Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 417-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 09 năm 1957

THÔNG TƯ

BỔ SUNG VỀ VIỆC ĐỀN BÙ TÀI SẢN

Qua việc kiểm điểm tình hình đền bù tài sản ở một số địa phương, Thủ tướng phủ nhận thấy Ủy ban hành chính các cấp nói chung đã nắm được tinh thần nghị quyết của Hội đồng Chính phủ tháng 10/1956 và các thông tư về việc đền bù tài sản, đã cố gắng làm theo đúng phương châm của Đảng và Chính phủ về việc vận động nông dân thương lượng đền bù tài sản cho những người bị quy sai.

Để bảo đảm việc đền bù tài sản được tốt, nay bổ sung một số điểm về chính sách và nhắc các cấp chú ý mấy điểm dưới đây:

1. Cần nắm vững mục đích của việc đền bù tài sản là nhằm:

- Tăng cường đoàn kết nông thôn, chủ yếu là đoàn kết giữa bần cố trung nông.

- Đảm bảo cho những người bị quy sai đủ điều kiện làm ăn, sinh sống.

- Làm cho nông dân lao động (kể cả những người được chia và những người bị quy sai) nhận rõ Đảng và Chính phủ quan tâm đến đời sống của họ, do đó mà củng cố lòng tin tưởng của họ đối với Đảng và Chính phủ, củng cố công nông liên minh.

- Ổn định quyền sở hữu ruộng đất của nông dân lao động, tạo điều kiện phát triển sản xuất.

2. Để đạt mục đích trên, trước hết cần giáo dục cho cán bộ và nhân dân nhận rõ việc đền bù tài sản chủ yếu là dựa vào nông dân lao động thương lượng, bàn bạc trên tinh thần nhân nhượng lẫn nhau giữa người được chia và người bị quy sai, làm cho họ thấy Đảng và Chính phủ rất thông cảm với những khó khăn của người bị quy sai; đồng thời cũng làm cho người được chia và người bị quy sai thấy rõ khó khăn của Nhà nước mà người bị quy sai vui lòng chịu thiệt một phần và người được chia vui lòng bỏ ra một phần, không nên ỷ lại trông chờ Chính phủ đền bù, vì:

- Diện sai lầm về cải cách ruộng đất quá rộng, ngân sách Nhà nước có hạn, nếu đem dùng quá nhiều vào việc đề bù tài sản cho những người bị quy sai thì sẽ không có tiền để xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, cải thiện đời sống cho nhân dân.

- Tài chính của Nhà nước là do các từng lớp nhân dân đóng góp lại, nếu dùng nhiều tiền để đền bù thì các tầng lớp nhân dân khác sẽ có nhiều thắc mắc, suy tị.

- Nếu Nhà nước bỏ ra một số tiền lớn để đền bù thì sẽ gây nhiều khó khăn về kinh tế tài chính, làm cho vật giá không ổn định, ảnh hưởng không tốt đến đời sống của nhân dân.

Vì thế việc đền bù tài sản cho những người bị quy sai phải dựa vào nông dân lao động thương lượng, bàn bạc để giải quyết là chính.

3.Trong khi thực hiện đền bù tài sản, cần nắm vững chủ trương cụ thể dưới đây:

a) Đối với những người là nông dân lao động hoặc phù nông bị quy sai lên địa chủ, cần cố gắng vận động nông dân đền bù cho họ 4 thứ tài sản chính: ruộng đất, nhà cửa, trâu bò, nông cụ, tương đối bảo đảm điều kiện sinh sống và sản xuất của họ.

Ngoài ra đối với những đồ dùng cần thiết trong nhà, như giường phản, nồi niêu, chum vại, nếu người bị quy sai quá thiếu mà người được chia còn giữ và cũng không thật cần lắm, thì vận động những người được chia thương lượng điều chỉnh để đền bù cho họ một phần.

b) Sau khi đã vận động hết khả năng của địa phương để đền bù những thứ tài sản chính thì đối với phần ruộng đất, trâu bò (kể cả bê nghé) còn thiếu của nông dân lao động bị quy sai, Chính phủ sẽ giúp đỡ đền bù bằng cách mua lại những ruộng đất, trâu bò đó và trả dần bằng tiền hoặc hiện vật trong thời gian 5 năm theo giá như sau:

- Giá ruộng đất: bằng một năm sản lượng thường niên.

- Giá trâu bò: theo giá thị trường lúc cải cách ruộng đất.

Song để giảm bớt chi tiêu cho Nhà nước, đối với những trung nông chiếm hữu ruộng đất quá nhiều, hoặc có quá nhiều trâu bò, trong cải cách ruộng đất đã bị quy sai lên địa chủ và đã bị trưng mua, trưng thu tài sản, nay sửa sai ta đã vận động nông dân đền bù một phần ruộng đất, trâu bò, đủ làm ăn sinh sống, phần ruộng đất, trâu bò còn thiếu thì vận động họ chỉ lấy của Chính phủ đền bù tới một mức nhất định.

Người bị quy sai mà mức chiếm hữu ruộng đất quá nhiều là những người có đủ 3 điều quy định dưới đây:

- Mức bình quân chiếm hữu ruộng đất của mỗi nhân khẩu trong gia đình đó gấp đôi mức bình quân chiếm hữu ruộng đất của trung nông trong xã trở lên.

- Tổng số ruộng đất chiếm hữu của gia đình đó là từ 4 mẫu trở lên (ruộng đất chiếm hữu là ruộng đất tư của họ lúc cải cách ruộng đất).

- Sau khi nhân dân đã cố gắng đền bù phần ruộng đất để làm ăn sinh sống rồi, phần còn thiếu của họ từ 2 mẫu 5 sào trở lên.

Nếu người nào chỉ có một hoặc hai điều quy định trên thì cũng không phải là người chiếm hữu ruộng đất quá nhiều.

Đối với một số chiếm hữu ruộng đất quá nhiều như đã quy định ở trên, thì sau khi địa phương đã cố gắng đền bù cho họ tương đối có đủ ruộng đất để làm ăn sinh sống theo như chính sách đã quy định rồi, đối với phần ruộng đất còn thiếu của họ Chính phủ sẽ giúp đỡ đền bù như sau:

- Nếu phần còn thiếu từ 2 mẫu 5 sào trở xuống thì Chính phủ sẽ giúp đỡ đền bù đủ.

- Nếu phần còn thiếu từ 2 mẫu 5 sào đến 5 mẫu thì Chính phủ sẽ giúp đỡ đền bù 2 mẫu 5 sào.

- Nếu phần còn thiếu từ qúa 5 mẫu trở lên thì Chính phủ sẽ giúp đỡ đền bù bằng một nữa số ruộng đất còn thiếu.

Về việc đền bù trâu bò cho những nông dân lao động bị quy sai, nay quy định như sau:

+ Nếu bị thiệt từ 2 con trâu hoặc từ 4 con bò trở xuống thì sau khi nhân dân đã đền bù được một phần rồi, phần trâu bò còn thiếu Chính phủ sẽ giúp đỡ đề bù tất cả phần còn thiếu đó.

+ Nếu bị thiệt từ 3 con trâu đến 5 con trâu, hoặc từ 5 con bò đến 10 con bò thì sau khi nhân dân đã đề bù được một phần rồi, phần còn thiếu Chính phủ sẽ giúp đỡ đền bù thêm cho họ đủ 2 con trâu hoặc 4 con bò (như thế nghĩa là: cộng cả phần nhân dân đền bù với phần Chính phủ giúp đỡ bù thêm, người bị quy sai có 2 trâu hoặc 4 bò).

+ Nếu bị thiệt từ 6 con trâu trở lên hoặc từ 11 con bò trở lên thì sau khi nhân dân đền bù được một phần rồi, phần còn thiếu Chính phủ sẽ giúp đỡ đền bù thêm cho họ có đủ 3 con trâu hoặc 6 con bò (như thế nghĩa là: cộng cả phần nhân dân đã đền bù với phần Chính phủ giúp đỡ bù thêm, người bị quy sai có 3 trâu và 6 bò).

Đối với những gia đình nông dân lao động bị quy sai lên địa chủ hay bị quy oan là phản động mà có người bị chết oan trong giảm tô hay trong cải cách ruộng đất (bị xử bắn oan, bị chết trong trại cải tạo, hoặc trong khi bị giam giữ) và đối với những gia đình liệt sĩ, thì dù thuộc loại chiếm hữu quá nhiều ruộng đất, trâu bò như đã quy định trên đây, cũng không vận động những gia đình đó chỉ nhận đền bù một phần ruộng đất, trâu bò. Ngoài ra đối với những gia đình có công với cách mạng và kháng chiến, bị quy sai thuộc loại chiếm hữu quá nhiều, nếu hiện nay sinh hoạt khá, thì có thể vận động chỉ nhận đền bù một phần ruộng đất, trâu bò.

Chủ trương đền bù về ruộng đất và trâu bò nói trên chỉ áp dụng ở những vùng đã cải cách ruộng đất ở miền xuôi, còn đối vời những vùng miền núi mới qua giảm tô, thì sẽ có chủ trương sau.

c) Đối với những người là nông dân lao động, là thợ thủ công hoặc nhân dân lao động khác, trong giảm tô hay cải cách ruộng đất rõ ràng bị quy sai là phản động, hoặc bị nghi oan là giữ quỹ phản động, do đó đã bị tịch thu, trưng thu ruộng đất, trâu bò, hoặc tuy không bị tịch thu, trưng thu tài sản đó, nhưng vì bị truy quỹ phản động mà phải bán ruộng đất, trâu bò để nộp quỹ đó cho nông dân, nay cần vận động nông dân đền bù cho họ về ruộng đất, trâu bò như những người bị quy sai thành phần. Phần ruộng đất, trâu bò còn thiếu, nông dân không thể đền bù được thì Chính phủ sẽ giúp đỡ đền bù như những người nông dân lao động bị quy sai thành phần.

d) Đối với phú nông bị quy sai lên địa chủ, sau khi đã vận động nông dân thương lượng đền bù cho họ một phần thuộc về 4 thứ tài sản chính để làm ăn sinh sống, phần ruộng đất, trâu bò còn thiếu thì vận động họ hiến.

Thông tư này chỉ mới phổ biến đến cán bộ xã, còn việc phổ biến và tuyên truyền rộng rãi ra ngoài nhân dân sẽ có kế hoạch hướng dẫn sau.

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG





Phan Kế Toại

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 417-TTg năm 1957 bổ sung việc đền bù tài sản do Phủ Thủ Tướng ban hành

  • Số hiệu: 417-TTg
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/09/1957
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phan Kế Toại
  • Ngày công báo: 25/09/1957
  • Số công báo: Số 39
  • Ngày hiệu lực: 26/09/1957
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản