Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 449-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 1959

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ MẪU HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP BẬC THẤP

Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa họp khóa thứ X, sau khi nghe và thảo luận bản báo cáo của Chính phủ “Kiên quyết đưa nông thôn miền Bắc nước ta qua con đường hợp tác hóa nông nghiệp tiến lên chủ nghĩa xã hội”, đã nhất trí nhận định rằng: Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Bắc nước ta đang phát triển mạnh, nó đã trở thành phong trào quần chúng; hợp tác hóa nông nghiệp là khâu chính trong toàn bộ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta. Quốc hội đã quyết nghị tán thành những điều quy định cơ bản về mục đích, yêu cầu, đường lối giai cấp, phương châm, nguyên tắc, những chính sách cụ thể và phương pháp vận động hợp tác hóa nông nghiệp đã nêu lên trong báo cáo của Chính phủ và giao cho Chính phủ tăng cường lãnh đạo cuộc vận động hợp tác hóa nông nghiệp.

Căn cứ vào nghị quyết đó của Quốc hội, Hội đồng Chính phủ đã xét và quyết định ban hành bản “Điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp” để áp dụng cho tất cả các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp ở miền Bắc nước ta.

Hiện nay, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp căn bản là tốt, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, còn nhiều thiếu sót trong việc áp dụng các chính sách cụ thể;; nhất là việc quản lý hợp tác xã còn yếu.

Những khó khăn và thiếu sót đó có nhiều nguyên nhân, nhưng một phần do các hợp tác xã còn thiếu một bản điều lệ mẫu chính thức để dựa vào đó mà xây dựng điều lệ riêng cho mình. Vì vậy, việc ban hành bản điều lệ mẫu chính thức này chính là để đáp ứng yêu cầu cấp bách của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp hiện nay.

Bản điều lệ mẫu này tổng hợp những kinh nghiệm hợp tác hóa nông nghiệp những năm vừa qua và đã được nêu trong nghị quyết của hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam lần thứ 16 và trong báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội khóa họp thứ X. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp đã thành lập hoặc sẽ thành lập cần căn cứ vào điều lệ mẫu này mà xây dựng điều lệ riêng cho hợp tác xã mình. Địa phương nào muốn có những quy định trái với bản điều lệ này phải báo cáo và xin chỉ thị của Chính phủ (theo quy định cụ thể trong bản điều lệ).

Để hướng dẫn các cấp và địa phương áp dụng điều lệ này có kết quả tốt, Thủ tướng Chính phủ nhắc các Ủy ban hành chính các cấp chú ý những điểm sau đây:

I. NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý TRONG VIỆC HƯỚNG DẪN CÁC HỢP TÁC XÃ XÂY DỰNG ĐIỀU LỆ

Hiện nay, nhiều hợp tác xã đã có Điều lệ tạm thời, nhưng cách làm và nội dung không giống nhau. Có nơi việc thảo luận và thông qua điều lệ tiến hành không được nghiêm túc. Có nơi có điều lệ rồi nhưng không tôn trọng điều lệ. Vì vậy muốn cho các hợp tác xã xây dựng đúng đắn điều lệ riêng và tôn trọng điều lệ mẫu, vấn đề trườc mắt là phải làm cho cán bộ và xã viên hợp tác xã thấy rõ mục đích, ý nghĩa quan trọng của điều lệ; thông qua việc thảo luận dân chủ và tập thể xây dựng điều lệ mà làm cho xã viên thấu suốt tinh thần chính sách hợp tác hóa nông nghiệp của Đảng và Chính phủ, nâng cao một bước giác ngộ giai cấp và giác ngộ xã hội chủ nghĩa và nâng cao nhiệt tình cách mạng của xã viên để xây dựng và củng cố hợp tác xã một cách vững chắc, làm tốt công tác quản lý hợp tác xã, không ngừng nâng cao sản xuất và thu nhập cho hợp tác xã và cho xã viên,

Điều lệ của mỗi hợp tác xã biểu hiện ý chí tập thể của đông đảo xã viên tự giác, tự nguyện tổ chức nhau lại và đặt ra những nguyên tắc và kỷ luật cho mình, dưới sự lãnh đạo và hướng dẫn Đảng và Nhà nước. Điều lệ riêng của mỗi hợp tác xã phải dựa vào và không trái với những điều quy định trong điều lệ mẫu chính thức này, nhưng mặt khác nó phải phản ánh được nguyện vọng của quần chúng xã viên, giải quyết những vấn đề thiết thực của hợp tác xã phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương và của hợp tác xã.

Vì vậy, trong khi xây dựng điều lệ riêng của mình, các hợp tác xã không nên máy móc sao nguyên văn điều lệ mẫu này mà phải tùy tình hình thực tế của hợp tác xã hiện nay và khả năng phát triển sau này để phân biệt điều nào cần ghi, điều nào không cần ghi, hoặc cần ghi như thế nào cho sát. Các Ủy ban Hành chính Khu, Tỉnh, Thành cần rút kinh nghiệm việc nghiên cứu, thảo luận điều lệ mẫu và xây dựng điều lệ riêng của hợp tác xã và phổ biến kinh nghiệm tốt cho các địa phương.

Việc hướng dẫn các hợp tác xã thảo luận điều lệ mẫu và xây dựng điều lệ riêng của hợp tác xã cần thích hợp với từng đối tượng.

- Đối với những hợp tác xã đã có điều lệ tạm thời thì cần đối chiếu điều lệ tạm thời với những quy định của điều lệ mẫu này, sửa đổi hoặc bổ sung những chỗ sai sót trong điều lệ tạm thời và trong hoạt động trước đây của hợp tác xã, nhằm củng cố và đưa hợp tác xã tiến lên một bước.

- Đối với những hợp tác xã mới thành lập, chưa có điều lệ, thì việc học tập điều lệ mẫu giúp cho cán bộ và xã viên hiểu được chính sách cụ thể, nắm được nguyên tắc tổ chức và quản lý hợp tác xã để xây dựng điều lệ riêng của hợp tác xã mình.

- Nơi nào từ nay mới xây dựng hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đều phải căn cứ vào bản điều lệ mẫu chính thức này mà xây dựng điều lệ riêng của mình.

- Các hợp tác xã bậc cao cũng cần tham khảo bản điều lệ mẫu này và tiếp tục củng cố về các mặt tổ chức và quản lý.

Việc học tập, nghiên cứu bản điều lệ mẫu này không tổ chức thành một đợt riêng ở xã, mà phải kết hợp với công tác phát triển và củng cố hợp tác xã qua từng đợt mà làm cho được hợp lý. Hiện nay, sau vụ gặt mùa các địa phương đang củng cố các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã có, cần kết hợp với công tác đó mà nghiên cứu bản điều lệ mẫu này và kiểm tra lại bản điều lệ riêng của hợp tác xã; nếu có chỗ nào cần phải sửa đổi hoặc bổ sung thì phải thông qua thủ tục dân chủ mà kịp thời sửa đổi, bổ sung.

II. XÉT DUYỆT ĐIỀU LỆ VÀ BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH KHÁC

Điều lệ của hợp tác xã, sau khi được đại hội xã viên biểu quyết hợp lệ (theo nguyên tắc ghi trong điều 35 của điều lệ mẫu), phải trình cơ quan chính quyền xét duyệt mới coi là chính thức. Quyền xét duyệt điều lệ hợp tác xã quy định như sau:

Điều lệ hợp tác xã do Ủy ban Hành chính huyện, châu, quận, thị xã xét duyệt. Gặp trường hợp khó khăn không tự giải quyết được thì Ủy ban Hành chính huyện phải báo cáo và xin ý kiến của Ủy ban Hành chính khu, tỉnh hoặc thành phố để giải quyết. Nếu gặp trường hợp cần quy định khác với quy định trong điều lệ mẫu thì Ủy ban Hành chính khu, tỉnh, thành phố phải báo cáo và xin chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng đối với miền núi, Ủy ban Hành chính các khu Tự trị có quyền căn cứ vào tình hình đặc điểm của địa phương mà đặt ra những quy định bổ sung trong phạm vi không trái với điều lệ mẫu. Những quy định bổ sung đó phải được Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn.

Ủy ban Hành chính xã có trách nhiệm giúp đỡ Ủy ban Hành chính huyện, châu, quận, thị xã trong việc hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng điều lệ của mình.

Bản điều lệ mẫu được ban bố là một vũ khí mạnh mẽ để phát triển và củng cố các hợp tác xã, tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào hợp tác hóa nông nghiệp tiến nhanh hơn nữa. Ủy ban Hành chính các cấp cần căn cứ vào thông tư này mà đặt kế hoạch cụ thể hướng dẫn các hợp tác xã nghiên cứu điều lệ mẫu và xây dựng điều lệ riêng của hợp tác xã hoặc kiểm tra điều lệ tạm thời đã có thể bổ sung hoặc sửa đổi nếu cần thiết, chú trọng việc phổ biến kinh nghiệm, kịp thời phát hiện những vấn đề cần giải quyết và báo cáo lên Chính phủ xét.

K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Trường Chinh

ĐIỀU LỆ MẪU

HỢP TÁC XÃ SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP BẬC THẤP

Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là hình thức tổ chức thích hợp nhất đưa nông thôn từ sản xuất cá thể đi vào con đường sản xuất tập thể xã hội chủ nghĩa. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp có hai hình thức: hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao. Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp là hình thức quá độ chuyển lên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao. Trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp, quyền sở hữu của xã viên về những tư liệu sản xuất chủ yếu còn được thừa nhận, khác với hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc cao, trong đó những tư liệu sản xuất chủ yếu đã chuyển thành của tập thể.

Dưới đây là những Điều quy định chung về hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp.

Chương 1:

MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC, NHIỆM VỤ

Điều 1. – Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp là tổ chức kinh tế tập thể có tính chất nửa xã hội chủ nghĩa, do nông dân lao động tự nguyện lập ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, nhằm đẩy mạnh một bước sản xuất nông nghiệp, dần dần xóa bỏ bốc lột, nâng cao đời sống ở nông thôn, góp phần đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh nhằm thực hiện thống nhất nước nhà.

Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp thống nhất sử dụng những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã viên như ruộng đất, trâu bò, nông cụ, tổ chức xã viên lại để cùng lao động và thống nhất phân phối hoa lợi cho xã viên. Trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp, trừ một phần tư liệu sản xuất thuộc của chung ra, xã viên vẫn có quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và được hưởng một phần hoa lợi về những thứ đó.

Điều 2. – Hợp tác xã (1) được xây dựng theo 3 nguyên tắc : tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ.

Việc tính công trong hợp tác xã theo nguyên tắc: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít.

Điều 3. - Nhiệm vụ của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp là:

a) Trên cơ sở lao động tập thể và cải tiến kỹ thuật (bao gồm cải tiến công cụ sản xuất và phương pháp sản xuất) mà phát triển sản xuất về nhiều mặt, nâng cao thu nhập của hợp tác xã và của mỗi xã viên, đồng thời xây dựng quỹ tích lũy chung của hợp tác xã.

b) Luôn luôn nâng cao trình độ xã viên về mọi mặt chính trị, kỹ thuật, tổ chức, quản lý và văn hóa, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa, tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế của các xã viên.

c) Làm gương mẫu trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước và thi hành mọi chính sách của Đảng và Chính phủ, đoàn kết nội bộ hợp tác xã và đoàn kết với tổ đổi công, với nông dân còn làm riêng lẻ, giúp đỡ họ đẩy mạnh sản xuất và đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp. Đặc quan hệ mật thiết với các hợp tác xã khác và các cơ quan kinh tế quốc doanh để thực hiện nhiệm vụ của mình và thực hiện nhiệm vụ chung.

d) Đấu tranh với mọi hình thức bóc lột, chống lại mọi hành động phá hoại lợi ích của hợp tác xã và phá hoại lợi ích chung.

Chương 2:

XÃ VIÊN

Điều 4. - Tất cả nam, nữ nông dân lao động và những người lao động khác ở nông thôn, từ 16 tuổi trở lên, bất kỳ thuộc dân tộc nào hoặc tôn giáo nào, không phân biệt người địa phương hoặc người nơi khác đến, nếu tư nguyện xin vào hợp tác xã, công nhận điều lệ hợp tác xã được Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên đồng ý thì được nhận là xã viên.

Những thiếu niên dưới 16 tuổi chưa được kết nạp làm xã viên, nhưng có thể được nhận tham gia lao động trong hợp tác xã và được trả công theo năng suất lao động như các xã viên .

Trong khi kết nạp xã viên, cần chú ý kết nạp các quân nhân phục viên, gia đình thương binh, bệnh binh, liệt sĩ, bộ đội, cán bộ thuộc thành phần nông dân lao động và có kế hoạch thu hút dần những người thiếu sức lao động (già yếu, mồ côi, góa bụa, v.v…) thuộc thành phần đó.

Điều 5. – Hợp tác xã không kết nạp những người thuộc thành phần bóc lột.

Đối với phú nông, khi nào hợp tác xã đã được củng cố và trong xã hầu hết bần nông và trung nông đã vào hợp tác xã, thì những phú nông nào đã được thay đổi thành phần và có thái độ tốt, được Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên đồng ý, sẽ được kết nạp làm xã viên, nhưng phải qua một thời gian dự bị rồi mới được công nhận là xã viên chính thức.

Đối với địa chủ, sau khi hợp tác xã đã kết nạp một số phú nông thì có thể kết nạp những địa chủ đã được thay đổi thành phần và có thái độ tốt vào làm xã viên dự bị. Những địa chủ kháng chiến tốt, chịu lao động cải tạo thì được kết nạp cùng một lúc như phú nông.

Những người thuộc thành phần nông dân và nhân dân lao động khác ở nông thôn mất quyền công dân thì không được kết nạp vào hợp tác xã, nhưng những người khác trong gia đình họ, nếu có đủ điều kiện thì vẫn được kết nạp, và khi đó những người mất quyền công dân kia có thể được tham gia lao động trong hợp tác xã, nhưng không được coi là xã viên.

Đối với những phần tử xấu, lưu manh, những người có tội ác cũ từng bị nhân dân oán ghét, bất kỳ thuộc thành phần nào, mặc dù hiện nay họ không có hành động gì chống đối, lúc đầu vẫn chưa nên kết nạp vào hợp tác xã: nhưng nếu người trong gia đình họ là xã viên thì họ có thể được tham gia lao động trong hợp tác xã. Khi nào hợp tác xã đã phát triển rộng và thật sự được củng cố thì có htể kết nạp những người thật sự hối cải và có đủ điều kiện vào làm xã viên.

Bản thân những người bị mắc bệnh điên không được kết nạp vào hợp tác xã.

Điều 6. – Xã viên có những nghĩa vụ và quyền lợi như sau:

a) Nghĩa vụ:

- Tuân theo điều lệ của hợp tác xã, thi hành nghị quyết của Đại hội xã viên và Ban quản trị.

- Phục tùng kỷ luật lao động của hợp tác xã.

- Tôn trọng và bảo vệ tài sản của hợp tác xã, tài sản riêng của xã viên đã giao cho hợp tác xã sử dụng và tài sản chung của Nhà nước.

- Tăng cường đoàn kết và giúp đỡ nhau trong hợp tác xã, đấu tranh để sửa chữa những sai lầm và kiên quyết chống lại mọi hành động phá hoại hợp tác xã.

- Tuyên truyền lợi ích của hợp tác xã, vận động thêm người vào hợp tác xã.

b) Quyền lợi:

- Tham gia lao động của hợp tác xã, được trả công xứng đáng và được hưởng mọi công cuộc có lợi ích chung do hợp tác xã tổ chức.

- Thảo luận, phê bình, đề nghị và biểu quyết về công việc của hợp tác xã, bầu cử, ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của hợp tác xã và tham gia vào việc kiểm soát công việc của Ban quản trị. (Riêng xã viên dự bị thì không có quyền biểu quyết về công việc của hợp tác xã và không có quyền ứng cử và bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của hợp tác xã).

- Được làm thêm nghề phụ gia đình với điều kiện không trở ngại cho việc quản lý lao động của hợp tác xã.

Điều 7. – Xã viên có quyền ra khỏi hợp tác xã, nhưng phải báo trước và đợi đến cuối vụ sản xuất hợp tác xã.

Những xã viên ra hợp tác xã được đem theo những tư liệu sản xuất vẫn thuộc của riêng mình, rút số tiền cổ phần đã góp vào hợp tác xã, số vốn đã cho hợp tác xã vay, nhưng không được đòi chia quỹ và tài sản khác của hợp tác xã. Nếu trên ruộng đất của họ đã có những công trình xây dựng quan trọng không thể rút ra được, hoặc rút ra sẽ ảnh hưởng đến sản xuất của hợp tác xã, thì hợp tác xã lấy ruộng đất khác tương đương trả cho họ. Nếu do hợp tác xã cải biến mà ruộng đất, nông cụ của họ tốt hơn trước, thì họ phải trả một số tiền phải chăng cho hợp tác xã.

Điều 8. – Xã viên nào làm trái điều lệ của hợp tác xã một cách nghiêm trọng, phạm nhiều sai lầm lớn, hoặc phạm pháp luật Nhà nước và bị mất quyền công dân, thì phải khai trừ ra khỏi hợp tác xã. Khi khai trừ một xã viên, không được khai trừ cả những xã viên khác trong gia đình họ. Người bị khai trừ vẫn có thể được tham gia lao động trong hợp tác xã. Trong trường hợp người ấy ra sản xuất riêng, hợp tác xã sẽ giải quyết tài sản của họ như đối với người ra hợp tác xã.

Chương 3:

RUỘNG ĐẤT, TRÂU BÒ, NÔNG CỤ

Điều 9. – Ruộng đất của xã viên phải giao cho hợp tác xã thống nhất sử dụng, nhưng để chiếu cố nhu cầu sinh hoạt riêng của xã viên như để cho xã viên trồng rau, trồng hoa quả, trồng chàm, v.v… ngoài đất làm nền nhà, sân, chuồng trâu, chuồng lợn, đống rơm, cần để lại cho mỗi gia đình xã viên một ít đất, theo mức mỗi nhân khẩu không quá 5% diện tích bình quân của một nhân khẩu trong xã. Riêng đối với miền núi, đất để lại cho xã viên có thể nhiều hơn, miễn là không ảnh hưởng đến việc quản lý lao động của hợp tác xã. Nơi nào, xã viên dân tộc thiểu số yêu cầu để lại một ít ruộng đất để tự tay họ trồng cấy lấy lúa gạo dùng vào việc thờ cúng, thì cũng cần chiếu cố.

Đối với đất đai có sản vật đặc biệt như đầm sen, ao cá, vườn cây ăn quả, vườn tre, gỗ, đồi chè, đồi cọ, nương gai, nương móc, hoặc những vườn và đồi trồng cây lưu niên khác, thì giải quyết như sau:

a) Những ao nhỏ, nhưng cây cối lẻ tẻ thì để lại cho xã viên kinh doanh và hưởng lợi riêng.

b) Diện tích những thứ nói trên tương đối lớn, để cá nhân kinh doanh không lợi cho việc phát triển sản xuất, hoặc diện tích không lớn lắm nhưng cần nhiều công chăm sóc thì nên giao cho hợp tác xã thống nhất kinh doanh. Nhưng lúc đầu nếu hợp tác xã chưa có kinh nghiệm chăm sóc những thứ cây đặc biệt và chưa tổ chức kinh doanh được tốt, hoặc xã viên chưa tự nguyện đưa vào hợp tác xã thì có thể vẫn để xã viên kinh doanh và sử dụng riêng.

c) Diện tích những thứ nói trên tương đối lớn, thu lợi nhiều nhưng tốn ít công chăm sóc, để cá nhân kinh doanh không trở ngại gì cho việc phát triển sản xuất của hợp tác xã thì không bắt buộc xã viên phải đưa vào hợp tác xã; nhưng nếu hợp tác xã có điều kiện kinh doanh tốt và được người có đất đồng ý, thì hợp tác xã cũng có thể thống nhất kinh doanh.

Điều 10. – Hàng năm hợp tác xã phải trích từ 25% đến 30% sản lượng thường niên bình nghị khi vào hợp tác xã để trả cho phần ruộng đất của xã viên đưa vào hợp tác xã, kể cả ruộng đất tạm cấp, tạm giao và ruộng khai hoang.

Trong những trường hợp đặc biệt kể dưới đây, việc định phần hoa lợi trả cho ruộng đất sẽ giải quyết như sau:

a) Đối với những gia đình xã viên thật sự thiếu sức lao động, đời sống khó khăn, nếu được Đại hội xã viên đồng ý thì có thể cho hưởng tỷ lệ hoa lợi ruộng đất cao hơn tỷ lệ quy định chung của hợp tác xã.

b) Những nơi phần ruộng đất nhiều, người ít, ruộng đất xa và xấu, hoặc ruộng đất làm tốn nhiều công, của, thì tỷ lệ hoa lợi trả cho ruộng đất có thể ít hơn 25%.

c) Những nơi phần lớn ruộng đất thu hoạch bấp bênh thì trong thời gian đầu có thể tạm trả hoa lợi cho ruộng đất theo cách không cố định, tức là lấy số thực thu hàng năm trừ chi phí sản xuất, chi phí hành chính và các thứ quỹ, còn lại bao nhiêu sẽ chia cho ruộng đất và lao động theo nguyên tắc phần chia ruộng đất phải ít hơn phần chia cho lao động.

d) Khi gặp thiên tai, mùa màng bị thiệt hại nhiều, hoặc chống được thiên tai nhưng tốn rất nhiều công của thì phải giảm tỷ lệ hoa lợi chia cho ruộng đất; giảm bao nhiêu do Đại hội xã viên quyết định.

đ) Đối với những đất đai có sản vật đặc biệt đưa vào hợp tác xã để thống nhất kinh doanh, thì căn cứ khả năng thu lợi sau này nhiều hay ít, kinh doanh dễ hay khó, sức lao động và vốn người có đất đã bỏ vào và hợp tác xã sẽ bỏ thêm nhiều hay ít để kinh doanh mà định số hoa lợi hàng năm trả cho người có đất theo lối cố định hoặc theo tỷ lệ thực thu. Nếu đất đai có sản vật đặc biệt còn lâu mới có hoa lợi thì hợp tác xã có thể trả tiền vốn và tiền công xứng đáng cho người có đất, rồi biến những thứ đó thành của chung hợp tác xã.

e) Những ruộng đất xã viên đã trồng một vài thứ hoa màu sớm cũng cần để hợp tác xã thống nhất kinh doanh. Đến vụ thu hoạch hợp tác xã trực tiếp thu hoạch, rồi trả phí tổn sản xuất và tính công cho người có ruộng đã bỏ ra để trồng số hoa màu đó, hoặc giao cho người có ruộng thu hoạch và trả cho hợp tác xã đã bỏ ra kể từ khi thống nhất kinh doanh.

g) Những ruộng đất xã viên mượn hoặc thuê đều giao cho hợp tác xã mượn hoặc thuê lại. Đối với các xã viên nghèo đã thuê ruộng đó với giá thấp hoặc mượn không, thì hợp tác xã có thể chiếu cố trả cho họ một số hoa lợi ruộng đất.

h) Những người có ruộng đất ở địa phương, vì lẽ này hay lẽ khác, phải đi làm ăn nơi khác, có thể giao ruộng đất của mình cho hợp tác xã mượn để tiếp tục sản xuất, hưởng hoa lợi, nộp thuế nông nghiệp cho Nhà nước và trả cho người có ruộng đất một số tiền hoặc hiện vật do hai bên thỏa thuận với nhau. Khi nào những người có ruộng đất trở về, nếu không vào hợp tác xã và muốn lấy lại ruộng đất để làm riêng thì hợp tác xã trả lại cho họ, hoặc đổi cho họ ruộng đất khác tương đương nếu họ đồng ý.

i) Nếu thuế nông nghiệp của xã viên do hợp tác xã đóng thay một phần hoặc toàn thể, thì phần thuế nông nghiệp đóng thay ấy sẽ trừ vào phần hoa lợi ruộng đất mà hợp tác xã phải trả cho xã viên.

Điều 11. – Ruộng đất của đồng bào là nhân dân lao động bị cưỡng ép di cư vào Nam, nay đưa vào hợp tác xã thì quyền sở hữu ruộng đất ấy vẫn thuộc về đồng bào đi Nam, hợp tác xã chỉ được sử dụng, khi nào đồng bào về sẽ trả lại. Những người đang cày cấy ruộng đất ấy nay vào hợp tác xã, nếu những người đó là cha mẹ vợ con, anh em, chú bác ruột của người đi Nam, hoặc là những bần nông và trung nông lớp dưới chủ yếu phải sống nhờ vào ruộng đất ấy thì được hưởng tỷ lệ hoa lợi chia cho ruộng đất ấy, như ruộng đất ấy là của mình. Những người khác làm ruộng đất ấy thì chỉ được hưởng một phần hoa lợi thấp hơn, do hợp tác xã bàn bạc với họ mà định.

Điều 12. – Ruộng đất tôn giáo trong cải cách ruộng đất để lại cho Nhà chùa, Nhà chung thì nay vẫn để Nhà chùa, Nhà chung sử dụng như cũ. Trong trường hợp Nhà chùa, Nhà chung muốn gửi ruộng đất đó vào đó vào hợp tác xã thì hợp tác xã có thể nhận làm và trích cho Nhà chùa, Nhà chung một phần hoa lợi ruộng đất. Tỷ lệ hoa lợi đó để bao nhiêu do hợp tác xã bàn bạc với quần chúng tôn giáo mà quyết định.

Điều 13. – Khi tập thể tổ viên tổ đổi công gia nhập hợp tác xã, những ruộng đất do tổ vỡ hoang cũng đưa vào hợp tác xã để thống nhất kinh doanh và hợp tác xã không phải trả hoa lợi cho ruộng đất đó. Nếu ruộng đất của tổ đổi công mới khai phá chưa được thu lợi, thì hợp tác xã có thể tính cho các tổ viên gia nhập hợp tác xã một số ngày công. Những tổ viên nào không vào hợp tác xã thì được trả công khai phá, hoặc nếu người ấy thiếu ruộng đất thì có thể để lại cho họ một phần ruộng đất đã khai phá.

Điều 14. – Những công trình thủy lợi của xã viên đi liền với ruộng đất đưa vào hợp tác xã như ao, giếng, đập, mương v.v… thì do hợp tác xã trông nom, sửa chữa. Nếu những công trình thủy lợi ấy mới xây dựng, người có công làm chưa thu được một số lợi thích đáng, thì hợp tác xã sẽ định thời hạn hai, ba năm trả cho người ấy một số tiền phí tổn phải chăng.

Điều 15. – Trâu bò cày, kéo của xã viên, hợp tác xã thuê dùng và chăn nuôi, hoặc hợp tác xã thuê dùng nhưng việc chăn nuôi do người có trâu bò đảm nhiệm. Trong khi sử dụng, trâu bò đang khỏe nếu vì bắt làm quá sức mà bị tàn tật hoặc chết thì hợp tác xã phải bồi thường. Trong trường hợp hợp tác xã có khả năng về tài chính, có điều kiện chăn nuôi và xã viên thật sự yêu cầu thì có thể mua lại trâu bò đó làm của chung và trả dần trong thời hạn 3 đến 5 năm. Trong lúc hợp tác xã chưa trả đủ số tiền đó thì phải trả lãi cho số tiền còn thiếu; mức lãi do hai bên bàn định, nhưng không được cao hơn mức lãi của tiền gửi vào hợp tác xã vay mượn.

Nơi nào ngoài số trâu bò cày, kéo ra, còn có nhiều trâu bò chăn nuôi, thì phải giúp đỡ, hướng dẫn các xã viên tổ chức chăn nuôi cho tốt. Nếu hợp tác xã có điều kiện quản lý và được xã viên đồng ý thì thống nhất kinh doanh theo mấy cách như sau: hoặc hợp tác xã và xã viên chủ trâu bò cùng chia lời về số trâu bò chăn nuôi, hoặc hợp tác xã mua lại trâu bò và trả tiền dần cho xã viên.

Giá mua trâu bò theo giá trung bình của địa phương. Giá thuê thì căn cứ vào giá thuê bình thường của địa phương và tùy theo trâu bò phải làm nhiều ít, nặng nhẹ mà có thể định giá thuê cao hơn hoặc thấp hơn giá thuê bình thường một chút.

Ở miền núi, để chiếu cố phong tục, tập quán của địa phương, khi công hữu hóa trâu bò, có thể để lại cho những gia đình có nhiều trâu bò một hai con làm của riêng. Khi công hữu hóa ngựa, con nào xã viên dùng để phục vụ sinh hoạt gia đình (như dùng để cưỡi, để thồ củi, xe nước, v.v…) thì không công hữu hóa.

Điều 16. - Về những nông cụ loại lớn (như cày, bừa, guồng nước, máy tuốt lúa, v.v…), những phương tiện vận tải (như xe, thuyền, v.v…) và những dụng cụ lớn thuộc các nghề khác ngoài nghề nông, thì hợp tác xã thuê dùng. Giá thuê căn cứ vào giá trị thực tế từng loại và thời gian những thứ đó đã được sử dụng lâu hay chóng mà định. Khi thuê dùng, nếu hỏng thì hợp tác xã sửa chữa; nếu không sửa chữa được thì bồi thường. Nếu cần đến luôn thì hợp tác xã có thể mua lại và trả dần như đổi với trâu bò.

Những nông cụ loại nhỏ, như liềm, hái, dao, v.v… thì xã viên tự sắm lấy và sửa lấy.

Chương 4:

CỔ PHẦN

Điều 17. – Trong hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp, xã viên phải góp cổ phần sản xuất để chi phí về sản xuất, như mua hạt giống, phân bón, sửa chữa nông cụ v.v… Còn để mua sắm các tư liệu sản xuất như trâu bò, nông cụ v.v… để làm của chung thì xã viên phải đóng cổ phần công hữu hóa.

Cổ phần sản xuất phải góp ngay theo đầu mẫu ruộng của xã viên dưa vào hợp tác xã và có thể góp bằng hiện vật. Số tiền hoặc hiện vật mỗi mẫu phải góp tương đương với phí tổn sản xuất một mẫu ruộng trong một vụ, cộng thêm số hạt giống và một phần phân bón lót cho vụ sau (một vụ nói đây là vụ chính ở địa phương trước khi vào hợp tác xã).

Cổ phần công hữu hóa góp theo đầu người xã viên. Số tiền mỗi xã viên phải góp cộng lại tương đương với số tiền hợp tác xã cần để mua tư liệu sản xuất, như trâu bò để cày hoặc để kéo và nông cụ cần thiết cho sản xuất, trước hết là để mua những thứ đó của xã viên đã góp vào hợp tác xã. Nếu số tiền này quá cao, đa số xã viên không góp nổi thì cần giảm bớt, số còn thiếu do quỹ tích lũy chịu. Đối với những xã viên mất sức lao động hoặc khả năng lao động còn rất ít, nếu được Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên đồng ý thì có thể được miễn hoặc giảm cổ phần công hữu hóa.

Trong trường hợp xã viên có trâu bò, nông cụ công hữa hóa thì số trâu bò, nông cụ ấy được tính thành tiền và trừ vào tiền cổ phần công hữu hóa mà xã viên ấy phải góp vào hợp tác xã, thừa thì được bù, thiếu thì phải góp thêm. Người còn thiếu được góp dần và phải trả lãi để hợp tác xã trả lãi cho những người được bù (mức lãi này ngang với mức lãi hợp tác xã phải trả cho người đóng cổ phần rồi mà còn thừa).

Những xã viên nghèo không góp được cổ phần thì vay mượn người khác mà góp, nếu không được thì có thể vay hợp tác xã vay mượn hoặc vay Ngân hàng.

Điều 18. - Cổ phần sản xuất và cổ phần công hữu hóa của xã viên đã góp chỉ được rút ra khi xã viên ra hợp tác xã.

Điều 19. – Khi tập thể tổ viên tổ đổi công vào hợp tác xã và chuyển tài sản chung của họ thành tài sản chung của hợp tác xã thì những tổ viên đó được tính trừ số tiền về tài sản chung của họ vào số tiền mà họ phải họ phải góp cổ phần cho hợp tác xã, thiếu thì họ phải góp thêm, thừa thì có thể bỏ vào làm của chung của hợp tác xã xã viên nếu được các tổ viên tổ đổi công đồng ý.

Điều 20. – Khi hợp tác xã cần thêm vốn để sản xuất thì các xã viên tùy theo khả năng mà cho hợp tác xã vay và được trả lãi hàng năm bằng mức lãi tiền gửi vào hợp tác xã vay mượn. Trong vòng từ 1 đến 3 năm, hợp tác xã phải hoàn lại đủ số vốn đó.

Chương 5:

SẢN XUẤT

Điều 21. – Bí quyết thành công của hợp tác xã sản xuất nông nghiệp là: trên cơ sở lao động tập thể và cải tiến kỹ thuật mà không ngừng tăng năng suất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho xã viên, tăng tích lũy vốn cho hợp tác xã, không ngừng phát huy tính hơn hẳn của hợp tác xã đối với nền kinh tế cá thể; vấn đề then chốt nhất là tăng năng suất, tăng thu nhập. Để thực hiện điều đó, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải có kế hoạch thực hiện kinh doanh sản xuất nhiều mặt, nhằm tận dụng hợp lý sức lao động của xã viên, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thêm công việc làm, nâng cao thu nhập của hợp tác xã và của mỗi xã viên. Vì vậy, đi đôi với việc trồng trọt (lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả), mỗi hợp tác xã phải căn cứ vào điều kiện kinh tế của địa phương và khả năng của mình mà tổ chức kinh doanh nhiều nghề khác như chăn nuôi gia súc, nuôi cá, đánh cá, trồng cây gây rừng, khai thác lâm sản, làm một ít cơ sở công nghiệp nhỏ, tổ chức và hướng dẫn nghề phụ gia đình v.v…

Điều 22. - Để tăng năng suất và tăng sản lượng nông nghiệp, hợp tác xã cần chú trọng rất nhiều đến việc cải tiến và áp dụng những biện pháp kỹ thuật như sau:

a) Cải tiến nông cụ và phương tiện vận tải, dùng nông cụ kiểu mới và áp dụng các phương pháp canh tác mới như chọn giống tốt, bón nhiều phân và bón đúng cách, cày sâu, cấy dây vừa phải, thay đổi chất đất, phòng và trừ sâu bệnh, v.v…

b) Chú trọng giải quyết vấn đề nước tưới, như xây dựng và sửa chữa những công trình thủy lợi, cải tiến cách tưới nước, dẫn nước, bảo đảm cho ruộng đất dần dần không bị hạn, lụt, úng.

c) Tăng thêm trâu bò cày, kéo; tổ chức chăn nuôi trâu bò cho tốt, để bảo đảm đủ sức cày, kéo.

d) Sử dụng ruộng đất một cách hợp lý và tùy điều kiện mà tổ chức khai hoang để tăng thêm ruộng đất trồng cấy.

Áp dụng những biện pháp kể trên phải rất hợp lý và tiết kiệm, tránh lãng phí.

Điều 23. – Hàng năm, vào cuối mùa thu, hợp tác xã cần rút kinh nghiệm sản xuất đã qua và căn cứ theo yêu cầu của nhiệm vụ mới mà đặc kế hoạch sản xuất cho năm sau. Nội dung kế hoạch phải bao gồm mọi mặt: mức sản lượng chung và mức sản lượng cho từng loại sản phẩm, biện pháp kỹ thuật, kế hoạch sử dụng nhân lực và trâu bò, nông cụ, kế hoạch cung cấp tư liệu sản xuất, kế hoạch tiêu thụ, chế biến sản phẩm, kế hoạch xây dựng cơ bản v.v… Trong từng thời gian ngắn (từng vụ, từng tháng) hợp tác xã lại phải căn cứ vào kế hoạch sản xuất cả năm để vạch kế hoạch thực hiện cụ thể. Ngoài ra, tùy theo điều kiện, có thể đặt kế hoạch dài hạn của hợp tác xã ăn khớp với thời hạn của kế hoạch Nhà nước.

Khi đặt kế hoạch sản xuất của hợp tác xã, Ban quản trị phải để cho xã viên tham gia bàn bạc dân chủ, tránh gò ép, mệnh lệnh.

Chương 6:

TỔ CHỨC LAO ĐỘNG, KỶ LUẬT LAO ĐỘNG VÀ TÍNH CÔNG LAO ĐỘNG

Điều 24. - Trừ các hợp tác xã nhỏ khoảng từ 15 hộ trở xuống, còn các hợp tác xã có khoảng từ 15 hộ trở lên thì tùy từng hợp tác xã mà chia xã viên ra thành những đội hoặc tổ sản xuất cố định, giao cho những ruộng đất, trâu bò, nông cụ nhất định, gioa cho những r, trâu bò, nông cụ nhất định để cho các đội, tổ đó theo kế hoạch chung của hợp tác xã mà tự sắp xếp công việc sản xuất. Để lợi cho sản xuất, khi chia các đội hoặc các tổ, không nên chênh lệch nhau nhiều về số người nhiều ít, khỏe yếu, chỗ ở xa gần và trình độ kỹ thuật, năng lực lãnh đạo của cán bộ. Khi cần thiết các đội hoặc tổ có thể chia ra các nhóm sản xuất tạm thời.

Đội hoặc tổ sản xuất cử đội trưởng, tổ trưởng nhóm sản xuất cử nhóm trưởng để phụ trách công việc của đội, tổ hoặc nhóm. Đội trưởng, tổ trưởng hoặc nhóm trưởng phải phân phối công việc hợp với khả năng từng người trong đơn vị mình, theo dõi, kiểm tra kết quả công việc của từng người và ghi công cho họ.

Lúc hợp tác xã đã kinh doanh nhiều thứ với số lượng tương đối nhiều và làm việc thường xuyên, thì tổ chức ra những đội, tổ chuyên môn trồng cây lương thực, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, nuôi cá, đánh cá, làm vôi, gạch v.v…

Sau khi chia đội và tổ sản xuất, hợp tác xã cần thực hiện khoán việc đối với đội hoặc tổ, từ khoán nhỏ (từng đợt, từng vụ) đến khoán lớn (cả năm), từ khoán công đến khoán sản lượng và khoán chi phí sản xuất. Đi đôi với khoán việc, phải định tiêu chuẩn thưởng phạt.

Điều 25. - Để đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất của hợp tác xã, các xã viên phải giữ đúng kỷ luật lao động như sau:

a) Làm đủ số ngày công do hợp tác xã ấn định (hợp tác xã cần xét cụ thể điều kiện từng người mà định cho hợp lý), trừ trường hợp đặc biệt như ốm đau, sinh đẻ, đi dân công v.v…

b) Không được nghỉ việc nếu không có lý do chính đáng.

c) Bảo đảm làm công việc của hợp tác xã đúng số lượng, chất lượng và thời gian.

d) Giữ gìn tốt trâu bò, nông cụ và nguyên liệu, vật liệu của hợp tác xã.

đ) Phục tùng người chỉ huy khi giao việc và trong khi làm việc.

Đối với xã viên phạm kỷ luật lao động hoặc không thực hiện đúng kế hoạch thì tùy theo lỗi nặng hay nhẹ mà giáo dục, phê bình hoặc cảnh cáo, bớt ngày công, bắt bồi thường (nếu là những người có trách nhiệm lãnh đạo thì có thể bị cách chức); phạm lỗi thật nặng thì có thể bị khai trừ ra khỏi hợp tác xã.

Điều 26. – Nguyên tắc tính công trong hợp tác xã là : làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Để thực hiện nguyên tắc đó, hợp tác xã phải định rõ mức lao động cho từng công việc và tiêu chuẩn tính công cho các thứ công việc.

Mức lao động của một công việc là kết quả công việc mà một người lao động trung bình có thể làm được trong một ngày với những điều kiện ruộng đất, trâu bò, nông cụ và thời tiết nhất định, và với một thái độ đúng đắn. Nếu thấy mức đặt trước không sát hoặc điều kiện sản xuất thay đổi thì cần sửa lại cho thích hợp.

Hợp tác xã căn cứ vào việc hoàn thành mức lao động của một công việc như trên, xét trình độ kỹ thuật cần phải có để làm việc đó, xét sự khó nhọc nhiều hay ít và xét tầm quan trọng của công việc mà định công điểm. Hoàn thành mức lao động hạng vừa thì được ghi một ngày công, mỗi ngày công là 10 điểm.

Khi chưa định được mức lao động và tiêu chuẩn tính công cho các thứ công việc thì hợp tác xã tạm thời dùng cách bình công chấm điểm theo cách định điểm trước, chấm công có thay đổi, để tính công cho xã viên.

Điều 27. – Những cán bộ của hợp tác xã như chủ nhiệm người kế toán, v.v… vì bận công việc chung của hợp tác xã, không thể tham gia lao động được nhiều, thì hàng năm Đại hội xã viên căn cứ vào điều kiện công tác của từng người mà ấn định cho họ một số ngày công tối thiểu phải làm và phụ cấp cho họ một số ngày công nhất định, đảm bảo tổng số ngày công của họ ngang với số ngày công của một xã viên trung bình. Ngoài việc khen thưởng các xã viên, mỗi khi tổng kết cuối năm, hợp tác xã còn có thể căn cứ vào việc thực hiện kế hoạch (vượt mức kế hoạch nhiều hay ít) mà thưởng cho cán bộ lãnh đạo hợp tác xã.

Điều 28. – Những gia đình liệt sĩ, gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình bộ đội thiếu sức lao động, cần được hợp tác xã bố trí công việc hợp lý và được tính những ngày công do xã viên hoặc người ngoài làm giúp vào công điểm của nhà mình, cộng cả số ngày công mình tự làm và những ngày công làm giúp có thể bằng số ngày công của một hộ xã viên lao động trung bình, có nhân khẩu tương đương hợp tác xã. Điều này cũng có thể áp dụng với gia đình cán bộ xã như bí thư chi bộ, chủ tịch xã bận nhiều công tác chung mà nhà lại neo đơn.

Chương 7:

QUẢN LÝ TÀI HÍNH VÀ PHÂN PHỐI HOA LỢI

Điều 29. – Khi đặt kế hoạch sản xuất hàng năm, Ban quản trị hợp tác xã phải đồng thời lập dự toán thu chi cả năm của hợp tác xã. Dự toán thu chi gồm có nguồn vốn, kế hoạch dùng vốn trong cả năm, dự tính giá trị tổng hợp sản lượng trong cả năm về sản xuất nông nghiệp và nghề khác và dự tính việc phân phối.

Điều 30. – Hợp tác xã phải xây dựng chế độ tài chính chặt chẽ trên tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí, tham ô. Phải cử người phụ trách kế toán riêng, thu quỹ riêng, không được để một người kiêm cả hai việc và phải cử người chuyên trách bảo quản tài sản của hợp tác xã.

Các khoản chi đã ghi trong dự toán, trừ các khoản nhỏ do chủ nhiệm thông qua, còn các khoản khác phải được Ban quản trị thông qua. Những khoản chi khác tiêu ngoài dự toán phải đưa ra Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên quyết định.

Tất cả những khoản chi thu của hợp tác xã phải có chứng từ. Người kế toán phải vào sổ theo chứng từ và chấp hành đúng chế độ tài chính.

Sổ sách của hợp tác xã phải rõ ràng và công bố đúng kỳ hạn. Sổ ghi công của xã viên phải công bố vào cuối tháng, cuối vụ và cuối năm. Sổ thu chi phải công bố vào cuối tháng và cuối năm. Những giấy tờ về tài sản chung phải công bố khi khóa sổ hàng năm.

Xã viên nào vì thiếu tinh thần trách nhiệm mà gây thiệt hại cho hợp tác xã, hoặc tham ô, trộm cắp, phá hoại của công, thì tùy theo lỗi nặng nhẹ mà phê bình, cảnh cáo, bắt bồi thường cho đến khai trừ ra khỏi hợp tác xã, hoặc trưòng hợp cần thiết có thể đề nghị chính quyền xét xử.

Điều 31. – Những thứ thu hoạch, trước khi chia chính thức vào dịp cuối năm và sau khi đã dành đủ số cần thiết để chi dùng chung, hợp tác xã nên tạm trả một phần hoa lợi ruộng đất và căn cứ vào số ngày công của mỗi xã viên mà tạm chia một phần cho họ.

Cuối năm hợp tác xã cộng tác khoản thu về nông nghiệp và nghề khác rồi phân phối như sau:

a) Đóng thuế cho Nhà nước (về phần hợp tác xã phải đóng).

b) Bù thêm khoản chi tiêu về sản xuất trong năm mà dự trù trước còn thiếu và dành cho chi phí sản xuất trong năm sau.

c) Dành ra một số để vào quỹ tích lũy và quỹ công ích của hợp tác xã và dành một phần cho chi phí hành chính (khoản chi phí này không được quá 1% tổng số thu hoạch hàng năm).

d) Trả phần hoa lợi cho ruộng đất.

đ) Số còn lại chia cho tổng số ngày công đã làm về nông nghiệp và nghề khác trong cả năm của xã viên .

Điều 32. - Quỹ tích lũy dùng vào việc mua súc vật, sắm nông cụ và xây dựng cơ bản, như làm kho tàng, xây dựng công trình thủy lợi, vỡ hoang, trồng cây gây rừng, đào ao thả cá v.v… và có thể bỏ thêm vào chi phí sản xuất khi thật cần thiết. Lúc đầu quỹ này cần để 5% số thu hoạch thực tế hàng năm (tức là tổng số thu hoạch trừ chi phí sản xuất); khi nào sản xuất của hợp tác xã đã phát triển thì có thể tăng dần lên đến 10%. Các hợp tác xã có những nguồn lợi lớn, thu nhập nhiều thì lúc có thể trích bỏ vào quỹ tích lũy nhiều hơn 5% một ít.

Quỹ công ích dùng vào công việc văn hóa, xã hội của hợp tác xã. Lúc đầu, quỹ này không nên để quá 1% số thu hoạch thực tế hàng năm; nhưng đến khi sản xuất của hợp tác xã đã phát triển thì có thể tăng lên đến 2% hoặc 3%.

Khi gặp thiên tai, thu hoạch kèm thì có thể tùy theo tình hình mà giảm bớt phần trích cho hai thứ quỹ đó.

Khi có hai hay nhiều hợp tác xã lại thì hai thứ quỹ trên và các tài sản chung khác của những hợp tác xã đó phải hợp lại làm của chung hợp tác xã mới, không được phân tán. Các khoản nợ của hợp tác xã dùng để tăng thêm tài sản chung của mình mà tài sản đó vẫn còn thì cũng chuyển sang cho hợp tác xã mới thanh toán, nếu tài sản đó không còn nữa thì hợp tác xã cũ phải thanh toán trước khi sát nhập.

Chương 8:

CÔNG TÁC CHÍNH TRỊ VÀ TƯ TƯỞNG, CÔNG TÁC VĂN HÓA VÀ XÃ HỘI

Điều 33.Công tác chính trị và tư tưởng có tính chất quyết định rất lớn trong việc củng cố và phát triển hợp tác xã. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải thường xuyên tiến hành giáo dục xã viên theo nội dung như sau:

a) Tuyên truyền, giáo dục chủ trương, chính sách của Đảng lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam dân chủ công hòa, nhất là tuyên truyền, giáo dục đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa, giáo dục xã viên yêu Tổ quốc, tôn trọng pháp luật, củng cố khối công nông liên minh, đoàn kết dân tộc, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà và bảo vệ hòa bình thế giới.

b) Giáo dục tinh thần tập thể, tăng cường đoàn kết giúp nhau nêu cao tinh thần cần kiệm xây dựng hợp tác xã, tinh thần yêu quý hợp tác xã như yêu quý nhà mình, coi công việc của hợp tác xã như công việc của nhà mình và yêu quý của chung như yêu quý của riêng mình.

c) Giáo dục tinh thần hăng hái lao động, tự giác giữ kỷ luật lao động, đấu tranh chống lười biếng và chống những hành động phá hoại kỷ luật lao động; động viên thi đua yêu nước, sản xuất nhanh, nhiều, tốt rẻ; khen thường những xã viên và đơn vị tích cực và khen thưởng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật; chống tư tưởng bảo thủ.

d) Phát huy dân chủ trong hợp tác xã, khuyến khích xã viên tích cực tham gia quản lý công việc của hợp tác xã.

đ) Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng của xã viên, tăng cường công tác bảo vệ hợp tác xã và bảo vệ trật tự an ninh trong xã hội.

Điều 34.Công tác văn hóa và xã hội là một bộ phận quan trọng trong việc nâng cao đời sống của xã viên, cho nên cần phải được chú ý rất nhiều. Những công tác văn hóa, xã hội trong hợp tác xã gồm có:

a) Tổ chức và giúp đỡ xã viên xóa nạn mù chữ, bổ túc văn hóa, học tập kỹ thuật và nghiệp vụ, phổ biến khoa học thường thức, tổ chức đọc sách báo, làm công tác văn nghệ, luyện tập thể dục, thể thao, v.v… một cách có kế hoạch.

b) Chăm lo đến việc bảo đảm an toàn lao động cho các xã viên; phân công hợp lý cho những người giá cả, tàn tật, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 16 tuổi. Vì công việc chung mà xã viên bị thương thì hợp tác xã phải kịp thời chạy chữa tùy theo khả năng của mình; nếu xã viên bị hy sinh thì hợp tác xã giúp đỡ bảo đảm đời sống cho gia đình họ.

c) Đẩy mạnh công tác vệ sinh chung và vệ sinh gia đình của xã viên,

d) Tổ chức tốt việc giữ trẻ để giải quyết khó khăn cho xã viên phụ nữ; định chế độ cho phụ nữ nghỉ việc một số ngày trước và sau khi đẻ, và giúp đỡ xã viên phụ nữ khi sinh đẻ.

đ) Tùy điều kiện mà giúp đỡ những xã viên không may bị hoạn nạn và đời sống gặp nhiều khó khăn.

Chương 9:

CƠ QUAN QUẢN LÝ HỢP TÁC XÃ

Điều 35. – Cơ quan cao nhất của hợp tác xã là Đại hội xã viên có quyền hạn và nhiệm vụ như sau:

a) Xét và phê chuẩn báo cáo công tác của Ban quản trị và Ban kiểm soát.

b) Xét và phê chuẩn kế hoạch sản xuất, dự toán thu chi, mức lao động và tiêu chuẩn tính công cho các thứ công việc và ký các hợp đồng quan trọng với bên ngoài hợp tác xã.

c) Xét và quyết định việc trả hoa lợi cho ruộng đất, việc đưa các tư liệu sản xuất khác vào hợp tác xã, việc góp tiền cổ phần và việc phân phối hoa lợi thu hoạch hàng năm.

d) Thông qua và sửa đổi điều lệ của hợp tác xã .

đ) Bầu cử, bãi chức chủ nhiệm hợp tác xã và ủy viên Ban quản trị, trưởng ban và ủy viên Ban kiểm soát.

e) Công nhận xã viên mới vào hợp tác xã và công nhận xã viên dự bị được lên chính thức.

g) Xét và quyết định những việc khen thưởng, việc xử phạt nặng đối với xã viên và việc khai trừ xã viên.

h) Xét và quyết định những công việc quan trọng khác của hợp tác xã.

Trong trường hợp số xã viên quá nhiều hoặc ở quá phân tán, thì có thể họp Đại hội đại biểu xã viên trên dưới 100 người thay cho Đại hội xã viên. Khi Đại hội xã viên hoặc Đại hội đại biểu xã viên quyết định thì phải có quá nửa sổ xã viên đến họp và phải được quá nửa số người có mặt biểu quyết thì mới có giá trị.

Đại hội xã viên do Ban quản trị triệu tập ít nhất 3 tháng một lần.

Những hợp tác xã mới thành lập, xã viên còn ít, nên họp mỗi tháng một lần.

Điều 36. – Ban quản trị có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

a) Chấp hành điều lệ hợp tác xã và nghị quyết của Đại hội xã viên (hoặc Đại hội đại biểu xã viên).

b) Điều khiển công việc sản xuất của hợp tác xã.

c) Thay mặt hợp tác xã giao thiệp với ngoài.

d) Triệu tập Đại hội xã viên thường kỳ hoặc bất thường và báo cáo công việc đã làm trước xã viên.

Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm hợp tác xã và các ủy viên khác của Ban quản trị tùy theo công việc của hợp tác xã mà phân công phụ trách các công tác như: sản xuất nông nghiệp, nghề khác, tài chính, công tác chính trị và tư tưởng, công tác văn hóa và xã hội, v.v… và phân công một số trực tiếp làm đội trưởng hoặc tổ trưởng sản xuất.

Ban quản trị có thể chỉ định một số nhân viên giúp việc như kế toán, giữ kho.

Điều 37. – Ban kiểm soát có nhiệm vụ và quyền hạn như sau:

a) Kiểm soát, đôn đốc Ban quản trị và các xã viên chấp hành điều lệ của hợp tác xã và nghị quyết của Đại hội xã viên (hoặc Đại hội đại biểu xã viên).

b) Kiểm tra thu chi tài chính.

c) Yêu cầu Ban quản trị triệu tập Đại hội bất thường khi cần thiết.

d) Báo cáo theo thường lệ cho Đại hội xã viên.

Chủ nhiệm và các ủy viên Ban quản trị, kế toán viên và thủ quỹ tuyệt đối không được kiêm chức ủy viên Ban kiểm soát.

Điều 38. - Chủ nhiệm hợp tác xã, Trưởng ban kiểm soát, Ban quản trị và Ban kiểm soát mỗi năm bầu lại một lần, những người cũ có thể được bầu lại. Ban quản trị nên bầu từ 5 đến 15 người, Ban kiểm soát bầu từ 3 đến 5 người.

Trong Ban quản trị và Ban kiểm soát, thành phần phụ nữ nên chiếm khoản một phần ba.

Ở miền núi, nếu trong hợp tác xã có nhiều dân tộc thì trong Ban quản trị và Ban kiểm soát cần có đại biểu các các dân tộc. Nếu số ủy viên trong Ban Quản trị và Ban kiểm soát có hạn không thể bao gồm đủ đại biểu của các dân tộc thì trước khi Ban quản trị và Ba kiểm soát quyết định một vấn đề quan trọng có liên quan đến một dân tộc ít người không có đại biểu trong Ban quản trị và Ban kiểm soát cũng cần bàn bạc trước với những xã viên người dân tộc ấy.

Nếu trong hợp tác xã có nhiều thành phần tôn giáo thì trong khi bầu cử những người lãnh đạo cũng cần chú ý bầu những người thuộc các thành phần tôn giáo khác nhau.

Tiêu chuẩn những người đáng được bầu vào Ban quản trị và Ban kiểm soát là: kiên quyết xây dựng hợp tác xã, có công tâm, quyết tâm bảo vệ lợi ích của tập thể và khả năng công tác.

Chương 10:

ĐIỀU KHOẢN PHỤ

Điều 39. - Điều lệ mẫu này dùng chung cho các địa phương. Các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp dựa theo điều lệ này mà xây dựng điều lệ của mình và báo cáo với Ủy ban Hành chính huyện, châu, quận, thị xã chứng nhận và xét duyệt.

Các địa phương muốn có những quy định khác với tinh thần bản điều lệ này phải xin chỉ thị của Chính phủ.


(1) Từ đây đến cuối bản, những chữ hợp tác xã dùng trong bản điều lệ này là chỉ hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 449-TTg năm 1959 ban hành điều lệ mẫu hợp tác xã sản xuất nông nghiệp bậc thấp do Phủ Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 449-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/12/1959
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Trường Chinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 50
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản