác định là một lô. Nhà đầu tư tham gia đấu giá phải mua cả lô cổ phần kèm nợ phải thu. Công ty cổ phần có vốn góp và nợ phải thu của doanh nghiệp mua bán nợ không được tham gia đấu giá cả lô cổ phần kèm nợ phải thu của chính doanh nghiệp mình. Nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cả lô cổ phần kèm nợ phải thu không phải thực hiện thủ tục chào mua công khai.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Giá khởi điểm bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu

Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty của doanh nghiệp mua bán nợ quyết định giá khởi điểm bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu nhưng không thấp hơn giá khởi điểm lô cổ phần cộng với giá khởi điểm khoản nợ phải thu, cụ thể:

1. Giá khởi điểm lô cổ phần được xác định không thấp hơn giá trị của một cổ phần nhân với số lượng cổ phần chào bán theo lô và theo nguyên tắc quy định tại điểm c khoản 1 Điều 29 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP).

2. Giá khởi điểm khoản nợ phải thu không thấp hơn giá trị xác định lại do tổ chức có chức năng thẩm định giá thực hiện. Việc xác định giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá và pháp luật có liên quan.

Điều 5. Tổ chức thực hiện đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu

1. Doanh nghiệp mua bán nợ ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá để tổ chức bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu.

2. Tổ chức đấu giá ban hành quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá. Chủ tịch Hội đồng bán đấu giá là đại diện của doanh nghiệp mua bán nợ.

3. Căn cứ Quy chế mẫu về bán đấu giá theo lô chuyển nhượng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành và các quy định tại Thông tư này, tổ chức đấu giá ban hành Quy chế bán đấu giá cả lô cổ phần kèm nợ phải thu sau khi thống nhất với doanh nghiệp mua bán nợ. Quy chế đấu giá phải bao gồm một số nội dung chính: quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên có liên quan trong quá trình thực hiện bán đấu giá; quy định về việc công bố thông tin cuộc đấu giá (nội dung công bố, phương tiện công bố); quy định đối tượng tham gia, thủ tục tham gia đấu giá, thông báo kết quả đấu giá (bao gồm nội dung thông tin: Thời hạn nộp tiền, nội dung nộp tiền, đơn vị thụ hưởng, địa chỉ, số tài khoản); giá khởi điểm của lô cổ phần kèm nợ phải thu; tiền đặt cọc và xử lý tiền đặt cọc; thủ tục chuyển quyền sở hữu cổ phần, chuyển quyền chủ nợ đối với khoản nợ, xử lý các trường hợp vi phạm.

Điều 6. Lập hồ sơ đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu

1. Hồ sơ bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu bao gồm:

a) Quyết định của cấp có thẩm quyền về phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn góp kèm nợ phải thu;

b) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp mua bán nợ là chủ sở hữu hợp pháp với phần vốn góp tại công ty cổ phần;

c) Tài liệu liên quan đến khoản nợ: Biên bản đối chiếu công nợ tại thời điểm gần nhất với thời điểm công bố thông tin, trong đó bao gồm cả nợ gốc và nợ lãi (nếu có); Thông tin về tài sản bảo đảm khoản nợ (nếu có) và giá trị tài sản bảo đảm (giá trị sổ sách; giá trị định giá lại) và các tài liệu khác có liên quan đến khoản nợ (nếu cần);

d) Chứng thư thẩm định giá;

đ) Bản công bố thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, trong đó bổ sung thông tin về khoản nợ bán kèm lô cổ phần gồm: giá trị khoản nợ (giá trị sổ sách, giá trị xác định lại), thông tin về tài sản bảo đảm khoản nợ (nếu có) và giá trị tài sản bảo đảm (giá trị sổ sách, giá trị định giá lại);

e) Quy chế bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu.

2. Doanh nghiệp mua bán nợ có trách nhiệm lập hồ sơ bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu, phối hợp với tổ chức đấu giá để thực hiện công bố thông tin và tổ chức bán đấu giá theo quy định.

Điều 7. Công bố thông tin

Việc thực hiện công bố thông tin thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 29a Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP), cụ thể như sau:

1. Doanh nghiệp mua bán nợ/tổ chức đấu giá thực hiện công khai thông tin hồ sơ đấu giá đã lập theo quy định cho các nhà đầu tư trước ngày đấu giá tối thiểu là 20 (hai mươi) ngày tại trụ sở chính của doanh nghiệp mua bán nợ, trụ sở chính của công ty cổ phần có lô cổ phần và nợ bán đấu giá, địa điểm bán đấu giá, trên phương tiện thông tin đại chúng (ba số báo liên tiếp của một tờ báo phát hành trong toàn quốc và một tờ báo địa phương nơi doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua bán nợ có trụ sở chính, công ty cổ phần có trụ sở chính) và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức đấu giá, doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua bán nợ, công ty cổ phần có lô cổ phần và nợ bán đấu giá (nếu có).

2. Doanh nghiệp mua bán nợ/tổ chức đấu giá khi thực hiện công bố thông tin về việc đấu giá đồng thời gửi hồ sơ đấu giá đã lập theo quy định đến cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp), không phải gửi hồ sơ đến Ủy ban chứng khoán nhà nước.

Điều 8. Thực hiện bán đấu giá

1. Cuộc đấu giá được tổ chức tại trụ sở của tổ chức đấu giá, doanh nghiệp mua bán nợ hoặc địa điểm khác theo thỏa thuận của doanh nghiệp mua bán nợ và tổ chức đấu giá.

2. Trong thời hạn quy định tại Quy chế bán đấu giá, nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia đấu giá thực hiện đăng ký đấu giá và thực hiện nộp tiền đặt cọc. Doanh nghiệp mua bán nợ quyết định tỷ lệ đặt cọc của nhà đầu tư nhưng không thấp hơn 10% tổng giá trị lô cổ phần kèm nợ phải thu tính theo giá khởi điểm.

Sau khi đăng ký đấu giá và hoàn tất thủ tục đặt cọc, nhà đầu tư được tổ chức đấu giá cung cấp phiếu tham dự đấu giá để thực hiện đặt giá mua (giá đấu).

3. Trong thời hạn quy định tại quy chế bán đấu giá, các nhà đầu tư ghi giá đặt mua (giá đấu) vào phiếu tham dự đấu giá và bỏ phiếu trực tiếp tại địa điểm tổ chức đấu giá hoặc bỏ phiếu qua đường bưu điện theo quy định tại Quy chế bán đấu giá cổ phần. Mỗi nhà đầu tư chỉ được cấp một phiếu tham dự đấu giá và chỉ được bỏ một mức giá cho toàn bộ lô cổ phần kèm nợ phải thu.

Điều 9. Xác định kết quả đấu giá

1. Giá đấu hợp lệ là mức giá không thấp hơn giá khởi điểm theo quy định tại Quy chế đấu giá.

2. Giá trúng đấu giá được xác định là mức giá hợp lệ nhà đầu tư đặt mua cao nhất.

3. Trường hợp có từ 02 nhà đầu tư trở lên trả mức giá cao nhất bằng nhau và không thấp hơn mức giá khởi điểm thì thực hiện bỏ phiếu kín giữa các nhà đầu tư cùng trả mức giá này cho đến khi xác định được một nhà đầu tư có mức giá đặt mua cao nhất và duy nhất. Mức giá bỏ phiếu kín là mức giá không thấp hơn mức giá đấu mà các nhà đầu tư đã trả cao nhất bằng nhau theo bước giá quy định tại Quy chế đấu giá.

Nhà đầu tư có mức giá đặt mua cao nhất khi bỏ phiếu kín là nhà đầu tư trúng giá và sẽ được mua toàn bộ lô cổ phần và nợ phải thu do doanh nghiệp mua bán nợ chào bán.

Trường hợp các nhà đầu tư trả giá cao nhất bằng nhau đều từ chối bỏ phiếu kín thì nhà đầu tư trả giá cao nhất tiếp theo nhưng không thấp hơn giá khởi điểm được xác định là trúng giá.

Điều 10. Xử lý kết quả đấu giá

1. Ngay sau khi kết thúc cuộc đấu giá, căn cứ kết quả đấu giá, Tổ chức đấu giá có trách nhiệm lập Biên bản xác định kết quả đấu giá; Tổ chức đấu giá, doanh nghiệp mua bán nợ đồng ký biên bản xác định kết quả đấu giá. Biên bản xác định kết quả đấu giá được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP, trong đó: nêu cụ thể giá khởi điểm của lô cổ phần kèm nợ phải thu, giá khởi điểm lô cổ phần và giá khởi điểm khoản nợ phải thu.

2. Trong thời gian tối đa 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đấu giá, doanh nghiệp mua bán nợ/tổ chức đấu giá phối hợp công bố kết quả đấu giá tại địa điểm đấu giá, trên trang thông tin điện tử của tổ chức đấu giá, doanh nghiệp mua bán nợ và thông báo cho nhà đầu tư trúng đấu giá kết quả trúng giá.

3. Trong thời hạn tối đa 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày công bố kết quả bán đấu giá cổ phần, căn cứ thông báo trúng đấu giá, nhà đầu tư thực hiện thanh toán phần còn lại tiền mua lô cổ phần kèm nợ phải thu theo giá trúng đấu giá sau khi trừ đi số tiền đặt cọc. Trong thời hạn này, doanh nghiệp mua bán nợ phối hợp với tổ chức bán đấu giá hoàn trả tiền đặt cọc cho các nhà đầu tư không trứng đấu giá và không vi phạm Quy chế bán đấu giá. Nhà đầu tư vi phạm Quy chế đấu giá thì không được hoàn trả tiền đặt cọc.

4. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp tiền của nhà đầu tư, tổ chức đấu giá có trách nhiệm chuyển tiền thu từ bán lô cổ phần kèm nợ phải thu và danh sách nhà đầu tư đã nộp tiền cho doanh nghiệp mua bán nợ.

Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày hết hạn nộp tiền của nhà đầu tư, doanh nghiệp mua bán nợ gửi hồ sơ bao gồm: Quyết định phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu của cấp có thẩm quyền, văn bản đề nghị và Biên bản xác định nhà đầu tư trúng đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu (bao gồm cả danh sách nhà đầu tư đã nộp tiền) đến Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (trường hợp bán đấu giá cổ phần tại công ty cổ phần đã đăng ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam). Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của doanh nghiệp mua bán nợ, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có trách nhiệm thực hiện chuyển quyền sở hữu cổ phần của phần vốn doanh nghiệp mua bán nợ đã chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác theo hồ sơ doanh nghiệp mua bán nợ gửi Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Trường hợp doanh nghiệp mua bán nợ bán đấu giá cổ phần chưa đăng ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam, thủ tục chuyển quyền sở hữu cổ phần giữa doanh nghiệp mua bán nợ và nhà đầu tư sau khi nhà đầu tư hoàn thành nộp tiền mua cổ phần thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp, điều lệ công ty cổ phần.

Doanh nghiệp mua bán nợ có trách nhiệm phối hợp với công ty cổ phần hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu cổ phần kèm nợ phải thu cho nhà đầu tư, công khai thông tin về thủ tục và thời gian cụ thể việc hoàn thành chuyển quyền sở hữu cổ phần kèm nợ phải thu cho nhà đầu tư biết khi tổ chức thực hiện bán đấu giá.

5. Trong thời gian tối đa 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày kết thúc đợt đấu giá, doanh nghiệp mua bán nợ phải báo cáo kết quả đấu giá cả lô cổ phần kèm nợ phải thu, gửi cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp).

6. Căn cứ giá trị khoản nợ và giá trị lô cổ phần khi xác định giá khởi điểm theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, doanh nghiệp mua bán nợ quyết định việc phân bổ tiền thu từ bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu cho lô cổ phần và khoản nợ theo nguyên tắc số tiền phân bổ không thấp hơn giá khởi điểm bán đấu giá của lô cổ phần và của khoản nợ.

7. Trường hợp đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu không thành công, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty của doanh nghiệp mua bán nợ quyết định chuyển sang thực hiện theo phương thức khác quy định tại khoản 2 Điều 29a Nghị định số 91/2015/NĐ-CP (được bổ sung tại khoản 13 Điều 1 Nghị định số 32/2018/NĐ-CP).

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm của doanh nghiệp mua bán nợ

1. Chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc chuyển nhượng cổ phần kèm nợ phải thu theo quy định tại Thông tư này.

2. Lập hồ sơ, công khai thông tin và gửi hồ sơ bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu theo quy định tại Thông tư này.

3. Ký biên bản xác định kết quả đấu giá và công bố kết quả đấu giá theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 10 Thông tư này.

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức đấu giá

1. Quyết định thành lập Hội đồng bán đấu giá và ban hành Quy chế bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu.

2. Phối hợp với doanh nghiệp mua bán nợ công bố thông tin và báo cáo kết quả bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu theo quy định tại Thông tư này.

3. Thực hiện việc đấu giá theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 13. Trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn góp và nợ phải thu của doanh nghiệp mua bán nợ

1. Phối hợp, cung cấp các thông tin cần thiết để doanh nghiệp mua bán nợ lập hồ sơ bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu theo quy định.

2. Phối hợp với doanh nghiệp mua bán nợ/tổ chức bán đấu giá thực hiện chuyển quyền sở hữu phần vốn góp và quyền chủ nợ của khoản nợ phải thu cho nhà đầu tư trúng đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu.

Điều 14. Trách nhiệm của nhà đầu tư

1. Nhà đầu tư tham gia mua cổ phần có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định tại Quy chế bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu và quy định tại Thông tư này.

2. Trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng vốn kèm nợ phải thu của công ty đại chúng và trở thành cổ đông lớn thì nhà đầu tư thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của pháp luật về chứng khoán.

Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 10 năm 2019.

2. Doanh nghiệp mua bán nợ, tổ chức đấu giá và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp mua bán nợ chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu xem xét, xử lý.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 50/2019/TT-BTC hướng dẫn bán đấu giá lô cổ phần kèm nợ phải thu của doanh nghiệp nhà nước có chức năng mua, bán, xử lý nợ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 50/2019/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/08/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Huỳnh Quang Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 743 đến số 744
  • Ngày hiệu lực: 01/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản