Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Số: 43-NV/TT | Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 1957 |
QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ ÁP DỤNG ĐỐI VỚI CÁN BỘ HOẠT ĐỘNG Ở MIỀN NÚI
Thi hành Thông tư số 411-TTg ngày 07-9-1957 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số điểm về chính sách đối với cán bộ hoạt động ở miền núi, Liên bộ Nội vụ - Tài chính tạm thời quy định dưới đây một số điểm về chế độ phụ cấp đối với cán bộ hoạt động miền núi, nhằm chiếu cố một phần đến hoàn cảnh sinh hoạt và công tác khó khăn của anh chị em cán bộ, để cho anh em thêm yên tâm, phấn khởi công tác, góp phần vào nhiệm vụ xây dựng và củng cố các vùng miền núi đạt được kết quả tốt.
Do hoàn cảnh đặc biệt ở miền núi, phụ cấp đi đường không căn cứ vào cây số hoặc ăn cơm ngoài cơ quan để tính như vùng xuôi, mà tính theo chặng đường đi, cụ thể như sau:
1) Cán bộ khi đi công tác trên một chặng đường mất một buổi, thì được hưởng nữa định suất là 600đ, nếu phải đi chặng đường mất một ngày thì được tính 1.200đ, không kể có ăn cơm trong hay ngoài cơ quan.
2) Cán bộ đi công tác từ xã này sang xã khác cũng được tính công tác phí theo chặng đường và thời gian quy định như trên, những ngày lưu trú ở xã công tác không được tính.
3) Cán bộ, nhân viên có nhiệm vụ đi công tác lưu động thường xuyên, một ngày đi công tác trên đường được hưởng 400đ, nếu đi một buổi thì hưởng 200đ, không kể ăn cơm ở ngoài hay trong cơ quan, những ngày lưu trú lại công tác ở một nơi thì không có phụ cấp.
- Địa phương nào không dùng được xe đạp vì không có đường xá thuận tiện mà phải đi ngựa thì Ủy ban khu sẽ nghiên cứu và đề nghị Bộ Tài chính xét cấp cho mỗi cấp (khu, tỉnh, châu) được mua một số ngựa thật cần thiết cho công tác, việc mua và nuôi ngựa này không nên mở rộng vì phải có thêm người trông nom, chăn dắt, phải cung cấp thóc, muối, vv… tốn kém rất nhiều công quỹ.
Trong khi chờ đợi Chính phủ ban hành chế độ nghỉ hàng năm Liên bộ tạm thời quy định như sau:
Cán bộ nhân viên miền xuôi công tác ở miền núi mỗi năm chỉ được nghỉ một lần từ 7 đến 15 ngày tùy theo gia đình ở gần hoặc xa không kể ngày đi và về và được cấp tiền tàu xe, tiền phụ cấp đi đường.
Riêng đối với cán bộ dân tộc địa phương, cần được chiếu cố đến phong tục tập quán nên hàng năm cũng được nghỉ trong phạm vi từ 7 đến 15 ngày, nhưng có thể chia ra hai hoặc ba lần nghỉ, vào những ngày tết, hội hè, đình đám, ngày mùa, vv… tùy theo phong tục tập quán của mỗi dân tộc. Tuy vậy, chỉ thanh toán tiền tàu xe, tiền phụ cấp đi đường một năm một lần thôi, còn những lần nghỉ phép khác không được cấp.
Ngoài ra, nếu có trường hợp đặc biệt có bố mẹ đẻ, vợ con chết hoặc cưới vợ, lấy chồng mà cơ quan xét cần để cán bộ về thì có thể giải quyết cho nghỉ phép, nếu trước đó cán bộ đã nghỉ phép và đã được thanh toán tiền tàu xe, tiền phụ cấp đi đường một lần rồi, thì lần này cũng được xét và có thể chiếu cố cho thanh toán như khi đi nghỉ phép. Trường hợp chưa nghỉ phép thì cơ quan sẽ cho kết hợp với lần nghỉ phép hàng năm; tiền tàu xe, tiền phụ cấp đi đường thanh toán lần này coi như khoản thanh toán cho đi nghỉ phép hàng năm.
Đối với những cán bộ, nhân viên kể cả người kinh và dân tộc nếu gia đình ở gần nơi mình công tác, mà ngày lễ, chủ nhật hoặc lúc đi công tác đã kết hợp về thăm gia đình rồi, sẽ không nhất thiết phải nghỉ phép hàng năm nữa.
Điều cần chú ý giải thích cho anh em là việc quy định nghỉ phép hàng năm cho cán bộ nhân viên hoạt động ở miền núi trên đây chỉ là biện pháp giải quyết tạm thời, lúc nào Chính phủ chính thức ban hành chế độ nghỉ hàng năm thì sẽ thi hành theo chế độ chung và việc nghỉ phép tạm thời quy định trên sẽ không áp dụng nữa.
Tiêu chuẩn y dược phí, thuốc phòng, bồi dưỡng đối với cán bộ nhân viên hoạt động miền núi vẫn thi hành theo chế độ y dược phí nói trong Thông tư 1100-TC/HCP ngày 26-10-1956 của Liên Bộ Tài chính và Y tế, trong đó có phân biệt miền núi và miền xuôi. Nếu thi hành đúng Thông tư 1100-TC/HCP nói trên và các công văn hướng dẫn số 4065-BYT/CB tháng 4-1957, số 4488 ngày 03-6-1957 của Bộ Y tế cũng như sau khi đã điều hòa giữa các cơ quan đồng cấp mà tiêu chuẩn thuốc hàng năm vẫn không đủ thì Ủy ban khu (Khu Tài chính) sẽ phản ảnh cụ thể về Bộ Tài chính cùng với Bộ Y tế để nghiên cứu giải quyết.
Đối với cán bộ nhân viên hoạt động ở vùng cao (nơi xa xôi hẻo lánh nhất như biên giới, vv…) lúc đi công tác lẻ tẻ bị ốm đau nằm nhà dân không có cơ quan, bệnh xá, vv… thì được bồi dưỡng mỗi ngày là 400đ. Cách quản lý tiêu chuẩn, chế độ này và thể thức thanh toán thế nào cho chặt chẽ trong những trường hợp nói trên cũng như nơi nào thuộc vùng cao thì do Ủy ban các khu quy định cụ thể và báo cáo lên Liên bộ biết để theo dõi.
Cần tăng cường các loại thuốc phòng cần thiết như (phòng độc, rắn độc, vv…) cho những cán bộ đi công tác trong rừng núi xa cơ quan không có bệnh xá, bệnh viện.
Gia đình cán bộ, nhân viên như cha mẹ đẻ, vợ con hoặc chồng và anh chị em ruột (kể cả cán bộ kinh và dân tộc) ở xa cơ quan của người cán bộ công tác trên dưới một ngày đường đi bộ đến thăm, thì được hưởng chế độ chiêu đãi một năm một lần, gia đình cán bộ đến thăm được cơ quan chiêu đãi mỗi lần từ 1 đến 3 người và trong thời gian 7 ngày, mỗi ngày là 800 đồng. Nếu gia đình lưu lại quá số ngày hoặc quá số người đã quy định trên thì người cán bộ phải tự đài thọ lấy.
Ủy ban hành chính các liên khu, khu có miền núi nghiên cứu chu đáo và dựa theo tinh thần Thông tư này cùng căn cứ vào tình hình địa dư, tình hình hoạt động của cán bộ ở miền núi để quy định địa phương nào là vùng cao, vùng núi và áp dụng các chế độ phụ cấp tạm thời nói trên cho được sát hợp nhằm đãi ngộ được những cán bộ nhân viên hoạt động ở vùng rừng núi có nhiều khó khăn gian khổ, cần hết sức tránh việc áp dụng tràn lan nhất loạt nơi nào cũng như nơi ấy. Sau khi đã quy định cụ thể nơi nào là miền núi, nơi nào là vùng cao cho từng khu để áp dụng chế độ nói trên, Ủy ban các khu báo cáo lên Liên bộ Nội vụ - Tài chính biết để theo dõi.
Thông tư này áp dụng cho cán bộ công nhân viên, kể cả cán bộ kinh và dân tộc trong biên chế từ huyện, châu trở lên hoạt động ở miền núi và bắt đầu thi hành kể từ ngày nhận được Thông tư này không đặt vấn đề truy lĩnh.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH | KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ |
- 1Thông tư 285-TC/VP-1970 quy định chế độ, tiêu chuẩn, chỉ tiêu về hội nghị và tiếp khách do Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư 1100-TC-HCP-TT năm 1956 giải thích và bổ sung chế độ thuốc men, bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên và các con bị đau ốm do Bộ Y Tế- Bộ Tài Chính ban hành
- 3Thông tư 07-NV/CB năm 1958 giải thích Thông tư 43-NV/TTvề chế độ phụ cấp cho cán bộ hoạt động Miền núi do Bộ Nội vụ ban hành
Thông tư 43-NV/TT năm 1957 Quy định chế độ đãi ngộ áp dụng đối với cán bộ hoạt động ở miền núi do Bộ trưởng Bộ Nội vụ- Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành
- Số hiệu: 43-NV/TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 30/11/1957
- Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính
- Người ký: Tô Quang Đẩu, Trịnh Văn Bính
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 3
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra