Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG-BỘ NỘI VỤ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 49-TTLB

Hà Nội, ngày 10 tháng 07 năm 1958

THÔNG TƯ

BỔ SUNG CHẾ ĐỘ GIỮ TRẺ

Qua quá trình thi hành Thông tư số 02-LB/CB ngày 16-05-1954 về chế độ giữ trẻ, Liên Bộ nhận định:

Chế độ giữ trẻ đã giúp cho nữ cán bộ, công nhân, viên chức khắc phục được nhiều khó khăn, hăng hái tham gia công tác và sản xuất. Các cơ quan, xí nghiệp cần nhận rõ điều đó để làm cho công tác giữ trẻ ngày càng tốt hơn vì nó thể hiện chính sách của Đảng và Chính phủ đối với phụ nữ và nhi đồng, đồng thời giúp thiết thực đẩy mạnh công tác và sản xuất phù hợp với đường lối tiến lên xã hội chủ nghĩa của miền Bắc nước ta.

Chế độ giữ trẻ là một chế độ xã hội, nhưng hiện nay về tổ chức và trợ cấp vẫn còn có tính chất bán cung cấp. Nhất là về tổ chức cồng kềnh lại phân tán nên hiệu suất công tác giữ trẻ kém (vì nghiệp vụ không được đề cao) năng suất người giữ trẻ quá thấp (một người giữ 2, 3 cháu). Người giữ trẻ không có điều kiện tiến bộ về nghiệp vụ.

Mặt khác các bà mẹ có con cũng chưa có quan niệm đúng đắn về trách nhiệm của người mẹ nuôi con là chính, Chính phủ chỉ giúp đỡ một phần.

Hơn nữa, việc thi hành chế độ giữ trẻ chỉ mới giải quyết cho nữ cán bộ, công nhân, nhân viên kháng chiến. Còn số đông nữ công nhân, nhân viên mới tuyển sau hòa bình hay lưu dụng đều chưa được hưởng chế độ đó. Do đó cũng gây nhiều thắc mắc trong công nhân viên chức.

Đi đôi với việc thi hành chế độ lương mới, cần phải nghiên cứu ban hành chế độ giữ trẻ thích hợp với hoàn cảnh mới, và thi hành thống nhất cho tất cả loại nữ công nhân, viên chức. Nhưng trong khi chờ nghiên cứu theo hướng trên, Liên Bộ nhận thấy cần phải giải quyết một số việc cần thiết nhằm uốn nắn những lệch lạc trong việc thi hành chế độ giữ trẻ hiện nay, củng cố tổ chức giữ trẻ, nâng mức phục vụ của người giữ trẻ, giảm bớt chi tiêu và cần tổ chức những nhóm trẻ mà nữ công nhân, nhân viên gửi con có trả tiền để giải quyết khó khăn cho chị em, bảo đảm sản xuất. Liên Bộ quy định một số điểm cụ thể sau đây:

I. - TỔ CHỨC GIỮ TRẺ

a) Nhiệm vụ người giữ trẻ:

Người giữ trẻ có nhiệm vụ trông nom các cháu để mẹ các cháu có thể đi làm việc trong giờ chính quyền, giờ sản xuất, đồng thời phối hợp với cha mẹ dạy dỗ các cháu theo phương pháp mới.

Cụ thể:

- Đối với các cháu dưới 2 năm: Người giữ trẻ nấu cho các cháu ăn, chỉ giặt tã cho các cháu dưới 6 tháng, cho cháu ngủ, ỉa đái, rửa mặt mũi chân tay.

- Đối với các cháu trên 2 đến 3 năm: Người giữ trẻ nấu cho các cháu ăn, hướng dẫn các cháu chơi, cho các cháu ngủ, ỉa đái, rửa mặt mũi tay chân.

Việc tắm và giặt quần áo do cha mẹ các cháu tự lo.

b) Tiêu chuẩn giữ trẻ:

- Đối với các cơ sở tập trung đông cháu (thành phố Hà Nội, Hải Phòng, xí nghiệp đông phụ nữ):

5 cháu dưới 2 năm: một người trông.

Từ 10 cháu trở lên: cứ thêm 6 cháu có một người trông.

10 cháu trên 2 đến 3 năm một người trông.

Từ 20 cháu trở lên cứ thêm 12 cháu một người trông.

- Đối với các cơ sở lẻ tẻ ít cháu ở các nơi khác:

4 cháu dưới 2 năm một người trông

8 cháu trên 2 đến 3 năm một người trông.

Những trường hợp số cháu lẻ chưa đủ theo quy định để có thêm 1 người trông thì giải quyết như sau:

Nếu nhóm trẻ đã có từ 4 người trông trở lên thì phải đúng số cháu theo quy định mới được tuyển thêm một người, khi có các cháu lẻ thì động viên chị em tăng hiệu suất giữ thêm cháu. Ví dụ: nhóm trẻ có 22 cháu (dưới 2 năm) có 4 người trông. Khi lên đến 24, 25, 27 cháu (dưới 2 năm) vẫn 4 người trông. Đến 28 cháu (dưới 2 năm) mới được tuyển thêm một người nữa.

Nếu nhóm trẻ dưới 4 người trông thì khi số cháu lẻ quá nửa số quy định của một người mới được tuyển thêm một người nữa.

Ví dụ: Loại cơ sở tập trung:

1) 5 cháu (dưới 2 năm) một người trông

7 cháu ( __ nt __ ) vẫn một người trông

8 cháu ( __ nt __ ) có thể 2 người trông

2) 16 cháu (dưới 2 năm) 3 người trông

19 cháu ( __ nt __ ) vẫn 3 người trông

20 cháu ( __ nt __ ) có thể 4 người trông.

Loại cơ sở lẻ tẻ:

4 cháu (dưới 2 năm) một người trông

6 cháu ( __ nt __ ) vẫn một người trông

7 cháu ( __ nt __ ) có thể 2 người trông

Nếu tính chung cháu lớn, cháu bé thì cứ 2 cháu lớn bằng một cháu bé.

Để làm tốt công tác giữ trẻ, đảm bảo được nhiệm vụ, tiêu chuẩn trên, các cơ quan ở gần nhau nên tổ chức nhóm trẻ liên cơ quan (mỗi nhóm vào khoảng từ 3, 4 người giữ trẻ trở lên). Các Bộ, các Ngành, Ủy ban Hành chính các cấp cần xét tình hình cụ thể cơ quan hay địa phương để quy định việc tổ chức nhóm trẻ liên cơ quan; nhất là các nơi lẻ tẻ ít cháu phải tổ chức nhóm trẻ liên cơ quan để có thể áp dụng đúng theo tiêu chuẩn quy định.

Trường hợp cá biệt ở một số nơi lẻ tẻ, sau khi đã liên cơ quan rồi nhưng vẫn chưa đủ số cháu tối thiểu của 1 người trông thì tuy có 3 cháu dưới 2 năm cũng có thể cử 1 người trông. Nếu là cháu trên 2 trên 3 năm thì 6 cháu cũng có thể cử 1 người trông.

Khi tổ chức nhóm trẻ liên cơ quan thì do cơ quan đông cháu nhất, ở trung tâm hoặc có điều kiện thu xếp nhà cửa chịu trách nhiệm chính, các cơ quan khác cũng tham gia vào Ban quản trị nhóm trẻ.

Trường hợp một số nữ cán bộ, công nhân viên vì ở xa nhóm trẻ của cơ quan mình công tác thì được gửi con ở nhóm trẻ của cơ quan khác gần nơi các chị em ở (do cơ quan thảo luận với cơ quan bạn).

Khi tổ chức liên cơ quan, chi phí cho nhóm trẻ (gồm nhà cửa, dụng cụ, lương người giữ trẻ...) sẽ giải quyết như sau:

- Nếu gồm các cơ quan hành chính, sự nghiệp thì do một cơ quan dự toán và chi.

- Nếu gồm các doanh, xí nghiệp thì do một cơ quan chịu trách nhiệm chi, các cơ quan khác đóng góp theo tỷ lệ số cháu gửi vào nhóm.

- Trường hợp phải tổ chức gồm cơ quan hành chính, sự nghiệp và doanh xí nghiệp thì cũng do một cơ quan chi, các cơ quan khác đóng góp như trên.

Những người giữ trẻ nghỉ vì ốm đau dài hạn (1 tháng trở lên) hay nghỉ đẻ thì phải chuyển người ở các bộ phận khác đến thay, nếu không thì phải tuyển người mới theo hợp đồng để tạm thay thế đảm bảo cho chị em giữ cháu đúng theo tiêu chuẩn trên. Thời gian người giữ trẻ nghỉ dưới 01 tháng, cơ quan nên sắp xếp chị em có con thay phiên nhau giúp nhóm trẻ bảo đảm công tác.

c) Thì giờ là việc của các nhóm trẻ:

Các nhóm trẻ phải tổ chức làm việc theo giờ làm việc của mẹ các cháu.

Những nơi nữ cán bộ, công nhân làm theo ca, kíp, thì nhóm trẻ phải bố trí theo ca, kíp. Những nơi có từ 2 người (có con gửi nhóm) trở lên phải thức đêm thì nhóm trẻ cũng bố trí như ca, kíp.

Nhóm trẻ cần phân công trực nhật làm việc trước và sau giờ chính quyền 15 phút (coi là chế độ công tác, không có phụ cấp làm thêm giờ) để mẹ các cháu có đủ thì giờ gửi và nhận con trước khi đi đến cơ quan và sau khi ở cơ quan trở về, đảm bảo kỷ luật công tác của mẹ các cháu.

Các nhóm trẻ căn cứ vào quy định trên vạch nội quy cụ thể để phân công giữa chị em giữ trẻ.

II. – TỔ CHỨC NHÓM TRẺ CHO SỐ NỮ CÔNG NHÂN, NHÂN VIÊN CHƯA ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ GIỮ TRẺ

Chế độ giữ trẻ đã ban hành chỉ áp dụng cho nữ công nhân, nhân viên kháng chiến. Số nữ công nhân, nhân viên hưởng lương khôi phục, nguyên lương, công nhật thường xuyên (trước đây), chưa có nơi gửi con gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất.

Trong hoàn cảnh hiện nay chưa thể mở rộng và thống nhất chế độ giữ trẻ được, nhưng cần phải giúp chị em giải quyết một phần khó khăn về con cái, đảm bảo sản xuất, các cơ quan, xí nghiệp cần tổ chức nhóm trẻ mà các chị em gửi con phải trả tiền.

- Về chi phí: do chị em có con đóng góp. Tùy theo khả năng các cơ quan, xí nghiệp giúp đỡ một phần chi phí về nhà cửa dụng cụ và lương người giữ trẻ. Cơ quan, xí nghiệp cần cố gắng giúp giải quyết nhà giữ trẻ.

- Tiền đóng góp của chị em có con gửi vào nhóm sẽ tùy hoàn cảnh sản xuất từng xí nghiệp, tùy khả năng của chị em, các xí nghiệp có thể định mức thích đáng.

- Về tổ chức thì dựa theo quy định ở mục I.

- Tổ chức những nhóm trẻ này chỉ nhằm giải quyết cho số nữ công nhân, nhân viên gặp khó khăn nhất về con cái (không thể tự giải quyết được) vì khả năng tổ chức có hạn, không thể phát triển được nhiều.

- Các Bộ sở quan sẽ có hướng dẫn cụ thể về cách tổ chức nhóm trẻ này cho các cơ quan, xí nghiệp thi hành.

III. - MỘT SỐ VĂN ĐỀ PHẢI GIẢI QUYẾT VỀ CHẾ ĐỘ GIỮ TRẺ TRONG KHI TIẾN HÀNH KIỆN TOÀN TỔ CHỨC

Trong khi thực hiện chủ trương chung về vấn đề "kiện toàn tổ chức, chấn chỉnh biên chế, điều chỉnh cán bộ, đưa người sang mặt trận sản xuất", Liên Bộ nói rõ: chế độ giữ trẻ vẫn duy trì nhưng có sửa đổi theo quy định ở mục I. Như thế tức là thực hiện theo Thông tư này, các nhóm trẻ sẽ được chấn chỉnh. Có một số nhân viên giữ trẻ thừa ra sẽ được chuyển sang mặt trận sản xuất.

Khi sắp xếp tổ chức cần chú ý mấy điểm sau đây để đảm bảo duy trì tốt tổ chức giữ trẻ và ngày càng được cải tiến:

- Số người giữ trẻ có khả năng nên giữ lại (có sức khỏe, không có bệnh lây, yêu trẻ v.v...)

- Số người giữ trẻ tuy có cơ sở sản xuất xin về nhưng xét thấy cần thiết cho công tác của nhóm trẻ thì nên giữ lại.

- Những người xét thấy không thích hợp với công tác giữ trẻ thì chuyển sang sản xuất hay công tác khác.

- Khi người giữ trẻ xin về sản xuất hay đi công tác khác thì chủ yếu là điều chỉnh số nữ nhân viên ở các công tác khác sang thay. Nhưng trường hợp thật đặc biệt nếu thiếu người mới tuyển người mới theo hợp đồng vào tạm thay thế (theo Thông tư số 2781-CB của Bộ nội vụ).

Một số nơi vì hiểu lầm đã giải tán nhóm trẻ trợ cấp tiền theo Thông tư số 36 nay chị em có con yêu cầu thì có thể cho tổ chức lại theo Thông tư này. Khi tổ chức lại việc sắp xếp người cũng làm theo cách trên đây. Trường hợp thật đặc biệt các bà mẹ không yêu cầu tổ chức mà có thể tự giải quyết được không ảnh hưởng đến công tác thì mới không tổ chức lại. Ví dụ: có thể có hai trường hợp:

- Nhóm trẻ có 3 cháu (3 mẹ) khi giải tán có 2 mẹ có người trông rồi mà nay không yêu cầu tổ chức lại thì có thể không tổ chức lại.

- Nhóm trẻ có 5 cháu (5 mẹ) giải tán trợ cấp tiền, nay 3 mẹ yêu cầu tổ chức lại thì dứt khoát không trợ cấp tiền (cả 5 người) mà phải tổ chức lại nhóm trẻ.

- Riêng doanh xí nghiệp nếu đã giải tán thì nhất thiết phải tổ chức lại nhóm trẻ theo Thông tư này để đảm bảo sản xuất cho chị em có con mọn.

IV. - VIỆC THI HÀNH THÔNG TƯ SỐ 36

Liên Bộ xác định lại tinh thần Thông tư, số 36-TTLB ngày 19 tháng 10 năm 1957 trợ cấp tiền giữ trẻ, chỉ áp dụng cho nữ cán bộ công tác lẻ tẻ, cơ quan không có nhóm trẻ như nữ giáo viên dạy lẻ tẻ hay công tác lưu động thường xuyên không tiện gửi con vào nhóm trẻ như cán bộ phụ nữ huyện với điều kiện đã liên cơ quan nhưng không tổ chức được nhóm trẻ. Ngoài ra có tạm giải quyết thêm cho những nơi thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp đã giải tán nhóm trẻ trợ cấp tiền cho chị em rồi mà nay chưa tổ chức lại nhóm trẻ được.

Những trường hợp khác đều không áp dụng trợ cấp trên.

Những nơi áp dụng không đúng với tinh thần trên, từ nay chấm dứt. Trường hợp đã được hưởng rồi không truy hoàn.

Thông tư số 36 vẫn không áp dụng cho doanh, xí nghiệp.

V. – QUY ĐỊNH CHUNG

Đối với nam cán bộ, công nhân viên gặp trường hợp vợ chết con dưới 3 tuổi, phải tự nuôi lấy, không thể gửi người nào khác thì có thể được gửi con vào nhóm trẻ như nữ cán bộ, công nhân viên. Trường hợp khác không thi hành.

Thông tư số 36 đã quy định bãi bỏ chế độ giữ trẻ riêng cho nữ cán bộ lãnh đạo, nơi nào còn thi hành từ nay chấm dứt, kể cả việc tuyển người giữ trẻ riêng cho một số nam cán bộ lãnh đạo.

Dụng cụ vườn trẻ vẫn thi hành theo Thông tư số 568-TC/HCP ngày 16 tháng 09 năm 1955 của Bộ Tài chính.

Để thi hành Thông tư này có kết quả, các cơ quan có trách nhiệm cần nghiên cứu kỹ những quy định trên, đặc biệt chú ý mục I và II để giải thích cho nhân viên giữ trẻ và các bà mẹ thông suốt nhận rõ trách nhiệm, đề cao ý thức xây dựng nhóm trẻ ngày càng tốt. Các cơ quan, xí nghiệp cần làm cho nữ công nhân, nhân viên thông suốt trong thời gian chờ đợi nghiên cứu tiến tới thống nhất chế độ giữ trẻ vẫn còn phải duy trì hai hình thức tổ chức nhóm trẻ (loại có trả tiền, loại không) để tránh suy tị ảnh hưởng đến đoàn kết.

Để giúp Liên Bộ nghiên cứu sửa đổi chế độ giữ trẻ hợp lý hơn nữa, đề nghị các cấp, trong khi thi hành Thông tư này, báo cáo thường xuyên về Liên bộ những kết quả, kinh nghiệm và khó khăn trở ngại.

K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG




Tô Quang Đẩu

BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG




Nguyễn Văn Tạo

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 49-TTLB năm 1958 bổ sung chế độ giữ trẻ do Bộ Lao động và Bộ Nộ vụ ban hành

  • Số hiệu: 49-TTLB
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/07/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động, Bộ Nội vụ
  • Người ký: Nguyễn Văn Tạo, Tô Quang Đẩu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 30
  • Ngày hiệu lực: 25/07/1958
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản