Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 49-TT

Hà Nội, ngày 19 tháng 09 năm 1964

THÔNG TƯ

VỀ CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA GIÁO VIÊN Ở CÁC TRƯỜNG TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Các quy định về chế độ công tác của giáo viên trung học chuyên nghiệp tại Nghị định số 177-NĐ ngày 27-3-1957 và Thông tư số 044-TT-ĐN ngày 28-10-1959 của Bộ Giáo dục ban hành đã có tác dụng đẩy mạnh công tác giảng dạy ở các trường trung học chuyên nghiệp và sớm đưa công tác này vào nề nếp.

Song những thông tư trên chưa quy định một cách toàn diện khối lượng công tác của giáo viên trong nhà trường, mà chỉ quy định số giờ lên lớp hàng tuần nên chưa làm cho giáo viên quán triệt chức năng và nhiệm vụ của giáo viên trong nhà trường.

Các trường trung học chuyên nghiệp đang bắt đầu xây dựng theo hệ thống dài hạn 3 năm và trên 3 năm, một số trường đã bắt đầu tuyển học sinh lớp 10 vào, nên càng đòi hỏi giáo viên cần phải gấp rút nâng cao chất lượng giảng dạy của mình. Một chế độ công tác hợp lý sẽ có tác dụng lớn trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên.

II. Ý NGHĨA, MỤC ĐÍCH CỦA CHẾ ĐỘ CÔNG TÁC CỦA GIÁO VIÊN TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP.

1. Chế độ công tác giúp cho giáo viên thấy rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình đối với nhà trường, với nhân dân, đồng thời giúp cho giáo viên nhìn thấy toàn diện khối lượng công tác cả năm để chủ động đặt kế hoạch cá nhân, do đó càng phát huy tính tích cực, tính sáng tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy và các mặt công tác khác của nhà trường.

2. Chế độ công tác của giáo viên giúp cho nhà trường thấy rõ trách nhiệm của nhà trường đối với việc bồi dưỡng cán bộ, bảo đảm những quyền lợi tinh thần và vật chất cho cán bộ, đồng thời cũng giúp nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý giáo viên, sắp xếp giáo viên, phân phối công tác, bố trí thời gian làm việc, hướng dẫn cán bộ trong mọi mặt hoạt động.

3. Chế độ công tác của giáo viên cũng nhằm tạo cơ sở để thực hiện tốt nguyên tắc phân phối theo lao động.

III. NỘI DUNG CÔNG TÁC CỦA GIÁO VIÊN.

Nội dung công tác của mỗi một giáo viên bất luận là thuộc loại nào ở trường trung học chuyên nghiệp nhất thiết bao gồm các mặt sau đây:

a) Nhiệm vụ giảng dạy;

b) Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phổ biến khoa học;

c) Nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất;

d) Nhiệm vụ học tập quân sự;

e) Nhiệm vụ tham gia các hình thức học tập do nhà trường tổ chức để nâng cao trình độ cán bộ (chính trị, nghiệp vụ, văn hoá);

g) Ngoài những công tác chính kể trên, giáo viên còn có nhiệm vụ tham gia dạy bổ túc văn hoá, tham gia công tác đoàn thể, chính quyền trong và ngoài trường.

IV. THỜI GIAN QUY ĐỊNH CÁC MẶT CÔNG TÁC CỦA GIÁO VIÊN

1. Nguyên tắc quản lý lao động:

Giáo viên ở các trường trung học chuyên nghiệp là công nhân viên chức Nhà nước, nên về nguyên tắc nói chung phải thống nhất lấy 8 tiếng một ngày làm cơ sở để tính toán khối lượng công tác của giáo viên trong một năm. Song vì tính chất của công tác giáo viên có khác, nên chế độ nghỉ hè, nghỉ tết, nghỉ lễ, cũng như biện pháp quản lý lao động và số giờ dành cho toàn bộ khối lượng công tác của giáo viên trong một năm không giống như chế độ áp dụng cho công nhân viên chức Nhà nước.

2. Thời gian dành cho giáo viên để bảo đảm toàn bộ khối lượng công tác trong một năm là 2.050 giờ (lấy số tròn), 52 tuần trừ 4 tuần rưỡi nghỉ hè, 1 tuần nghỉ tết, 1 tuần nghỉ các ngày lễ, 1 tuần cho sơ kết, tổng kết, bình bầu thi đua và Đại hội công nhân viên chức, 1 tuần dự trữ cho các loại công tác ngoài kế hoạch đã định.

V. CÁC NHIỆM VỤ CÔNG TÁC

1. Nhiệm vụ giảng dạy:

Nhiệm vụ giảng dạy là nhiệm vụ chủ yếu của mỗi giáo viên, nội dung công tác giảng dạy gồm các mặt sau đây:

- Lên lớp giảng lý thuyết;

- Chữa bài tập trên lớp, hướng dẫn thực tập, thí nghiệm;

- Chuẩn bị giảng, soạn bài cá nhân hay tập thể;

- Phụ đạo cho học sinh, ra và chấm bài tập ở nhà;

- Hướng dẫn ôn tập;

- Chấm thi và coi thi (thi lên lớp, thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh);

- Hướng dẫn thiết kế môn học, thiết kế tốt nghiệp;

- Hướng dẫn chuyên môn cho cán bộ trong trường, ban, tổ bộ môn;

- Sinh hoạt chuyên môn, tổ bộ môn, ban;

- Dự lớp rút kinh nghiệm;

- Theo dõi việc học tập của học sinh;

- Làm chủ nhiệm lớp;

Trong số giờ dành cho công tác giảng dạy; giờ lên lớp giảng lý thuyết là chủ yếu, do đó cần phấn đấu cho các loại giáo viên bảo đảm số giờ lên lớp giảng lý thuyết hàng tuần như sau:

Giáo viên văn hoá: từ 13-16 giờ một tuần, tối đa không quá 512 giờ trong một năm,

Giáo viên giảng dạy môn kỹ thuật cơ sở: Từ 12-15 giờ một tuần, tối đa không quá 480 giờ trong một năm.

Giáo viên giảng dạy môn kỹ thuật chuyên môn: từ 8-13 giờ một tuần, tối đa không quá 416 giờ trong một năm.

Giáo viên giảng dạy môn chính trị và nghiệp vụ: Từ 10-14 giờ một tuần, tối đa không quá 448 giờ trong một năm.

Tổ trưởng bộ môn, trưởng ban: có thể rút từ 1-3 giờ lý thuyết hàng tuần (trung bình từ 32-96 giờ một năm). Chủ nhiệm lớp có thể rút từ 1-2 giờ lý thuyết hàng tuần (trung bình từ 32-64 giờ lý thuyết một năm).

2. Nhiệm vụ nghiên cứu và phổ biến khoa học kỹ thuật:

Gắn liền với nhiệm vụ giảng dạy, nhiệm vụ nghiên cứu và phổ biến khoa học kỹ thuật ở các trường trung học chuyên nghiệp cần phải được đẩy mạnh.

Yêu cầu của công tác nghiên cứu khoa học và phổ biến khoa học và kỹ thuật ở các trường trung học chuyên nghiệp là nhằm phục vụ chủ yếu công tác giảng dạy, phục vụ cho cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật trong các ngành sản xuất và xây dựng.

Thời gian quy định cho mỗi giáo viên làm công tác nghiên cứu và phổ biến khoa học và kỹ thuật là từ 30-120 giờ trong một năm.

a) Được tính vào số giờ quy định trên những giờ mà giáo viên dùng để nghiên cứu các đề tài khoa học và kỹ thuật hoặc phổ biến khoa học và kỹ thuật đã ghi trong kế hoạch của nhà trường và số giờ ấy phải được hiệu trưởng nhà trường đồng ý theo đề nghị của tổ bộ môn hoặc ban.

b) Đối với những giáo viên có trình độ và khả năng nghiên cứu khoa học, vì hoàn cảnh đặc biệt cần phải tập trung nhiều thời gian để hoàn thành một công trình nghiên cứu khoa học có chất lượng đã được nhà trường thông qua kế hoạch thì tuỳ theo tính chất của công trình nghiên cứu khoa học, được rút bớt một số thời gian thích đáng để nghiên cứu khoa học.

c) Đối với giáo viên đã dạy lâu năm nhưng còn rất yếu về chuyên môn thì không nhất thiết nghiên cứu khoa học và phổ biến khoa học, giáo viên có thể dành số thời gian từ 30-120 giờ để bồi dưỡng thêm nghiệp vụ và chuyên môn.

3. Nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất:

Thời gian quy định cho công tác lao động sản xuất trong một năm là từ 80-96 giờ (10-12 ngày).

Chỉ tính thời gian lao động sản xuất ghi trong văn bản này số giờ mà giáo viên tham gia công tác lao động nghiệp vụ để nâng cao kỹ năng, bồi dưỡng quan điểm cho cán bộ giảng dạy trong các xí nghiệp công, nông, lâm trường, có tính chất kết hợp với chuyên môn của cán bộ (ngoài ra giáo viên còn có nhiệm vụ tham gia lao động xã hội chủ nghĩa, tham gia sản xuất có tính chất cải thiện sinh hoạt, xây dựng trường sở ngoài giờ chính quyền).

4. Nhiệm vụ học tập quân sự:

Thời gian quy định cho mỗi giáo viên trong diện học tập quân sự tính trung bình 96 giờ trong một năm. Đối với cán bộ không ở trong diện học tập quân sự, nhà trường nghiên cứu bố trí các công tác khác.

5. Nhiệm vụ học tập bồi dưỡng:

Mục đích học tập bồi dưỡng là nâng cao trình độ các mặt theo những kế hoạch, chương trình và yêu cầu nhất định.

Thời gian quy định cho giáo viên học tập, bồi dưỡng (chính trị, văn hoá, nghiệp vụ, thực tế ) cụ thể như sau:

- Chính trị: trung bình 150 giờ ban ngày,

- Nghiệp vụ: trung bình 150 giờ ban ngày,

- Thực tế: yêu cầu của công tác đi thực tế đối với giáo viên trung học chuyên nghiệp là nhằm bồi dưỡng cho giáo viên những vấn đề cụ thể về sản xuất, về kỹ thuật của ngành có liên quan đến môn phụ trách. Thời gian quy định cho mỗi giáo viên đi thực tế là từ 50-150 giờ (không kể thời gian tham quan thực tế kết hợp trong việc hướng dẫn thực tập cho học sinh).

Thời gian đi thực tế có thể kết hợp với thời gian lao động sản xuất nếu nội dung đi thực tế có lao động sản xuất. Trường hợp cá biệt đối với giáo viên cấn bố trí thêm thời gian đi thực tế, thì ông hiệu trưởng xét theo nhu cầu và hoàn cảnh giảng dạy cụ thể từng người mà có quyết định cá biệt.

6. Những quy định khác:

Hướng dẫn viên - Đối với hướng dẫn viên ở các xưởng thực tập, ở các phòng thí nghiệm, nhà máy, các trại … từ trước đến nay chưa có một chế độ rõ ràng, nay quy định một số điểm chủ yếu như sau:

Cứ một giờ hướng dẫn lý thuyết (giờ đầu) thì hướng dẫn viên được dành từ 1 đến 3 giờ để chuẩn bị. Nếu hướng dẫn lắp lại cho những giờ sau thì một giờ hướng dẫn lý thuyết được dành từ nửa giờ đến hai giờ để chuẩn bị.

Số giờ dành cho hướng dẫn viên bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ trung bình 250 giờ trong một năm.

Về chế độ nghỉ hè:

Nếu hướng dẫn viên hướng dẫn từ 100-200 giờ lý thuyết trong một năm thì được nghỉ từ 15-25 ngày. Nếu hướng dẫn trên 200 giờ lý thuyết trở lên thì được nghỉ một tháng như chế độ giáo viên.

Đối với các đồng chí công tác sự nghiệp hành chính: hiệu trưởng, hiệu phó, các đồng chí các Phòng Tổ chức, Giáo vụ … nếu lên lớp giảng từ 100-150 giờ trong một năm thì được nghỉ từ 15-25 ngày. Nếu lên lớp 150 giờ trở lên thì được nghỉ một tháng hè.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC




Nguyễn Văn Huyên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 49-TT-1964 về chế độ công tác của giáo viên ở các trường Trung học chuyên nghiệp do Bộ Giáo dục ban hành

  • Số hiệu: 49-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/09/1964
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục
  • Người ký: Nguyễn Văn Huyên
  • Ngày công báo: 28/10/1964
  • Số công báo: Số 36
  • Ngày hiệu lực: 04/10/1964
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản