Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41-BTC/ĐT

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 1991

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 41-BTC/ĐT NGÀY 17-7-1991 HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN KHẤU HAO CƠ BẢN ĐỂ LẠI XÍ NGHIỆP CHO ĐẦU TƯ XDCB

Căn cứ Điều lệ quản lý xây dựng cơ bản ban hành kèm theo Nghị định số 385/HĐBT ngày 7-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng về việc quản lý các nguồn đầu tư XDCB của Nhà nước.
Sau khi thoả thuận với các ngành liên quan; Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn khấu hao cơ bản để lại xí nghiệp sử dụng cho đầu tư XDCB trong kế hoạch Nhà nước như sau:

I- NGUYÊN TẮC CHUNG

-Vốn KHCB để lại ngành và xí nghiệp sử dụng cho đầu tư XDCB trong kế hoạch Nhà nước được quản lý thống nhất theo điều lệ quản lý XDCB ban hành kèm theo Nghị định số 385/HĐBT ngày 7-11-1990 của Hội đồng Bộ trưởng và các thông tư hướng dẫn của các cơ quan chức năng Nhà nước.

- Các công trình XDCB được sử dụng nguồn vốn KHCB để đầu tư phải được ghi vào kế hoạch Nhà nước do cấp có thẩm quyền phê duyệt, trước hết ưu tiên cho các công trình quan trọng của ngành, công trình có hiệu quả kinh tế cao, phát huy ngay trong năm kế hoạch và phải có đầy đủ các thủ tục đầu tư và xây dựng theo chế độ quản lý đầu tư XDCB hiện hành của Nhà nước.

-Vốn KHCB Nhà nước để lại xí nghiệp được hình thành từ nguồn trích KHCB của những TSCĐ (thuộc nguồn vốn đầu tư của ngân sách) sử dụng trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của xí nghiệp theo tỷ lệ do Bộ Tài chính quy định.

-Vốn KHCB để lại xí nghiệp (theo nội dung trên) chỉ được sử dụng đầu tư XDCB các công trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của đơn vị, theo các loại sau đây:

Công trình xây dựng mới.

Cải tạo, mở rộng.

Đổi mới thiết bị công nghệ.

ứng dụng thiết bị kỹ thuật, công nghệ mới.

- Chủ đầu tư, cơ quan chủ quản đầu tư chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc sử dụng vốn KHCB để lại xí nghiệp cho đầu tư XDCB đúng mục đích, các công trình ghi trong kế hoạch Nhà nước hàng năm, có hiệu quả và chấp hành nghiêm chỉnh chế độ quản lý đầu tư XDCB của Nhà nước.

II. CÔNG TÁC KẾ HOẠCH HOÁ VĐT BẰNG NGUỒN VỐN KHCB ĐỂ LẠI XÍ NGHIỆP

- Căn cứ vào mục tiêu, chủ trương, cơ cấu đầu tư của Nhà nước xác định cho các Bộ, ngành và địa phương và trên cơ sở luận chứng kinh tế kỹ thuật (hoặc báo cáo KHKT), thiết kế, dự toán của công trình (hoặc hạng mục công trình) được cấp có thẩm quyền phê duyệt và nguồn vốn KHCB được để lại ngành, xí nghiệp; chủ đầu tư bố trí kế hoạch đầu tư năm kế hoạch cho các công trình gửi cơ quan chủ quản đầu tư (XN Trung ương quản lý gửi Bộ chủ quản; XN địa phương quản lý gửi UBKHNN và Sở Tài chính tỉnh, thành phố)

- Trường hợp các đơn vị có nguồn vốn KHCB để lại ngành, xí nghiệp theo chế độ quy định mà chưa có nhu cầu sử dụng hoặc chưa sử dụng hết, thì cơ quan chủ quản cấp trên (sau khi thoả thuận với Giám đốc xí nghiệp và cơ quan tài chính cùng cấp) báo cáo cơ quan chủ quản đầu tư để điều động, bố trí kế hoạch đầu tư cho đơn vị khác có công trình trọng điểm, quan trọng, có nhu cầu vốn đầu tư lớn. Khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng tính khấu hao hoàn lại để bố trí kế hoạch đầu tư cho đơn vị đã điều động vốn trước đây.

- Cơ quan chủ quản đầu tư, Bộ chủ quản, UBND tỉnh, thành phố (UBKHNN tỉnh cùng thống nhất với sở tài chính) kiểm tra tổng hợp, sắp xếp bố trí danh mục công trình của Bộ, ngành, địa phương gửi UBKHNN và Bộ Tài chính để cùng thống nhất trình HĐBT phê duyệt.

- Bộ tài chính cùng với UBKHNN làm việc trực tiếp các Bộ, ngành trung ương và UBNN tỉnh, thành phố (UBKHNN và Sở Tài chính) để thống nhất tổng mức vốn, mục tiêu, danh mục công trình cụ thể được đầu tư bằng nguồn vốn KHCB để lại XN trước khi trình HĐBT phê duyệt kế hoạch.

- Kế hoạch đầu tư XDCB của các công trình đầu tư bằng nguồn vốn KHCB để lại XN , sau khi được Nhà nước duyệt và giao kế hoạch, chủ quản đầu tư phải đăng ký với cơ quan tài chính và ngân hàng đầu tư phát triển (công trình các Bộ Trung ương quản lý đăng ký với Bộ Tài chính và ngân hàng đầu tư phát triển Trung ương; công trình địa phương quản lý đăng ký với Sở Tài chính và Chi nhánh NHĐTPT địa phương) để theo dõi thực hiện.

- Cơ quan chủ đầu tư, Bộ chủ quản đối với các công trình Trung ương, UBNN tỉnh, thành phố (UBKHNN, Sở Tài chính) có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng đầu tư phát triển và các cơ quan tài chính cùng cấp chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư XDCB đối với các công trình được đầu tư bằng vốn KHCB để laị ngành, xí nghiệp theo kế hoạch được duyệt và đúng chế độ quản lý XDCB hiện hành của Nhà nước.

III. CÔNG TÁC QUẢN LÝ, THANH QUYẾT TOÁN VỐN KHCB ĐỂ LẠI XN SỬ DỤNG CHO ĐẦU TƯ XDCB

-Vốn KHCB được trích lập theo chế độ hiện hành do Bộ Tài chính quy định. Phần vốn KHCB để lại xí nghiệp cho đầu tư XDCB, các đơn vị chủ đầu tư phải gửi vào ngân hàng ĐTPT cơ sở – nơi đơn vị đóng trụ sở. Khi có khối lượng XDCB hoàn thành, được cấp vốn thanh toán theo chế độ do Bộ Tài chính quy định, chủ đầu tư làm thủ tục xin rút tiền tại ngân hàng ĐTPT để chi thanh toán cho đơn vị nhận thầu.

- Vốn KHCB gửi tại ngân hàng ĐTPT được hưởng lãi suất do Nhà nước quy định. Trong trường hợp vốn KHCB trích chưa đủ nhưng đã có khối lượng hoàn thành trong phạm vi kế hoạch đã dược duyệt và đăng ký với ngân hàng ĐTPT thì ngân hàng ĐTPT có thể xem xét cho vay theo khả năng nguồn vốn của ngân hàng. Khi đơn vị chủ đầu tư trích được vốn KHCB phải hoàn trả lại ngân hàng theo quy định.

- Hàng tháng, quý các chủ đầu tư phải báo cáo tình hình sử dụng vốn KHCB cho cơ quan chủ quản đầu tư (các đơn vị do Trung ương quản lý báo cáo Bộ chủ quản; các đơn vị do địa phương quản lý báo cáo Sở Tài chính tỉnh, thành phố). Cơ quan chủ quản đầu tư tổng hợp tình hình sử dụng vốn KHCB hàng tháng, quý (công trình Trung ương do Bộ chủ quản tổng hợp; công trình địa phương do Sở Tài chính tổng hợp) gửi Bộ Tài chính.

- Sau khi kết thúc năm kế hoạch, các chủ đầu tư tự quyết toán tình hình sử dụng vốn KHCB gửi cho cơ quan chủ quản đầu tư (công trình Trung ương báo cáo Bộ chủ quản, công trình địa phương báo cáo Sở Tài chính). Cơ quan chủ quản đầu tư (Bộ chủ quản đối với công trình Trung ương; Sở Tài chính đối với công trình địa phương) có trách nhiệm xét duyệt quyết toán tình hình sử dụng vốn KHCB trong năm và gửi về Bộ Tài chính.

- Khi công trình hoàn thành đưa vào sản xuất-sử dụng, chủ đầu tư chịu trách nhiệm quyết toán toàn bộ tình hình sử dụng vốn đầu tư cho công trình, gửi cơ quan chủ quản đầu tư (Bộ chủ quản đối với công trình do Trung ương quản lý; Sở Tài chính đối với công trình do địa phương quản lý) xét duyệt. Cơ quan chủ quản đầu tư tổng hợp gửi Bộ Tài chính theo chế độ quy định.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-1991. Các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương cần có biện pháp tổ chức chỉ đạo các đơn vị cơ sở thực hiện. Trong quá trình thực hiện, có khó khăn vướng mắc, cần phản ánh về Bộ Tài chính kịp thời giải quyết.

Lý Tài Luận

(Đã Ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 41-BTC/ĐT năm 1991 hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn khấu hao cơ bản để lại xí nghiệp cho đầu tư XDCB do Bộ tài chính ban hành

  • Số hiệu: 41-BTC/ĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 17/07/1991
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Lý Tài Luận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1990
  • Ngày hết hiệu lực: 16/10/1999
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản