Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 49/2011/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2011 |
BAN HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CẤP HỌC MẦM NON
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; Nghị định 31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 sửa đổi Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định:
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2011.
Điều 3. Các Ông (bà) Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lí cơ sở giáo dục, thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Thông tư này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI CẤP HỌC MẦM NON
(Ban hành kèm theo Thông tư số 49/2011/TT-BGDĐT ngày 26/10/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non (sau đây gọi tắt là Hội thi) quy định: nội dung, hình thức thi, đối tượng và điều kiện tham gia Hội thi; thẩm quyền tổ chức Hội thi; Ban Tổ chức, Ban Thư ký, Ban Giám khảo và tổ chức Hội thi.
2. Điều lệ này áp dụng đối với giáo viên đang giảng dạy trong trường mầm non, trường mẫu giáo, nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập (sau đây gọi chung là trường mầm non).
Điều 2. Mục đích và yêu cầu của Hội thi
1. Mục đích Hội thi:
a) Tuyển chọn, công nhận và suy tôn giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non, tạo điều kiện để giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) thể hiện năng lực, học tập, trao đổi kinh nghiệm về chăm sóc, giáo dục trẻ; khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện, đồ dùng, đồ chơi (có thuyết minh kèm theo) thực hiện chương trình giáo dục mầm non;
b) Góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua trong trường học, khuyến khích động viên, tạo cơ hội để giáo viên và CBQLGD tự học và sáng tạo; tuyên dương, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và toàn ngành;
c) Hội thi là một trong những căn cứ để đánh giá thực trạng đội ngũ, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục;
d) Tuỳ theo điều kiện cụ thể, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục địa phương có chính sách khuyến khích đối với giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, đối với tập thể có nhiều thành tích trong Hội thi.
2. Yêu cầu Hội thi:
a) Hội thi được tổ chức theo các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ được quy định trong Chương trình giáo dục mầm non, bám sát yêu cầu về kiến thức, kỹ năng thực hành chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non và các văn bản chỉ đạo của ngành.
b) Việc tổ chức Hội thi phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, khoa học, có tác dụng giáo dục, khuyến khích động viên giáo viên học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm chăm sóc, giáo dục trẻ, làm đồ dùng, đồ chơi (có thuyết minh kèm theo) và nghiên cứu khoa học chăm sóc giáo dục trẻ.
Điều 3. Các cấp tổ chức Hội thi
1. Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non bao gồm cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh và Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc
a) Hội thi cấp trường được tổ chức mỗi năm một lần;
b) Hội thi cấp huyện được tổ chức 2 năm một lần;
c) Hội thi cấp tỉnh được tổ chức 4 năm một lần;
d) Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc được tổ chức 5 năm một lần.
2. Số lượng giáo viên dự thi Hội thi các cấp do Trưởng ban tổ chức Hội thi quyết định căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và ngân sách của địa phương hàng năm.
3. Phòng Giáo dục và Đào tạo thuộc Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) quy định cụ thể số lượng giáo viên mầm non tham gia Hội thi cấp trường đối với các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập.
Điều 4. Thời gian và địa điểm tổ chức Hội thi
1. Thời gian tổ chức Hội thi do hiệu trưởng (đối với cấp trường), trưởng phòng giáo dục và đào tạo (đối với cấp huyện), giám đốc sở giáo dục và đào tạo (đối với cấp tỉnh) quyết định và được xác định trong kế hoạch triển khai từ đầu năm học;
2. Địa điểm tổ chức thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non do Trưởng ban tổ chức Hội thi quyết định. Tuỳ thuộc vào điều kiện địa lý và số lượng giáo viên tham gia dự thi có thể chia thành các điểm thi, cụm thi nhỏ.
Điều 5. Công nhận danh hiệu giáo viên dạy giỏi
Giáo viên tham gia đầy đủ các nội dung của Hội thi và đạt các yêu cầu theo quy định về đánh giá kết quả của giáo viên dự thi theo từng cấp quy định tại Điều 14 của Điều lệ này được công nhận là giáo viên dạy giỏi và được cấp giấy chứng nhận của đơn vị tổ chức Hội thi.
NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ THỜI GIAN THI, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN THAM GIA HỘI THI
Điều 6. Nội dung và hình thức thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non
1. Nội dung thi:
a) Kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chăm sóc giáo dục trẻ em hoặc nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm liên quan đến phạm vi chương trình giáo dục mầm non, hoặc những hiểu biết về chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và các nội dung chỉ đạo của cấp học mầm non và của ngành (gọi tắt là bài thi kiểm tra năng lực);
b) Thi thực hành tổ chức hoạt động giáo dục:
- Hội thi cấp trường: thực hành một hoạt động chơi - tập (đối với giáo viên nhà trẻ), một hoạt động học (đối với giáo viên mẫu giáo) do giáo viên tự chọn;
- Hội thi cấp huyện, cấp tỉnh: giáo viên thực hành hai hoạt động chơi - tập (đối với giáo viên nhà trẻ), thực hành hai hoạt động học (đối với giáo viên mẫu giáo) trong đó có một hoạt động chơi - tập (đối với giáo viên nhà trẻ) một hoạt động học (đối với giáo viên mẫu giáo), do giáo viên tự chọn và một hoạt động giáo dục do Ban tổ chức xác định bằng hình thức bốc thăm.
Nội dung thi thực hành tổ chức hoạt động giáo dục trong Chương trình giáo dục mầm non.
2. Hình thức thi
a) Thi kiểm tra năng lực là bài thi viết tự luận, trắc nghiệm, hoặc kết hợp cả hai hình thức. Thời gian thi do Trưởng ban tổ chức Hội thi quy định;
b) Thi thực hành hoạt động giáo dục được tổ chức tại lớp học. Nội dung tham gia thi thực hành là nội dung hoạt động giáo dục lần đầu được tổ chức cho trẻ tại lớp đó. Giáo viên được thông báo và có thời gian chuẩn bị cho hoạt động giáo dục trong thời gian ít nhất là một tuần trước thời điểm thi giảng.
Điều 7. Đối tượng và điều kiện tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non
1. Đối tượng tham gia Hội thi
a) Tham gia Hội thi cấp trường là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại trường;
b) Tham gia Hội thi cấp huyện là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn cấp huyện tổ chức Hội thi;
c) Tham gia Hội thi cấp tỉnh là giáo viên đang trực tiếp giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Hội thi.
2. Điều kiện tham gia Hội thi:
a) Cấp trường:
- Giáo viên tham gia Hội thi phải có ít nhất một sáng kiến kinh nghiệm, hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, hoặc đồ dùng, đồ chơi (có thuyết minh kèm theo) do giáo viên tự sáng tạo đã áp dụng có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng viết thành báo cáo hoặc đồ dùng, đồ chơi (có thuyết minh kèm theo) do giáo viên tự sáng tạo có hướng dẫn sử dụng, được nhà trường nhận xét, đánh giá và xếp loại khá trở lên trong thời gian 02 năm học gần nhất năm tổ chức Hội thi;
- Giáo viên tham gia dự thi phải đạt trình độ chuẩn đào tạo trở lên của cấp học mầm non theo quy định; có thời gian trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ liên tục từ 2 năm trở lên; có phẩm chất đạo đức tốt; có năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức, quản lý lớp học, được cha mẹ trẻ và đồng nghiệp đánh giá cao, được lãnh đạo nhà trường xác nhận. Được đánh giá xếp loại khá trở lên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non.
b) Cấp huyện:
Giáo viên tham gia Hội thi cấp huyện ngoài việc đảm bảo các điều kiện của giáo viên tham gia Hội thi cấp trường thì phải đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường của năm đó hoặc năm trước liền kề.
c) Cấp tỉnh:
Giáo viên tham gia Hội thi cấp tỉnh ngoài việc hội đủ những điều kiện của giáo viên tham gia Hội thi cấp huyện phải đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện ít nhất 1 lần trong 3 năm trước liền kề.
Mỗi huyện được thành lập một đội tuyển tham gia Hội thi cấp tỉnh, số lượng thành viên đội tuyển do Ban tổ chức Hội thi cấp tỉnh quy định theo điều kiện từng năm.
THẨM QUYỀN TỔ CHỨC HỘI THI, BAN TỔ CHỨC, BAN THƯ KÝ VÀ GIÁM KHẢO HỘI THI
Điều 8. Thẩm quyền tổ chức Hội thi
1. Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường do nhà trường tổ chức. Hiệu trưởng chịu trách nhiệm xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức Hội thi theo các quy định tại Điều lệ này, thông báo kế hoạch tổ chức đến giáo viên ít nhất một tháng trước thời điểm diễn ra Hội thi.
2. Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện do phòng giáo dục và đào tạo tổ chức. Trưởng phòng giáo dục và đào tạo ban hành kế hoạch tổ chức Hội thi theo các quy định tại Điều lệ này. Kế hoạch tổ chức Hội thi phải được thông báo bằng văn bản đến các trường mầm non hai tháng trước khi diễn ra Hội thi.
3. Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh do sở giáo dục và đào tạo tổ chức. Giám đốc sở giáo dục và đào tạo ban hành kế hoạch tổ chức Hội thi theo các quy định của Điều lệ này. Kế hoạch tổ chức Hội thi phải được thông báo bằng văn bản đến phòng giáo dục và đào tạo ít nhất một tháng trước thời điểm diễn ra Hội thi.
Điều 9. Thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Tổ chức Hội thi
Thủ trưởng đơn vị tổ chức Hội thi ra quyết định thành lập Ban Tổ chức.
1. Thành phần: Trưởng ban, phó trưởng ban và thành viên.
a) Trưởng ban
- Hội thi cấp trường: là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng phụ trách công tác chuyên môn được uỷ quyền;
- Hội thi cấp huyện: là trưởng phòng giáo dục và đào tạo hoặc phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo được uỷ quyền;
- Hội thi cấp tỉnh: là giám đốc sở hoặc phó giám đốc giáo dục và đào tạo được uỷ quyền.
b) Phó trưởng ban
- Hội thi cấp trường: là phó hiệu trưởng hoặc thư ký hội đồng;
- Hội thi cấp huyện: là phó trưởng phòng giáo dục và đào tạo hoặc cán bộ phụ trách giáo dục mầm non của phòng giáo dục đào tạo;
- Hội thi cấp tỉnh: là phó giám đốc sở giáo dục và đào tạo hoặc trưởng phòng giáo dục mầm non của sở giáo dục và đào tạo.
c) Thành viên: là CBQLGD có kinh nghiệm, giáo viên có uy tín, có năng lực, có trình độ chuyên môn tốt.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Tổ chức Hội thi:
a) Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thi và gửi thông báo đến các đơn vị tham gia Hội thi;
b) Chuẩn bị địa điểm, trang thiết bị phục vụ, cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện đảm bảo cho Hội thi;
c) Soạn thảo chương trình hoạt động, nội quy và lịch thi;
d) Tổ chức và điều hành toàn bộ các hoạt động của Hội thi theo quy định của Điều lệ này;
đ) Tổng kết, đánh giá và công bố kết quả Hội thi;
e) Thực hiện công tác tuyên truyền cho Hội thi, thực hiện chế độ báo cáo cơ quan quản lý theo quy định và các nhiệm vụ khác liên quan.
3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban Tổ chức Hội thi
a) Điều hành toàn bộ các hoạt động của Hội thi, ra quyết định thành lập Ban Đề thi, Ban Thư ký, Ban Giám khảo và các tiểu ban của Hội thi;
b) Quyết định cơ cấu giải thưởng của Hội thi;
c) Quyết định tước bỏ quyền dự thi của giáo viên, quyền chấm thi của giám khảo nếu vi phạm các quy định trong Điều lệ Hội thi.
Điều 10. Thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thư ký Hội thi
1. Thành phần
a) Trưởng Ban Thư ký: là một trong những thành viên của Ban Tổ chức Hội thi.
b) Thành viên: gồm thư ký tổng hợp và thư ký các tiểu ban giám khảo.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Ban Thư ký là bộ phận thường trực, giữ mối liên hệ với các thành viên trong Ban Tổ chức, Ban Giám khảo;
b) Giúp Trưởng Ban Tổ chức Hội thi chuẩn bị nội dung để tiến hành các cuộc họp Ban Tổ chức, các văn bản chỉ đạo và triển khai Hội thi;
c) Giới thiệu, đề xuất những người có đủ năng lực tham gia Ban Giám khảo và trình Trưởng Ban Tổ chức quyết định thành lập Ban Giám khảo;
d) Tổng hợp kết quả chấm thi, báo cáo Trưởng Ban Tổ chức Hội thi;
đ) Tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi;
e) Viết báo cáo tổng kết Hội thi.
Ban Thư ký phải tuân thủ các quy định về bảo mật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Điều 11. Thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Giám khảo Hội thi
1. Thành phần:
a) Trưởng ban: là Trưởng Ban Tổ chức hoặc Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thi;
b) Phó trưởng ban: do Trưởng Ban Tổ chức chỉ định trong số thành viên Ban giám khảo;
c) Các tiểu ban gồm các thành viên cùng lĩnh vực chuyên môn thuộc giáo dục mầm non thực hiện việc đánh giá các nội dung theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Điều lệ này. Số lượng các tiểu ban do trưởng ban tổ chức Hội thi quyết định căn cứ vào thực tế, quy mô Hội thi, số lượng giáo viên dự thi. Mỗi tiểu ban có một trưởng tiểu ban.
d) Thành viên Ban giám khảo được tuyển chọn từ:
- Giáo viên mầm non và CBQLGD mầm non có năng lực xuất sắc trong hoạt động chuyên môn; có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, có khả năng nhận xét, đánh giá sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đồ dùng, đồ chơi (có thuyết minh kèm theo), bài thi kiểm tra năng lực, bài giảng của giáo viên; có thực tiễn, kinh nghiệm và đã đạt kết quả cao trong quản lý, chăm sóc giáo dục trẻ em; có uy tín với đồng nghiệp;
- Giảng viên chính trở lên trong các trường, khoa sư phạm đào tạo giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, có uy tín với đồng nghiệp, có năng lực và thực tiễn, kinh nghiệm về giáo dục mầm non;
- Chuyên viên phụ trách giáo dục mầm non thuộc các phòng giáo dục và đào tạo, các sở giáo dục và đào tạo và các cơ quan quản lý giáo dục khác, có uy tín với đồng nghiệp, có năng lực trong hoạt động chuyên môn, có khả năng nhận xét đánh giá chuyên môn giáo dục mầm non.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng Ban Giám khảo, uỷ viên Ban Giám khảo, Trưởng tiểu ban
a) Trưởng Ban Giám khảo
- Chịu trách nhiệm tổ chức, theo dõi, kiểm tra đôn đốc toàn bộ các hoạt động chấm thi;
- Liên hệ thường xuyên với Trưởng Ban Tổ chức Hội thi để giải quyết các vấn đề phát sinh;
- Phân công nhiệm vụ cho các uỷ viên.
b) Uỷ viên Ban Giám khảo
- Đọc và đánh giá sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, coi thi, chấm bài thi kiểm tra năng lực theo lịch của Ban tổ chức;
- Dự giờ, trao đổi, nhận xét, đánh giá hoạt động giáo dục của giáo viên;
c) Trưởng tiểu ban
- Điều khiển các hoạt động của các tiểu ban theo quy định;
- Liên hệ với Trưởng Ban Giám khảo để giải quyết các vấn đề liên quan;
- Theo dõi hoạt động của các tiểu ban để phản ánh kịp thời và đề xuất với Trưởng Ban Giám khảo những kiến nghị và những điều chỉnh cần thiết về chuyên môn trong quá trình Hội thi;
- Tổ chức cho các thành viên trong tiểu ban trao đổi, nhận xét đánh giá sáng kiến kinh nghiệm, kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đồ dùng, đồ chơi (có thuyết minh kèm theo) do giáo viên tự sáng tạo, bài thi kiểm tra năng lực, hoạt động chơi - tập có chủ định, hoạt động học với giáo viên tham gia Hội thi.
Điều 12. Kế hoạch Hội thi, hồ sơ đăng ký dự thi
1. Kế hoạch Hội thi do cấp tổ chức Hội thi quy định, bao gồm:
a) Mục đích, yêu cầu của Hội thi;
b) Nội dung, hình thức thi;
c) Đối tượng, số lượng và điều kiện đăng ký dự thi;
d) Thời gian, địa điểm, kinh phí tổ chức Hội thi;
đ) Những nội dung đánh giá bài thi kiểm tra năng lực, hoạt động chơi - tập, hoạt động học; sáng kiến kinh nghiệm, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng và đồ dùng, đồ chơi (có thuyết minh kèm theo) tự sáng tạo của giáo viên tham gia Hội thi;
e) Tiêu chuẩn đánh giá kết quả của giáo viên dự thi và cơ cấu giải thưởng của Hội thi.
2. Hồ sơ đăng ký dự thi gồm:
a) Cấp trường
- Tóm tắt thành tích cá nhân của các giáo viên tham gia Hội thi (có xác nhận của Hiệu trưởng);
- Sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đồ dùng, đồ chơi (có thuyết minh kèm theo) do giáo viên tham gia Hội thi tự sáng tạo có xác nhận của Hiệu trưởng vê việc đã ứng dụng đạt hiệu quả cao tại các cơ sở giáo dục mầm non.
b) Cấp huyện, tỉnh
- Danh sách Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn và các giáo viên đăng ký dự thi;
- Tóm tắt thành tích cá nhân của các giáo viên tham gia Hội thi cấp huyện (có xác nhận của Hiệu trưởng và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo ); tóm tắt thành tích cá nhân của các giáo viên tham gia Hội thi cấp tỉnh (có xác nhận của Hiệu trưởng, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo).
- Sáng kiến kinh nghiệm hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đồ dùng, đồ chơi (có thuyết minh kèm theo) do giáo viên tham gia Hội thi tự sáng tạo được nhà trường nhận xét, đánh giá và xếp loại khá trở lên trong thời gian 02 năm học gần nhất năm tổ chức Hội thi.
3. Hồ sơ được gửi về Ban Tổ chức Hội thi theo quy định tạị điểm đ khoản 2 Điều 10 Chương III của Điều lệ này.
Điều 13. Tổ chức thi và đánh giá các nội dung thi
1. Ban Tổ chức sắp xếp thời gian tiến hành các nội dung thi, thông báo lịch thi cho các đơn vị tham gia, tạo điều kiện để giáo viên dự giờ thi giảng.
2. Đánh giá các nội dung thi:
a) Hội thi cấp trường:
- Sáng kiến kinh nghiệm hoặc báo cáo nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, đồ dùng, đồ chơi (có thuyết minh kèm theo) do giáo viên tự sáng tạo được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 của Điều lệ này;
- Bài thi kiểm tra năng lực được đánh giá theo theo thang điểm 10, theo hướng dẫn chấm thi của Ban Đề thi. Bài thi do 2 giám khảo chấm độc lập;
- Bài thực hành tổ chức hoạt động giáo dục được đánh giá và cho điểm theo mẫu phiếu đánh giá tổ chức hoạt động học theo quy định hiện hành đối với cơ sở giáo dục mầm non. Mỗi bài thi thực hành có từ 2 giám khảo trở lên chấm điểm độc lập.
b) Hội thi cấp huyện, tỉnh
- Bài thi kiểm tra năng lực được đánh giá theo theo thang điểm 10, theo hướng dẫn chấm thi của Ban Đề thi. Bài thi do 2 giám khảo chấm độc lập;
- Bài thực hành tổ chức hoạt động giáo dục được đánh giá và cho điểm theo mẫu phiếu đánh giá tổ chức hoạt động học theo quy định hiện hành đối với cơ sở giáo dục mầm non. Mỗi bài thi thực hành có từ 2 giám khảo trở lên chấm điểm độc lập.
Sau khi giáo viên hoàn thành các bài thi thực hành, Ban Giám khảo tổ chức rút kinh nghiệm chung cho giáo viên dự thi và CBQLGD để trao đổi, nhận xét đánh giá rút kinh nghiệm, nghe ý kiến phản hồi từ giáo viên tham gia Hội thi. Trong thời gian tổ chức thi, nếu giáo viên tham gia Hội thi có ý kiến đề nghị, Ban Giám khảo và Ban Thư ký có giải đáp cụ thể, kịp thời.
Điểm kết luận của mỗi nội dung thi là trung bình cộng điểm của các giám khảo. Chênh lệch điểm giữa các giám khảo không quá 1 điểm, trong trường hợp không đạt được sự thống nhất giữa các giám khảo thì Trưởng ban Giám khảo xem xét quyết định.
Điều 14. Đánh giá kết quả của giáo viên dự thi
Giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và cấp tỉnh phải đạt các yêu cầu sau:
1. Đảm bảo đủ điều kiện dự thi theo quy định tại
2. Bài thi kiểm tra năng lực đạt từ 8 điểm trở lên;
3. Các bài thi thực hành đạt loại khá trở lên, trong đó phải có ít nhất một bài thi thực hành đạt loại giỏi theo thang điểm đánh giá. Đối với cấp trường thì bài thi thực hành phải đạt loại giỏi.
Điều 15. Xếp hạng các đoàn tham gia Hội thi
Việc xếp hạng các đoàn tham gia Hội thi thực hiện ở Hội thi cấp huyện, cấp tỉnh căn cứ vào điểm đạt được của các giáo viên dự thi và các yêu cầu khác do Ban tổ chức Hội thi quy định, được thông báo thể lệ xếp hạng đoàn trong kế hoạch tổ chức Hội thi.
Điều 16. Tổng kết và công bố kết quả Hội thi
1. Kết quả Hội thi được công bố tại buổi tổng kết Hội thi và được gửi đến các đơn vị dự thi.
2. Báo cáo kết quả Hội thi về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp. Nội dung báo cáo gồm:
a) Tình hình chung
- Công tác chuẩn bị
- Thời gian tổ chức Hội thi
b) Kết quả cụ thể
- Số lượng giáo viên tham gia dự thi
- Kết quả Hội thi: đánh giá từng phần thi
- Danh sách giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi trong Hội thi; Danh sách khen thưởng cá nhân và đồng đội đạt giải của Hội thi.
Điều 17. Liên hoan giáo viên dạy giỏi các cấp học mầm non toàn quốc
Liên hoan giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non toàn quốc do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức nhằm mục đích công nhận và tôn vinh những giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non xuất sắc từ các tỉnh/ thành phố. Liên hoan là dịp để giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non của các tỉnh thể hiện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; chia sẻ kinh nghiệm, học tập nâng cao kiến thức và kỹ năng nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhân rộng những điển hình tiêu biểu về chăm sóc, giáo dục trẻ trên phạm vi toàn quốc
Bộ Giáo dục và Đào tạo kế hoạch cụ thể về tiêu chí lựa chọn giáo viên, địa điểm, nội dung và hình thức tổ chức Liên hoan, thông báo cho các địa phương ít nhất 3 tháng trước thời điểm Liên hoan.
Điều 18. Kinh phí tổ chức Hội thi
1. Kinh phí Hội thi cấp trường:
a) Đối với trường mầm non công lập:
- Trường mầm non công lập là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập: kinh phí Hội thi lấy từ nguồn thu hợp pháp của đơn vị và được tính vào chi phí hoạt động thường xuyên hợp lý;
- Trường mầm non công lập là đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động: kinh phí cho Hội thi do ngân sách địa phương đảm bảo theo phân cấp quản lý hiện hành và được giao trong dự toán năm của cơ sở giáo dục
b) Đối với trường mầm non ngoài công lập tự đảm bảo chi phí cho Hội thi theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Kinh phí cho Hội thi cấp huyện và cấp tỉnh: do ngân sách nhà nước đảm bảo trong kế hoạch chi sự nghiệp giáo dục được giao hàng năm của các địa phương theo phân cấp quản lý hiện hành.
3. Ngoài nguồn ngân sách nhà nước cấp, cơ quan tổ chức Hội thi ở các cấp được phép huy động nguồn thu hợp pháp khác (nếu có) để hỗ trợ thêm cho Hội thi và thực hiện công tác hạch toán kế toán theo quy định của pháp luật.
Điều 19. Khiếu nại và xử lý vi phạm
1. Đơn vị, cá nhân được quyền khiếu nại về kết quả chấm thi và xếp giải của đơn vị hoặc cá nhân; chịu trách nhiệm về đơn khiếu nại của mình. Việc khiếu nại phải thông qua Trưởng đoàn. Ban tổ chức Hội thi phải giải quyết mọi việc khiếu nại trước khi kết thúc kỳ thi.
2. Cán bộ, giáo viên hoặc đơn vị tham gia Hội thi vi phạm quy định của Điều lệ thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non thì Ban tổ chức Hội thi có văn bản đề nghị cơ quản lý trực tiếp cán bộ, giáo viên hoặc đơn vị có vi phạm xử lý tuỳ theo mức độ vi phạm.
- 1Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 2Nghị định 75/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Giáo dục
- 3Nghị định 178/2007/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ
- 4Nghị định 32/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- 5Nghị định 31/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 75/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục
Thông tư 49/2011/TT-BGDĐT về Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
- Số hiệu: 49/2011/TT-BGDĐT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 26/10/2011
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Thị Nghĩa
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 589 đến số 590
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra